Bởi đằng sau người thầy mùa rét thường mặc chiếc áo bông xanh giản dị ấy, ra đi từ một gia đình nghèo, vất vả ở Điện Bàn – Quảng Nam; là người đã học xong Tú tài triết học ở trường Pétrus Ký Sài Gòn, đã đi bộ đội làm Tiểu đoàn phó Quân báo, đã dạy cấp 3 Lê Khiết – ngôi trường hồi đó đối với lớp trẻ con chúng tôi là một “giấc mơ”.
87 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật… đó là những phần thưởng xứng đáng cho cả một quá trình dài…
Xa quê nhà đi tập kết, để lại người vợ đẹp nổi tiếng một vùng quê tơ lụa, ông ra Bắc ở trong ký túc xá cùng với sinh viên, nước lọ cơm niêu tự túc, và tự học.
Thời đó mà không biết tiếng Nga, coi như “thua ngay trên sân nhà”. GS Lê Đình Kỵ không có “số” đi Nga, nhưng ông tự học rất kiên trì, và dịch sách Lý luận văn học Nga cho trường, để có tài liệu giảng dạy…
Và đầu những năm 60 ấy, ông xuất hiện trên những trang báo Phê bình – Lý luận. Lập tức, những người yêu văn học chú ý đến ông: ông đã đến với nó bằng một kiểu khác, khác với những bậc thầy phê bình lúc đó như Hoài Thanh và tất nhiên cũng khác với những nhà phê bình “xã hội học dung tục”.
Lớp sinh viên chúng tôi, rất nhạy cảm, đọc ông, quý ông, thường đến thăm ông, trò chuyện trong một căn phòng làm tạm cấp 4 hay trong một gian nhà lá tranh tre ở sơ tán Thái Nguyên… Ông tâm sự về “nghề”, nói những điều ngoài những điều đã viết trên trang viết. Và qua đó, chúng tôi hiểu thêm sự uyên bác nhưng giấu mình lặng lẽ của ông.
Văn học Pháp, văn học Nga, văn học Trung Quốc, văn học Việt Nam cổ điển và hiện đại…, ít ra là những đỉnh cao cổ điển, đã được ông thưởng thức, “trải nghiệm”… Ông thường nói: “Làm lý luận phê bình, cái vốn cơ bản là tác phẩm”. Phải lịch duyệt tác phẩm, đi qua những đỉnh cao rồi mới có kinh nghiệm đánh giá, phẩm bình… Phải luyện kiếm với hàng ngàn kiếm quý, rồi mới biết “luận kiếm”. Phải đâu chỉ học một số mệnh đề lý luận!
Phê bình văn học, đặc biệt là phê bình thơ (sau này in thành “Đường vào thơ”) của Lê Đình Kỵ những năm ấy nổi bật lên như một hiện tượng. Hàm lượng tri thức, hàm lượng trí tuệ, hàm lượng lý luận trong câu văn thường rất cao. Đồng thời nó không khô khan vì có nhiều tình cảm, nhiều sự tinh tế, với một lối dẫn dắt tài hoa.
Lớp học trò của khoa Ngữ Văn Đại Học Tổng Hợp Hà Nội đầu những năm 60 thế kỷ trước rất đông đảo; và nhiều sinh viên thời ấy còn nhớ mãi người thầy vụng về, hiền lành, dễ mến, ít lời… nhưng rất thông tuệ. Nếu biết học từ những lời không “thao thao bất tuyệt” với một giọng Quảng Nam quê quê ấy, học trò sẽ tìm được những viên ngọc sáng của học vấn. Và họ sẽ mang theo nó vào đời trong hành trang kiến thức của mình, dù đó là những anh sinh viên về Nam – ra chiến trường, như Lê Khâm, Chu Cẩm Phong, Hồng Tân, Nguyễn Trọng Định… hay những người lấy văn chương chữ nghĩa, làm “nghiệp nhà”, đi dạy, nghiên cứu, phê bình, làm nhà báo, nhà đài… rất đông đảo…
Như ta thường thấy giữa con người ngoài đời thô vụng, mà lại có những câu văn, bài văn ấy, dường như là một khoảng cách, một “bí ẩn”. Nhưng nếu ta quan sát kỹ, nếu ta học “nghề”, ta sẽ thấy cái bí quyết ở đây là một sự rèn luyện không ngừng, học hỏi và tiến lên không ngừng. Chính với tầm vóc của học vấn đó, với những bài viết, những giáo trình lý luận, những chuyên luận nghiên cứu mà ông được phong Giáo Sư một cách thuyết phục.
