Tản mạn sông Hằng

…Cuối cùng thì cả đoàn quyết định sẽ bay từ Delhi đi Varanasi (1) rồi về bằng tàu. Đi máy bay lượt đi để kịp dự buổi lễ 6 giờ chiều bên sông Hằng, nhưng lại trễ giờ vì tắc đường. Chúng tôi gồm năm kẻ lơ ngơ mời một vị thầy đang học tiến sĩ Phật giáo ở Đại học Delhi dẫn đường. Ngồi chen chúc trên chiếc scutơ (auto-rickshaw) (2) len lách qua “dòng ngựa xe nườm nượp”, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng thành phố “lấp lánh đèn hoa”, theo nghĩa thật của những tập hợp từ chỉ còn mang tính biểu trưng này.

Ở đây và ở rất nhiều nơi trên đất Ấn Độ, người ta có thể tìm về ý nghĩa thật của những từ ngữ tưởng rằng đã chết như thế. Quả thật là bạn có thể nhìn thấy xe ngựa, xe kéo tay, xích lô đang nhích dần cùng với mấy chiếc Ambassador (3) và Tata Sumo (4) hướng ra bờ sông.


Vẻ đẹp huyền bí của phụ nữ Ấn Độ.

Quả thật là bạn đang ngó đầu ra khỏi chiếc scutơ như con cánh cam kỳ dị để thỏa thuê ngắm những cửa hàng sầm uất bày biện kiểu như trong truyện cổ tích nghìn lẻ một đêm với những thứ váy áo đính cườm lấp lánh, những tủ thuốc bằng gỗ có tay kéo nhỏ xíu bằng đồng, cửa hàng vàng bạc chỉ là một tiệm nhỏ cao chót vót hàng chục bậc thang, người mua kẻ bán hoặc ngồi, hoặc quỳ, xem xét một thứ vàng hoặc đá quý gì đó và thì thì thào thào ngã giá. Hương trầm ngào ngạt hòa trộn với mùi vị thức ăn đặc trưng Ấn Độ. Khói, bụi, sương hòa quyện với khói than củi người ta nướng bánh chapati (5) ở những quán ven đường…

Chúng tôi “bò” ra đến bờ sông khi buổi lễ vừa mới kết thúc. Những mái bạt được dựng rạp ven sông phần phật bay trong ánh đèn lễ hội. Sân khấu trống không chỉ còn mấy khách du lịch đang xúm xít chụp ảnh. Phân bò, phân trâu, phân khỉ với hoa lễ, giấy rác ngổn ngang. Ô, nếu chỉ có thế này thôi thì chán quá nhỉ, chả ai nói ra nhưng trong lòng ai cũng thầm nghĩ, trong khi tóc tai còn đang dựng ngược lên vì bụi và vì chuyến du hành kỳ dị lượn lách trong các ngõ nhỏ tìm cách thoát tắc đường của mấy tay scutơ.

Thôi, đã đến đây rồi thì phải chụp ảnh chứ - một người kêu lên, thế là cả hội lại hào hứng ồn ào sắp xếp chỗ đứng xem anh nào đứng cạnh em nào, rồi cười cười làm điệu, rồi chỉnh trang áo quần… Thì cũng chỉ vừa chụp được vài cái ảnh đứng dưới hàng cột cao sừng sững có sơn vẽ tượng thần Shiva và nữ thần Parvati (6) thôi, vậy mà lạc đâu mất “đại ca” MQL!!!

Thế là những thứ tạp nham vờ vịt chán ngán của một địa điểm du lịch bỗng biến mất để hiện ra bờ sông Hằng thăm thẳm kỳ bí và đêm nay cả đoàn sẽ lưu giữ trong ký ức một chuyện ly kỳ và những tình huống cảm động: hình ảnh vị thầy chạy đôn đáo hốt hoảng dọc bờ sông lộng gió tìm người lạc, tà áo nhà tu bay trong ánh đèn rực rỡ, vẻ chạy rất trẻ con của người tu hành (tôi rút ra một kết luận nho nhỏ rằng những người tu hành thực thụ thường có dáng đi giống một đứa trẻ con).

