Tiểu luận và phê bình văn học (tiếp): Vu cáo chính trị, mập mờ học thuật (phần 1)

1. Không hề có phát biểu cũng như điện thoại...

Ông Nguyễn Huệ Chi, trên một mạng nước ngoài, khi nói đến Thơ Trần Dần, có "nhã ý" tặng tôi câu chuyện: vì có cú téléphone của tôi mà cuốn sách bị ngưng phát hành. Ban đầu, tôi thấy ông gọi tôi là "ông X" (cũng có thể do ở mạng mà tôi nhận họ dè dặt để thế, còn một nhà nghiên cứu thì cho biết anh đọc thấy thẳng tên), nhưng sau đó, trên e-mail thì ghi MQL.

Đây là một sự bịa đặt hoàn toàn, trắng trợn, một sự vu cáo chính trị, bởi vì ông Nguyễn Huệ Chi đang đưa đơn đến nhiều cơ quan công quyền về cuốn Thơ Trần Dần.

Xin nói ngay là: tôi không hề biết, và cũng không hề liên quan gì đến cuốn Thơ Trần Dần. Đến lúc nó in ra, nhân ngày Thơ Việt Nam, một vài tờ báo đưa tin về nó, tôi mới biết. Rồi tôi chuẩn bị gấp gáp ra Hà Nội tổ chức cuộc họp Hội đồng Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học nghiệm thu 15 công trình của Trung tâm, đồng thời dự một số buổi họp khác, nên không hề quan tâm tới chuyện này.

Lấy đâu ra cú téléphone trong hoang tưởng của ông Huệ Chi? Cái cú téléphone ấy gọi ngày nào, cho ai, ông đã nói ra chắc nịch như thế thì hẳn ông phải có chứng cớ. Ông có dám đưa chứng cớ ấy ra không?

Ông lại còn bịa đặt nữa rằng, trong cuộc họp Hội đồng Lý luận – Phê bình TƯ, tôi nói về vụ Thơ Trần Dần. Cuộc họp ấy chỉ diễn ra trong vòng 2 tiếng để bàn về Quy chế và Kế hoạch của Hội đồng, tuyệt nhiên tôi không đả động gì đến Thơ Trần Dần cả, một từ cũng không. Biên bản, ghi âm, và tất cả các vị có mặt buổi họp 6/3 tại số 7 Nguyễn Cảnh Chân còn đủ. Ông Huệ Chi moi ở đâu ra tình tiết ấy? Ông Nguyễn Xuân Đức, Chánh Văn phòng Hội Đồng Lý luận – Phê bình TƯ cho tôi biết hôm 14/3 rằng ông ta đã điện thoại cho ông để xác quyết là tôi không hề nói gì về Thơ Trần Dần trong các cuộc họp và ông Xuân Đức sẽ cải chính tin này trên báo.

Thông tin của ông một lần nữa lại sai, và sai theo hướng có chủ định, để vu cáo. Ông cho rằng, vì tôi gọi điện thoại mà cuốn Thơ Trần Dần bị đình chỉ lưu hành, trong khi ai cũng biết nó chỉ bị "phạt vạ" vì thủ tục giấy tờ in ấn sao đó.

