Cha tôi, Tổng Bí thư Trường Chinh, đã đóng một vai trò rất quan trọng trong những năm đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945) ở nước ta, thời kỳ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc phát triển sôi động, rầm rộ, vô cùng mạnh mẽ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật và thực dân Pháp, giành lại độc lập cho Tổ quốc Việt Nam, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân ta - chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khi Đức tiến công Ba Lan (1-9-1939) đồng chí Hoàng Quốc Việt - Bí thư Xứ ủy - bàn với cha tôi: “Tôi và anh Thụ tạm lánh về quê tôi ở Thị Cầu, Bắc Ninh và vùng Bắc Giang. Còn anh thì tạm thời lánh về quê anh ở Nam Định. Khi nào tình hình các cơ sở ổn ổn thì tôi sẽ cử người đón anh lên với chúng tôi”.
Cha tôi về quê nhà, làng Hành Thiện, khi ấy vừa là làng vừa là xã (xã có một làng). Ông nội tôi là cụ Đặng Xuân Viện đã viết một tác phẩm nổi tiếng bằng chữ Hán là Hành Thiện xã chí. Một quãng thời gian ngắn ngủi, khoảng một tháng cha tôi sống bình yên cùng gia đình thân yêu - người cha kính yêu Đặng Xuân Viện, người mẹ thương yêu Nguyễn Thị Từ, người vợ thương yêu Nguyễn Thị Minh và đứa con trai nhỏ mới tám tuổi là Đặng Xuân Kỳ.
Cha tôi vẫn nghe ngóng tình hình trong nước, thế giới tại ngôi nhà của gia đình ở Rong 7 (Xóm 7), Hành Thiện. Một buổi chiều bỗng em trai cha tôi là Đặng Xuân Đĩnh, công nhân hỏa xa đường Hà Nội - Côn Minh, hớt hơ hớt hải chạy về nhà và nói lớn:
- Mật thám Tây và người Việt sắp về làng bắt anh cả rồi, anh cần lập tức trốn đi ngay.
Cha tôi vội lấy một số tài liệu cùng một số tờ báo công khai của Đảng thời kỳ Mặt trận Dân chủ ra đốt tại bếp. Chú Đĩnh nói:
- Tình hình gấp lắm rồi, anh Cả cần đi ngay, mọi việc để em và chị dâu làm cho.
Cha tôi vội lấy tay nải, đựng quần áo và ít đồ dùng cá nhân chào cha mẹ, mọi người và chạy ra cổng sau (ngõ sau) của Rong 7 đi nhanh theo đường qua chùa Keo Hành Thiện, ra địa danh Mom Rô bên sông Ninh Cơ và đi đò sang bên ấp Tả Hành - xã Vũ Nhất - huyện Vũ Thư - tỉnh Thái Bình, nơi đó có nhà người em trai cha tôi là Đặng Xuân Quát cùng gia đình sinh sống. Nhưng cha tôi không sống tại nhà người em trai vì sợ lộ mà sống tại nhà một trung nông tên là Phan, một người Thiên Chúa giáo yêu nước.
Khi cha tôi vừa vọt ra khỏi nhà thì mật thám Tây và người Việt đã đi ô tô về đến đầu làng. Chúng vào nhà cha tôi nhưng lục soát không thấy gì bèn hậm hực bỏ đi.
Ông Phan đã dọn sạch chuồng trâu để cha tôi tạm lánh ở đó, tránh con mắt tò mò của dân làng.
Trong thời gian đó cha tôi đã tranh thủ viết tập 2 của tác phẩm Vấn đề dân cày. Tác phẩm này cha tôi viết chung với Võ Nguyên Giáp, đã xuất bản tập 1 và tập 2 tại Hà Nội năm 1938 (Nhà xuất bản Trí Cường), dưới hai cái tên Qua Ninh và Vân Đình. Sau thì bản thảo tập 3 Vấn đề dân cày bị thất lạc.
Sau ba tháng sống tại Thái Bình, đồng chí Hoàng Quốc Việt cử nữ đồng chí Trương Thị Mỹ về Tả Hành đón cha tôi lên vùng ATK (An toàn khu) Hưng Yên.