Phê bình – lý luận văn học những năm 60 – 70 – 80… ở nước ta rất không đơn giản. Một mặt, với tất cả nhiệt huyết của mình; nó không đi bên lề cuộc sống và cuộc chiến đấu. Thông qua bình giá, cổ vũ, gợi ý… sáng tác, nó cũng là “vũ khí”. Mặt khác, tuy điều kiện còn hạn hẹp, nó đã mở rộng chân trời hiểu biết qua Nga Xô viết, qua di sản cổ điển của nhân loại… Ảnh hưởng của tệ đơn giản, dung tục, công thức, giáo điều… còn rất nặng trong hoàn cảnh chiến tranh, bị bao vây…
Lê Đình Kỵ là một tấm gương trong việc tìm đến các chân trời mới của lý luận lúc đó, mà vẫn giữ được bản lĩnh Việt Nam, phối hợp dân tộc - phương Đông và thế giới… Mặc cho bao nhiêu khó khăn, hạn chế lúc bấy giờ. Ông không được đi tu nghiệp, tham quan… ở đâu cả, chỉ ngồi nhà đọc, nghiền ngẫm với năng khiếu, bản lĩnh của mình, thế mà lại được việc: không quá sa đà, nghe ai đọc ai là tin ngay (“tin thế thì thà vứt sách đi còn hơn” như thầy Mạnh Tử nói), mà có chọn lọc, suy nghĩ, ứng dụng.
Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (1970) là một công trình như thế. Ông viết nó trong mấy tháng liền trong căn phòng lạnh lẽo ở Ký Túc Xá Láng nhân 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Rất nhiều chương đọc rất thích thú.
Chủ nghĩa hiện thực là con đường lớn của văn học nhân loại, nhưng đó là một khái niệm “mở”, và nội hàm rất rộng. Lấy tiêu chí của chủ nghĩa hiện thực để phân tích Truyện Kiều, tác giả đã phát hiện ra nhiều vấn đề mới: quan niệm đạo đức - thẩm mỹ của tác giả và nhân vật, tâm lý nhân vật, điển hình hóa nhân vật, lý tưởng thẩm mỹ và lý tưởng xã hội… của Nguyễn Du, mâu thuẫn trong thế giới quan Nguyễn Du, bước quá độ từ trung đại qua chủ nghĩa hiện thực…
Tuy còn có thể tranh luận, đây là một đóng góp có ý nghĩa về việc vận dụng những phạm trù lý luận hiện đại vào tìm hiểu kiệt tác cổ điển. Sách đã được in đi in lại nhiều lần: người ta gặp Truyện Kiều trong một dáng vẻ mới, vượt qua những phân tích thông thường với những vấn đề quá cũ…
Viết về Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật… ông cũng làm người đọc bước vào thế giới thơ riêng của họ với nhiều khám phá. Ông viết chọn lọc, viết ít, và thường nói về Thi nhân Việt Nam: “Hoài Thanh viết hay nhờ viết ngắn”. Lời ít ý nhiều mới hấp dẫn bạn đọc, đúng là có “nghề”, tuy không phải bao giờ ông cũng làm được thế!
Lê Đình Kỵ là như thế. Cũng như bất kỳ một nhà lý luận văn học Mác xít chân chính nào, ông ưu tư và giải quyết vấn đề mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức: nếu chỉ chú trọng nội dung mà bỏ qua hình thức thì sẽ làm mất đặc trưng của văn nghệ.
Vì hình thức và nội dung là một chỉnh thể không chia cắt, và hình thức là hình thức của nội dung, chuyển tải nội dung, mang bản chất của nội dung… Phê bình yếu kém về trình độ văn hóa lười tìm tòi, phớt lờ hình thức, viết vừa nhạt vừa công thức, chưa đọc đã biết nói gì…, đã đẩy phê bình văn học vào chỗ bị coi thường.
Lê Đình Kỵ, trong một chừng mực nào đó, với ý thức của mình, đã góp một phong cách, một tiếng nói… khắc phục nhược điểm đó (dĩ nhiên, ông không bao giờ theo quan điểm cho hình thức là tất cả, và nghiên cứu văn học chỉ là nghiên cứu hình thức thôi).
Đóng góp của Lê Đình Kỵ có hai mặt: một mặt góp phần đào tạo con người - nhân tài cho đất nước ở bậc Đại Học và Sau Đại Học, với tư cách là một trong những trụ cột của Đại học; và mặt khác, viết Lý luận - phê bình với hàng chục tác phẩm uyên bác, tài hoa, mới mẻ. Những trang văn của ông làm chúng ta trân trọng, làm chúng ta hiểu thêm văn, hiểu thêm đời, những trang văn còn lại mãi trong biến động của đời, của thời gian…
---------------
(*) Giáo sư - nhà lý luận phê bình văn học Lê Đình Kỵ (04/04/1932 – 24/10/2009)