Tiểu luận và phê bình văn học: Mấy vấn đề về Nho giáo tại Việt Nam (*)

LTS: Cuối tháng 3/2013, Lễ trao thưởng các công trình, tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật 2010 -2012 đã được Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật trung ương long trọng tổ chức. Trong 05 tác phẩm, công trình được đánh giá cao nhất (giải A) có cuốn sách Tiểu luận và phê bình văn học của GS.TS Mai Quốc Liên.

Được sự đồng ý của tác giả, tạp chí Hồn Việt xin lần lượt đăng tải nội dung cuốn sách nói trên. Trân trọng kính gửi tới quý độc giả.

1. Căn cứ theo hai tác giả Lý Mẫn Sinh và Lý Đào trong “Chiêu tuyết Hán tự bách niên oan án” (Bắc Kinh, 1994, tr.129), Nho giáo đã vào Việt Nam vào thời Triệu Đà chiếm Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải tự xưng Triệu Việt vương “lấy Thi, Thư để uốn nắn phong tục”, tức là Nho giáo vào Việt Nam sớm hơn vào Nhật Bản khoảng 7 thế kỷ (Nho giáo vào Triều Tiên, theo nhiều học giả có thể cùng thời với Nho giáo vào Việt Nam).

Như vậy, Nho giáo đã tồn tại ở Việt Nam hơn 2000 năm. Chiều dài lịch sử, bề dày lịch sử đó là một đề tài lớn. Việc nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam gần đây trở nên sôi động hơn, dù sao cũng chỉ mới là bắt đầu.

Trong quá trình nghiên cứu đó, đã xuất hiện những cách nhìn, cách lí giải khác nhau, đó là lẽ đương nhiên. Để tránh lặp lại những điều đã được nói đến nhiều, những điều có thể xem là đã thống nhất ý kiến, trong bản tham luận này, chúng tôi cố gắng đi vào một số vấn đề còn có những ý kiến khác biệt, và chủ yếu đề xuất những kiến nghị, những dự án khả thi.

Do đó, tham luận của chúng tôi có tính chất tranh luận, nhằm thăm do ý kiến để mong đi đến thống nhất ý kiến, thúc đẩy việc giải quyết vấn đề một cách thực tiễn. Dĩ nhiên, lí luận là rất quan trọng, nhưng khoa học xã hội, như một nhà bác học người Anh – Bernal – nói, rất dễ rơi vào phiếm đàm nếu nó không mở đường cho hành động cụ thể.

2. Nghiên cứu Nho giáo Việt Nam, theo chúng tôi, là để giải quyết những vấn đề của xã hội hiện đại, là để rút ra những kết luận, những kinh nghiệm từ lịch sử, đề ra những việc làm cụ thể, để phát huy tinh hoa của truyền thống Nho giáo trong cuộc sống hiện thời.

Về phương diện đó, chúng ta còn thiếu một công trình điều tra xã hội học Khảo sát những giá trị tinh thần truyền thống gắn với Nho giáo trong đời sống Việt Nam hôm nay. Chỉ có thông qua một công trình điều tra trên diện rộng trong toàn quốc với các mẫu ở thành thị, nông thôn, cơ quan, xí nghiệp, thương trường, miền Nam, miền Bắc, trong thanh thiếu niên và các tầng lớp dân cư… chúng ta mới có đủ cứ liệu để xem xét vấn đề dưới góc độ thực tiễn.

Những cuộc điều tra kiểu như vậy về các giá trị truyền thống châu Á đã được tiến hành ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… và đã đưa lại những kết quả thú vị. Chẳng hạn, tại Triều Tiên (Đại Hàn) cuộc điều tra cho thấy nhờ vào các giá trị dân tộc truyền thống mà Đại Hàn đã trụ vững và xoay chuyển được trong cơn bão táp tài chính – kinh tế của châu Á vừa qua.

Còn một cuộc điều tra gần đây ở Đài Loan, thăm dò trên 2031mẫu thì thấy nhiều giá trị truyền thống của người Hoa đã bị hao tổn. Chẳng hạn, chữ tín, đức tính mà những người lớn tuổi cho là thước đo giá trị con người, đã bị giảm sút trong thanh niên.