Năm 1940, cơ quan lãnh đạo của Đảng bị địch lùng bắt gần hết. Thực dân lần lượt bắt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Lê Duẩn (17-1-1940), bắt Lê Hồng Phong - nguyên Tổng Bí thư 1935-1936 (6-2-1940). Chúng đưa Hà Huy Tập trở lại giam tại Sài Gòn (30-3-1940), bắt Võ Văn Tần (21-4-1940). Riêng Phan Đăng Lưu, Ủy viên Trung ương là chưa bị giặc bắt. Đây là tổn thất lớn cho Đảng.
Trước tình hình cơ quan đầu não của Đảng bị tổn thất nặng nề, với tinh thần trách nhiệm cao, cha tôi - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ - cùng hai đồng chí Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ là Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ tự lập làm Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương. Theo quy định của Đảng lúc ấy, nếu một khi xảy ra tình trạng Ban chấp hành Trung ương bị bắt hết hoặc gần hết thì một trong ba Xứ ủy còn lại, còn đầy đủ người, sẽ lên thay.
Thường vụ mới của Trung ương Đảng quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương VII từ ngày 6 đến 9-11-1940 tại làng Đình Bảng - huyện Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh, triệu tập đồng chí Phan Đăng Lưu ra họp.
Tại hội nghị, cha tôi phân tích tình hình nước ta và thế giới hiện thời chưa chín muồi thời cơ khởi nghĩa. Địch còn rất mạnh, nhân dân và Đảng chưa quyết tâm cao để tiến hành khởi nghĩa. Lực lượng vũ trang cách mạng chưa có. Ta lấy gì để khởi nghĩa. Dựa vào lực lượng lính địch phản chiến thì rất phiêu lưu, mong manh, chưa chắc chắn và thực tế họ đã làm lộ bí mật, làm tổn thất lực lượng cách mạng.
Cha tôi phân tích: Đảng ta phải dựa vào những ý kiến sáng suốt của Lênin vĩ đại về tổng khởi nghĩa của giai cấp vô sản và Đảng Cộng sản.
Đối chiếu với ý kiến chỉ đạo của Lênin thì tình hình nước ta lúc này chưa hội đủ điều kiện khách quan và chủ quan của một cuộc khởi nghĩa.
Cha tôi cũng nhấn mạnh khởi nghĩa do Đảng lãnh đạo muốn thành công thì nhất thiết phải là một cuộc tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Do vậy, cha tôi nói: - Đảng cần phải hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ lại.
Các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ cùng các đồng chí khác cũng tán thành ý kiến của cha tôi và phân tích thêm các mặt của vấn đề. Đồng chí Phan Đăng Lưu cũng tán thành ý kiến trên.
Hội nghị đã một bước kiện toàn Ban chấp hành Trung ương Đảng, bầu Ban Thường vụ Trung ương gồm cha tôi và hai đồng chí Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ. Cha tôi làm Quyền Tổng Bí thư. Hội nghị quyết định sẽ bầu chính thức Tổng Bí thư trong kỳ họp Trung ương sau.
Hội nghị trao cho Phan Đăng Lưu nhiệm vụ đem chỉ thị của Trung ương Đảng về hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ vào phổ biến trong Xứ ủy Nam Kỳ.
Nhưng khi Phan Đăng Lưu đi xe lửa đến ga Phan Rang - Tháp Chàm thì mật thám đã đón sẵn ở đó và còng tay đồng chí lại.
Như thế lệnh hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ không tới được Xứ ủy Nam Kỳ, các cơ sở Đảng ở Nam Kỳ. Khi đó lệnh khởi nghĩa Nam Kỳ được Xứ ủy ban hành đã tới các cơ sở Đảng tại các địa phương. Nam Kỳ khởi nghĩa vẫn nổ ra tại nhiều địa phương ở Nam Kỳ. Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, khởi nghĩa đã nổ ra tại 21 tỉnh thành ở Nam Kỳ, mạnh nhất ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Thực dân đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa, dìm đảng viên và quần chúng cách mạng trong bể máu. Trong dịp này thực dân Pháp đem xử tử hình các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... dù các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần không dính dáng đến Nam Kỳ khởi nghĩa vì đã bị bắt giam từ trước.
