Đã là người dân Việt Nam, hẳn ai cũng sẽ tâm đắc hoặc chí ít là không thể phản bác khi đọc bài Nên “phanh” cái đà dùng từ Mỹ khi nói và viết tiếng Việt đăng trên Hồn Việt số tháng 6/2011 của tác giả Quảng Thanh. Và nếu nghĩ đến lời ông chủ bút báo Nam Phong từ gần trăm năm trước “Tiếng ta còn, nước ta còn”, sẽ không khỏi chạnh lòng bởi đang có dấu hiệu cho thấy tiếng Việt rất dễ bị lung lay do những ai đó đang “tự nguyện làm nô lệ cho người” (*).
Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng con cháu chê tiếng nói, chữ viết của cha ông ngay chính trên quê hương mình, không nhất thiết phải chờ sự “ra tay” của các giới chức có thẩm quyền của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Giáo dục - Đào tạo…
Thiết nghĩ, biện pháp không tốn kém mà đạt hiệu quả lâu dài là những người làm công tác báo chí (bao gồm cả báo in, báo nói, báo hình, báo mạng) thay vì chạy theo chiều chuộng, cổ súy hoặc đồng lõa với các “ông Tây An Nam”, hãy đi đầu trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và triệt để thực hiện lời Bác dạy “Viết sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được” cũng như “Cái gì tiếng ta có thì không dùng tiếng nước ngoài”. Vả lại, nếu không thực hiện điều đó thì chính bản thân những người làm báo đã vô tình đứng ngoài cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Một câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta luôn nói “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhưng kết quả lại thua xa các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… là những nơi tiếp xúc với văn hóa Mỹ sớm hơn ta khá lâu. Phải chăng do chúng ta chỉ quen đề ra đường lối chủ trương mà không có biện pháp thiết thực, cụ thể? Và phải chăng còn lo tập trung giải quyết những vấn đề to tát nên đã coi việc “loạn xà ngầu sành điệu” chỉ là chuyện nhỏ rồi lần lữa bỏ qua?
Tiếng nói và chữ viết là linh hồn của một dân tộc nhưng tiếc thay, ở ta, nó cũng bị liệt vào loại “bụt chùa nhà không thiêng”. Còn nhớ, trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Mát-xcơ-va 1980, những tấm biển ghi tên các quốc gia tham dự chỉ được thể hiện bằng ngôn ngữ nước chủ nhà – nghĩa là viết bằng tiếng Nga.

Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn.
Tại Olympic Bắc Kinh 2008, những tấm biển tương tự được viết bằng chữ Trung Quốc và phía dưới có thêm phần tiếng Anh nhỏ hơn. Thế nhưng, trong lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (PIG.III) tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) năm 2009, tên của 43 đoàn của các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự lại chỉ được viết bằng tiếng Anh! Cũng may là Ban tổ chức còn biết giới thiệu tên các đoàn theo cách gọi của người Việt như “Mông Cổ”, “Các tiểu vương quốc A Rập thống nhất”…
Phải chăng do bị ràng buộc bởi những quy ước hay thỏa thuận nào đó mà chúng ta phải bỏ lỡ những “cơ hội vàng” để tôn vinh tiếng nói và chữ viết của đất nước mình. Nhưng về mặt xã giao, ít ra chủ nhà cũng phải biết được khách là ai, đến để làm gì; vậy mà nhiều sự kiện quốc tế diễn ra ở nước ta, người dân xem qua truyền hình chỉ thấy toàn “chữ Tây”, cứ như là ta chỉ cho họ… thuê hội trường nên không được đưa chữ quốc ngữ vào trong đó (!). Hay là do “khách Tây” không biết “nhập gia tùy tục”?
Như mọi người đều biết, nước ta là một trong những quốc gia có tiếng nói và chữ viết riêng đủ để giảng dạy ở cả bậc đại học. Đâu phải ngẫu nhiên mà ngày càng có nhiều người nước ngoài - kể cả các nước phát triển “hậu công nghiệp” - theo học tiếng Việt. Đây là điều không phải quốc gia hay dân tộc nào cũng có.
Chắc chắn là không ai ca ngợi trình độ ngoại ngữ của một người vì số “tiếng Tây” được cài cắm loạn xạ trong lúc nói lúc viết của người đó. Còn nếu như đã lạnh nhạt với tiếng mẹ đẻ và coi thường chữ quốc ngữ thì đừng nói đến chuyện yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
Bài liên quan: