Tiểu luận và phê bình văn học (tiếp): Tư duy Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh – đó là chủ nghĩa Mác – Lênin trong cái phần tinh hoa và thực tiễn của nó, ở Việt Nam.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã dặn rằng, học thuyết của các vị không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động. Cho nên học Mác không chỉ đơn giản là đọc sách, làm theo sách hay diễn giải sách theo ý riêng mình. Điều cốt tử là nắm lấy linh hồn của học thuyết đó, vận dụng nó vào thực tiễn, lấy thực tiễn kiểm nghiệm và điều chỉnh lý thuyết. Hồ Chí Minh đã làm như vậy. Và Cụ đã từng bị người ta phê phán. Nhưng Cụ đã đúng.

Khi còn trẻ, Cụ đã từng đưa ra một nhận xét táo bạo và sâu sắc, rằng học thuyết Mác chưa bao hàm cả văn hóa – triết học phương Đông. Đúng như vậy thật, và đó cũng là điều dễ hiểu: Mác chưa nghiên cứu phương Đông nhiều, đặc biệt là Trung Hoa; trong khi Nguyễn Ái Quốc là người xuất phát từ nền văn hóa đó, trên đất Việt Nam... Ngày nay, chúng ta thấy nên có một sự tổng hợp mới, Đông – Tây để làm phong phú và toàn diện chủ nghĩa Mác.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” – câu châm ngôn này là vũ khí tư duy của Hồ Chí Minh. Có lẽ, nó xuất phát từ tinh thần của Kinh Dịch và được một triết gia cổ đại nào đó nêu lên. Nhưng một khi nó được Hồ Chí Minh thốt ra, trong bối cảnh của năm 1946 ở nước Việt nam với cụ Huỳnh Thúc Kháng, thì nó có nghĩa là hãy lấy lòng yêu nước, khí phách kiên cường để ứng biến với mọi tình thế phức tạp. Ba mươi năm sau đó, kháng chiến và cách mạng Việt Nam, đã sáng tạo theo phương châm này và đã giành thắng lợi.

Hồ Chí Minh đọc rất nhiều, từ cổ đến kim, bằng nhiều ngoại ngữ. Nhưng người không nệ vào sách, không thích trích dẫn, không thích một sự phân tích dài dòng văn tự. Những người thích làm thế, nhiều khi dựa theo những tiên đề sai của sách, của lý thuyết. Tư duy tư biện hoặc máy móc không có chỗ trong tư duy Hồ Chí Minh. Người nghiên cứu, tìm hiểu, sống với đời sống và nói lên chân lý, theo kiểu của nhà hiền triết hơn là của một nhà lý luận.

Người rất ghét từ chương, sáo ngữ, biện luận dài dòng. Vì thế mà những lời của Người dễ vào lòng người, dễ nhập tâm dân chúng, và ai cũng thấy như Người phát ngôn cho mình. Các mục tiêu định ra là rõ ràng, chân thật, ai cũng tán thành.

Người thích diễn đạt bằng tục ngữ, ca dao, văn vần, thành ngữ, những cách nói dân dã. Người lại thích dẫn những câu thành ngữ Hán học mà vào thời đó các cụ nhà nho, các người có chút vốn học vấn đều thuộc, để diễn đạt ý mình. Sâu xa, đó là thừa kế có chọn lọc kho tàng tri thức Á Đông. Chẳng hạn câu: “Không sợ thiếu (vì nghèo), chỉ sợ không công bằng” (Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân) trong kho cổ ngữ Trung Hoa.

Thế cho nên, người ta thấy Cụ Hồ gần mình lắm, tư tưởng của Cụ bình dị và gần gũi như cánh đồng lúa Việt Nam, đi vào lòng triệu triệu người.

Văn hóa, tức là cái đã được lọc, được quên đi và còn lại. Hồ Chí Minh là một bộ lọc vĩ đại đã lọc văn hóa của nhân loại, của phương Đông và Việt Nam. Học theo Người, chúng ta phải học nhân loại, học phương Đông, học Việt Nam và cố gắng tư duy một cách sáng rõ, gần với chân lý nhất, gần với cuộc đời nhất.

Bởi vì phàm đã là chân lý thì nó đơn giản. Các thứ lý thuyết rắc rối, cố làm ra vẻ cao siêu, khó hiểu, thần bí... đều trôi qua. Còn những lời minh triết của Cụ Hồ thì sống mãi.


MAI QUỐC LIÊN