Tiểu luận và phê bình văn học (tiếp): Vài hồi ức về Hoài Thanh*




Tôi là “quân” của Cụ hồi ở Viện Văn Học. Với chức danh “Thư ký Tòa soạn”, Cụ phụ trách cả tờ Tạp chí này trong nhiều năm. (Thực tế Cụ là người duyệt bài cuối cùng, Tổng Biên Tập). Đồng thời, Cụ là Phó Viện Trưởng. Cụ Đặng Thai Mai là Viện trưởng; nhưng Cụ Mai chỉ ở nhà, ít khi đến Viện; mọi việc của Viện cũng ở tay Cụ. Bên Văn Nghệ, thì Cụ là Tổng thư ký, Đảng–đoàn của Hội. Nói chung, Cụ là một người có uy tín lớn trong giới; là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của văn hóa – văn nghệ thời bấy giờ.

Hồi ấy, tôi mới ra Trường, về Viện, có viết một vài bài trên tạp chí. Có lần Cụ gọi lên, góp ý, giọng rất nhỏ nhẹ lịch sự: “Anh xem, chữ này, câu này…”. Ở ngoài lề Cụ chỉ chấm một chấm con để lưu ý. Cái gì Cụ chỉ vẽ, đều thuyết phục. Rồi về tự chữa lấy. Bằng cách ấy, Cụ đã dạy nghề, huấn luyện chúng tôi.

Trong một buổi nói chuyện với thanh niên ở Viện (lúc ấy đang sơ tán ở Hiệp Hòa – Hà Bắc), Cụ có kể đôi nét về tiểu sử Những nét tiểu sử đó, sau đều có đăng báo, in sách cả. Đại khái, Cụ là con một nhà nho nghèo ở Nghi Lộc. Học đến tú tài, chữa morasse ở Huế, rồi viết báo, viết phê bình; rồi đi dạy học, viết Thi Nhân Việt Nam, nổi danh, giỏi chữ Pháp (viết báo tiếng Pháp).

Có lần tôi hỏi Cụ: Bác là người Nghi Lộc, mà giọng Nghi Lộc rất khó nghe, làm sao bác lại có giọng nói, giọng bình thơ hay như thế?

Cụ cười, trả lời: Tôi dạy học tư, nếu nói dở, dạy dở thì không ai theo học. Nên tôi phải tập nói.

Cụ Nguyễn Đức Vân, nhà Hán học cùng quê Nghi Lộc (cùng họ Nguyễn Đức – Nguyễn Đức Nguyên là tên Cụ Hoài Thanh) thì nói không dễ gì nghe, mà tiếng Cụ Hoài Thanh thì trầm ấm, ngọt dịu, nghe cứ như uống vào người. Tôi cho rằng, nghe Cụ nói chuyện văn thơ còn hấp dẫn hơn đọc văn bản. Đó cũng là cái biệt tài của Cụ. Cái miệng móm móm, cái cười có duyên, cái giọng trầm, nhấn nhá, giọng Nghệ, giọng Huế, giọng Bắc pha lẫn, mình dân xứ Quảng mô – tê – răng – rứa, nghe mê liền… Cái giọng này tán chị em thì phải biết! Thế nhưng, Cụ chỉ “tán” được bà Phan Thị Nga, thời đó là phụ nữ cách mạng, viết báo, sinh Từ Sơn, Phan Hồng Giang và mấy anh con trai nữa (không thấy con gái). “Tán” bằng thư. Hồi trẻ, nghe nói cụ cũng có “mê” nữ sĩ Hằng Phương. Chắc mê theo kiểu nhà nho, kiểu “ tình yêu thuần khiết” – amour Platonique – vậy thôi, không có chuyện gì ầm ĩ.