Không những dựng đứng sự việc, cái nguy hiểm là ông Huệ Chi lấy đó làm cái cớ để viết những lời thóa mạ tôi đủ điều, với một giọng hằn học, thô bỉ, rất không xứng đáng với một người có học, nhưng rất xứng đáng được đưa ra tòa vì tội vu cáo, và mạ lị người khác, theo điều 175, của Bộ luật hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Điều đáng nói nữa là ông Nguyễn Huệ Chi còn gửi e-mail trao đổi qua lại với một số người để tung tin vu cáo và mạ lị, đồng thời toa rập với họ để đạt ý đồ xấu trong vụ này. Trong số này, có ông Nguyễn Ngọc Giao (hiệu Kiến Văn) ở Pháp, người mà cách đây 20 năm đã viết bài xuyên tạc về Đại hội Nhà văn lần thứ 4 (1989) và tôi đã viết bài Hãy để những lời nói dối bay đi đưa số liệu và ý kiến cải chính. Trong bài đó cũng như lần này, tôi xin nhắc lại với ông Kiến Văn Nguyễn Ngọc Giao câu của Khổng Tử có hai chữ Kiến Văn: "Đa văn khuyết nghi..., đa kiến khuyết đãi..., lộc tại kỳ trung hĩ" (Nghe nhiều mà để khuyết điều nghi..., thấy nhiều mà để khuyết điều ngờ..., lộc ở trong đó vậy). Đó là cái hoài nghi khoa học mà ông Kiến Văn thừa biết khi ở giữa Paris. Vậy mà, ông hùa theo ông Huệ Chi viết ra những lời vu cáo đáng xấu hổ. Ông nói rằng tôi hay viết thư (thư nào? Ông có cái thư nào đó không?). Tôi xin nói với ông Kiến Văn rằng, đường đường là một công dân của đất nước CHXHCN Việt Nam, tôi có đầy đủ tư cách và tự do để đàng hoàng nói rõ công khai ý kiến của mình, như tôi đã và đang nói với ông đây, việc gì tôi phải làm việc mà các ông gán cho là khuất tất?

Lập trường chính trị của ông và ông Huệ Chi khác xa với tôi lắm. Nhưng ông Kiến Văn và ông Huệ Chi, bất cứ làm chính trị gì, chính trị chống đối dưới vỏ bọc đòi "dân chủ – tự do", trước tiên các ông phải công minh, thẳng thắn, chính trực, chứ không được bịa đặt theo tình cảm yêu – ghét cá nhân. Chính trị, politique, nghĩa gốc là thủ đoạn nào hơn là cái chính trị chân thật, tín nghĩa.

Như vậy tóm lại, đây là một vụ dựng đứng, không tiền khoáng hậu nhằm mục đích vu cáo và hạ sát cá nhân.

Nhân đây, tôi cũng xin bày tỏ tóm tắt thêm về thái độ của tôi đối với ông Trần Dần, thơ Trần Dần... (một dịp khác, thong dong và thuận tiện hơn, tôi mong rằng sẽ được dịp trình bày kỹ hơn). Khi vụ Nhân Văn giai phẩm xảy ra, tôi còn học phổ thông trung học, nên không biết rõ. Kịp đến khi vào đời, đọc một số sách báo, và qua tìm hiểu ở nhiều người, tôi mới dần rõ hơn. Căn cứ vào tình hình nước ta, ở miền Bắc và cả ở miền Nam, cũng như tình hình thế giới lúc ấy (các vụ việc ở Ba Lan, Hunggari, cả Trung Quốc...), nói tắt, đó là tình hình chiến tranh một phía ở miền Nam, tàn sát hàng triệu người yêu nước, và tình hình chiến tranh lạnh giữa hai phe, thì các hoạt động, phát ngôn... của ông ấy là sai. Nhưng các ông này không phải chủ mưu (chủ mưu bị bắt tù), mà chỉ là hùa theo, với máu nóng văn nghệ. Các ông này bị kỷ luật (vì là cán bộ Nhà nước, Đảng viên, có người giữ vị trí lãnh đạo). Nhưng kỷ luật lâu quá, lẽ ra 3 năm mà kéo mãi đến 30 năm, thì người ta thiệt thòi, mà vợ con khổ lây vì cái án "Nhân Văn". Đại khái là như vậy.

