* Chuyện thí sinh dự thi đại học năm nay gần như từ chối thi vào các ngành khoa học xã hội (KHXH) - nhân văn, tuy không mới lạ và cũng chẳng đáng ngạc nhiên, nhưng đau lòng! Nếu hiểu KHXH - nhân văn, rộng ra là nền văn hóa của đất nước, bị tuổi trẻ “ruồng rẫy” như thế, thì tương lai văn hóa Việt Nam sẽ ra sao? Đây là một chỉ báo quan trọng của văn hóa.
Đã đành là thanh niên bây giờ, trước cơn sóng thần “thị trường”, phải cố mà chạy theo những ngành sinh lợi để sống, để tồn tại. Tâm lý đó có trên nhiều nước, nhưng không đến nỗi nặng nề như ở ta. Ở Đài Loan chẳng hạn, nơi tôi đi tham quan kinh nghiệm bên đó những năm 90, vẫn có đến 40% thí sinh đại học ghi tên vào các ngành KHXH. Ở Mỹ, những người tốt nghiệp KHXH vẫn “sống được”, vẫn có thu nhập cao, và họ tiếp tục học lên rất hăng hái, kiên trì.
Ta cần xem lại trên tổng thể - hệ thống cách ứng xử của Nhà nước đối với các ngành KHXH - nhân văn - văn hóa. Đừng bao giờ nghĩ rằng, nó là ngành “phi kinh tế”, không hái ra tiền, mà rẻ rúng nó! Nền văn minh tinh thần của một đất nước là vô giá, và không thể chỉ tính bằng tiền. Trọng “thực nghiệp” là đúng, chống “hư văn” là đúng, nhưng bên cạnh đó, phải biết sùng thượng văn hóa - khoa học… Nếu không, ta sẽ sa mạc hóa cả tư tưởng lẫn tâm hồn con người, và con người sẽ bị hạ thấp xuống tầm một sinh vật vụ lợi, ích kỷ, nghèo nàn thảm hại.
Về phía bản thân mình, KHXH - nhân văn - văn hóa cũng phải nghiêm túc nhìn lại mình, khắc phục những yếu kém, lãng phí, “ăn theo nói leo” nhiều quá, đôi khi cơ hội, sùng ngoại rẻ tiền mà không tự biết… Xưa, nó còn khá hơn vì cái vốn “quốc học” cộng với văn hóa thế giới qua Pháp, Nga, Trung Hoa… còn mạnh, đã sản sinh ra hàng loạt hiền tài có cỡ, thì nay tình trạng tàn lụi nhân tài là khá rõ…
Trong khoa học tự nhiên, những ngành khoa học cơ bản cũng đang khủng hoảng, vì vào đấy rồi đi đâu, làm gì, “ăn” gì…, khiến tuổi trẻ cũng ngoảnh mặt với nó và đi vào các ngành thực hành. Khoa học của một nước mà thiếu nhân tài khoa học cơ bản là chuyện nhà thiếu cái nền, cái móng!
Chúng tôi đề nghị nhân dịp này, Đảng, Chính phủ nên có chủ trương, biện pháp cấp bách và cơ bản để cứu nguy đại học, khoa học, văn hóa!
* Một hội thảo quốc tế vừa diễn ra ở Hà Nội cho chúng ta số liệu 70% các vụ khiếu kiện ở ta là khiếu kiện về đất đai.
Như nhiều người đã kiến nghị, chúng tôi cũng xin kiến nghị Quốc hội khóa tới nên sửa Luật Đất đai. Cái quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý”, đang phát huy tác dụng ngược! Đây là cái chỗ hở cho tham những lớn và tham nhũng trắng trợn. Chỉ cần một “quy hoạch”, một “quyết định” là đất đai của nông dân, của nhân dân đang ở, trở thành của chính quyền, và chính quyền “đền bù giải tỏa” theo giá của mình định ra, không sát hợp với giá thị trường chút nào (mặc dù gần đây có quy định điều đó trên giấy, nhưng trên thực tế là người dân bị thiệt, bị ép giá… và do đó khiếu kiện kéo dài).
Xưa, dưới chế độ phong kiến, có “công điền” (do vua, do triều đình giao cho làng xã quản lý) và “tư điền”, “tư thổ”.
Chín sào tư thổ là nơi ở Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà (Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến) |
Vậy là ông Tam nguyên có được 9 sào Bắc Bộ đất để ở, sinh hoạt, điền viên “vườn Bùi”. Phải phân biệt cái nào tư, cái nào công trong điều kiện kinh tế thị trường, kinh tế nhiều thành phần hiện nay, chứ “công hữu” tất tần tật như thế sao ổn được. Đồng thời, phải có luật “hạn điền” (như Hồ Quý Ly), quy định ai được nắm giữ đất đai tối đa là bao nhiêu (chứ như hiện nay, có người lợi dụng nhiều khe hở trong quản lý, có đất đai và biệt thự khắp nước, như thế là tạo bất công lớn, phân cực lớn).
Tóm lại, là nên sửa Luật Đất đai cho phù hợp với lẽ công bằng, với “quan hệ sản xuất” hiện nay, và quan trọng nhất là để chống tham nhũng. Còn như sửa đến đâu, sửa như thế nào là việc của Quốc hội.