Giọng cô gái trẻ nhất đoàn vang lên từ chiếc loa công cộng gọi người lạc vẳng sang cả doi cát lờ mờ một dải sáng giữa sông Hằng đen đặc, khiến cho tôi bỗng thấy tiếng Việt của mình có một vẻ đẹp là lạ chưa bao giờ thấy; vẻ nhiệt tình thật thà của cậu bé người Ấn lôi xềnh xệch ông thầy chạy lại phía chúng tôi vì nhầm tưởng thầy chính là người lạc làm cả đoàn vừa phì cười vừa đâm ra thêm lo lắng…

Đêm đã về khuya mà người đâu chẳng thấy. Ai cũng lo lắm mà lại ra vẻ bông phèng, tay nhà báo cùng đi tưởng tượng rất có thể MQL đã bắt tay lão già tóc tai bù xù lúc nãy, chắc lão có bùa mê thuốc lú lột sạch của nả rồi vứt người ta ở xó nào rồi, thậm chí lại còn tính nhẩm lượng báo bán ra nếu MQL lạc thật nữa chứ!

Nhưng mà MQL không lạc. Hóa ra “đại ca” sau khi không thấy bạn bè đâu đã tính “chước chuồn là hơn” và túm một tay scutơ dông thẳng về khách sạn cho chắc ăn!!! Thế là lục tục kéo nhau về. Mừng mừng tủi tủi một hồi rồi bảo nhau ngủ thôi, ngủ thôi, mai phải dậy sớm, còn đi đón mặt trời trên sông Hằng đấy…

Tờ mờ sáng dậy. Trời lạnh giá, khoảng 6-10°C. Giá lạnh khiến người ta thấy cái việc dậy sớm đi chơi sông Hằng này thêm phần huyền bí, trang nghiêm. Thành phố Varanasi cổ xưa vẫn còn ngái ngủ nhưng bên bờ sông Hằng có cảm tưởng người ta vẫn thức như thế từ những thế kỷ xa xưa, không ngủ bao giờ. Trời lạnh buốt xương mà người ta vẫn làm lễ tắm sông rất tỉ mẩn, kỹ lưỡng. Người đàn bà rửa các đồ bạc tế lễ xong xuôi còn ngâm mình trong nước lấy phước hồi lâu rồi mới lên. Những con thuyền đậu im trên bến trong nước tối…


Bình minh trên sông Hằng.

Những đứa bé bán những bát hoa làm bằng lá nhỏ xíu đựng những cánh hoa hồng, hoa huệ cho khách du lịch đi sông để thả xuống cầu nguyện cho những linh hồn vừa được thoát xác đêm qua. Dọc bờ sông, lác đác những bãi củi gộc to và những đám tro lớn đen thẫm vừa đốt xác người chết từ đêm qua còn hơi vẩn khói trong ánh sáng bắt đầu hơi phơn phớt nơi chân trời.

Người dân ở đây thật sự tin vào thế giới sau cái chết tới mức đám tang của họ không có khóc than, người chết chỉ được bọc sơ trong lớp vải liệm rồi hỏa táng, thả tro và phần còn lại xuống sông Hằng. Sự đơn giản trong việc mai táng người chết không khỏi khiến ai đó rùng mình ám ảnh. Từng đàn hải âu chao lượn trên mặt sông, quanh mấy con thuyền nơi người ta thả cá phóng sinh. Những con chim ấy biết rằng sẽ có cá và chúng nhao đến bu đầy quanh mạn thuyền, nơi có một ông thầy đang giơ tay giảng giải cho khách du lịch trên thuyền, tạo một hình ảnh rất đẹp trên sông lúc rạng sáng. Chợt tự hỏi, thế là phóng sinh hay là thêm một lần hủy diệt? Ranh giới của phước lành và tội ác, của thật và giả thật là mong manh…

Cả nhóm chụp ảnh lúc thả hoa nến xuống sông, chỉ có vị thầy tu đi cùng là có bức ảnh đẹp nhất, thế là nhao nhao lên bảo rằng chúng ta còn trần tục lắm và ào ào phá lên cười… Tôi nhìn theo chiếc bát lá chứa những cánh hồng đỏ thắm và ánh nến nhoi nhói sáng trôi lượn trên mặt nước sẫm lạnh. Vị thầy bảo hãy cầu nguyện cho người chết và khấn ước một điều gì, như mọi khi, tôi đã nghĩ trước tiên đến con gái bé bỏng của mình và quả thật là lúc ấy, tự dưng thầm ước trái đất này bớt đi nghèo đói, đạn bom và giả dối.