Thế hệ điện tử, thế hệ trẻ, cởi mở và thực dụng gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão vì lợi ích kinh tế, và việc nuôi con như là sự đảm bảo cho mình ở tuổi già đã bị mất đi trong người Hoa ở Đài Loan…

Những điều tra xã hội học như thế ở Việt Nam về gia đình, về hôn nhân, về thái độ đối với những giá trị truyền thống, trong đó có giá trị Nho giáo, tuy đã được tiến hành nhưng còn lẻ tẻ và chưa đủ để rút ra những kết luận xác đáng.

Mặt khác, về mặt nghiên cứu lịch sử Nho giáo ở Việt Nam, chúng ta còn chưa bao quát đầy đủ cứ liệu. 500 cuốn sách Hán Nôm về Nho giáo, về Khoa cử Nho giáo, về Đạo đức Nho giáo nằm trong kho lưu trữ Hán Nôm chưa được khai thác, dịch thuật một cách có hệ thống. Thiếu những tư liệu cụ thể này, việc nghiên cứu rất dễ rơi vào tư biện, áp đặt.

3. Điều quan trọng nữa theo chúng tôi là quan điểm, là cách nhìn đối với Nho giáo, cũng là đối với Hán học. Quả tình là ở đây vẫn còn những vấn đề đáng tranh luận và đáng làm rõ.

Sau hơn 2000 năm tồn tại, với sự chấm dứt khoa cử chữ Hán vào năm 1919, Nho giáo coi như cáo chung ở Việt Nam.

Thế kỷ 20, thế kỷ của những biến động lịch sử lớn ở Việt Nam, trong đó có các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đã đẩy lùi vấn đề Nho giáo vào nấc thang cuối cùng của sự quan tâm xã hội.

Nhưng gần đây, vấn đề Nho giáo, cùng với sự đánh giá mới của thế giới, của Trung Quốc cùng với sự đổi mới ở Việt Nam, đã trở thành một vấn đề nghiêm túc.

Nhưng trong khi ở các nước Đông Á như Nhật, Đại Hàn, Đài Loan… có thể xem Nho giáo như là động lực của sự phát triển, trong khi ở Trung Quốc xem Nho giáo như là một kho tàng quý báu, thì ở Việt Nam vấn đề Nho giáo còn rất mờ nhạt. Nguyên nhân là vì khác với các nước còn duy trì chữ Hán đó, Việt Nam đã có sự đoạn tuyệt đối với chữ Hán, phương tiện chuyên chở Nho giáo trong hàng ngàn năm.

Cũng còn là vì Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh, trong sự đoạn tuyệt quyết liệt với một di sản mà người ta xem là hủ bại, lạc hậu, cản đường, thậm chí góp phần vào việc để mất nước ở thế kỷ 19, Nho giáo đã mất uy tín và vị thế.

Trong bước đường đi lên hiện đại hóa, công nghiệp hóa, trong công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta cũng chưa chú ý lắm đến vai trò và tác dụng của tinh hoa Nho giáo.

Rốt cuộc thì vấn đề Nho giáo, vấn đề Hán học mới được đặt ra trong các cuộc Hội thảo, rồi bị lãng quên giữa bao nhiêu bề bộn công việc. Tóm lại là chưa nhận thức đầy đủ giá trị của tinh hoa Nho giáo.

4. Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi có 3 khía cạnh cần được xem xét như là nền tảng của việc kế thừa và phát huy tinh hoa Nho giáo, tinh hoa Hán học tại Việt Nam.

4.1. Chủ nghĩa Marx, hệ tư tưởng chính thống tại Việt Nam quan niệm rằng chủ nghĩa xã hội cần tiếp thu không hạn chế tất cả những tinh hoa, những giá trị mà loài người đã tạo nên trong tiến trình lịch sử của mình. Điều này là rõ ràng, đơn giản và không cần biện luận nhiều.

4.2. Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự tiếp thu tinh hoa Nho giáo, tinh hoa văn hóa dân tộc trên nền tảng chủ nghĩa Marx.

Hồ Chí Minh là một nhà Nho, một nhà Nho cuối cùng vĩ đại, xuất thân trong một gia đình khoa bảng Nho giáo, chịu sự giáo dục của Nho giáo và Hán học. Hòa quyện kiến thức văn hóa Đông Tây, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong tư cách một nhà đạo đức, một nhà văn hóa, Hồ Chí Minh đã trích dẫn hàng ngàn lượt trong các trước tác cách mạng của mình (từ năm 1921 đến năm 1969) những khái niệm cơ bản của Nho giáo, những từ ngữ Nho giáo và cải biến nó theo sát những yêu cầu hiện tại.

