Có lần, trong một cuộc trò chuyện giữa anh và tôi qua điện thoại, thường là hàng tiếng đồng hồ, đủ thứ chuyện trên đời, chẳng hiểu vì sao chúng tôi lại lạc vào Nguyễn Gia Thiều và Cung oán ngâm khúc. Đó là nhà văn trữ tình – triết học về nhân thế hay và lớn của văn học nước ta. Anh Nguyễn Khải đề nghị tôi tổ chức một cuộc hội thảo về Nguyễn Gia Thiều, và nếu cần, anh sẽ tài trợ. Tôi đoán chừng anh là hậu duệ của Nguyễn Gia Thiều chăng? Cái gène văn chương triết luận của anh có phải là sự kế thừa từ ông cụ tổ?
Con người nho nhã, có dáng của các "cụ đạo", thế mà lại ham triết luận. Anh là người hay cả nghĩ, lo toan, hay "hiếu sự", "gây sự" trong văn chương (trong đời thì có vẻ dút dát, cho qua để được yên thân). Nhất là từ sau 1975, nhiều tác phẩm của anh rất giàu tính triết luận.
Nhà văn viết là viết tư tưởng, suy tưởng của mình về cuộc sống. Mà cuộc sống của ta thì bề bộn bao nhiêu vấn đề. Từ chiến tranh sang hòa bình, chọn đường đi thế nào, người thành thị trí thức ở miền Nam nghĩ gì, làm gì trước biến cố lịch sử ghê gớm ấy...
Từ những sai lầm ấu trĩ về kinh tế tập trung – bao cấp chuyển qua kinh tế thị trường, mà vẫn kiên trì định hướng của xã hội chủ nghĩa, "tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về" (Kinh Thi), có biết bao vấn đề tranh cãi, chọn lựa, nhận thức lại... Bên cạnh tính triết luận của tác phẩm, là tính đối thoại.
Trong các nhà văn sau 1945 cách mạng – kháng chiến – chủ nghĩa xã hội, Nguyễn Khải có lẽ là người duy nhất thực hiện được thành công tính đối thoại của tiểu thuyết hiện đại. Trong khi các nhà văn khác viết theo tuyến tính liền một mạch, thì Nguyễn Khải quanh co, khuất khúc hơn.
Các nhà văn khác ổn định hơn, cái nhìn, cách nhìn trong văn xuôi, định hình bởi những chân lý tuyệt đối, thì Nguyễn Khải có vẻ tương đối luận, và do đó dễ di chuyển điểm nhìn để có một sự tiếp cận đa dạng, nhiều chiều hơn với đối tượng miêu tả.
Trong khi vẫn là một nhà văn cách mạng (đi cách mạng từ 13 tuổi, qua bao chặng đường phức tạp, chông gai, phong phú của cuộc sống... mà lên đến bậc "thượng thừa" của văn chương cách mạng), Nguyễn Khải tỏ ra "sắc mắt" nghĩ ngợi, băn khoăn, hoài nghi, dày vò mình vì "những điều trông thấy" quá đỗi phức tạp, và thế là ông để nhân vật đối thoại với nhau, đối thoại với chính mình, nhân vật và tác giả không đồng nhất, mà nó được "khách quan hóa", được "gián cách" và đôi khi lạnh lùng, "tàn nhẫn" một chút để nói lên sự thật.
Đối với nhà văn, thì sự thật là không khí. Vấn đề là cái nhìn, điểm nhìn. Nguyễn Khải có thể "lúc thế này, lúc thế kia" là vì phải đuổi theo cái sự thật luôn luôn biến đổi đến chóng mặt đó. Nhưng ông là người biết nghĩ và nghĩ đúng – Trong khi có người mệt mỏi và muốn phủ định cả cái chính nghĩa, cần thiết... của cuộc chiến tranh giành độc lập, cho là nó hao xương tốn máu vô ích, thì Nguyễn Khải – không phải vì hàm Đại tá quân đội – vẫn khẳng định tính tất yếu của cuộc chiến tranh ấy, bằng tác phẩm và bằng phát biểu.