Năm 1964, có chủ trương điều cán bộ một số cơ quan đi "biệt phái" làm thủy lợi: anh Nguyễn Nghiệp và tôi ở Viện Văn học, anh Trúc Cương ở Bộ Văn hóa, anh Phùng Quán cũng ở Bộ Văn hóa, họp thành một tổ công tác tuyên truyền – tuyên huấn ở đại công trường thủy nông Cổ Đam – Hà Nam. Hàng ngày chúng tôi viết tin bài động viên công nhân, rồi thì đi câu cá ở sông Đáy; cuối tuần về Hà Nội thăm nhà. Công việc cũng nhẹ nhàng; Phùng Quán năm ấy có làm bài thơ về anh Nguyễn Văn Trỗi khá hay. Phùng Quán, Trúc Cương và tôi khá thân nhau, hay rủ nhau vào xóm thăm dân; và bàn luận văn chương thi phú. Phùng Quán rất thích kể chuyện, chuyện thật có, chuyện "hư cấu" cũng có, và kể có duyên; đọc thơ theo khẩu khí "thơ quảng trường Maiakovski" cũng rất có duyên. Tình cảm của tôi và Phùng Quán bắt đầu từ dạo đó. Sau năm 1975, có lần, Phùng Quán và ông Trần Dần cùng tôi uống bia ở 81 Trần Quốc Thảo (Hội Văn nghệ), bàn chuyện khôi phục hội tịch và... diễn tấu thơ các nơi.

Khi tham gia Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Quốc gia về văn học của Hội Nhà văn. Tôi bỏ phiếu tán thành ông Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm... giải Quốc gia, chủ yếu là vì muốn giải tỏa, chấm dứt một vụ việc kéo dài, nói đi nói lại, chứ chất lượng văn học thì không ai đặt ra (và về việc này ý kiến có thể rất khác nhau) mà cũng không phải là để "xin lỗi các anh ấy" như có người nói; rồi mạng nước ngoài đưa tin Chủ tịch sám hối ký lệnh giải thưởng cho các ông ấy! Riêng trường hợp Phùng Quán thì ở Hội đồng sơ khảo không đưa lên; tôi phải nhắc và đề ra quy chế: Hội đồng trong trường hợp đó, sẽ biểu quyết 2 lần: lần thứ 1 có đồng ý đưa người ấy ra xét giải không, và lần thứ 2 biểu quyết phiếu có đủ quy định không (9/11). Trường hợp ông Trần Dần còn có câu chuyện là ở Hội đồng sơ khảo (cũng đều do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội làm chủ Hội đồng), do quên ông Trần Dần, ông Thỉnh phải chạy theo mời Hội đồng họp lại. Nhưng vẫn quên phứt Phùng Quán... Chuyện ông Trần Dần – và Nhân Văn với tôi đại loại là như vậy. Chuyện này chẳng có gì đáng kể và tôi cũng không cần nói với ai để làm gì, nhưng ông Huệ Chi vu cáo thì tôi kể ra cho vui, cho rõ. Làm sao có thể nghĩ rằng trong Hội đồng tôi bỏ phiếu cho ông Trần Dần, rồi lúc in thơ ông ấy tôi lại chủ trương thu hồi. Không thể có chuyện, và không hề có chuyện tôi gọi điện, gởi thư, phát biểu... để ngăn cản phát hành. Đó là chuyện tôi không biết, không để tâm, thế thôi. Mà chuyện trục trặc trong phát hành cuốn thơ này là do thủ tục hành chính ở Nhà xuất bản, nó xảy ra trước cuộc họp của Hội đồng Lý luận – Phê bình.

Như thế là chuyện đã rõ.

***

Nhưng câu chuyện không dừng ở đây. Trong lá thư vu cáo ấy, ông Nguyễn Huệ Chi còn động đến các công trình của Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học với những lời lẽ cũng là bịa đặt, hằn học, đố kỵ hoàn toàn... Tôi thấy không cần phải tường trình và bác bỏ lại những lời đáng xấu hổ, những lời báng bổ hoàn toàn dựng đứng để làm rác tai và mất thời gian quý báu của bạn đọc. Chỉ xin nhân dịp này, trình bày một đôi điều về tư cách học thuật của ông Nguyễn Huệ Chi – điều này bổ ích hơn vì nó dính đến nghiên cứu văn học, cổ học... để cho bạn đọc hiểu thêm một con người dù sao cũng đã viết, đã làm nhiều sách, nhất là cho những bạn ở trời Tây lâu nay định chơi con bài "nhà dân chủ" Nguyễn Huệ Chi hiểu thêm về anh ấy.