Trong đời sống, trong suy nghĩ của mình. Hồ Chí Minh là người thực hành tinh hoa đạo đức Nho giáo, hòa tan nó vào đạo đức cách mạng. Tóm lại, Hồ Chí Minh là hiện thân của Nho giáo, của Hán học trong bối cảnh lịch sử mới tại Việt Nam.

Có thể nói, nếu không có Nho giáo, không có Hán học, Hồ Chí Minh đã không là Hồ Chí Minh như đã có.

Vì vậy, ở Việt Nam, cần trông gương Hồ Chí Minh trong việc tiếp thu tinh hoa Nho giáo, rèn luyện đạo đức, rèn luyện con người. Không có lí do gì để bài bác Nho giáo, bài bác Hán học trong việc tiếp nhận truyền thống, hơn thế nữa, cần phải hành động khẩn trương trước khi quá muộn trong việc khôi phục, phát huy những lợi thế của giá trị truyền thống này.

4.3. Trong việc nghiên cứu này, chúng ta nhất thiết cần phải có thái độ trung thực khoa học, nhìn thẳng vào sự thật, lấy lợi ích của dân tộc và đất nước trong việc phát triển làm mục tiêu, không vì bất cứ sự e ngại nào mà né tránh.

Những khác biệt ý kiến đến từ nhiều nguồn, trong đó có vấn đề thâm nhập vào văn hóa truyền thống, văn hóa phương Đông rất khó san bằng trong một sớm một chiều. Nhưng nếu vì lợi ích lâu dài của văn hóa, của đất nước thì cũng có thể thu hẹp dần khoảng cách đó.

Nhìn vào tình hình đất nước hiện thời, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, chính trị ổn định, văn hóa giáo dục phát triển, nhất là về số lượng…, chúng ta đau lòng nhận thấy những mặt thoái hóa nghiêm trọng, uy hiếp sự tồn vong như: nạn tham nhũng là nguy cơ hàng đầu, nạn lãng phí tiền của, nạn thoái hóa biến chất đạo đức trong cán bộ, tình trạng giảm sút chất lượng kể cả chất lượng đạo đức trong nhà trường, đầu óc thực dụng vụ lợi bất chấp đạo nghĩa, bất chấp pháp luật, cùng với nạn phá rừng, nạn phá thai ở tuổi vị thành niên, tệ nạn ma túy, tệ nạn mại dâm, tệ nạn AIDS… đấy chưa phải là tất cả những mặt trái của hiện tình đất nước.

Có nhiều nguyên nhân phức tạp dẫn đến tình huống này, nhưng dứt khoát có một nguyên nhân là vì chúng ta đã có nơi có lúc có phần từ bỏ một cách siêu hình, vội vã, nông cạn những truyền thống quý giá được tích lũy và gạn lọc hàng mấy ngàn năm, trong đó có truyền thống Nho giáo. Tinh hoa Nho giáotruyền thống văn hóa Việt Nam trong trường hợp này chính là cái phao cứu nguy cho tình huống đó.

 

Dĩ nhiên trong Nho giáo, không phải cái gì cũng tốt, Nho giáo cũng như bất cứ một hiện tượng văn hóa tư tưởng nào khác có những mặt tiêu cực. Vả lại, Nho giáo dầu ở Trung Hoa hay ở Việt Nam đều không phải là nhất thành bất biến. Nó bị chính quyền sử dụng và lợi dụng vào những mục đích bảo vệ vương triều.

Ở Việt Nam, nó tỏ ra đầy sinh lực, khi vào nửa cuối thế kỷ 14 đến giữa thế kỷ 15, Nho giáo là một hệ tư tưởng tiến bộ, thân dân, góp phần giải phóng dân tộc khỏi ách thống tị của giặc Minh, mong muốn một xã hội “trong thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận, oán sầu” (Nguyễn Trãi).

Nhưng đến thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn, Nho giáo đã tỏ ra là một lực cản trong sự phát triển đất nước và trong việc bảo vệ đất nước trước họa xâm lược phương Tây, trong cuộc quyết đấu mà K.Marx đã mô tả là những nhà Nho lúc này “đại diện cho một thế giới già cỗi tuân theo những động cơ đạo đức, còn đại diện của xã hội hiện đại (tức tư bản phương Tây) thì đấu tranh để giành đặc quyền mua với giá rẻ nhất và bán với giá hời nhất.

