Nhà ngữ học Cao Xuân Hạo là con trai cả cụ Cao Xuân Huy, nhà Hán học và nghiên cứu triết học nổi tiếng. Cụ Huy là con trai Phó bảng Cao Xuân Tiếu; chánh chủ khảo các kỳ thi Hương cuối thế kỷ XIX và cụ Tiếu là con trai cụ Cao Xuân Dục, Thượng thư bộ Học, nhà nghiên cứu triết học (tác phẩm Nhân thế tu tri và các tác phẩm khác). Cụ Cao Xuân Huy và cụ Cao Xuân Dục đều được đặt tên đường tại TP. Hồ Chí Minh; cụ Huy được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Sinh ra trong một gia đình văn hóa nổi tiếng xứ Nghệ như vậy, tài năng của Cao Xuân Hạo gần như là một tài năng bẩm sinh. Nhưng sự rèn luyện, lao động công phu, kiên trì, rộng lớn mới là điều cơ bản.
Trong kháng chiến chống Pháp, anh Hạo gia nhập Vệ quốc quân. Trong thời gian ấy, anh sáng tác nhiều bản nhạc. Nhưng sau này, khi học Dự bị Đại học ở Thanh Hóa vào gần cuối kháng chiến, và sau khi học xong Đại học Văn khoa sau hòa bình, anh chuyên tâm nghiên cứu tiếng Việt, chuyên sâu ngữ âm học. Anh giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga đến trình độ "tinh diệu nhập thần"; tiếng Hán học ít hơn, nhưng cũng đủ cho nghiên cứu so sánh với tiếng Việt.
Trước khi nói về tài năng nghiên cứu của Cao Xuân Hạo, xin kể qua một vài tài nghệ tạm gọi là "tài vặt" so với tài năng anh, để hiểu thêm một con người. Cao Xuân Hạo học tiếng nước ngoài ở trong nước, mà phần lớn là tự học (như với tiếng Nga). Khi viết xong công trình "Suy nghĩ về những định đề của âm vị học đương đại" (Phonologie et linéarité: Réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine, 1985) bằng tiếng Pháp để đưa sang Paris in, anh Hạo có nhờ hai vị đại sư Nguyễn Khắc Viện và Trần Đức Thảo xem lại về tiếng Pháp. Hai cụ đều nhất trí nhận định: tiếng Pháp của Cao Xuân Hạo trong công trình "không có chút tì vết nào". Tôi có dự buổi thuyết trình của GS Haudricourt người Pháp chuyên nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt và các nước Đông Nam Á tại Hội trường 27 Trần Xuân Soạn – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, trước 1975. Hôm đó, Cao Xuân Hạo phiên dịch.
Rất rành rẽ, nhanh chóng, không thể có người thứ hai thay thế vì đó cũng là chuyên môn của Cao Xuân Hạo. Khi viện sĩ Liên Xô Gube đến thăm Viện và nói về khảo cổ học; một nhà nghiên cứu đã học Liên Xô 7 năm về ngành này, đã không phiên dịch được vì vấp quá nhiều thuật ngữ chuyên dùng. Người ta đã "kiệu" Cao Xuân Hạo đến và mọi việc êm xuôi. Cao Xuân Hạo đã dịch Chiến tranh và hòa bình của L.Tônxtôi, Con đường đau khổ của A.Tônxtôi, truyện ngắn Tchêkhốp... và nhiều tác gia Nga đương đại khác. Đó là chút "tài vặt" giúp ông dịch "kiếm sống". Một người bình thường chỉ cần một chút "tài vặt" như thế, đủ để thành danh.