2.   Chữ phiên không phải bến bờ mà là phên giậu, bờ rào; chữ phiệt là cửa, không phải vương quốc...

Bài tựa tập thơ Tinh sà kỷ hành (Phan Huy Ích) của Ngô Thì Nhậm (1746-1803) có câu:

"Kỳ hoặc tầm u phỏng cổ, xúc cảnh sinh tình, khứ quốc hoài hương, nhân sự đạo ý, tàn cao thặng phức, khả dĩ triêm cái hậu nhân".

"其 或 尋 幽 訪 古,觸 景 生 情, 去 國 懷 鄉, 因 事 道 意, 殘 膏 賸 馥, 可 以 沾 丐 後 人"

Nghĩa là:

"Hoặc thăm chốn thanh u, viếng nơi cổ tích, gặp cảnh mà sinh tình, hoặc xa nước cũ nhớ quê nhà, nhân việc mà tỏ ý, mật rớt hương dư, đủ để nhuần thấm cho người đời sau".

Ông Nguyễn Huệ Chi đã dịch: "Che trùm lên người đời sau" (Tạp chí Văn Học 4-1973). Nguyên lai là do các bản sao chữ Hán đều chép là niêm cái hậu nhân 粘 (黏) mà niêm là hồ dính, vật gì ướt mà có chất dính gọi là niêm -> dán vào (ta nói niêm yết 粘揭 một chỉ thị, công văn... vì phải dán (niêm) công văn ấy lên ở nơi đông người để ban bố (yết) cho mọi người biết.

Xét ra chữ niêm chép ở đây là vô nghĩa. Nguyễn Huệ Chi bỏ chữ niêm không dịch, chỉ dịch chữ cái 蓋, nghĩa danh từ là cái lọng, nghĩa động từ là che trùm. Như vậy là các nhà thơ tiền bối làm thơ và thơ của họ là cái lọng, che trùm lên người đời sau. Nếu như vậy thì các nhà thơ ấy đáng yêu, đáng ca ngợi ở chỗ nào?

Trong việc dịch văn bản chữ Hán, phải có động tác nghiên cứu, hiệu đính văn bản từ chữ viết sai tìm ra gốc gác chữ đúng của nó. Các chữ dùng trên đây là chữ liền trong văn cổ Trung Hoa, trong Đỗ Phủ truyện tán của Tân Đường thư:

"Đường thi nhân chí Đỗ Phủ, hồn hàm uông mang, thiên vựng vạn trạng, kiêm cổ kim nhi hữu chi, tha nhân bất túc, Phủ nãi yếm dư, tàn cao thặng phức, triêm cái hậu nhân đa hĩ".

["...殘膏賸馥, 沾丐後人多矣"]

(Thi nhân đời Đường đến Đỗ Phủ thì bao hàm rộng lớn, muôn hình vạn trạng, gồm cả xưa và nay mà được, người khác không theo kịp. Cái dư thừa của Đỗ Phủ, cho dù mỡ rớt (tạm dịch mật rớt) hương thừa, cũng đủ để nhuần thấm cho người đời sau rất nhiều).

Như vậy, không phải là niêm cái mà là triêm cái, triêm trong lệ triêm y, lệ triêm cân, mà ta hay gặp trong thơ Đường, nghĩa là thấm, triêm cái là ơn trạch để lại, là nhuần thấm, và đó mới làm cho câu văn thông nghĩa: thơ của các nhà tiền bối là cái ơn trạch nhuần thấm cho người đời sau. Dịch như ông Huệ Chi: che trùm lên người đời sau là vô nghĩa. Chữ cái là chữ cái 丐: cho, ban cho, ban ơn, chứ không phải cái 蓋: lọng, ô dù -> che.

Mai Quốc Liên