Đó là một tấn thảm kịch mà không có một nhà văn giàu trí tưởng tượng nào tưởng tượng ra nổi”. (K.Marx và F. Engels. Lịch sử buôn nha phiến. Trước tác. Tiếng Nga, T.12, tr. 567).

Trong khi phương Tây tư bản chủ nghĩa phát triển khoa học kĩ thuật thì Tự Đức, một ông vua Nho học thông tuệ của triều Nguyễn đã ra một đầu đề thi Đình: “gần đây, nhiều người suy tôn phương pháp khoa học Thái tây, có phải là vì nó có kiến thức chân xác, vượt lên trên cổ nhân hay cũng chỉ như những người nói thuộc, vẽ bùa mà thôi? Mà theo cách lập thuyết của phương Tây, thì không có ngũ hành tương sinh, tương khắc, như vậy cái học của họ đã trái lý và bất hợp với cổ nhân rồi, thử hỏi còn lấy gì mà suy tôn họ nữa” (Trích theo GS Cao Xuân Huy. Tư tưởng Việt Nam dưới thời Tự Đức).

Ở Việt Nam, chuẩn mực cao nhất của đạo đức là yêu nước, hy sinh cho nước. Chính vì đã để mất nước nên những nhân vật Nho giáo như Tự Đức đã bị lên án và Nho giáo cũng bị lên án.

Nhưng chúng ta cần thấy rằng, nếu không có Nho giáo – Hán học thì chúng ta đã không có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Phan Đình Phùng, Nguyễn Đình Chiểu, Thủ Khoa Huân, Phan Bội Châu… tức là đã không có một truyền thống văn hóa và yêu nước.

Lúc đất nước bị Pháp chiếm đóng thì những người lãnh đạo dân chúng nổi lên chống lại chính là những nhà Nho khẳng khái, xả thân thủ nghĩa, dù biết là thất bại mà vẫn làm hết sức mình.

Trong khi đó, những “thế hệ trí thức mới được đào tạo ở nhà trường phương Tây được học thế nào là dân chủ và khoa học, nhưng dù họ có tài giỏi và uyên bác đến đâu, cũng không có một ai có thể kêu gọi đất nước đứng dậy như những Nho sĩ cuối thế kỉ 19” (Nguyễn Khắc Viện, Bàn về đạo Nho, tr.36. Hà Nội 1993).

Như thế, Nho giáo đã đưa đến cho lịch sử Việt Nam rất nhiều điều, từ nhân nghĩa, tín, thứ (khoan dung), trí, dũng đến liêm, chính, chí công vô tư, tiên ưu hậu lạc… Và từ đó, nó được cải biến vào con người Việt Nam, biến thành chất Việt Nam nhưng cũng vẫn có thể thấy rõ được dấu vết cội nguồn của nó.

Tính đặc thù Việt Nam không tách rời cái phổ quát về Nho giáo. Nho giáo đã để lại trong lịch sử và đặc biệt nó tiềm tàng trong mỗi con người hiện đại những dấu ấn vô cùng sâu sắc. Có thể nói những chuẩn mực Nho giáo như nhân nghĩa, khoan thứ, cần kiệm, liêm chính, cận dân… là một hệ quy chiếu về nếp sống, về đạo đức, xử thế, làm người, không phải chỉ cho trí thức mà gần như cho toàn bộ xã hội, thấm sâu trong tâm thức mỗi con người qua giáo dục gia đình, tiếp xúc xã hội, qua thừa hưởng các di sản của tổ tiên, dòng họ.

Nhiều người Việt Nam có thể không học Hán học, không đọc Kinh truyện Nho giáo mà vẫn hành xử, vẫn sống theo những chuẩn mực này. Đặc biệt, trong người nông dân ít học ở vùng đất mới Nam bộ, không qua Kinh truyện thánh hiền, chỉ qua gia truyền, qua hát bội và truyện Tàu… cũng thấm nhuần và hành xử theo những chuẩn mực tín, nghĩa, dũng của Nho giáo.

Phong trào Minh Tân, tức Duy Tân ở Sài Gòn – Nam bộ đầu thế kỉ do trí thức Tây học và tư sản dân tộc đề xướng cũng đã dùng những phạm trù đạo đức của Nho giáo để cổ vũ đồng bào.