Khởi nghĩa Nam Kỳ đã thể hiện tinh thần quật khởi của Đảng và nhân dân ta. Tuy thất bại nhưng nó giúp cho Đảng ta kinh nghiệm xương máu và bổ ích trong lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thành công.
Phát xít Nhật từ Trung Quốc tràn vào chiếm Đông Dương từ tay thực dân Pháp. Tại Lạng Sơn, lính Pháp chạy tán loạn khi quân Nhật tràn sang ta. Tổ chức Đảng ở đây đã tiến hành khởi nghĩa, thành lập Đội Cứu quốc quân, tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên, do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy.
Phát xít Nhật chiếm Đông Dương. Từ nay dân ta một cổ hai tròng áp bức bóc lột. Đảng ta phải chống lại hai lực lượng thực dân, phát xít thuộc loại phản động nhất trên thế giới.
Cha tôi đã chỉ thị cho Trần Đăng Ninh lên ngay Bắc Sơn chỉ đạo đội du kích Bắc Sơn rút vào bí mật để chuẩn bị cho những việc lớn sau này.
Ngày 13-1-1941 nổ ra cuộc khởi nghĩa Đô Lương do Đội Cung chỉ huy. Nhưng khởi nghĩa cũng bị địch đàn áp dã man.
Khi nhận được tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Vân Nam đã về tới Quảng Tây - Trung Quốc, cha tôi họp Thường vụ lại và quyết định cử Hoàng Văn Thụ, người đã nhiều năm hoạt động tại Quảng Tây và thông thạo Trung văn sang đón Nguyễn Ái Quốc về nước dự hội nghị Trung ương VIII để đưa ra những quyết sách quan trọng của Đảng trong chiến tranh thế giới thứ 2, chuẩn bị để tiến tới giành độc lập nước nhà. Nhưng Hoàng Văn Thụ về báo rằng Nguyễn Ái Quốc chưa về đến Quảng Tây.
Tháng 4-1941 có tin từ Cao Bằng báo Nguyễn Ái Quốc đã về Pắc Bó - Cao Bằng và đề nghị Thường vụ Trung ương và một số đồng chí lên Pắc Bó để họp Hội nghị Trung ương VIII.
Ban Thường vụ Trung ương lên đường qua Lạng Sơn để vào đất Long Châu - Quảng Tây rồi từ đó vào Pắc Bó. Đội bảo vệ do Chu Văn Tấn chỉ huy.
Cụ Nguyễn Ái Quốc sống trong hang Pắc Bó, hàng ngày dịch Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô (B) từ bản Trung Văn ra tiếng Việt. Cụ Nguyễn Ái Quốc có thơ rằng:
- Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
- Non xa xa, nước xa xa,
Nào phải thênh thang mới gọi là.
Đây suối Lênin, kia núi Mác,
Hai tay xây dựng một sơn hà.
Những vần thơ toát lên niềm lạc quan yêu đời, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng nước ta, dù cuộc sống còn rất gian nan của Nguyễn Ái Quốc.
Đây là lần đầu tiên cha tôi gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ trước cha tôi vẫn dành cho Nguyễn Ái Quốc một niềm kính trọng sâu sắc. Tại Đại hội Đảng lần thứ nhất họp tại Ma Cao, dưới sự lãnh đạo của Hà Huy Tập, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 người, do Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, 12 người là Ủy viên Trung ương chính thức, một người là Ủy viên Trung ương dự bị, đó là Nguyễn Ái Quốc. Nhưng với cha tôi, một khi đã tôn Nguyễn Ái Quốc làm lãnh tụ thì những cái khác không quan trọng.
Hội nghị Trung ương lần thứ VIII họp tại lán Khuổi Nậm ở dưới chân núi Các Mác. Nguyễn Ái Quốc là đại biểu Quốc tế. Là quyền Tổng Bí thư, cha tôi mời đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị. Tham dự cuộc Hội nghị Trung ương lịch sử lần thứ VIII có Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Chu Văn Tấn, Vũ Anh, Hoàng Văn Hoan(1)...
Điểm quan trọng nhất của Hội nghị Trung ương VIII là chuyển hướng chiến lược của cách mạng nước ta.
