Mấy hôm nay trên báo mạng xôn xao cái vụ cách viết “8 con gà + 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà” thành “8 con gà x 4 = 32 con gà” của một nhà viết sách giáo khoa tiểu học ở nước ta. Một số người đồng ý với cách viết của nhà giáo khoa này. Nhưng nhiều người cho rằng viết như thế là sai bét!
Người viết bài này cho rằng, cách viết “8 con gà x 4 = 32 con gà” chỉ đúng với bà nội trợ già đi mua gà và người bán gà! Chứ với người đã học qua tiểu học, biết ý nghĩa của con số kèm theo đơn vị và ý nghĩa của các số trong phép nhân: số nhân tức là số lần được viết trước, còn số được (bị) nhân là số kèm theo đơn vị được viết sau thì thấy cách viết “8 con gà x 4 = 32 con gà” là sai bét rồi, mà phải viết “4 x 8 con gà = 32 con gà”.
Vậy thì không nên bàn cãi gì thêm nữa. Cái nhà viết sách giáo khoa nào đó chủ trương viết “8 con gà x 4 = 32 con gà” dù có học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, được hưởng lương chuyên gia cao cấp nhất đi nữa thì cũng chứng tỏ “thiếu căn bản toán học sơ đẳng”!
Việc sai sót, lỗi lầm thì dù ai, ở địa vị nào cũng khó tránh khỏi. Nhưng dùng cái sai của mình để buộc mọi người phải tuân theo là điều không thể chấp nhận, huống là độc quyền viết sách giáo khoa buộc mọi thầy cô giáo, mọi học sinh trong nhiều thế hệ phải tuân theo cái sai của mình lại càng không thể chấp nhận được! Vấn đề còn lại là thái độ của vị ấy thế nào? Có can đảm nhận mình sai và cam kết sửa sai không? Hay cứ cãi bướng là mình và tập thể đã xem xét kỹ, thấy chủ trương của mình là đúng! Trong trường hợp không chịu sửa sai này, nếu vị ấy về mở tiệm bán gà và cứ làm phép tính như thế thì không can chi, chẳng hại ai cả, lắm khi được các bà nội trợ già khen là làm phép tính giống mình quá! Nhưng nếu vị ấy cứ ngồi ở Bộ Giáo dục và Đào tạo mà viết sách giáo khoa dạy toán lớp 2 thì quá tội nghiệp cho các học sinh ta vì phải học những điều sai từ nhỏ, do những nhà giáo khoa thiếu căn bản sơ đẳng độc quyền biên soạn!
Chúng ta cũng đã từng chứng kiến một “cải lùi” trong giáo dục cách đây vài thập niên. Đó là cải cách chữ viết: bỏ tất cả các chi tiết liên kết giữa các mẫu tự trong một từ và bỏ các phần bên phải của nửa trên các mẫu tự như b, h, k, l. Lúc bấy giờ người viết này đang giảng dạy tại một trường Đại học Tổng hợp có nói với vài người đồng nghiệp từ Hà Nội vào rằng cái cải cách ấy phản khoa học, phản tự nhiên vì những thứ “bị cải cách bỏ đi” là những “cái trớn”, những cái tiếp nối liên tục được tạo ra trong quá trình viết tay để ghép nhanh các mẫu tự thành một từ. Quả đúng như thế, sau những đợt in sách, tập huấn, và đưa ra áp dụng trên phạm vi toàn quốc trong khoảng 5, 7 năm, tốn không biết bao nhiêu là tiền bạc và công sức của hàng vạn chuyên gia, giáo viên và hàng triệu học sinh tiểu học thì thực tế cho thấy: đó là “cải lùi” chứ không phải cải tiến, và đã bị dẹp bỏ! Nhưng cái “ngộ” ở nước ta là ở chỗ “không ai chịu trách nhiệm về cái sai đó cả”! Nghe đâu không truy ra được ai đã ký quyết định ban hành cái việc cải cách chữ viết ấy!
Có một cải cách cũng hết sức phi lý nhưng đến nay vẫn không được sửa chữa. Đó là việc Bộ GD-ĐT bắt buộc mọi giáo viên phải dạy mẫu tự e trước những mẫu tự khác - điều này chỉ gây khó khăn cho trẻ em trong việc học và viết, cũng như gây khó khăn cho giáo viên trong việc dạy. Rất nhiều giáo viên, hiệu trưởng các trường cấp 1 than phiền về điều này từ nhiều năm nay, nhưng hình như không ai báo cáo lên Bộ, kể cả những nhà quản lý giáo dục cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố… mà mọi người chỉ cúi đầu tuân theo pháp lệnh của Bộ. Hay là có người “can đảm” phản biện lên Bộ thì Bộ do tính quan liêu, cho ta đây là “nhất thiên hạ” muốn phán gì là phán, cấp dưới phải tuân theo, cho nên cái “cải lùi” ấy vẫn tồn tại nhiều năm nay?
Vì quan liêu và độc quyền viết, in sách giáo khoa cho nên Bộ rất dễ lún vào nguy cơ đặt lợi ích nhóm - như nhóm tác giả chủ trương bắt đầu dạy từ chữ e ấy - lên trên lợi ích của toàn thể học sinh và giáo viên. Đó là tai hại rất lớn cho giáo dục nước ta.
