Tiểu luận và phê bình văn học (tiếp): Tố Hữu - một tài năng dịch thơ lỗi lạc

Thật là một niềm hạnh phúc, khi trong tiết thu đẹp giữa Hà Nội 1.000 năm tuổi, tôi được đến dự cuộc Hội thảo long trọng này, được gặp gỡ và nghe các bạn đồng nghiệp Hà Nội, được nghe tiếng nói của Đảng qua bài phát biểu ân tình và sâu sắc của đồng chí Tô Huy Rứa, về một Tố Hữu, người đứng đầu công tác tư tưởng – văn hóa của Đảng trong một thời điểm lịch sử quan trọng của dân tộc.

Về phần mình, tôi luôn luôn tâm niệm rằng: thơ Tố Hữu, sự nghiệp Cách mạng của Tố Hữu đã được các yếu nhân của Đảng và nhân dân, từ đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... và hàng trăm, hàng ngàn chiến hữu của ông đánh giá cao tột bậc. Đó là tiếng nói của lịch sử, của nhân dân, tiếng nói của lương tâm chân lý. Không có gì có thể thay đổi các nhận định chính xác đó. Tôi nghĩ rằng, Tố Hữu không chỉ là Tố Hữu, ông là một phần trong sự nghiệp của nhân dân ta, là người phát ngôn bằng thơ cho cả dân tộc vùng lên chiến đấu chống xâm lược và hiện nay chủ yếu chống lại sự tự suy thoái, tự diễn biến hòa bình. Tố Hữu bao giờ cũng là một chủ đề thời sự, một chủ đề tranh luận. Bằng con mắt công minh của văn hóa, chúng ta đánh giá Tố Hữu cả mặt cống hiến to lớn và cả mặt mà công chúng đòi hỏi cao hơn nữa. Rốt cuộc nhìn toàn cục toàn đồ thì đó vẫn là một nhà thơ, một nhà văn hóa lớn, một trí tuệ, một nhà tư tưởng của một giai đoạn lịch sử, mãi mãi còn trong sự nghiệp của chúng ta, sự nghiệp của nhân dân.

Tất cả những gì cần nói về cảm hứng lớn, về thi pháp thơ, về nghệ thuật thơ... dường như 50 năm nay, người ta đã nói, đã viết cả rồi. Hôm nay, tôi chỉ xin góp một ý nhỏ để làm sáng tỏ thêm một khía cạnh của một tài năng thơ lớn, một nhà văn hóa lớn: phương diện một tài năng lỗi lạc trong việc dịch thơ, tức là nghiên cứu Tố Hữu trong vai trò cầu nối giữa văn hóa Việt Nam và nhân loại, chiếc cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, nghiên cứu Tố Hữu trong nghệ thuật ngôn từ, ngôn từ đã được nghệ thuật hóa, trong các bản dịch.

Xưa nay, tài năng sáng tác có nhiều, chứ tài năng dịch thuật có bao nhiêu! Ở ta cũng chưa có bộ môn nghiên cứu, phê bình, dịch... vì đây là một lĩnh vực khó và tinh tế.

Nhìn lại quá khứ, chúng ta càng có thể nói rằng, dân tộc ta có tài năng và kinh nghiệm dịch văn chương. Tự thời đầu Công Nguyên, khi Luy Lâu (Bắc Ninh) là Kinh đô của Phật giáo, ở đó đã tiến hành việc dịch kinh Phật. Và trong hàng chục thế kỷ tiếp nhận văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đều đã tiến hành dịch, từng câu, từng chữ, để đưa vào tác phẩm mình. Nguyễn Trãi đã tự dịch câu thơ chữ Hán của mình:

Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy,

Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần

thành:

Tào Khê rửa ngàn tầm suối

Sạch chẳng còn một chút phàm

trong thơ Nôm của người.

Và còn ai không biết câu Kiều:

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

là Nguyễn Du dịch từ thơ Đường – Thôi Hạo. Đến bản dịch Chinh phụ ngâm, ngày nay nhiều nhà nghiên cứu cho là của Phan Huy Ích (thế kỷ XVIII), thì tiếng Việt trong bản dịch đã đến độ đẹp nhất, trong sáng nhất.