Cha tôi đã viết sẵn Nghị quyết Trung ương VIII từ vùng ATK quanh Hà Nội và trình bản nghị quyết đó ra Hội nghị Trung ương VIII. Nguyễn Ái Quốc khen bản nghị quyết đó do cha tôi viết là hay, sâu sắc, toàn diện, có điều một đôi chỗ văn hơi Tây một chút.
Hội nghị Trung ương VIII khẳng định trong tình hình mới, Đảng phải tập trung vào cách mạng giải phóng dân tộc, tạm thời gác lại vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nghị quyết VIII chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải được đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(2).
Đây là sự thay đổi quan trọng nhất trong việc chỉ đạo chiến lược của Đảng ta khi đó, nó quyết định sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám sau này.
Hội nghị quyết định thành lập các tổ chức quần chúng như Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Binh lính cứu quốc (Binh lính trong hàng ngũ địch)...
Cha tôi đề nghị Nguyễn Ái Quốc làm Tổng Bí thư Đảng nhưng Nguyễn Ái Quốc từ chối và nói: “Tôi không thể làm Tổng Bí thư Đảng vì tôi còn phải làm nhiều công tác quốc tế. Đồng chí Đặng Xuân Khu làm Tổng Bí thư”.
Từ Hội nghị Trung ương VIII cha tôi lấy tên Trường Chinh. Ngoài ra cha tôi còn có các bí danh là Sơn, Toàn, Nhân. Riêng hai bí danh Toàn và Nhân còn sử dụng sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Lúc này lãnh đạo Đảng hoạt động chủ yếu trong vùng ATK xung quanh Hà Nội (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn Tây, Hưng Yên). ATK dự bị gồm Bắc Giang (Hiệp Hòa) và Thái Nguyên (Phổ Yên).
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng với một bộ phận các đồng chí khác nữa ở lại Cao Bằng công tác, lập đội du kích, tổ chức các lớp huấn luyện, viết tài liệu và ra báo Việt Nam Độc Lập (Việt lập) của Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng. Nguyễn Ái Quốc còn viết Lịch sử nước ta bằng thơ trong đó dự đoán:
Bốn lăm cách mạng hoàn thành.
Đây là dự đoán thiên tài của Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 8-1942 Nguyễn Ái Quốc vượt biên sang Quảng Tây - Trung Quốc thì bị lính Tưởng Giới Thạch đón lõng tại biên giới và bắt đồng chí ngay khi vượt biên sang đến đất Quảng Tây. Trong các nhà tù của Tưởng, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh. Từ đây tên Hồ Chí Minh là tên chính thức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đợt đi họp Hội nghị Trung ương VIII tại Cao Bằng, vượt qua biên giới Việt - Trung khi đi và về mất cả thảy bốn tháng.
Hoàng Văn Thụ được cử kiêm nhiệm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Tình hình Xứ ủy Nam Kỳ lúc này vô cùng khó khăn vì vừa qua một đợt khủng bố đẫm máu của địch. Cha tôi tổ chức hai đường dây liên lạc từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Tuyến 1 từ Bắc vô Nam do nữ đồng chí Nguyễn Thị Kỳ (sau là phu nhân đồng chí Văn Tiến Dũng) đảm trách. Tuyến 2 từ Nam ra Bắc do đồng chí Lý Chính Thắng, một đảng viên và là một tri thức Thiên Chúa giáo Nam Bộ, đã từng hoạt động ở Hà Nội, đảm nhiệm. Hai tuyến liên lạc hoàn toàn không biết nhau, để tránh lộ bí mật.
Cha tôi cũng tổ chức một mạng lưới thu thập tin tức và chủ trương, chính sách của Nhật và Pháp một cách hữu hiệu.
Ngay từ hồi 1927, khi cha tôi lên Hà Nội học Trường cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương thì cha tôi đã quen và vận động một viên thư ký Phủ Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội là anh của người vợ thứ hai của đồng chí Lương Khánh Thiện. Viên thư ký này hàng ngày chuyển cho cha tôi những văn bản, tài liệu mật, quan trọng của Phủ Toàn quyền và yêu cầu cha tôi xem xong phải trả ngay cho ông ta.