Sau khi bà Nga mất, thì Cụ lấy bà Bền, người Nam bộ, vợ của một cựu điền chủ – cựu Bộ trưởng trong Chính phủ Cụ Hồ, làm bạn già. Hai ông bà ở 67 Trần Quốc Toản, gần báo Văn Nghệ, là nơi mà Cụ chuyển qua làm Tổng biên tập sau thời Viện Văn. Tôi với “đồ Hỉ” (Giáo Sư Đỗ Văn Hỉ) năm nào Tết cũng đến thăm thủ trưởng cũ, theo “lễ”. Lúc bấy giờ, Cụ thôi là thủ trưởng của chúng tôi, nên chúng tôi ăn nói tự do hơn. Có lần tôi thưa: Nếu ai mà cũng như ông X., thì chẳng ai người ta theo Đảng. Cụ kín đáo, im lặng. Cụ ít bình luận về người khác. Nhưng có lần cụ cười cười nói: Viết văn mà như ông Y, thì nó là , không có gạo thì phải ăn thôi, chứ… Năm đó là năm Cụ đã vào Thành phố Hồ Chí Minh, tránh rét cho bệnh cứng phổi khó thở của Cụ, những năm ăn mì, bo bo…

Những năm ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đi dạy, thường đến chơi thăm Cụ ở 212/13A Nguyễn Hữu Cảnh, Quận I. Hai ông bà ở đó, có cô cháu bà Bền giúp việc nhà, bệnh hoạn, già yếu, buồn và cô đơn. Anh em văn nghệ bận cả, mà họ là dân sáng tác, ít thích bình luận thơ văn, nên ít ghé thăm Cụ. Tết, Cụ mặc bộ đồ lớn ngồi chờ khách mà chẳng có ai. Cụ có than phiền. Nhưng thời vận khó, người ta lo cho mình chửa xong… Cấp trên thì ở xa, con cái cũng ở xa…. Tôi có cử mấy sinh viên đến hỏi chuyện, ghi chép… cốt cho cụ vui mà thôi. Rồi Cụ ra Bắc lại, ít lâu sau thì Cụ mất (14/3/1982).

***

Cụ Hoài Thanh (thời sơ tán chúng tôi gọi là Cụ Hoài) là một tài năng lớn, một tài năng bẩm sinh về phê bình văn học. Cụ mê thơ, mê Kiều…, mê bình văn – như Cụ nói, thích làm “người đệm đàn” cho những bài thơ hay. Cụ có tài riêng, độc đáo, tinh diệu trong phát hiện cái hay của câu thơ, bài thơ và có một giọng văn dung dị, tao nhã, chừng mực, tinh tế, đầy tình cảm và ấn tượng, làm người đọc bất ngờ khám phá ra những cái mình cũng đọc mà không sao phát hiện hay nói lên được… Cụ kết hợp được văn hóa Đông – Tây trong phê bình: cái tinh tế phương Đông của bình văn trong Thi thoại, cái cách thưởng thức từng chữ của các cụ về thơ Đường, và cái ấn tượng, trực cảm, phân tích kiểu phương Tây. Tôi có để ý, thấy để bình luận bài thơ, Cụ đọc đi đọc lại rất kỹ, tích lũy ấn tượng, nghiền ngẫm phát hiện,chọn lọc những câu hay, rồi viết ra với lời văn điêu luyện, tinh lọc. GS. Lê Đình Kỵ cũng là nhà phê bình, có lần nói: Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam hay là nhờ viết ngắn. Có một phần đúng như vậy. Vào tay các người khác, họ sẽ viết mấy chục trang cho hả, cho khoái khẩu, khoái tay, nhưng không mấy ai chịu đọc, vì nhạt, vì… Công nhận cái chính là Cụ có tài. Mà tài đi với tâm. “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người” là phương châm bình văn của Cụ. Cụ cũng là con người với tất cả cái hoàn cảnh lịch sử và cảm xúc, suy tư như các nhà thơ, chỉ có họ dùng vần điệu còn Cụ thì dùng văn xuôi – văn xuôi nghệ thuật. Huy Cận có nói, sau mấy chục thi nhân trong Thi nhân Việt Nam thì Hoài Thanh cũng là một nhà thơ. Một nhà thơ bị đóng đinh trên cây thánh giá phê bình. Hoài Thanh là nhà thơ của các nhà thơ, là người anh, người bạn, người tình, đôi khi như người thầy của các nhà thơ. “Đọc thơ Huy Cận, tôi đã gặp một người em. Chỉ một người em. Không...”. Tác dụng của phê bình thật ghê gớm. Nhiều người trong đó còn tên tuổi là nhờ Hoài Thanh.