Cổ bề thanh động Tràng thành nguyệt

(Tiếng trống lớn trống nhỏ lay động trăng trên Trường thành)

đã được dịch thành tiếng Việt:

Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt.

Và như Nguyễn Tuân nhận xét rất tinh là ở đây dường như có sự tác động của quy luật vật lý giữa tiếng trốngbóng trăng: tiếng trống đánh báo động gấp và mạnh đã làm bóng trăng lung lay.

Phan Huy Thực (thế kỷ XIX), cháu nội Phan Huy Ích lại đã để lại một bản dịch Tì bà hành mà với người Việt Nam chúng ta, thì nó thân yêu hơn, lay động hơn là nguyên văn chữ Hán của Bạch Cư Dị:

Đông thuyền tây phảng tiễu vô ngôn

Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch.

Đó là cảnh lúc người cô phụ trên bến Tầm Dương dứt tiếng đàn tì bà:

Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt

Một vầng trăng trong vắt lòng sông.

Dịch mà đến như thế thì ai không cúi đầu bái phục.

Tố Hữu là một tài năng thơ lớn, là nhà thơ lớn của dân tộc và của cách mạng. Đó là một tài năng thơ bẩm sinh: mới mưới sáu tuổi, mười bảy tuổi đã có những bài thơ hay, làm chấn động tâm hồn của cả một thế hệ. Có thể nói, gia đình, quê hương, văn hóa... đã tạo nên tài năng ấy. Nhưng cái chính vẫn là bản ngã của một tâm hồn.

Nhưng ngoài tài năng sáng tác, Tố Hữu còn là một dịch giả thơ lỗi lạc. Thế kỷ vừa qua, có nhiều người dịch thơ nhưng khó có ai sánh được với Tố Hữu về phương diện ấy. Tài năng sáng tác đã chuyển hóa thành tài năng dịch và ở đây cả hai đều là sáng tạo.

Vấn đề dịch, nhất là vấn đề dịch thơ, là một vấn đề rất phức tạp, nằm giáp ranh giữa nhiều bộ môn như văn học, ngữ học, mỹ học, có cái có tính quy luật, khoa học, nhưng có cái nằm ở vùng tình cảm, thẩm mỹ rất khó xác định. Chung quy, dịch là đi tìm một cái tương đương với nguyên tác trong một ngôn ngữ khác. Và dịch thơ, tức là phải chuyển được chất thơ, ý thơ, ngữ điệu thơ... cả cái "ý ở ngoài lời", cả những "khoảng lặng" trong bài thơ... sang một ngôn ngữ khác. Và dịch là sáng tạo, là sáng tạo lại trên cơ sở chất liệu của nguyên tác. Ở đây không được phép thêm bớt, nhưng rõ ràng là trong lúc dịch, tài năng sáng tạo của người dịch được bộc lộ rất rõ và sự hơn kém của các bản dịch cũng rất rõ ràng. Có những bản dịch giết chết nguyên tác bằng cái tầm thường, tầm thường trước hết về cách diễn đạt của tiếng mẹ đẻ, rồi sau đó là tầm thường về ngữ nghĩa, vần điệu, chưa nói đến những cái cao diệu hơn của thơ. Nhưng cũng có những bản dịch được giới văn hóa ưa thích, kính trọng...

Tố Hữu, một nhà thơ hiện đại, chủ yếu là nhà cách mạng chuyên nghiệp. Ông ít có thời gian để sáng tác. Sáng tác, như ông nói, chủ yếu là lúc ông nằm bệnh viện hoặc tranh thủ đêm hôm, ngày nghỉ... Thế nhưng, ngoài sáng tác, viết chính luận, ngoài công việc ra ông còn rất quan tâm đến dịch thơ. Và đã để lại một di sản dịch đáng kể, hơn 200 bài.