Mới đây dư luận cũng xôn xao về chủ trương của Sở Giáo dục TP.HCM cho học sinh các lớp 1, 2 và 3 sử dụng máy tính bảng thay sách giáo khoa. Nhiều người đã lên tiếng trên báo chí, đã cho rằng chủ trương đó là sai. Ở đây chỉ nói tóm gọn rằng chủ trương “khủng” đó hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh giáo dục công lập hiện tại của Việt Nam khi mà đang có nhiều thứ chưa ổn như: lương giáo viên chưa đủ sống, không đủ phòng học khiến mỗi lớp chứa quá nhiều học sinh (trên 25 em), còn thiếu phương tiện chuyên chở học sinh đi học… mà lại đem tiền “khủng” chi cho việc dạy hiệu trưởng học quản lý, sử dụng máy tính bảng, tốn khoảng 250 triệu đồng/người, mỗi giáo viên học tốn vài chục triệu đồng/người, mỗi em học sinh phải mua cái máy tính bảng khoảng 3-5 triệu đồng… Đây rõ ràng là “cơ hội vàng” của mấy tay lái buôn máy tính và “cơ hội vàng được lại quả” cho những người chủ trương! Chưa nói đến những thứ bất ổn về mặt phát triển thể chất và tinh thần khi cho trẻ em dùng máy tính vào độ tuổi quá nhỏ và nhiều giờ trong một ngày, chỉ nói đến những thứ cần cho việc sử dụng máy tính bảng rộng rãi trong lớp học: nguồn điện có thể bị cắt thình lình, đường truyền Internet có thể bị tạm cắt, hoặc không đủ mạnh để học sinh dùng và điều rất quan trọng là Việt Nam chưa tự sản xuất được máy tính bảng. Việc học của hàng triệu học sinh Việt Nam mà lại phụ thuộc vào việc chế tạo máy tính bảng của vài nhà sản xuất nước ngoài và sự cung cấp của mấy tay lái buôn là điều rất nguy do tiềm ẩn nhiều tai hại, rủi ro bởi nhà chế tạo máy có thể đưa vào máy những chi tiết có hại cho ta, có lợi cho họ mà ta không biết. Điều này khác gì tự đưa cái cổ của ta vào cái thòng lọng của người ngoài. Đến một lúc nào đó, vì lý do nào đó, chúng hè nhau rút dây thòng lọng, việc học của hàng triệu con em Việt bị tổn hại, Việt Nam không chết đứng sao! Cho nên theo ý của người viết này, thay vì đem tiền “khủng” đi mua máy tính bảng thì trong hiện tại nên làm các điều sau:
Thứ nhất: Làm sao cho mọi học sinh qua 6 tuổi đều có trường công lập để tới học.
Thứ hai: Sĩ số trong lớp không quá 25 em.
Thứ ba: Cô giáo, thầy giáo được đào tạo qua trường lớp sư phạm một cách nghiêm túc.
Thứ tư: Lương cô giáo, thầy giáo tạm đủ sống, nuôi được 2 con.
Thứ năm: Trong mọi lớp đều dùng bảng trắng và bút mực đầu mềm (thay cho bảng đen hay xanh và phấn).
Thứ sáu: Mỗi trường nên trang bị một phòng “đa phương tiện” (multimedia) gồm máy tính, máy chiếu, máy ảnh tư liệu (document camera) v.v… để mỗi tuần mỗi học sinh ít nhất được một lần vào xem phim, ảnh tư liệu, tài liệu học tập…
Thứ bảy: Phát triển mạng lưới xe đưa rước học sinh.
Làm được những điều này là thành công rất lớn cho giáo dục nước ta, chứ nếu không lo những cái căn bản ấy mà cứ lao vào những cải cách hoặc là “vụn vặt” theo kiểu cải cách chữ viết, “bắt đầu dạy từ chữ e” hoặc “hào nhoáng” mà tốn kém và không hiệu quả như trang bị bảng tương tác, dùng máy tính bảng thay sách giáo khoa in… thì rốt cuộc chẳng ích lợi gì, chỉ “vỗ béo” cho một số kẻ cơ hội mà thôi.
Giáo dục công lập Việt Nam ta cần phải căn cứ trên thực lực, thực tế của xã hội ta mà tiến hành, chứ không thể cải cách một cách lung tung khi thì vì thiếu “kiến thức cơ bản”, “thiếu trình độ”, khi thì thiếu bản lĩnh nên hoảng hốt nhìn ra thế giới như bị quáng gà, tưởng cái gì của người ta cũng tốt, không những muốn bắt chước mà còn chủ trương trạng cóc là “đón đầu khoa học, kỹ thuật” của thế giới(!), không biết theo các chủ trương ấy thì sẽ lợi tới đâu và bị hại như thế nào. Hiện nay có một nguy cơ nữa là bị nạn hối lộ lung lạc, khiến đem lợi ích nhóm lên trên lợi ích đích thực của đại đa số nhân dân.
Tất cả những thứ ấy là nguy cơ đã, đang và sẽ làm hỏng dần nền giáo dục công lập nước ta.