Điều đó đã nói lên rằng, tuy Nho giáo và Hán học đã bị lịch sử và thực dân Pháp cắt đứt và sau đó nó cũng không có điều kiện phục hồi dù chỉ một phần, nó vẫn âm thầm chiếm một địa vị hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Nói Nho giáo là ngoại nhập, là theo bước chân xâm lược, rồi từ đó phần nào ác cảm với Nho giáo là không đúng.

Trong thời cổ xưa, nhân loại có những nền văn minh trung tâm và Trung Hoa cổ xưa là một trong những nền văn minh vĩ đại và lâu bền nhất của loài người. Đó là một thực tế khách quan và ở thời cổ xưa việc tiếp nhận các nền văn minh đó là một điều tốt đẹp, một điều tất yếu.

Dĩ nhiên, các quan Thái thú thiên triều có thái độ trịch thượng, ban phát, giáo hóa… là việc của họ mà chúng ta chẳng bao giờ chấp nhận. Chúng ta đã giành lại độc lập từ thế kỉ 10 và đã làm một cuộc phục hưng văn hóa.

Ngày nay cũng vậy, sau khi giành được độc lập và thống nhất đất nước, chúng ta cũng đang làm một cuộc phục hưng văn hóa mới. Trong công cuộc phục hưng văn hóa đó, không thể thiếu mặt tinh hoa Nho giáo và Hán học.

5. Vậy thì, đã đến lúc có những kiến nghị về vấn đề kế thừa và phát huy tinh hoa của Nho giáo và Hán học ở Việt Nam trong khi vẫn tiếp tục khảo sát, tranh luận những vấn đề của Nho giáo trong quá khứ và trong hiện tại.

5.1. Kiến nghị đầu tiên của chúng tôi là kiến nghị về giáo dục về Nho giáo và Hán học trong nhà trường. Việt Nam đã có một nền giáo dục rất lâu đời, tồn tại từ trước công nguyên, một thời gian giáo dục không thua kém một số quốc gia tiên tiến thời hiện đại.

Ở châu Âu, các trường đại học đầu tiên được thiết lập vào thế kỉ XII, XIII như đại học Paris và Montpellier ở Pháp; Đại học Oxford (1167) và Cambridge (1209) ở Anh; các Đại học Salerno, Bologna (1157) và Reggis (1188) tại Ý.

Ở Nhật, trước thới Minh Trị Thiên Hoàng, vào đầu thế kỉ 18, các đại học mới xuất hiện (Đại học Shoheiko, trung tâm giáo dục Khổng giáo ở Tokyo; Đại học Mito và Satsuma, nơi dạy lịch sử và văn học, nơi phối hợp các tư tưởng Phật giáo và Thần học Nhật Bản).

Nhưng trong 1000 năm từ sau Bắc thuộc, 88% thời gian giáo dục của Việt Nam chịu ảnh hưởng Nho giáo, 7% thời gian nền giáo dục văn tự ấy bị xóa bỏ và được thay thế bằng nền giáo dục Pháp, và chỉ có 5% thời gian dành cho việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại.

Và nền giáo dục hiện đại ấy lại hầu như bị cắt đứt khỏi truyền thống và khống kế thừa được bao lăm cái tinh hoa đã có 1000 tuổi ấy.

Vì vậy, cần đặt vấn đề kế thừa những phần tốt đẹp nhất, thuần khiết nhất, vĩnh cửu qua thời gian của nền giáo dục đã góp phần vào việc sản sinh ra con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam hàng ngàn năm.

Trong nền giáo dục đó, bên cạnh mặt tiêu cực là dào tạo ông quan, nó có mặt tích cực là đào tạo “sĩ quân tử”, đại trượng phu. Quan niệm giáo dục là giáo dục nhân văn, đào tạo con người, học là để làm người, dù nhà nghèo cũng cố cho con học “dăm ba chữ để làm người”.

Hiện thân của việc lamg người, của đạo làm người đó ta có thể tìm thấy trong vô vàn những người xuất thân Nho giáo nhưng lại là những con người Việt Nam tự trong bản chất như là Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Chấu, Hồ Chí Minh…

Và như vậy, “giáo dục nhân văn” mà cốt lỗi là các môn học về từ chương, văn chương, lịch sử, triết học… không phải bao giờ cũng là một thứ “nhân văn kinh viện” (scholastic humanism), “kinh sử tử tập” mà là một chủ nghĩa nhân văn hiện thực (realistic humanism) Việt Nam.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã gọi chữ Hán là chữ Nho, chữ ta. Ngày nay, cần tính đến việc kế thừa chủ nghĩa nhân văn biểu hiện trong nền giáo dục Nho giáo – Hán học vào nền giáo dục hiện đại.

