Tán tỉnh nhau…

Đã là vợ chồng rồi thì có cần… tán tỉnh nhau không nhỉ? Xét cho cùng, ai mà chẳng thích được tán! Bởi “tán” trong chữ Hán có nghĩa là “khen”. Danh ngôn có câu: “Lời khen đôi khi không làm người ta tin nhưng làm người ta vui”. Khi khen ai đó, dù chỉ đúng có được… một nửa cũng khiến người ta vui lòng, vì lời khen cũng là cách biểu lộ sự thiện chí, như một lời động viên…

Khác với những cặp vợ chồng ở phương Tây, khi không còn yêu nhau nữa họ dễ dàng chia tay nhưng đã gắn bó được với nhau họ vẫn tiếp tục “tán tỉnh” như ôm hôn, đi đâu cũng tay trong tay, tặng quà vào những dịp đặc biệt, nói những lời lịch sự, chúc tụng…

Còn ở xứ ta, việc ấy chỉ có được khi họ chưa là vợ chồng. Nhất là với người đàn ông, tán tỉnh luôn là “vũ khí” siêu hạng để họ “gạ gục” đối tượng nhanh và gọn. Cưới được nàng rồi họ có khuynh hướng bỏ hết mọi sự tán tỉnh để tiết kiệm… năng lượng. Và phái nữ, những kẻ “yêu bằng tai” thì những lời tán tỉnh của chàng luôn rơi khía vào trái tim họ như những nốt nhạc êm ái…

Vậy mà cả hai, sau khi chinh phục được nhau rồi, là “của riêng” rồi, họ thường quên mất những lời tán tỉnh. Nếu trước đây họ tỏ ra hâm mộ, tìm cách tán dương người đàn ông của mình bao nhiêu, thì khi sống chung họ “trở mặt”, chỉ toàn chê bai nhau. Thậm chí xem việc chê bai như một “liệu pháp sốc” để “cải tạo” người bạn đời theo định hướng của mình…

Nhiều điều được xem là ưu điểm thời còn yêu nhau nhưng khi lấy nhau rồi bỗng biến thành khuyết điểm.

Chị L.K yêu một nha sĩ và chị rất tự hào vì anh ta còn có tài làm thơ, chị hay mang những bài thơ ấy ra khoe với bạn bè. Thế nhưng khi thành vợ chồng rồi chị khó chịu mỗi khi thấy chồng mơ màng tìm ý thơ và hay biếm nhẽ cái… tật làm thơ của chồng. Theo chị đó là trò vô bổ, chỉ để… tán gái mà thôi.

Còn anh Công, một giáo viên trung học, trước đây mỗi sáng sớm anh đều mang đến đặt trước cửa sổ cô bạn đồng nghiệp xinh xắn của mình một bông hồng đỏ thắm, cứ như trong tiểu thuyết! Nhưng từ khi lấy nhau rồi, dù đó là ngày sinh nhật của vợ, ngày Quốc tế phụ nữ thì một bông hoa héo cũng không, khiến người vợ cứ đến những ngày ấy luôn cảm có cảm giác tủi thân và thấy hình như mình đã bị… lừa.

Cũng không ít người cho rằng khi đã là vợ chồng rồi, là của nhau rồi không cần phải “khách sáo”, khen ngợi nhau như thế là thiếu chân thành, có khi là xa xỉ phẩm. Họ còn hiểu rằng “tán tỉnh” là nói những lời có cánh, là “nịnh” nhau kiểu như: “Hôm nay trông em thật đẹp!”, khi vợ mặc một bộ cánh mới hay: “Em nhớ anh!”, khi chồng đi xa vài hôm, dù đó là cảm nhận có thật trong lòng họ.

Thật ra nếu tinh tế và thực sự muốn vun đắp mối quan hệ luôn tốt đẹp trong đời sống gia đình thì giữa họ luôn có vô vàn cơ hội và phương cách để tán tỉnh nhau một cách thành thật nhưng không kém phần lãng mạn.