Trong cuộc mạn đàm sau khi bỏ phiếu trao giải thưởng Văn học TP. Hồ Chí Minh 2006, hội đồng ngồi lại với nhau, ông nói về cuộc chiến đấu ấy rồi dẫn lời của Tổng Bí thư Lê Duẩn nói với cán bộ quân đội: "Đảng ta đang phải đối mặt với những quyết định hết sức hệ trọng có quan hệ tới sự tồn vong của dân tộc, của quốc gia. Trung ương rất lo lắng và muốn các đồng chí cùng chia sẻ những lo lắng cùng Trung ương". Câu nói một đời ông ghi nhớ! Cũng ít có nhà văn yêu kính Bác Hồ, suy tưởng về Bác nhiều như Nguyễn Khải. Tôi hiểu nhà văn hơn trong câu chuyện ấy.
Kịch Cách mạng, tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm là những suy tưởng của ông về buổi đầu của sự kết thúc chiến tranh 30 năm. Ông chọn tầng lớp trí thức – quan chức cao cấp để tiến hành đối thoại... Cuộc đối thoại dài xoay quanh chủ đề về cái kết thúc chiến thắng và những biến động, tâm trạng, phân hóa của họ... Tôi có cảm giác sự dồn nén, u uất, mâu thuẫn khắc nghiệt, lời qua tiếng lại chan chát... trong kịch Cách mạng, cái không khí nặng nề, cái sự tự mổ xẻ, tự phân thân đầy tính kịch ấy có cái gì như trong kịch Ba chị em của văn hào Nga Anton Chekhov (ở đây tình cờ cũng là ba chị em). Nguyễn Khải đã khai sinh một thể loại mới, thể loại kịch tâm lý – chính luận trong văn chương Việt Nam.
Trong những tác phẩm như thế, Nguyễn Khải luôn có mặt, luôn tự phác họa chân dung chính trị – đạo đức của mình, nhưng tác giả ẩn kín, không ra mặt. Đó cũng là một thủ pháp. Nguyễn Khải cũng đã để cho Biên, một sĩ quan quân đội Sài Gòn, một người thấu hiểu cái kiếp nô lệ của đời lính cho ông chủ Mỹ, nói lên thật dữ dội, chọi lại cái "cơ hội chính trị" của bà Hoàng, một nhân vật quý phái, đỏng đảnh, mãnh liệt đòi "treo cổ cộng sản lên các cột đèn", người luôn bảo vệ những giềng mối cũ: "Chúng ta đâu phải là những chính nhân quân tử? Chỉ cần cái mạng sống của riêng mình là chúng ta sẵn sàng phản bội, phản bội mọi người và phản bội chính mình. Chỉ cần mỗi chúng ta có một chút xíu tự do là có thể bán đứt tự do của những người khác, của hàng triệu người khác. Cái tính ích kỷ của chúng ta đã trở thành tội lỗi mất rồi..." (Nguyễn Khải, Ký sự và kịch, tr. 412-413).
Chủ đề "phản bội" cũng là một chủ đề của văn học đương đại, bởi lẽ ngày nay nói như nhà văn Nga Raxputin, có người đang nâng những cung bậc khác nhau của sự phản bội lên thành giá trị. Nhưng chính Nguyễn Khải cũng lại là người hết lòng hòa giải, hòa hợp: ông đến với người khác mình bằng tấm lòng thành, và ông là bậc thầy của sự hòa giải.
Nguyễn Khải đã tìm ra cho mình một ngôn ngữ tiểu thuyết của riêng mình. Trong văn chương Việt Nam sau Nam Cao và Vũ Trọng Phụng (nhất là Số đỏ), thì Nguyễn Khải là người khám phá ra được đặc trưng ngôn ngữ mang tính tiểu thuyết hiện đại. Tính đối thoại đã được thực hiện trong tác phẩm Nguyễn Khải trên nhiều cấp độ: cấp độ xã hội, giữa chính – tà, ta – địch (trong Gặp gỡ cuối năm) cấp độ cá nhân và cá nhân, cấp độ tác giả và nhân vật, tôn giáo và phi tôn giáo (Cha và con và...), cấp độ siêu hình học (con người và không gian, thời gian trong Cõi nhân gian bé tí).
