Bàn chuyện “đồng hương”, trước hết xin được “thành khẩn” kê khai quê quán để… làm tin! Tôi sinh ra ở Huế, nhưng quê Hà Tĩnh; còn vợ quê ở Quảng Bình, gia đình nay thành dân “ngụ cư” tại thành phố Huế.
Từ xưa, dân “ngụ cư” thường bị coi khinh, bị lép vế, nay mọi người dân trên đất nước mình bình đẳng về nhiều phương diện, nên từ “ngụ cư” ít người dùng, hoặc chỉ dùng khi nói vui, khi muốn tỏ ra nhún nhường. Hơn nữa, ở một đất nước trải qua nhiều năm ly tán vì chiến tranh, rồi những cuộc di dân có tổ chức hoặc tự phát đến các vùng đất mới dễ làm ăn hơn, đã khiến số người sống xa quê hương ngày một nhiều và dần trở thành một hiện tượng xã hội bình thường. Đại thể là vậy, nhưng cũng có nơi có lúc, “óc địa phương” nổi lên, một số người không có điều kiện sinh sống tại quê hương mình rất ngại công khai quê quán và mặc nhiên coi đó là điểm yếu để tránh sự kỳ thị.

Ảnh minh họa.
Cũng có địa phương - nhất là vào thời kỳ đang có những cuộc đấu tranh “phe phái” - rất ngại các hội “đồng hương” hoạt động, sợ rằng lại thêm một “phe phái” mới! Đó chỉ là những trường hợp cá biệt, hầu như đã thành chuyện quá khứ vì nó trái với đạo lý và truyền thống đoàn kết của dân tộc ta.
Đến nay thì rất nhiều địa phương, các “hội đồng hương” đã hình thành và hoạt động có hiệu quả. Do đặc điểm lịch sử, địa lý và điều kiện phát triển kinh tế, nên các thành phố phía Nam thường có “đồng hương” các tỉnh miền Trung và phía Bắc. Riêng thủ đô Hà Nội lại có nhiều “đồng hương” các tỉnh miền Trung.
Tôi là kẻ “một chốn đôi quê”, có buổi, đầu giờ họp đồng hương Nghệ Tĩnh, cuối buổi đến hội đồng hương Quảng Bình với tư cách là chàng rể, lại có dịp đi dự họp đồng hương Huế tại TP. Hồ Chí Minh, nên cũng lượm lặt được đôi điều để bàn luận nhân ngày Tết cho vui.
Trong xã hội, có lẽ không có tổ chức nào thiên hình vạn trạng, điều lệ quy chế lỏng lẻo mà lại có sức kết dính như hội “đồng hương”; cũng không có tổ chức nào mà “ban lãnh đạo” ít quyền lợi, dễ bầu chọn và dễ cho thôi chức như hội “đồng hương”! Nó lỏng lẻo đến mức nhiều nơi không gọi là “hội” để khỏi vướng vào quy định hành chính và những người “cầm đầu” gọi là “ban liên lạc”. “Đồng hương” là tổ chức không kinh doanh, không có cơ sở vật chất, nên để có điều kiện hoạt động tối thiểu, “ban liên lạc” thường gồm những cán bộ có mối quan hệ rộng - tốt nhất là các thủ trưởng đương chức, hoặc là các vị tuy đã về hưu nhưng từng giữ trọng trách ở địa phương.
Hầu hết các nơi, “đồng hương” tổ chức theo tỉnh và chỉ được thành lập ở thành phố, thị trấn. Không mấy địa phương nắm chắc được con số “đồng hương” trong vùng, nhưng cũng có nơi cử “tiểu ban liên lạc” từ 2 đến 3 người phụ trách từng xã, phường, quận, nhờ đó nắm danh sách đầy đủ, kịp thời phát hiện các gia đình có việc tang, ốm đau hay tai nạn để thăm viếng. Nhằm vào tính hiệu quả, gọn nhẹ nên gần đây, khuynh hướng tổ chức “đồng hương huyện” và cả “đồng hương xã” đang phát triển.