Vợ chồng ông bà Ngoạn đều ngót nghét trên dưới 60 nhưng mỗi sáng đi bộ đến công viên tập thể dục họ đều cầm tay nhau, khiến không ít cặp vợ chồng trẻ hay không còn trẻ nhìn họ với ánh mắt ngưỡng mộ, thèm muốn. Thỉnh thoảng ở đoạn đường vắng ông còn đi lùi lại vài bước ngắm vợ và bảo: “Trông cũng còn… ngọt nước quá đi chứ!”.

Không biết có phải nhờ những “liều thuốc bổ” ấy hay không mà bà Ngoạn rất siêng đi tập thể dục sáng để giữ được vóc dáng thon thả và trông bà lúc nào cũng tươi tắn hơn tuổi 58 của mình rất nhiều. Còn ông tuy bị bệnh tiểu đường gần 5 năm nay nhưng trông vẫn rất phong độ, mỗi khi đi dự tiệc bà thường tìm cách “chia sẻ” bớt những phần ăn của chồng mà bà cảm thấy nhiều đường quá so với chế độ ăn kiêng của của ông.

Trong quyển sách Cách ăn uống dành cho người tiểu đường bà mua tặng chồng có một câu tình tứ “Tặng anh yêu”. Có bệnh nan y mà vẫn được vợ yêu, đó mới chính là liều thuốc “đặc trị” dành cho ông.

Trong chuyện chăn gối, thời khắc “cao điểm” của đời sống vợ chồng, đòi hỏi nguồn cảm hứng cao điểm và cần nhiều năng lượng thì sự tán tỉnh còn có một vai trò quan trọng đặc biệt để làm nên những “kỳ tích” đầy ấn tượng.

Và với đa số phụ nữ, nếu không có “khúc dạo đầu” ngọt ngào “ru hồn” của người chồng thì chuyện ấy chỉ là một bổn phận chán ngắt, thiên về nhục cảm, thậm chí có người xem là bị chồng… cưỡng bức, chỉ là đối tượng tình dục chứ phải là người phụ nữ được yêu.

Với người vợ mạnh mẽ họ sẽ từ chối thẳng thừng khi người chồng lao vào họ mà chẳng thèm nói một lời, dù biết điều đó có khi làm tổn thương nghiêm trọng đến tình vợ chồng. Gặp người chồng khô khan, thô bạo như thế nhiều người vợ trở nên “lạnh tắt” vì thấy mình chỉ còn là một thứ “cơm nguội” để chồng ăn tạm khi thiếu “phở” mà thôi. Còn nếu gặp được người chồng tình tứ, lúc ấy biết trở nên dịu dàng, khen ngợi và biết biểu lộ sự khao khát yêu vợ, người đàn bà sẽ thấy mình như được cất cánh… Và khi ông chồng có vợ biến thành… khúc gỗ thì họ cũng có thể… hóa đá.

Theo các nhà tâm lý, khi vợ chồng biết tán tỉnh nhau, họ không chỉ mang đến cho nhau sự hài lòng, đời sống vợ chồng nhờ đó mà thăng hoa, giúp họ gắn bó, tinh thần sảng khoái, sống tích cực và lạc quan hơn, giữ gìn được sự tươi trẻ về thể chất lẫn tinh thần. Còn những cặp vợ chồng hay chê bai, dằn vặt nhau thì sự hưng phấn trong tình yêu, tình dục cũng dễ bị triệt tiêu, họ hay cau có, dễ bị bệnh tật hơn và mau già. Điều nguy hiểm là khi ra ngoài, gặp những đối tượng biết tán tỉnh (nhiều khi chỉ là giả dối, để lợi dụng, đổi chác một điều gì đó…) cũng có thể khiến họ cảm thấy được tưới mát như đất khô hạn gặp mưa. Rồi những cảm xúc tưởng đã ngủ yên rộn rã thức giấc…

THÚY ÁI