Ngày 16 tháng 11 vừa qua, tại thủ đô Nairobi của Kenya ở châu Phi, Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội), được Tổ chức UNESCO thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vậy là, sau Lễ nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Lễ hội Gióng được tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại. Trước đó, ngày 1/8/2010, trong dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Việt Nam trở nên giàu có địa chỉ văn hóa nhân loại.
Qua bốn lần di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh lên tầm vóc là di sản chung của thế giới, ta nhận ra mẫu số chung, ấy là những giá trị văn hóa truyền thống còn được lưu giữ khá nguyên vẹn trong lòng cuộc sống hiện tại, chưa bị phá vỡ cả về nội dung và trình thức bởi xâm nhập văn hóa ngoại lai và “cách tân” kiểu Bác Hồ đã từng nhắc nhở “chớ gieo vừng ra ngô”.
Lễ hội Gióng là một ví dụ.
Trong những năm gần đây, lễ hội nở rộ, nhiều lễ hội được các cấp chính quyền địa phương hoặc Nhà nước đứng ra tổ chức, biến lễ hội thành những cuộc mít-tinh lớn, với nhiều trò diễn được sân khấu hóa do các nghệ sĩ trình diễn nhằm quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm, hoặc cổ vũ một phong trào thi đua nào đó, thì Lễ hội Gióng, ngay sát nách trung tâm Hà Nội vẫn giữ nguyên là lễ hội của nhân dân, do dân tự nguyện đứng ra góp công, góp sức tổ chức.

Hội Gióng. Nguồn: Internet.
Không bị mít-tinh hóa, vì thế, Lễ hội Gióng thời hiện đại giữ nguyên những nghi lễ do cha ông truyền lại, với rất nhiều trò diễn xướng dân gian, phản ánh ước nguyện hòa bình, các tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp và phồn thực, đặc biệt là diễn xướng có tính ước lệ cao thể hiện ba trận đánh của Thánh Gióng. Ba địa điểm của ba trận đánh được biểu tượng ba chiếc chiếu, trải giấy trắng làm mây và úp chiếc bát là đồi núi. Người đóng vai Gióng được gọi là ông Lệnh, được dân làng tuyển chọn từ trước đó cả năm để luyện tập và rèn đức độ bước vào chiếu diễn, đá bay đồi núi, mây trời và thực hiện các nghi lễ mang tính biểu tượng của vị Thánh đánh giặc.
Nhân dân tạo ra các trò diễn xướng hồn nhiên và giàu ước lệ trên, nhân dân gìn giữ và truyền đời cho con cháu. Đoàn kết dân tộc, chống lại chiến tranh xâm lược, bảo vệ đất nước, xây dựng cuộc sống hòa bình, tư tưởng của Lễ hội Gióng không phai lạt trước thời gian cùng các biến cố lịch sử và sự xâm nhập của các luồng văn hóa.
Hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới có lẽ vì những ý tưởng trên.
Là đất nước đa dân tộc với nhiều màu sắc văn hóa rực rỡ cùng chung sống, vì thế có thể nói, văn hóa phi vật thể của chúng ta là bể rộng mênh mông. Việc bảo tồn và gìn giữ kho văn hóa này và phát huy ảnh hưởng trong cuộc sống mới là việc lớn, và có lẽ cũng là việc cần làm ngay vì chúng ta đang được chứng kiến nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị bóp méo vì rất nhiều lý do.
Chỉ riêng 8.500 lễ hội diễn ra trên toàn quốc hằng năm, nhiều lễ hội vốn là của dân, dân sáng tạo ra, giữ gìn và dân tổ chức, nay sang tay Nhà nước, đánh mất giá trị đặc sắc của dân gian, đưa vào các nội dung mới nhằm mục đích quảng bá kinh tế, chính trị, xã hội địa phương, không những gây tốn kém mà làm cho lễ hội dân gian xa lạ dần với nhân dân là việc cần xem xét lại.
Thêm một lần văn hóa phi vật thể của chúng ta được thế giới tôn vinh, cũng thêm một lần ta nhìn lại việc gìn giữ các giá trị truyền thống. Đó là hai việc đi kèm. Mong sao không chỉ Lễ hội Gióng mà nhiều lễ hội khác trên đất nước luôn giữ được sắc màu văn hóa vốn có của nó.
Bài liên quan: