Tiểu luận và phê bình văn học (tiếp): Nhân cách thơ Chế Lan Viên

Hôm nay tôi rất vui mừng trở về trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam tại Thủ Đô như trở về ngôi nhà của mình và được cùng các nhà văn, nhà phê bình tưởng nhớ đến một nhà thơ mà tôi rất thương yêu. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao không dễ gì có được. Rất tiếc thời gian quá gấp, nhà thơ Hữu Thỉnh bảo tôi thôi thì cứ ra, có thể gạch đầu dòng để nói vài lời. Vậy thì tôi xin có 3 cái gạch đầu dòng để nói 3 việc sau đây về Chế Lan Viên.

1. Quan hệ giữa sáng tác thơ và người làm ra nó không đơn giản. Nhìn chung là có sự thống nhất cao: văn tức là người, người ấy thì văn ấy, nhưng cũng có khi văn cao hơn người, hoặc ngược lại. Điều đó cũng là bình thường vì vốn dĩ thơ ca, hình tượng nghệ thuật, như ta biết, thường rộng hơn tư tưởng, cao hơn con người sản sinh ra nó. Nó là một vận mệnh, một thế giới riêng, độc lập tương đối so với người sáng tạo ra nó.

Chế Lan Viên là một thế giới thơ rất phức tạp. Ngay từ đầu thuở Điêu tàn, Vàng sao..., Chế Lan Viên đã tạo ra một thế giới thơ lạ lùng, làm thi đàn "kinh dị". Tính độc đáo của nó so với các thế giới thơ lãng mạn 1930-1945 là khá lớn. Xuân Diệu yêu đương quấn quít, Huy Cận sầu nhân thế và vũ trụ, Nguyễn Bính "chân quê", Hàn Mạc Tử "thú đau thương", nhưng tất cả họ gần gũi và bình thường với chúng ta, với người đọc thuở ấy. Nhưng Điêu tàn là sọ người, là con đường trở lại quá khứ hun hút lạnh, là một tinh cầu xa xôi và lạnh giá. Tóm lại, quá khứ trở về ám ảnh thực tại và làm hệ qui chiếu cho thực tại. Đã đành không thiếu câu thơ sáng trong, lành mạnh, trẻ trung ở trong thế giới ấy nhưng nó vẫn là một ngọn tháp Chàm lẻ loi và bí mật, sản phẩm của một tâm hồn 16 tuổi.

Đến đầu những năm 60 thế kỷ XX, Chế Lan Viên sống cuộc sống của đất nước và đang đi tìm mình, sáng tạo ra mình, sáng tạo ra một thế giới thơ khác hẳn trước đó. Thơ anh không ra khỏi hai hằng số: cuộc sống đất nước và số phận cá nhân, tâm trạng cá nhân. Đất nước thì đang chia cắt, đang phải chiến đấu ở miền Nam và sau đó là cả miền Bắc. Và cuộc chiến đấu này quy định tất cả cuộc sống dân tộc, kể cả thơ ca. Về đời sống riêng tư, thì sau khi đi chữa bệnh ở Trung Quốc về, Chế Lan Viên gặp một cú sốc làm thành một vết thương sâu chấn động cả hồn anh:

Thôi đừng quay lại nhìn anh nữa

Dao cắt lòng anh trăng của em.

...Trời xanh ở sông Hàn nay đã vỡ...

Không cần hoa mỹ, nói thật lòng là vừa mới đi chữa bệnh ở xa về, phải côi cút nuôi ba con thơ dại, tan vỡ một mối tình đẹp nhất thuở đôi mươi...

Hoặc là bó tay đầu hàng số phận, hoặc là không khuất phục số phận mà vươn lên trên ánh sáng và phù sa của cuộc đời, của hồn mình. Chế Lan Viên đã không chịu lùi một phân, mà vươn lên trên cả hai mặt trận: đời

và thơ. Anh làm lại cuộc đời trên những mảnh vỡ của quá khứ, và viết những vần thơ trong sự trộn lẫn giữa nỗi đau ngày cũ và hy vọng:

Tôi tìm vui như tìm vàng trong quặng

Vào trong nỗi đau với một ngọn đèn thơ.
Và cứ như thế, anh đi đến những ngày vĩ đại, ngày toàn thắng của nhân dân mình. Tưởng như thế là khép lại một thế giới thơ với những "chỉ tiêu" nghệ thuật và tư tưởng được cuộc đời quy định sẵn. Và như thế cũng đã là vĩ đại.