Con thuyền đi về hướng mặt trời đang hé rạng cực kỳ chậm rãi, như thể mặt trời ở xứ sở này cũng phải chậm rãi như thế thì mới phù hợp vậy. Thuyền cập vào doi đất nổi lên giữa sông. Tôi đứng trên nền cát trắng, quay lưng về phía mặt trời mới lên và hướng về bờ bên kia, nơi có những tòa lâu đài cổ xưa ám khói và rêu phong, thi thoảng lại nghe những tiếng hú kỳ bí của mấy ông thầy luyện yoga vẳng dọc dòng sông.

“Đại ca” MQL tự dưng buồn bã nói chả ăn nhập gì: thấy thương ông già scutơ hôm qua chở tớ về khách sạn, ông ấy trông rách mướp quá lại phải chở khách đi xa mà xin thêm mấy đồng không được, tại lúc đó tớ hốt hoảng, trong túi toàn tiền chẵn, chẳng biết phải cho thêm như thế nào… thành ra mình lại là con người ki kiệt, tàn nhẫn quá. Thôi, tớ đưa cậu ít tiền, sau này cứ gặp người lái scutơ nào trông tử tế nghèo nghèo thì cho người ta làm phước, coi như là tớ tạ tội với ông già tội nghiệp hôm qua…

Tôi mỉm cười, tự nhủ, hóa ra là sông Hằng linh thiêng, có tác dụng tẩy rửa tâm hồn thật đấy chứ và bỗng thấy “đại ca” khó tính này dễ thương quá đi… Mỗi người đòi chụp ảnh với vị thầy một kiểu có mặt trời sau lưng, cát trắng dưới chân, dòng sông trước mặt, rồi lục tục kéo nhau trở lại thuyền.


Người dân Ấn tắm gội trên sông Hằng linh thiêng.

Người lái đò nhỏ thó, đen thui, câm lặng, lại tiếp tục chở mọi người du ngoạn trong ánh mặt trời dần hửng sáng. Lũ hải âu no nê lờ lững xa xa như những đóa sen trắng trên mặt nước hồng bạc. Không dám vốc nước lên mặt vì biết nước sông Hằng ô nhiễm lắm, tôi tiếc nuối thả bàn tay rẽ nước lạnh theo sóng lướt của con thuyền, ngẫm ngợi về một dòng sông tâm linh nào đó mà người Ấn tâm niệm và cho rằng người trần mắt thịt chúng ta không thể nào nhìn thấy được…

Ấn Độ, mùa Đông 2009


(1)

Thành phố cổ xưa, một trung tâm văn hóa, tôn giáo nằm ở phía Bắc Ấn Độ, bang Uttar Pradesh, bên bờ sông Hằng.

(2)

Auto-rickshaw: dạng như xe lam của ta nhưng nhỏ hơn, có mui, chạy bằng ga nén và được nhà nước trợ giá nên rất rẻ, phương tiện giao thông bình dân chủ yếu trong các thành phố lớn ở Ấn Độ.

(3)

Loại xe kiểu cổ, ngày nay thường dùng cho các cơ quan, quan chức chính phủ Ấn Độ.

(4)

Loại xe người dân Ấn thường dùng, do tập đoàn Tata Motors sản xuất.

(5)

Một dạng bánh tròn làm bằng bột mì, một trong mấy loại bánh truyền thống mà người dân Ấn hay ăn.

(6)

Shiva là vị thần hủy diệt, một trong ba vị thần tối cao (Brahma, Vishnu và Shiva) được thờ cúng nhiều nhất ở Ấn Độ. Parvati là vợ của thần Shiva.

HÀM ANH