Nhưng lĩnh vực chuyên sâu của Cao Xuân Hạo là tiếng Việt, chủ yếu là ngữ âm học, ngữ pháp học... Tiếp xúc với anh, thấy anh là người am tường lý thuyết ngữ học thế giới và rất rành rẽ thực tiễn tiếng Việt. Nghiên cứu tiếng Việt mà thiếu một trong hai vế đó thì rất dễ hỏng. Có được nhiều ngoại ngữ, anh đọc rất nhiều, nghiền ngẫm nhiều trường phái lý thuyết cổ điển và hiện đại của ngữ học, trang bị cho mình một tầm nhìn, một phương pháp, một sức khai phá, sáng tạo khi đi vào tiếng Việt. Nhưng lý thuyết mới chỉ là lý thuyết. Anh hiểu, phân tích tiếng Việt đến độ tinh vi, sâu sắc. Những công trình của anh, từ những công trình cơ bản, chuyên sâu, ít người thấu hiểu, đến những công trình có tính thực hành (như Viết nhịu...) đều chứng tỏ bản lĩnh hiếm có của một nhà ngữ học bậc thầy, một nhà nghiên cứu lớn và một nhà văn hóa toàn diện. Cao Xuân Hạo đọc rất rộng và rất nhiều về văn học, văn hóa, nhất là văn học Nga và châu Âu (từ cổ HyLa đến hiện đại). Ông đã dịch hàng vạn trang sách, chủ yếu là từ tiếng Nga. Nhưng từ dịch, sử dụng tiếng Việt, đối chiếu nó với các ngôn ngữ châu Âu: và cũng với sự quan sát, cọ xát, nghiền ngẫm về tiếng Việt trong sinh hoạt, viết lách hàng ngày, ông "ngộ" ra một điều: tiếng Việt khác các tiếng châu Âu và không thể nào lấy các chuẩn mực, các quy tắc, các hình thái của tiếng châu Âu để "tra" tiếng Việt vào. Không thể lấy tiếng Việt để làm cứ liệu minh họa cho lý thuyết ngữ học của phương Tây, dù là nó tiên tiến, hiện đại. Trong Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt, ông cho rằng động từ và tính từ trong tiếng Việt không phải là hai từ loại khác nhau, và trong tiếng Việt không có chủ ngữ và vị ngữ như là những khái niệm ngữ pháp (vốn nó chỉ phân biệt đề và thuyết – nhưng dĩ nhiên ở đây các nhà ngữ pháp "cổ điển" về tiếng Việt vị tất đã chấp nhận). Một lần, anh kể cho tôi nghe chuyện anh nghiên cứu tiếng Quảng Nam, đặc biệt là các nguyên âm, và thấy tiếng Quảng có sự biến đổi – lệch chuẩn 1800. Anh nhại giọng Quảng Nam rất giỏi và anh kể anh đã "biểu diễn" tiếng Quảng trong một cuộc hội thảo có nhiều vị bô lão ở Hội An. Các cụ phải chịu là đúng. Điều phát hiện đó nói lên điều gì? Trong khi ở các thứ tiếng vùng Đông Nam Á, hệ thống nguyên âm của nó tỏ ra rất bền vững, thì duy tiếng Quảng lại có hiện tượng lạ lùng như thế. Anh không lý giải, chỉ nêu hiện tượng nhưng là một người xứ Quảng, tôi miên man nghĩ đến yếu tố Chàm trong việc hòa huyết, chung sống tự nhiên khi dân Đại Việt vào đó từ thời Trần (1306) và thời Lê (1471).
Ông đã phê phán quyết liệt, tranh luận quyết liệt với các nhà ngữ học quốc tế về vấn đề âm vị trong tiếng Việt; ông chỉ ra rằng âm vị học hiện đại chỉ phản ánh các ngôn ngữ châu Âu, và nó không còn là một khoa học phổ quát nữa khi đem ứng dụng nó vào tiếng Việt. Trong tiếng Việt, theo Cao Xuân Hạo, hơn 90% hình vị là âm tiết và 100% trùng hợp biên giới âm tiết...
Điều may mắn là Cao Xuân Hạo hình như đã thuyết phục được giới ngữ học phương Tây sau những cú "sốc" mà ông đưa ra cho ngữ học. Jean-Pierre Chambon đã cao hứng bình luận: "Có lẽ chính cái hướng do Cao Xuân Hạo chỉ ra – chứ không phải hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến – mới thật là cái hướng ta phải theo để tìm đến một cuộc cách mạng Copernic thật sự của ngữ học hiện đại"(*). Khi nhận được ý kiến này, anh Hạo nói với tôi, vẻ phấn khởi cố nén để khỏi phải cái điều "khoe khoang": "Này ông, bên Pháp có nhà ngữ học họ gọi mình là Copernic trong ngữ học đấy!". Tôi mừng và vô cùng tự hào vì anh; không biết có phải vì mình là học trò cụ Huy nên được "thơm lây" không? Và tuy không hiểu gì nhiều chuyện "âm vị học tuyến tính", "chiết đoạn và siêu đoạn trong ngôn ngữ học phương Tây và trong tiếng Việt (sự dốt nát ngữ học này là cái mà P. Jakobson lên án ở những người nghiên cứu phê bình văn học như chúng tôi). Thỉnh thoảng, rời cái "tháp ngà" ngữ học, anh Hạo cùng chúng tôi bàn luận viết lách về "mày ngài", về "song viết", về vai trò tiếng Hán Việt, tiếng Nôm... thì chúng tôi vui lắm, vì cái con người đặc sắc này, hóa ra cũng quan tâm đến những chuyện "vụn vặt" như lũ "trần tục tầm thường" chúng tôi.