Nhưng cuộc đời "vô thường" theo cách nhìn của Phật.

Những ngỡ sau chiến thắng, sau "ngày vĩ đại", cuộc sống sẽ đi lên. Nào ngờ, ngay sau chiến thắng, bao nhiêu vấn đề "hậu chiến" đã xuất hiện, cả trong lẫn ngoài đều vấp phải những vấn đề lớn, vấn đề nan giải, khiến cho cuộc sống đất nước diễn ra rất phức tạp, và tất cả chúng ta đều biết khi nhớ lại những năm tháng ấy. Về cuộc sống cá nhân, đây là những tháng ngày cam go nhất trong tình hình cuối chặng đường của Chế Lan Viên. Những phức tạp trong đấu tranh chính trị, những gian nan trong đời sống vật chất, "giá – lương – tiền" như mọi người, còn là bệnh cũ tái phát và trở nặng. Một khối u trong phổi khiến anh phải lên bàn mổ, và từ lúc đó, anh đã gần như không còn biết gì quá khứ, hiện tại, tương lai...

Hạnh phúc thường ở thế đơn côi

Còn tai ương dồn dập đánh vu hồi...

Đây chính là lúc Chế Lan Viên viết nhiều thơ nhất, thơ thế sự, thơ tâm trạng... và thơ anh đã chạm đến đáy sâu nhất của cuộc đời, của tư duy, của nhất thời và vĩnh cửu. Phấn đấu vượt qua bệnh tật thế nào, đối diện với cái chết ra sao, đất nước – nhân dân – chế độ đang ở trong tình thế nào, và thơ làm gì trong tình huống ấy. Ai? Tôi là bài thơ hay nhất bộc lộ tâm trạng và chỗ đứng của nhà thơ. Nhà thơ phải chịu trách nhiệm với đời, với những khó khăn trùng điệp, khó gỡ của đời, đó là thái độ, là lương tâm, là trách nhiệm... Nhà thơ nghĩ về việc hôm qua mình đi trong vinh quang, nay phải đi trong tủi cực, đi trên chiếc xe lam với các bà bán rau... nhưng rồi cuối cùng kết luận là như thế mới hiểu được đời.

Chưa bao giờ Chế Lan Viên đau cho thế sự, cho mình như lúc ấy, lúc sắp từ biệt cuộc đời, nhưng cũng chưa bao giờ Chế Lan Viên anh hùng – anh hùng thật, chứ không phải vờ làm anh hùng như lúc ấy. Nhà ở gần lò thiêu xác Bình Hưng Hòa, hàng ngày anh thấy khói đốt người bay lên, anh nghĩ về cái chết đang đến gần, gấp gáp, và anh nghĩ đến triết lý cuộc đời, cứ làm việc cho hết mình đi, quên cái chết.

Lúc biết anh bị u phổi, sắp lên bàn mổ, bất ngờ quá và đau thương quá, nhưng anh em chẳng chia sẻ gì được với anh chuyện sinh – tử ấy. Nhiều đêm tôi nằm trăn trở nghĩ ngợi, buồn quá, thương anh quá, một mình phải chọi với cái chết. Tôi nói với anh, và anh lại an ủi, động viên tôi: Không hề gì đâu. Mình tin ở y học, mổ là để sống. Mà nếu có gì, thì mình tin là ở bên kia, linh hồn con người vẫn tồn tại!

Lúc này không phải là lúc nói duy tâm, duy vật. Đó là chút an ủi cuối cùng của anh. Chứ như trong Từ thế chi ca anh đã viết:

Anh còn một nắm xương gio trong bình.

Nhưng lại có một niềm tin lớn hơn linh hồn bất tử:

Anh tồn tại mãi

Không bằng tuổi tên

Mà như tro nguội

Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên.

Tồn tại bằng tuổi tên, bằng "danh" là cách tồn tại tầm thường, vì "danh khả danh phi thường danh" (Lão Tử). Còn tồn tại bằng cách nhập vào với bản thể của vũ trụ, vào đất, đá, hạt sương, ngọn cỏ là phương thức tồn tại theo Phật pháp, mình nhập vào bản thể vũ trụ và tồn tại cùng bản thể, như thế mới là hằng thường, vĩnh cửu.