Cái tinh thần tôn sư trọng đạo, giáo nhi bất quyện, học nhi bất yếm, tiên học lễ, hậu học văn… mà chúng ta ngày nay kế thừa ở các bậc đại sư lỗi lạc một thời như Chu An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tông Phan… và biết bao nhà giáo khác gần đây, cần được biến thành động lực, sức mạnh của giáo dục mạnh mẽ và sâu xa hơn nữa.

Học để thành người, học để làm người, và chỉ có học, chỉ có giáo dục mới thành được người. Đó là một nguyên lý vĩ đại và hiện đại của Nho giáo: “Nên thợ nên thầy vì có học” (Nguyễn Trãi).

Những phát hiện về gènes con người gần đây cho ta thấy tuyệt đại đa số gènes trong con người là giống nhau. Cái làm nên sự khác nhau là do đời sống, do giáo dục. “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn – Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Thiện ác nguyên lai vô định tính – Đa do giáo dục đích nguyên nhân – Dạ bán – Hồ Chí Minh) là như thế.

Phát huy tinh thần hiếu học được hun đúc qua hơn 2000 năm lịch sử là cách góp phần hữu hiệu vào việc khắc phục sự mất cân đối giữa số lượng và chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục đại học.

Chính nhờ có truyền thống hiếu học đó mà trong thời Pháp thuộc cũng như thời gian sau đó lưu học sinh Việt Nam đi học dù ở Mỹ, ở Pháp, ở Nga, ở Trung Quốc… đều có những học viên xuất sắc, những nhân tài lỗi lạc.

Thế nhưng ngày nay, một phần do sự suy yếu của truyền thống, việc xuất hiện nhân tài trở nên hiếm hoi. Đó chính là nguy cơ cho việc đất nước tiến vào nền kinh tế tri thức, kinh tế trí tuệ của thế kỉ 21.

5.2. Tinh hoa Nho giáo gắn liền với Hán học, Hán học ở Trung Quốc cũng như Hán học ở Việt Nam. Không thể tiếp nhận tinh hoa Nho giáo một cách tốt đẹp nếu như không ít nhiều thông thạo Hán học.

Một trí thức gọi là trí thức ở Việt Nam nhất thiết phải hiểu biết sâu sắc con người và lịch sử Việt Nam, con người và văn hóa phương Đông mà văn hóa Trung Quốc có một vị trí quan trọng. Thế nhưng con người, lịch sử, văn hóa ấy gắn liền với Nho giáo và Hán học. Nho giáo và Hán học đã trở thành một phần của con người và văn hóa việt Nam.

Vì vậy, bên cạnh việc học tiếng Anh là ngoại ngữ số một, học sinh, sinh viên và trí thức Việt Nam cần có một vốn Hán ngữ tối thiểu, nếu không bằng học sinh, sinh viên Nhật Bản theo quy định là 2000 chữ, thì cũng phải trên 1000 chữ.

Gần đây có rất nhiều tiếng nói của các nhà trí thức kêu gọi việc học trở lại chữ Hán trong nhà trường, ít ra là có 2 giờ/ 1 tuần như trong trường trung học thời thuộc Pháp.

Điều đáng buồn chính là thực dân Pháp, kẻ mưu toan xóa bỏ Hán học và Nho học trên đất nước Việt Nam vì e ngại tinh thần chống đối được hun đúc qua nền giáo dục bản địa này, lại là người vẫn duy trì dù chỉ 2 giờ/ 1 tuần cho học sinh trung học.

G. Dumoutier, Giám đốc Nha học Vụ Bắc Bộ (1886) viết: “Nếu những đứa trẻ An Nam, xuất thân từ các trường học của ta (Pháp) mà không biết đọc và biết viết chữ Hán thông dụng thì chúng sẽ trở thành người ngoại quốc trên chính xứ sở của chúng”, hay nói như Vandermersch sau nay (1986), thì đó là “sự bật gốc khỏi môi trường dân tộc”. Thế mà hiện nay, thì không còn giờ nào.