Đặc biệt, có nơi, mươi - mười lăm gia đình đồng hương ở tương đối gần nhau, hiểu biết nhau đã tự nguyện liên kết thành nhóm “Trăng Rằm”. Tên gọi tự nhiên hình thành do họ giao ước hàng tháng gặp nhau “vui vẻ” vào ngày rằm Âm lịch, luân phiên tổ chức từ gia đình này đến gia đình khác. Thực ra, mục đích chính của nhóm là tạo điều kiện tương trợ, hợp tác. Anh A. có con cần việc làm, mỗi người trong nhóm đều có trách nhiệm tìm giúp; chị B. chuẩn bị xây nhà, người có tiền cho vay tiền, người có xe chở ủng hộ vài xe cát sạn…
Phương thức hoạt động phổ biến nhất là tổ chức cuộc gặp gỡ đầu Xuân - thường là vào ngày chủ nhật trong quãng từ mồng 4 đến mồng 8 Tết. Lúc này, việc nhà đã vãn, công việc cơ quan chỉ mới khởi động và mứt bánh còn sẵn. Hướng về tổ tiên và quê hương là tình cảm thiêng liêng của người ly hương.
Ngày Tết, vào lúc đất trời giao mùa, con người thêm tuổi, lòng càng nhớ đến quê hương. Những cuộc họp đồng hương thỏa mãn tình cảm đó. Có nhiều cách tổ chức cuộc họp. Mức độ vui thú, sinh động, hữu ích tùy theo sáng kiến của “ban liên lạc” nhiều hay ít.
Đơn giản nhất là kiểu ông trưởng ban thông báo tình hình quê nhà năm qua, phó ban tóm tắt những “sự kiện” nổi bật của “đồng hương” (ai lập được thành tích gì, ai chết…) và ”công khai tài chính”; không ai “ý kiến” gì thì đến “mục” quyên góp để chi dùng cho tài khóa năm sau rồi giải tán. Kiểu họp này dễ gây nhàm chán, nhất là khi các diễn giả báo cáo dông dài.
Cũng có thể tổ chức cuộc họp sinh động hơn: rút gọn phần “báo cáo” và tốt nhất là mời được đại diện từ quê hương đến kể chuyện; dành nhiều thời gian cho các sinh hoạt văn hóa: biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”, giới thiệu và bán sách báo, văn hóa phẩm của quê hương (ít ra là những tờ báo Xuân); nếu có điều kiện thì bán các món ăn đậm đà phong vị quê hương.
Ví như cuộc gặp gỡ đồng hương Thừa Thiên - Huế mà có các quán bán bún bò, bánh bèo, bánh lá chả tôm… thì sẽ thú vị hơn; hoặc như đồng hương Nghệ Tĩnh gặp nhau trò chuyện có đĩa kẹo lạc “Cu Đơ” và bát nước chè xanh thì hẳn đậm đà hơn… Làm được như thế, cuộc họp đồng hương trở thành một sinh hoạt văn hóa thú vị, bổ ích và có sức hấp dẫn không chỉ với người đồng hương. Một số “đồng hương” được các nhà doanh nghiệp tài trợ hoặc quỹ quyên góp lớn đã tổ chức tặng thưởng cho con em có thành tích trong học tập, thể thao, văn nghệ xuất sắc trong cuộc họp đầu Xuân cũng là việc làm rất có ý nghĩa.

Buổi ra mắt của Hội đồng hương Hải Dương tại CH Séc.
Nguồn: haiduong.cz.
Dù với phương thức tổ chức như thế nào, “đồng hương” cũng là nơi những người con sống xa quê có dịp gặp gỡ, kết thân, bày tỏ nỗi niềm cho vơi bớt lòng nhớ quê hương. Có khi chỉ cần nghe giọng nói quê hương “nguyên thổ” là đã vui, đã xúc động đến run người rồi!
Người có tuổi thích những sinh hoạt đồng hương đã đành, lớp trẻ cũng có người tìm đến “đồng hương” với cảm xúc khá thú vị. Đó là những cô dâu, chú rể không cùng quê, lần đầu ra mắt bạn bè, người thân bên chồng hoặc bên vợ với chút e ngại và rất nhiều tò mò… “Đồng hương” như vậy không còn “nguyên chất”; điều này chỉ có tốt hơn về sinh học, lai giống càng khác biệt, giống nòi càng lớn mạnh và thông minh! Đó là chưa nói đến cuộc sống thêm phong phú nhờ “hội nhập” nhiều nguồn văn hóa.
Chuyện đồng hương bất tận mà hầu như chỉ có chuyện vui. Quê hương là chùm khế ngọt mà! Không được trèo hái mỗi ngày thì ba bữa Tết tha hồ… Bạn không tin cứ đến các cuộc họp đồng hương mà coi!