Đầu năm 1974, Viễn Phương ra Hà Nội. Nhà tôi và vợ anh là chị em họ, nên anh kêu tôi bằng "dượng". Cái tiếng "dượng" mà chỉ ở miền Nam mới dùng, nên chi lâu không nghe, nghe có hơi lạ tai. Kịp đến khi về miền Nam thì anh đã là lãnh đạo Văn nghệ Thành phố. Chế Lan Viên và Anh Đức có chứng cho tôi một cái giấy, đưa qua nhờ Viễn Phương xác nhận chữ ký, ông nhất quyết không chịu. Tức muốn chết cái người nguyên tắc cứng đờ máy móc. Thế là phải đưa qua Văn phòng Quốc hội chứng vì hai ông này là đại biểu.
Thế mà, duyên nợ thế nào, sau đó thì anh và tôi lại thân thương nhau hết mực. Và tôi đã hiểu anh, ngược lại từ thời chín năm, rồi hai mươi năm trong thành phố tạm chiếm. Tôi đã đọc anh, thơ văn, hồi ký, văn bia... Tôi đã tổ chức dịch ra tiếng Anh và giờ tôi viết về anh, nhưng thời gian co kéo, chỉ có thể viết ngắn. Biết rằng chỉ nói được một phần rất nhỏ về anh.
Ba mươi năm chiến đấu của dân tộc, Viễn Phương có mặt liên tục ở những nơi gian khổ và ác liệt nhất. Chàng thư sinh 17 tuổi của Collège Cần Thơ đi kháng chiến, làm bộ đội trinh sát, có tiếng Pháp nên nói chuyện được với sĩ quan Pháp và qua mặt được nó để đưa bộ đội vào đánh địch; sau đó làm giáo dục, làm văn nghệ... Chín năm đó, bây giờ viết lại, nhớ lại là cả một huyền thoại. Viễn Phương hay kể lại, nhắc lại trong bút ký, trong hồi ký của mình những năm tháng ấy, những năm không thể nào quên. Cái đáng nói anh là một người viết văn có giọng điệu riêng. Trong văn chương, giọng điệu riêng, cá tính, phong cách riêng hầu như quyết định tất cả. Giọng của Viễn Phương "tưng tửng", đùa đùa, nhưng sâu bên trong là những tình cảm yêu mến sâu sắc, trầm lắng, làm người ta đọc một lần cứ thấy quấn quýt, cảm tình và nhớ mãi. Anh quan sát cuộc đời nhân vật... tinh tế và nhìn cuộc đời dưới cái góc độ ít nhiều trào lộng. Còn gì "nghiêm túc" hơn chiến đấu, tù tội, tra tấn, chia ly, chết chóc, hy sinh... Nhưng cuộc đời là vậy, hãy nhìn nó vui lên, lạc quan, vì nó là sự sống sinh động mãi mãi, cuốn hút mãi mãi và thú vị làm sao!
Dương Tử Giang, một liệt sĩ văn nghệ thân yêu của những người kháng chiến, người trước khi hy sinh trong tay địch đã kịp nói một câu bất hủ: "Nếu ai còn sống sẽ sống và chiến đấu bằng cả sức mạnh của người đã chết", là bạn của Viễn Phương, Viễn Phương đã viết hai truyện ký nhớ về Dương Tử Giang. Một truyện là mối tình đầu của Dương Tử Giang, một mối tình đầu có một không hai trong "tình sử". Tình sử Trung Hoa chỉ chép những chuyện trai tài gái sắc yêu nhau, lụy nhau, chia ly, đoàn viên hay vỡ mộng, đủ các sắc thái tình, chỉ còn thiếu sắc thái tình yêu mà Viễn Phương kể. Dương Tử Giang hồi mười một tuổi để ý một cô bé trong lớp, vì cô ta cũng ngó anh cười, nghĩa là hai anh chị "chịu" nhau, thông "mạch" – Thế là hẹn ra cầu một buổi chiều. Hẹn ra rồi mà không biết nói gì. Bỗng dưng, "chàng" phát hiện ra "nàng" có những vòng đất đen kịt trên cổ và kêu lên, "ơ rê ca" cái phát hiện tầm cỡ đó: "Cái cổ mày hờm đóng đen thui hà!". Cô ta chửi cho anh ta một trận, khóc bỏ đi và... mối tình đầu... tan vỡ.