Sang thời cách mạng – kháng chiến – tám năm gian khổ ở rừng Việt bắc, Cụ “nói chuyện thơ kháng chiến”, làm nghĩa vụ công dân. Thế hệ Cụ là thế hệ khai sơn phá thạch, lát đường cho nền văn chương Cách mạng. Hòa bình 1954, Cụ lại bình thơ và làm lãnh đạo. Ta để ý thấy Cụ không bao giờ trở lại bình thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… hay bình những người làm thơ cùng cánh lãnh đạo như Hoàng Trung Thông, Chính Hữu… nữa, mặc dù sau này họ cũng có thơ hay. Chán rồi chăng? Một quy luật: Khi yêu từ xa các “thi nhân”, các “người” trong Thơ mới (hồi đó Cụ 30 tuổi, dạy học ở Huế), Cụ không va chạm, không thấy cái bực mình, trần lụy… mà chỉ thấy thơ. Giờ đây, hàng ngày ăn ở sinh hoạt va chạm với họ, “nhân loại xem gần”, câu thơ với cuộc đời khác nhau … chắc Cụ chẳng còn lòng dạ nào để yêu nồng nàn, đằm thắm như xưa nữa. Cụ viết về thơ Bác Hồ, thơ Phan Bội Châu, thơ Tố Hữu, viết về Kiều, Phan Trần, Chinh phụ… và một vài anh bạn trẻ… Về Kiều, Cụ là một trong những người viết hay nhất. Cụ không lý luận nhiều, Cụ không ưa lý luận. Tôi để ý thấy Cụ lúc này bận nhiều, rất ít đọc sách. Lý luận của Liên Xô, của Timofeev, Abramovich, Khrapsenko… , chắc Cụ chỉ cười nhếch mép. (Con trai Cụ Phan Hồng Giang học ở Nga, rất giỏi tiếng Nga và là dịch giả tài năng nổi tiếng, nhưng lây cái tính của cha, cũng ghét lý luận. Nhưng mà anh lại được cử vào Hội Đồng Lý luận : “Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên!”). Đó cũng là cái may và cái rủi của Cụ. Văn học Xô viết, cả Văn học Nga, Cụ cũng chẳng màng. Cụ chỉ sử dụng cái vốn Cụ có ngày xưa và cái “bộ máy cảm biến” của tâm hồn Cụ, thế thôi. Nhưng cái đó rồi cũng dễ dẫn đến sự lặp lại, đơn điệu… Và cũng có người, như Xuân Sách, sẽ cho là Cụ “vị người cấp trên”.

Theo tôi, thì không phải thế, mà như Cụ nói; đó là nói “oanác” cho Cụ (và không phải chỉ cho Cụ). Đó chính là sự trung trinh, sự kiên định, là lẽ sống và tư cách làm người của Cụ. Đã đi làm cách mạng, kháng chiến chống ngoại xâm, lại là lãnh đạo, phải có tư cách, phải nhất quán. Thơ Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu, thơ miền Nam là biểu tượng tinh thần của cuộc chiến đấu ấy, mà Hoài Thanh thì rất nồng nhiệt, tâm huyết với cuộc chiến đấu của dân tộc. Ông mượn bình thơ để nói lòng mình.