Đó là vì, trước hết, ông thấy cái bức thiết của việc phải tiếp nhận những tinh hoa thơ của nhân loại cho nhân dân mình. Nhân dân ta, do chiến tranh, đói nghèo... rất bị thiệt thòi trong tiếp xúc với các nền văn hóa thế giới. Điều cũng không kém phần quan trọng là trong công cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng xã hội mới; chúng ta cần đến những người đồng chí, đồng tình, cùng chung lý tưởng chiến đấu chống xâm lược, chống áp bức, bất công...; cần những bài thơ như những tuyên ngôn chiến đấu, mãnh liệt và giàu năng lượng sống. "Bạn ơi, dù đầu ta rơi mất. Ta sẽ nâng trái đất trên vai. Từ đôi mắt mẹ khóc hoài. Sẽ đưa trái đất ra ngoài lệ đau (...). Phí hoài đâu những hy sinh? Bạn ơi, tạm biệt! Chết là việc mới cho mình đó thôi!" (Jinđrich Vichra – Tiệp Khắc). Vì lý do đó, Tố Hữu đã tìm đến các nhà thơ, đồng thời cũng là những anh hùng dân tộc như Pêtôphi, Cristo Botev...; những nhà thơ cộng sản như Maiakovski, L.Aragon, Pablo Neruda, Nazim Hikmet... Ở họ, trước hết Tố Hữu tìm thấy sự đồng điệu, đồng cảm lớn lao và ông đã đem tâm hồn sôi nổi, nhiệt huyết, trong sáng của mình để lọc những bài thơ ấy qua tiếng Việt yêu thương, chủ yếu là dịch những bài ca chiến đấu:

... Em có yêu, ta vui ta sống,

Em không yêu ta uống làm khuây

Hãy đem đây cho ta chén rượu

Thì lòng ta vui lại đến ngay

Tiếng ta ca hát lên khi ấy,

Như ráng trời lên hồn ngất ngây,

Ôi tay ta nâng đây chén rượu.

Khi bao dân tộc vẫn xiềng tay!

Thảm bao nhiêu tiếng xích xiềng này

Tiếng ta ca hát lên khi ấy

Như đám mây hồn u thảm bay.

Dân ta ơi sao đành cam nô lệ

Sao chẳng vùng lên bẻ xích xiềng?

Phải chăng còn đợi phép thần tiên

Rỉ kia gặm cho xiềng xích gãy?

Tiếng ta ca hát lên khi ấy

Như nỗi lòng căm chớp lửa thiêng

(Thơ Pêtôphi – Hunggari)

Và Tố Hữu cũng đã dịch cả những bài thơ tình, những bài buồn đau, trong sáng của các nhà thơ Pháp, những bài nổi tiếng trong văn học Pháp và thế giới của V. Hugo, của Baudelaire, của Alfred de Musset : "Không có gì làm ta lớn bằng một nỗi đau khổ lớn"... và các nhà thơ Xô Viết, Tiệp Khắc (Nezval), Bungari (Vaptsarov)...

Sự ngang tầm về lý tưởng, về tâm huyết, tâm hồn, tâm sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho Tố Hữu dịch; do đó, dịch mà như là sáng tác; giữa người dịch và người sáng tạo như là tình nhân, là anh em, đồng chí... Vì thế, bài thơ dịch, dù chủ yếu qua tiếng Pháp chứ ít khi qua nguyên ngữ, vẫn cho thấy một sức cuốn hút lạ lùng, từ sự thắm thiết của ý thơ, cái mẫu mực, cái đẹp của vần điệu, cái trong sáng duyên dáng của tiếng Việt, cái cao diệu của những tình điệu muôn màu sắc... Tất cả được Việt hóa và được Tố Hữu hóa, để trở thành bản dịch tuyệt diệu (lời Simonov, tác giả Đợi anh về...).

"Hãy đợi anh... Hãy chờ anh và anh sẽ trở về. Chỉ có điều là em phải rất mong... Hãy chờ anh khi mà những cơn mưa mùa thu vàng vọt gieo nỗi buồn. Hãy chờ anh khi tuyết rơi, hãy chờ anh khi nắng gắt... Hãy chờ anh khi những người khác không chờ anh nữa (...). Hãy chờ anh và anh sẽ về. Bất chấp cả cái chết. Bằng sự đợi chờ của em, em đã cứu anh...".

Qua bản dịch của Tố Hữu, người ta cảm nhận được cái tha thiết, cả cái thê thiết, cái hy vọng và tuyệt vọng, chiều rộng của không gian, mong manh phấp phỏng của thời gian, và trên hết cả là tình yêu, là chờ đợi, là thủy chung... cao đẹp của hồn người.