Có lẽ luận điểm cơ bản của Cao Xuân Hạo là bám chặt vào thực tiễn tiếng Việt, bài bác quan điểm "dĩ Âu vi trung" (européocentrisme – lấy quan điểm ngữ học châu Âu làm trung tâm). Ông chứng minh rằng nếu lấy ngữ pháp tiếng Pháp để làm chuẩn và giải thích tiếng Việt, thì chỉ có độ 30% câu tiếng Việt là giải quyết được, còn 70% câu tiếng Việt nói theo kiểu Việt, kết cấu Việt... sẽ lọt ra ngoài. Suốt đời, ông chuyên tâm, nghiêm túc, say mê nghiên cứu tiếng Việt, giảng dạy đào tạo nhân tài nghiên cứu tiếng Việt, thảo luận tranh luận về văn hóa, về tiếng Việt... Bình sinh ông là người vui tính, hóm hỉnh, kể rất có duyên những câu chuyện đùa... Đó là chỗ ông khác tính bố ông – cụ Cao Xuân Huy. Cụ nghiêm nghị mà "Lão Trang", quên hết sự đời, chỉ biết đọc sách, dạy học... Cao Xuân Hạo nghệ sĩ hơn, "đa tình" hơn – chỗ ông giống mẹ ông, một tôn nữ trong hoàng tộc – và vì cái máu nghệ sĩ đó mà đời ông đôi lúc thăng trầm, nhưng là một người thông tuệ, ông hiểu rõ những hoàn cảnh lịch sử đặc thù, và biết vượt lên cao hơn những cái tầm thường, của cuộc đời... để đi trọn con đường bác học của mình, có những cống hiến lớn lao, đặc sắc... cho khoa học và văn hóa. Ông là một nhà nghiên cứu, vì nhiều lẽ, có thể xem là biểu tượng tuyệt vời cho trí tuệ, văn hóa Việt Nam thời chúng ta.
Người viết mấy dòng sơ lược này về một tài năng lớn mà mình chưa hiểu hết vì khác chuyên ngành, có cái vinh dự là học trò và tổ viên Tổ nghiên cứu văn học cổ đại – cận đại – Viện Văn học do cụ Cao Xuân Huy phụ trách trước 1975. Và là học trò của cụ trong lớp Đại học Hán học (1965-1970), sau đó theo cụ về Ban Hán Nôm, sau là Viện Hán Nôm. Vì thế, đối với anh Cao Xuân Hạo, con thầy, chúng tôi xem là "thế huynh", trước sau một niềm kính trọng. Anh vui vẻ tham gia Hội đồng khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học và đóng góp bài vở cho chuyên san "Hồn Việt", dự định thực hiện một số công trình lớn trong Dự án nghiên cứu của Trung tâm. Anh mất đi, đất nước mất một tài năng khoa học lớn, mà riêng tôi nghĩ, sẽ rất khó có lại. Chúng tôi và những đồng nghiệp, những học trò của anh từ nay cảm thấy trống vắng một ngọn nguồn sáng tạo đáng tự hào cho văn hóa Việt, người Việt. Nhưng anh sẽ mãi mãi là tấm gương cho nhiều thế hệ trẻ tiếp bước trên dặm đường dài của văn hóa Việt Nam.
--------------------
(*) Khi chữa lại bài báo nhỏ này, vốn viết vội cho một tờ báo hàng ngày, tôi đã tham khảo một số ý kiến và cứ luận trong bài giới thiệu sách "Tiếng Việt – mấy vấn đề về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa"của Hoàng Dũng trong Nghiên cứu Huế (tập 6, 2008), nhân đây xin cảm ơn tác giả bài báo.