Mất sợi dây dẫn này, học sinh mất chất keo dẫn nối liền với nền văn minh phương Đông và dân tộc ưu việt, mất vốn ngôn ngữ chính xác, tinh tế vì tiếng Việt hiện thời có ít nhất 60-70% từ gốc Hán.

E rằng một ngày không xa cứ tình trạng này nhiều học sinh sẽ xa lạ với những câu Kiều, câu Chinh phụ ngâm, các em không thể nào thấy cái hay, không thể nào rung cảm với cái đẹp trong câu thơ “trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt” bởi vì để hiểu, để cảm một câu thơ như vậy cần có một nền văn hóa, một vốn từ ngữ đằng sau nó.

Chính vì vậy, chúng tôi kiên trì kiến nghị việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông. Việc này là khó khăn nhưng nếu nhận thức đúng, chúng ta sẽ có biện pháp.

Trước hết, cần tổ chức dạy thí điểm ở những thành phố lớn. Còn như từ đó, việc dạy chữ Hán ở các KHXH&NV cần được tăng cường, bắt buộc là việc bức xúc.

Không thể chấp nhận việc các giảng viên, các Thạc sĩ, Tiến sĩ dạy các môn học lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ… cổ xưa mà lại mù chữ Hán là cái công cụ thiết yếu nhất để đi vào các môn học đó. Thế mà điều này lại trở thành bình thường, trở thành không có vấn đề gì ở bậc Đại học, đủ biết tình trạng xuống cấp ở đó là như thế nào.

5.3. Trên cái nền của việc dạy Hán học, chúng ta phổ biến trở lại qua dịch thuật các trước tác triết học Nho giáo và văn học Nho giáo của Việt Nam và Trung Quốc.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc học chúng tôi hoàn thành và xuất bản các toàn tập Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát…, hoàn thành và xuất bản bộ Tinh tuyển Văn học Việt Nam từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20 gồm nhiều tập, đồng thời dịch và xuất bản Đỗ Phủ toàn tập, Cách ngôn Trung Hoa từ tiên Tần đến Thanh mạt, Cổ Hán ngữ thường dụng… cũng chính là nhằm mục đích đó. Nhưng những cố gắng này là rất có giới hạn nếu không được đặt trên một dự án lớn.

Để bắt đầu dự án đó, chúng tôi, như đã nói ở trên, đề nghị tiến hành một cuộc Khảo sát các giá trị Nho giáo tại Việt Nam cũng như tiến hành việc khai thác các tác phẩm Nho giáo trong kho lưu trữ Hán Nôm.

Thông qua việc dạy và phổ biến Nho học và Hán học, chúng ta làm sáng tỏ những giá trị tinh thần Việt Nam, châu Á bền vững, được xem như là cái cốt lỗi trong đạo làm người như nhân ái, khoan thứ, liêm chính, cần kiệm… những giá trị cực kì cần thiết trong việc trị nước, trong đời sống hiện thời.

Trong việc đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, trong việc kết hợp giữa cái hiện đại và cái truyền thống, giữa quốc tế và dân tộc, giữa phê phán và kế thừa, giữa trị nước và tu thân, giữa ổn định và phát triển, giữa nghĩa và lợi, giữa đức trị và pháp trị, giữa dân chủ và quyền uy, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa nông nghiệp và công thương… chúng ta đều có thể tìm thấy ở Nho giáo những giải pháp lâu dài, căn bản, cân bằng, có lợi cho quốc kế dân sinh.

Kết luận:

Nho giáo là một hiện tượng tư tưởng và văn hóa trong lịch sử. Nó đã tồn tại một cách khách quan với tất cả những thăng trầm, những ưu điểm và khuyết điểm của nó.

Ngày nay ở Việt Nam, Nho giáo cơ hồ đã trở thành một trầm tích văn hóa. Nho giáo không chỉ là bản thân học thuyết và tín điều của nó mà chủ yếu là người sử dụng nó, lý giải nó.

Ngày nay, Việt Nam đang mở cửa hội nhập đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Trong sự nghiệp đó, việc kế thừa và phát huy những tinh hoa của Nho giáo, gắn nó vào giáo dục, vào văn hóa, vào kinh tế, vào chính trị… làm cho nó trở thành một sức mạnh cũ mà mới, cổ xưa mà hiện đại là việc rất nên làm.