Chất đối thoại, suồng sã, giễu nhại ngay chính bản thân mình – làm cho tác phẩm nhạt đi chất "quyền uy" của một số tác giả viết nhân danh lịch sử, tư tưởng... Nguyễn Khải vẫn không thôi là một "cán bộ chính trị quân đội", vẫn mang "chất tuyên giáo"... nhưng có điều là ông biết đan xen nó với ngôn ngữ tự vấn, với ngôn ngữ đời thường, thông tục; chất trào tiếu dân gian, chất hoài nghi triết học trộn vào nhau. Nên nó mở ra qua những trùng trùng chi tiết cuộc sống vốn rất giàu có ở Nguyễn Khải một bút pháp hiện đại, mang được chiều sâu nghệ thuật, khác với nhiều tác giả đương đại cùng lứa, cùng thời. Đó là chỗ mạnh của ông.
Thế còn chỗ yếu? Nói đi cũng nên nói lại. Ông không phải là "vô địch"... Ông đuổi theo thời sự, nóng, hấp dẫn vô cùng, nhưng "chất báo chí, chất thông tấn" (như có người nói) đôi khi lấn át chất nhân văn vĩnh cửu, đáy sâu xao động lòng người bền lâu của văn chương. Cả đời ông đi, nghe nhìn, quan sát... nhanh nhạy, lý giải thông minh; nhưng ít chất nghệ sĩ bẩm sinh, như ông có lần tự thú nhận.
So với Nguyễn Đình Thi, ông không thể đọ được chất trữ tình sâu lắng, chất triết luận tinh tế trong kịch và thơ, nhưng có lẽ hơn Nguyễn Đình Thi cái gai góc, xù xì của truyện. So với Nguyễn Minh Châu, ông ít xao xác hơn, mặc dù ông "tung hoành" hơn...
Có gì cần nói thêm về Nguyễn Khải? Ông là một con người, một nhân vật của thời đại chúng ta với tất cả mặt mạnh, mặt yếu của nó. Nguyễn Khải là người tinh khôn, không dễ bị lôi kéo (ông "lôi kéo người khác thì có!"). Nói về sự khác biệt giữa chính trị – chính quyền – chính chức và văn nghệ, ông nói rất hay ở nhiều nơi vì ông đã thể nghiệm mối quan hệ này suốt cả một đời. Nhưng có suy nghĩ này về văn học, hồi ông làm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn, nhân xảy ra "sự cố" báo Văn Nghệ, ông viết thật hay:
"Tôi không thích một lần nữa Hội Nhà văn và lãnh vực văn nghệ lại trở thành một trận địa quyết chiến của mấy ông tranh bá đồ vương. Tôi không nói vu đâu, cái sự chửi bới, bôi nhọ, vu khống tất cả những ai dám nói ngược, viết ngược; đe dọa ra mặt hoặc bắn tin đe dọa bất cứ ai tỏ vẻ lạnh nhạt, hoài nghi, cái sự tàn sát tận diệt, gây một không khí căng thẳng, hung bạo ấy sặc mùi chính trị. Cứ bảo văn nghệ và chính trị phải chia ra, không được nhập làm một, chúng ta chỉ làm có văn nghệ thôi, nói thế tức là chính trị lắm đấy, chính trị từ gót chân đến đỉnh đầu, vì những người hò hét phải xua đuổi chính trị ra khỏi văn nghệ lại rất thích nắm quyền, rất thích quyền lực, nói ra miệng chứ không phải nghĩ thầm, mà quyền lực là mục tiêu cao nhất của chính trị rồi. Rõ thật cái vòng luẩn quẩn... Một lần nữa, với mấy anh muốn mượn Hội Nhà văn để xây mộng công hầu, tôi xin có lời kêu gọi khẩn thiết: "Hãy buông tha chúng tôi, đừng xúi giục anh em chúng tôi đánh lẫn nhau, đừng quấy nhiễu chúng tôi, đừng lợi dụng chúng tôi!" (trích thư đề ngày 1-9-1988 gởi Ban Chấp hành Hội Nhà văn).
Như thế là quyết liệt, rạch ròi lắm đấy chứ, đâu phải "tay mơ"! Chân đế của giàn khoan văn chương Nguyễn Khải vẫn là và bao giờ cũng là chính trị – xã hội với những suy tư đích thực của một văn nghệ sĩ.