Các chuyện về gánh hát trong kháng chiến của ông Bảy Bạch, kết thúc bằng chi tiết đêm diễn tuồng ở Rạch Giá. Ông Bảy gạ Viễn Phương đóng vai lính hầu đẩy xe cho "nhị tẩu", anh không chịu. Nhưng nhạc công Đăng Đạo đã "phát hiện" đây là một nữ sinh rất đẹp ở Rạch Giá đi kháng chiến, và đã dùng cây "đờn cò" (violon) để chinh phục nàng: "... Còn cái bà nhị tẩu ở thành mới vô đặc sắc, bả chưng diện đẹp như Hằng Nga... ai ngó thấy cũng hít hà chắc lưỡi, lo ngó bả mà quên nghe bả hát cái gì... Còn ông Đăng Đạo cầm cây đờn cò Tây đứng trong cánh gà, con mắt lom lom ngó bà nhị tẩu muốn rớt tròng, vừa đờn ò e, vừa nuốt nước miếng ực ực (...). Kết cục: Ông Dương Tử Giang và đoàn hát bội được giấy khen của "kháng hành" (UBKCHC) Nam bộ. Ông Đăng Đạo rinh được bà nhị tẩu, ăn ở với nhau cho tới bây giờ, đầu bạc răng long, con đàn cháu đống".
Khi đọc truyện tới đoạn này, tôi có nói đùa với Viễn Phương "chắc ông Viễn Phương lúc đó nấp sau cánh gà xem hát, cũng nuốt nước miếng cái ực...!".
Viễn Phương là người bề ngoài như nho sĩ, mà bên trong thì nghịch ngầm. Chính cái cười và cái trữ tình đi đôi với nhau đã làm nên cái chất riêng trong toàn bộ tác phẩm của anh. Tất cả các bức chân dung văn nghệ kháng chiến mà anh họa lại bằng hồi ức đều như vậy. Những truyện anh viết về Củ Chi, cũng ngời lên những chi tiết đời thường vui vui giữa biết bao ác liệt, căng thẳng, thành ra câu chuyện của anh viết về chiến đấu, chiến trường mà vẫn trữ tình, bình dị... Những người lính Mỹ, khách Mỹ đọc truyện của anh qua bản dịch rất đạt của Vũ Tiến Thống (theo đánh giá của một Tùy viên văn hóa ở Tổng lãnh sự Anh duyệt lại bản dịch), chắc sẽ hiểu hơn con người Việt Nam mà họ đã va chạm trong cuộc chiến vừa qua.
Chế Lan Viên đánh giá rất cao truyện của Viễn Phương. Anh có nói rằng người ta thường biết Viễn Phương là nhà thơ, nhưng thực ra truyện của Viễn Phương mới đặc sắc.
Thơ của Viễn Phương chân tình, đằm thắm, chân thực. Anh viết trong trào lưu thơ cách mạng – chiến đấu, nhưng bằng kinh nghiệm sống và chất tâm hồn của riêng anh. Nhiều bài thơ của anh đã nổi tiếng, trở thành bài hát được mọi người yêu mến. Tiếc rằng dầu khá tiếng Pháp, anh đã không tận dụng nó để ra với thế giới, để cải tiến câu thơ cho nó có nhiều chất và nhiều cách thể hiện hơn. Dầu vậy, tập thơ mới xuất bản gần đây của anh Gió lay hương quỳnh là một tập thơ giá trị. Những câu thơ cách mạng – cổ điển được chắt lọc từ một tâm hồn yêu nước yêu đời sâu lắng, nhạy cảm. Dù sao, đôi lúc bên cạnh những câu thơ trữ tình của anh, tôi vẫn mỉm cười nhớ lại những câu anh làm trong tù như:
Đen thủi đen thui tợ thổ thần
Chiều chiều nhớ vợ đứng tần ngần.
Đó cũng là Viễn Phương "thứ thiệt". Trữ tình đã là khó, trào phúng còn khó và quý hơn.
Viễn Phương không phải chỉ sáng tác, anh còn là người lãnh đạo điềm tĩnh, kiên định, nhạy bén, đầy trách nhiệm và có những đóng góp lớn lao cùng các đồng chí khác giữ vững phong trào trong những phong ba bão tố của thời cuộc. Từ ngày ra đi "mùa thu rồi ngày hăm ba" năm ấy, đến nay, qua ba mươi năm chiến trường tù ngục, địa đạo..., qua ba mươi năm hòa bình đầy biến động... Viễn Phương vẫn là mẫu người của một thời đại của lịch sử. Cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác, còn hay mất, Viễn Phương vẫn là một tượng đài bất diệt có sức lay động và cổ vũ những người đi sau.