2. Xin nói về thi pháp, bút pháp, phong cách Chế Lan Viên vài câu. Theo tôi Chế Lan Viên đã để lại bằng thơ và bằng văn xuôi nghệ thuật, một gia tài về thi pháp mà anh rút ra được qua thực tiễn sáng tác và qua học tập, nghiền ngẫm của mình. Gia tài đó rất phong phú và thấm thía vì đó không phải những câu chữ chết mà là sự trải nghiệm rất căng thẳng, hào hứng và sâu xa từ những vấn đề của dân tộc và nhân loại.

Chế Lan Viên đã thử thơ mình bằng tất cả các bút pháp, thi pháp, từ cổ điển đến hiện đại, từ Đông sang Tây, từ cổ điển, dân tộc đến hiện đại: siêu thực, phi lý và siêu lý, tân hình thức. Chế Lan Viên đều tiếp nhận hết đi và để lại những thành tựu... trong đó ba đỉnh cao tương ứng ba thời kỳ là: Điêu tàn, Ánh sáng và phù sa, Di cảo.

3. Như ta thấy, Chế Lan Viên là nguồn đổi mới, sáng tạo liên tục thơ ca trong suốt cuộc đời, cho đến phút cuối. Những thành tựu của thơ Chế Lan Viên đạt được thật là kỳ vĩ. Thành tựu ấy nổi bật trong di sản văn chương thế kỷ XX, và mở đường cho sự tìm tòi, sáng tạo tiếp theo của thế kỷ XXI. Về phương diện ấy, Chế Lan Viên là người nổi bật nhất, là người số một, trong các thi nhân thế kỷ XX.

Trong chính trị, trong đời sống thực, Chế Lan Viên là một người đổi mới, nhạy cảm với cái mới và sẵn sàng điều chỉnh cái nhìn của mình, cách đánh giá của mình. Đừng nghĩ rằng Chế Lan Viên đơn thuần là một người rất quyết liệt, rất nồng nhiệt, rất cứng rắn trên những vấn đề nguyên tắc của đất nước, của chế độ và chỉ thế thôi. Trong đời, Chế Lan Viên vừa là một ông hoàng, một "Chế Bồng Hoan" trong cá tính, đồng thời là một người khoan dung, nhân ái, thương người, một người trân trọng cái mới. Với tầm nhìn nhân loại nhờ đi nhiều, đọc nhiều, Chế Lan Viên quyết liệt trong chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ chế độ, nhưng Chế Lan Viên là người dân chủ, rộng rãi, tiến lên cùng thời đại trong tư duy. Đó cũng là phép biện chứng trong đời, trong tư tưởng: nhiều khi những mầm non tươi xanh của ngày mai mọc lên từ sỏi đá của ngày hôm qua, của cái mà người ta cho là cực đoan, giáo điều. Có một số người không thiện chí, căn cứ vào một bài thơ nhiều hình tượng, đa nghĩa, viết trong một hoàn cảnh rất cụ thể nào đó của đời sống cá nhân, rất riêng tư (như Bánh vẽ, và cả Ai? Tôi...), cho rằng Chế Lan Viên "sám hối". Không đúng, Chế Lan Viên chưa bao giờ từ bỏ con đường yêu nước, "bay theo đường dân tộc đang bay", yêu mến sâu sắc nhân dân mình, văn hóa dân tộc mình cả. Chế Lan Viên quyết liệt cho đến phút cuối. Nhưng Chế Lan Viên là người "đổi mới", anh biết từ bỏ cái cũ, cái sai, cái cản đường... trên con đường đi dân tộc.

Không có "sám hối", nhưng có đổi mới để nhìn đời rộng hơn, sâu hơn, ra khỏi những "nhiệm vụ" thường nhật mà một thời là tối thượng, để đi đến bề sâu, cả "bề thêu trái" của cuộc đời.

Chế Lan Viên là như vậy và câu chuyện về Chế Lan Viên, về thơ Chế Lan Viên sẽ còn tiếp diễn dài lâu, chừng nào con người còn yêu thơ, còn tìm thấy ở thơ một bầu sinh quyển đáng tin cậy, ấm nồng, xanh tươi cho cuộc sống, cho tâm hồn mình.

Hà Nội, 19-11-2010

Mai Quốc Liên