Tôi tin rằng người đọc, người nghiên cứu vẫn sẽ còn quay lại với Nguyễn Khải để tìm hiểu, tranh luận vì những đặc tính của tác phẩm ông.
*
Lời chú của người viết khi in lại:
Khoảng một tuần trước khi nhà văn Nguyễn Khải mất, tôi có vào bệnh viện Thống Nhất thăm anh. Dù sao anh em cũng quen biết đã lâu, và tuy có khác biệt (dĩ nhiên), nói chuyện với anh rất vui. Hôm đó anh lại kể chuyện ở "Quốc Hội"; điều mà anh đã viết trong "Thượng đế thì cười". Theo con mắt soi mói của người viết truyện như anh, thì ở đó có lắm chuyện!. Cũng dễ hiểu thôi. Thời "thị trường" mà! Chen vào giữa câu chuyện kể khá say sưa về tay chủ nhiệm HTX Bình Đà (bán pháo), về cô đại biểu doanh nghiệp con một vị tướng ký được khối hợp đồng giờ giải lao, hình như linh cảm về sức khỏe mình thế nào, anh bảo tôi: "Mà này, mình rất thích cái bài ông viết về Cao Xuân Hạo. Giá mà đến lượt mình cũng có một bài như thế". Tôi lặng thinh nghe câu nói "gở" đó của anh. Nhưng một tuần sau anh mất đột ngột, thì như là một lời đã hứa, tôi ráng hết sức viết bài trên đây để tiễn anh.
Sau khi viết ít lâu thì được đọc 2 tập vi tính "Nghĩ muộn" và "Đi tìm cái tôi đã mất". Chuyện nghĩ về thời cuộc thì ai cũng có quyền có suy nghĩ riêng. Nhưng anh Khải, thì từ một cậu bé 13 tuổi, học lớp 3 bị ông bố bỏ rơi cùng với mẹ là vợ lẽ, anh trốn theo bộ đội, sau làm y tá, rồi nhờ nghiệp văn mà thành danh. Theo đạo lý bình thường, thì mình không nỡ "quay lưng lại" nó, "quay lưng lại với" bản thân mình. Vì những gì mình đã viết mấy chục năm ấy là những tin yêu thành thực trong một cuộc chiến chính nghĩa và là một chế độ dẫu còn nhiều cái chưa ổn, vẫn là một chế độ đang "đổi mới" chính mình – làm thế nào khác? Thay bằng một chế độ khác như của anh tưởng tượng, mong muốn, chắc chắn là sẽ rất nhiều hệ lụy lớn. Không được đâu anh Khải ơi! Vấn đề này ta cũng nghĩ, nhưng phải hết sức thận trọng, vì nó liên quan đến đất nước và hàng chục triệu người, đâu phải chỉ riêng mình. Ông Nguyễn Khắc Viện nói đúng: Nếu sau một đêm thức dậy, mà mình được như Tây thì tôi tán thành ngay. Nhưng đây là Việt Nam thuộc địa nửa phong kiến và rồi 30 năm chiến tranh, mới "đổi mới", xây dựng, đi sau Tây hàng mấy trăm năm...
Ngày xưa mình là nô lệ Tây, nô lệ Mỹ, mất nước mà vùng lên, 30 năm biết bao hy sinh xương máu mới giành được thái bình như ngày nay. Dẫu còn khó khăn gian khổ, còn bất công, nhưng nếu đẩy lùi được tham những, mở rộng được dân chủ, nâng cấp được giáo dục – khoa học, chăm lo cho con người, thì cơ may tiến lên không phải nhỏ. "Hãy kiên nhẫn – kiên nhẫn – kiên nhẫn trong trong xanh. Mỗi sát-na yên tĩnh – Cơ may, một trái chín sinh thành" (Paul Valéry).
Anh Khải ơi, rất quý anh, thương anh, nhưng phải nói anh là người quá vội vàng và quá dễ dãi, dao động.
Dù sao, tôi vẫn đăng lại nguyên văn bài viết sau "biến cố" đó, và lòng riêng vẫn ngậm ngùi nhớ đến anh, nhớ bao nhiêu lần anh em đã ngồi với nhau, chuyện trò say sưa... về cuộc đời, về văn chương...