Cái cản ngại đầu tiên chính là nhận thức. Sự cắt đứt với Hán học và Nho giáo trong gần một thế kỉ đã quá đủ để làm cho người ta xa lạ, e dè, bỏ quên và bỏ qua truyền thống văn hóa quý giá này.

Khắc phục được tình trạng này là việc rất không dễ bởi vì việc kế thừa này rất có vẻ như ngược dòng. Nhưng chúng tôi tin rằng chính là trên quan điểm của chủ nghĩa Marx và tư tưởng Hồ Chí Minh mà chúng ta phải kiên trì tiến hành công việc khó khăn này.

Và một khi được tiến hành một cách quy mô, nghiêm túc thì lợi ích của nó là không gì có thể so sánh được. Bởi vì đây là con người, là văn hóa, đồng thời là chính trị và kinh tế.

Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nếu làm được điều này thì đó chính là kế “sâu rễ bền gốc” mà Trần Hưng Đạo nói, là “văn hiến” như Nguyễn Trãi nói.

Nó chính là sự thể hiện việc giương cao ngọn cờ dân tộc, đề cao đại nghĩa và chí nhân trong một thế kỷ mà bạo tàn, bạo lực, chiến tranh, nghèo đói… đang đe dọa loài người.


(*)

Tham luận tại Hội thảo Nho giáo Quốc tế lần III tại Việt Nam (19-21/7/2001) do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM và Đại học Harvard tổ chức.

Tài liệu tham khảo chủ yếu:

1. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. 3 tập. Nxb KHXH. 1994

2. Lê Quý Đôn. Kiến văn tiểu lục. Nxb Văn hóa. 1992

3. Trần Văn Giáp. Lược khảo về khoa cử Việt Nam. H. 1941

4. Vĩnh Sính. Việt Nam và Nhật Bản trong thế giới Đông Á. TP. HCM 1993

5. Dương Thiệu Tống. Về đề tài: “Giáo dục Việt Nam cổ và việc thừa kế tinh hoa của nó”. Thông tin khoa học. ĐHSP TP. HCM, số 18 (1987).

6. Nguyễn Khắc Viện. Bàn về đạo Nho. H.1993

7. Nho học ở Việt Nam. Nxb Giáo dục. 1995

8.Léon Vandermersch. Le nouveau monde sinisé. Presses Universitaires de France. Paris 1986

9. N.I. Nikulin. Văn học Việt Nam từ thế kỷ trung cổ đến thời hiện đại. Thế kỷ X-XIX. Nxb Khoa học. Matxcơva. 1997

10.N.I. Nikulin. Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế. Nxb Giáo dục Hà Nội. 2000

11. Cao Xuân Huy. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu. Nxb Văn học.1995.

12. Viện Triết học. Nho giáo tại Việt Nam. Nxb KHXH. 1994

13. Vũ Khiêu (chủ biên). Nho giáo xưa và nay. Nxb KHXH. 1990

14. Đào Phan. Đạo Khổng trong văn Bác Hồ. Nxb VHTT. 1996

15. Quang Đạm. Nho giáo xưa và nay. Nxb Văn hóa. 1994

16. Trần Đình Hượu. Nho giáo và Văn học Việt Nam trung cận đại. Nxb VHTT. 1995

17. Cao Tự Thanh. Nho giáo ở Gia Định. Bxb Tp. HCM. 1996

18. Tào Đức Bản. Nho gia trị quốc phương lược. Cát Lâm Đại học xuất bản xã. 1994

19. Lý Mẫn Sinh, Lý Đào. Chiêu tuyết Hán tự bách niên oan án. Bắc Kinh. 1994.

20. Mai Quốc Liên. Giáo dục Việt Nam cổ (1075 – 1919) và việc thừa kế tinh hoa của nó. Đề tài khoa học cấp bộ. Mã số: B.94.30.18

21. Ngô Văn Lệ. Nho giáo – một thành tố văn hóa ngoại nhập góp phần tạo nên tính đa dạng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất (tư liệu về Hội thảo Nho giáo quốc tế của trường ĐHKHXH&NV).

22. Nguyễn Tài Thư. Đôi điều về vai trò của Nho học trong thế giới hiện đại. Như trên.

23. Hà Thúc Minh. Nho giáo Việt Nam và triết lý nhân sinh. Nt.

Mai Quốc Liên