"Em ơi đợi anh về – Đợi anh hoài, em nhé – Mưa có rơi dầm dề – Ngày có dài lê thê – Em ơi em cứ đợi – Dù tuyết rơi gió nổi – Dù nắng cháy em ơi – Bạn cũ có quên rồi – Đợi anh về em nhé!".

Từ nguyên bản thơ Nga, qua thơ Pháp, qua thơ Việt, bản dịch tất yếu phải thêm bớt, biến đổi, vần điệu cũng phải khác (trong tiếng Nga, thơ Simonov cũng là thơ tự do, không phải thơ cổ điển); tiếng Nga đa âm tiết, có trọng âm; sang tiếng Việt đơn âm tiết, 6 thanh, hệ thống khác nhau, cái chính là bản dịch giữ lại hồn cốt, giữ lại chất thơ, chất nhạc, sức quyến rũ của một tình yêu bất diệt.

Chín năm chống Pháp, trên rừng Việt Bắc, trên đại ngàn Tây Nguyên, đồng bằng khu 5, bưng biền Nam bộ, bản dịch đã đi vào tâm hồn bộ đội, nhân dân..., đem đến cho họ một vẻ đẹp mới của lý tưởng nhân văn cách mạng. Bài thơ được phổ nhạc và trong các thành thị tạm chiếm, ở Sài Gòn và Hà Nội người ta hát nó một mình như một tấm lòng hướng về chiến khu, về kháng chiến...

Tố Hữu nắm bắt rất điệu nghệ, tài hoa cái hồn của bài thơ qua nhạc điệu của nó; và chuyển rất thành công qua tiếng Việt. Đó là trường hợp nguyên tác là tiếng Pháp mà ông thông thạo, thấm nhuần từ hồi còn đi học. Bài thơ Tiếng ca thu (Chanson d’automne) của Paul Verlaine, Tố Hữu dịch vào lúc cuối đời, trong một tâm sự buồn rất dễ bắt vào nỗi buồn của P. Verlaine. Bài thơ giản dị trong từ ngữ tiếng Pháp, nhưng nó diễn tả một nỗi buồn sâu sắc, triền miên của một trái tim đau, của một tâm hồn nhạy cảm và tuyệt vọng. Nhạc điệu của nó, trong những câu thơ tự do, trong từng phân đoạn của bài thơ, cũng nức nở một nỗi sầu tẻ ngắt, ngột ngạt, chán nản, đơn điệu, tuyệt vọng. Tố Hữu nghe rõ những cái đó của tứ thơ và nhạc điệu và đã diễn đạt nó một cách tinh tế trong tiếng Việt:

Chanson d'automne

Les sanglots longs

Des violons

De l'automne

Blessent mon cœur

D'une langueur

Monotone.

Tout suffocant

Et blême, quand

Sonne l'heure,

Je me souviens

Des jours anciens

Et je pleure;

Et je m'en vais

Au vent mauvais

Qui m'emporte

Deçà, delà,

Pareil à la

Feuille morte.

Paul Verlaine                                                            

TIẾNG THU

Tiếng đàn ai

Nức nở hoài

Mùa thu

Đau tim ta

Nỗi sầu tẻ nhạt.

Chao ôi! Ngột ngạt

Tái tê

Khi lòng ta lại nhớ về

Ngày qua

Mà sa nước mắt

Ta lại đi

Theo gió phũ phàng

Cuốn lang thang

Đây đó

Như chiếc lá vàng

Rơi.

Vần trong bản tiếng Việt ôm nhau (tê – về ; qua – sa) rất đẹp, tình điệu bài thơ đã được chuyển hóa hoàn toàn từ tiếng Pháp sang tiếng Việt; không để rơi rụng bất kỳ cái gì của bài thơ; mà lại còn làm cho ta thấy nó như một sinh thể sống – một sáng tác trong tiếng Việt.