Gần đây, người ta trở lại đề cao “Thơ Mới” và nhân đó, xem Thi nhân Việt Nam là tuyệt phẩm của Hoài Thanh, không có nó thì cũng không có Hoài Thanh và phủ định những gì Cụ viết ra sau đó, trong thời kháng chiến và Cách mạng. Hoài Thanh thì lại nói ngược lại, Cụ cho chính sau này Cụ viết “dứt khoát hay hơn”. Theo tôi, “Thơ Mới” dầu hay, cũng không phải không có những nhược điểm hiển nhiên. Nó là một “tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa” (Trường Chinh) của những thanh niên mới – dầu sao cũng là thanh niên mất nước. Tâm hồn họ phong phú hơn thế hệ trước nhưng đồng thời cũng yếu đuối hơn, uỷ mị, rên rỉ nhiều khi đáng ghét. Nhất là khi đi vào kháng chiến, càng thấy rõ cái khó ưa đó. Bây giờ, “đổi mới”, ta thông cảm và bỏ qua chuyện đó, nhưng trong cuộc đời thực gian khó, trụ bám, vươn lên với thiên hạ, mà cứ rên rỉ, than thở thế, sao nên? Hoài Thanh khi đi vào Cách mạng, nhận rõ cái chân lý đơn giản: phải quyết trút bỏ hết để giành lấy địa vị con người độc lập – tự do; đã không ưa cái con người cũ của mình. Thế là phải, là cao cả. Còn như hàng loạt bài viết của ông về sau, tuy không có cái duyên dáng, cái non tơ… của thời thanh niên, lại có cái từng trải, già dặn của một bậc thầy lão thành, gừng càng già… Cụ cũng không tham viết nhiều, cái gì ưng ý lắm mới viết, viết cho mình cho người chứ đâu có ý cầu cái gì đâu. Mà ở nước mình, tài năng ít, nhất là phê bình là khó, Cụ vẫn có cái giọng riêng, nên đọc vẫn thú. Chắc thế nào cũng bị cũ, bị mòn, bị lặp lại – ai mà chống nổi quy luật tuổi già. Phần khác, có điều này cũng nên lưu ý: trong các bài viết của Cụ thì thật khó bắt bẻ, khó tìm ra cái tệ giáo điều cứng nhắc, vì cụ tinh lắm. Nhưng trong khi lãnh đạo, duyệt bài tạp chí thì vì xu trào, vì nể nang, vì tránh phiền phức và vì cái gì nữa trời biết, Cụ đã để lọt ra trên Tạp chí nhiều bài quá đáng, khó nghe, kiểu như phê bình Sông Đà của Nguyễn Tuân… Chắc phần lớn vì bài đó mà Nguyễn Tuân đòi chôn theo mình một nhà phê bình để tiếp tục tranh cãi… Và không chỉ trường hợp Nguyễn Tuân – có những khác biệt giữa các nhà văn bên Hội Nhà Văn và nhiều ông ở Viện.

Hoài Thanh có một quá khứ “vị nghệ thuật” (đó là nhìn vào hình thức), bản thân thì đích thị là “tạch tạch sè” (tiểu tư sản) mà cách mạng lúc đó thì gay gắt lắm, khốc liệt lắm, nên Cụ dễ ngại ngùng, thỏa hiệp với những cái cứng nhắc, dung tục, thiển cận trong phê bình – lý luận lúc đó. Nhưng nhìn tổng quát thì cái thời ấy tuy có nhiều chuyện phức tạp, vẫn là một thời hào hùng có một không hai của lịch sử nước ta và Hoài Thanh đã đi trọn con đường của mình, song hành cùng lịch sử, cùng dân tộc.

Dù bây giờ và mai sau thời thế có biến đổi đến đâu, tôi chắc Cụ cũng không bao giờ đổi ý, đổi đường, sám hối… Cụ cười cười thế thôi, chứ anh đừng hòng làm Cụ thay lòng đổi hướng. Nhà Tây học Hoài Thanh có cái phong thái của bậc đại trượng phu thời cổ “phú quý không ham, nghèo khó không lay, uy vũ không khuất”.


--------------

(*) Kỷ niệm 100 năm sinh nhà phê bình Hoài Thanh (15/7/1909 – 15/7/2009)

Mai Quốc Liên