Cuối đời, có chút ít thời gian, Tố Hữu dịch một số bài thơ phương Đông, và thơ của dân tộc mình, những bài thơ chữ Hán; chủ yếu là qua các phiên âm dịch nghĩa. Điều thuận là qua phiên âm, dịch nghĩa... người như Tố Hữu dễ dàng nắm được tình ý của nguyên tác. Các bản dịch thơ Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... đều thể hiện tấm lòng của thơ Tố Hữu đối với các thi hào cổ điển, và được dịch rất công phu. Long Thành cầm giả ca... của Nguyễn Du được ông dịch, chữa đi chữa lại nhiều lần, kỳ cho đạt đến sự hoàn chỉnh mới thôi..., vất vả còn hơn sáng tác. Lỗ Tấn nói đúng: "Dịch khó hơn sáng tác". Bởi vì dịch luôn luôn bị bó buộc bởi nguyên tác, còn sáng tác thì tự do hơn. Long thành cầm giả ca của Tố Hữu là một bản dịch xứng với Nguyễn Du, người mà Tố Hữu đã nghe qua thơ ông tiếng vọng của cả nước non "nghe như non nước vọng lời ngàn thu... Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du, Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày...". Tì bà hành của Bạch Cư Dị là kiệt tác của nhân loại, nó nói đến nỗi đau của một cô ca kỹ Tầm Dương và cũng là nói nỗi đau của chính tác giả. Nguyễn Du kế thừa Bạch Cư Dị, nhưng ngoài việc nói lên một nỗi đau của người nghệ sĩ, ông còn nói nỗi đau hưng phế, biển dâu của một thời lịch sử:

"Khúc xưa, nghe những lệ tràn,

Lòng đau chợt nhớ gặp nàng như mơ

Hai mươi năm trước, ai ngờ

Tiệc vui Hồ Giám bây giờ thấy nhau?

Biết bao chìm nổi biển dâu,

Đổi dời thành quách, khác nhau việc đời

Tây Sơn cơ nghiệp tan rồi

Chỉ còn sót lại một người múa ca

Trăm năm chớp mắt ngày qua,

Đau lòng việc cũ, xót xa lệ sầu

Nam ra, ta đã bạc đầu

Trách gì người đẹp, sắc màu tàn phai

Nhớ xưa, mở mắt nhìn ai,

Thương thay giáp mặt, cả hai ngỡ ngàng"

Tố Hữu cũng dịch nhiều bài của Cao Bá Quát, đến gần 100 bài nhưng bài hay nhất là bài Sa hành đoản ca (Bài hát ngắn đi trên bãi cát), một bài thơ phức điệu, nhiều tâm sự và lớn của Cao.

沙 行 短 哥

長 沙 復 長 沙

一 步 一 回却

日 入 行 來 已

客 子 淚 交 落

君 不 学 仙 家 美 睡 翁

登 山 涉 水 怨 何 窮

Bãi cát dài, lại bãi cát dài

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được

Lữ khách trên đường nước mắt rơi

Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi

古 來 名 利 人

奔 走 路 途 中

風 前酒店 有 美 酒

醒 者 常 少 醉 者 同

長 沙 長 沙 奈 渠 何

坦 路 茫 茫 畏 路 多

聽 我 一 倡 窮 途 歌

北 山 之 北 山 萬 疊

南 山 之 南 波 汲 萬 級

君 胡 為 乎 沙 上 立

Xưa nay phường danh lợi

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu

Người say vô số, tỉnh bao người?

Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tỉnh sao đây, đường bằng mờ mịt

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?

Hãy nghe ta hát khúc "đường cùng"

Phía bắc núi bắc, núi muôn trùng

Phía nam, núi nam, sóng dào dạt

Anh đứng làm chi trên bãi cát?

Một sự bế tắc đến cùng cực, một nỗi đau lớn của tất cả những số phận thi nhân và trí thức có tâm huyết trong chế độ phong kiến chuyên chế.

Sinh thời Tố Hữu và cũng như hiện nay, Toàn tập, Tuyển tập... của Tố Hữu không tính đến các bản dịch. Chúng tôi cho rằng, đối với Tố Hữu, dịch cũng là sáng tác, và đối với ông, dịch, sáng tác hay làm bất cứ công việc gì cũng là vì đời, vì nhân dân, vì cách mạng, kháng chiến, vì lý tưởng của mình. Đó cũng là món quà mà ông dâng hiến, là "cho", "Sống là cho. Chết cũng là cho" như ông nói.

Chúng ta tiếp nhận món quà quý ấy với lòng biết ơn ông vô hạn.

Mai Quốc Liên