Suốt từ 1927 qua 1928, 1929 và 1930 (tháng 12-1930 cha tôi bị thực dân bắt) cho đến sau này 1936-1939 cha tôi hàng ngày được xem những công văn mật, những tài liệu vô cùng quan trọng của Phủ Toàn quyền mà thực dân không hay biết.
Nhưng lúc này hoàn cảnh công tác trong vùng ATK nên cha tôi không thể trực tiếp đọc những công văn mật và những tài liệu quan trọng của Phủ Toàn quyền Pháp tại Hà Nội.
Cha tôi tổ chức cho cơ sở của ta ở Hà Nội nghe các đài phát thanh (nghe radio) bằng tiếng Pháp và tiếng Anh của đài Paris, đài BBC, đài phát thanh Hoa Kỳ và đài tiếng nói Moskva của Liên Xô, đài phát thanh của Tưởng ở Nam Kinh và sau này Trùng Khánh, các đài phát thanh của Nhật... để lấy tin tức thời sự và hiểu chủ trương của Nhật cũng như chủ trương của Liên Xô, Mỹ, Anh.
Cha tôi có cơ sở ở nhà in Tôpanh (Topin) của Pháp tại Hà Nội (sau này là cửa hàng mậu dịch số 5, đường Nam Bộ) là nơi in các bản tin cho quân đội Pháp. Cơ sở của ta lấy bản dập thử để chuyển theo đường liên lạc tới tay cha tôi.
Do ở gần Hà Nội, những tin tức thế giới và trong nước, những quyết sách của Pháp và Nhật đã đến tay cha tôi và Thường vụ một cách nhanh chóng, kịp thời để cha tôi cùng Thường vụ kịp đưa ra những quyết sách chống lại kẻ thù.
Tháng 1-1942 cha tôi tổ chức ra mắt báo Cứu Quốc, cơ quan của Mặt trận Việt Minh, cha tôi là chủ bút, và là cây bút chủ lực. Năm 1944 cha tôi trao lại cho Xuân Thủy phụ trách và làm chủ bút báo Cứu Quốc.
Sau đó cha tôi làm chủ bút báo Cờ Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Đảng và là cây bút chủ lực.
Trên hai tờ Cờ Giải Phóng và Cứu Quốc đã truyền đi chủ trương, sách lược của Đảng và Mặt trận Việt Minh, vạch rõ tội ác man rợ với các tầng lớp nhân dân của thực dân Pháp và phát xít Nhật, cổ động nhân dân vùng lên đấu tranh chống Pháp - Nhật. Trên tờ Cờ Giải Phóng cũng đăng những bài báo quan trọng của Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Cha tôi còn tổ chức ra Tạp chí Cộng Sản, ra được 4 số mà cha tôi là cây bút của tạp chí này.
Cha tôi nói: Làm cách mạng mà không có báo thì không thể làm cách mạng được.
Tại nước ta Thường vụ Trung ương quyết định phải có những quyết sách mới phù hợp với tình hình thế giới và trong nước, đẩy phong trào cách mạng nước ta tiến tới nhanh chóng hơn nữa, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Cha tôi triệu tập cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng tại làng Võng La, Đông Anh, Phúc Yên, nay là ngoại thành Hà Nội, năm ngày dưới chân cầu Thăng Long từ 25-2 đến 28-2-1945.
Hội nghị Võng La bàn về việc mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất (Mặt trận Việt Minh) và đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa trong cả nước.
Hội nghị cũng nhận định phải mở rộng thành phần và hoạt động hơn nữa các tổ chức của Mặt trận Việt Minh như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Sinh viên cứu quốc...
Hội nghị cũng quyết định thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, tập hợp các nhà trí thức, văn hóa, văn nghệ sĩ, các giáo viên, các nhà báo, các nhà khoa học và các luật sư... tham gia cách mạng. Hội nghị quyết định Trung ương ra bản Đề cương văn hóa Việt Nam làm cơ sở lý luận, làm ngọn cờ tập hợp các trí thức, các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ... Hội nghị cũng bàn về nội dung Đề cương văn hóa.
Cha tôi được trao nhiệm vụ chấp bút bản Đề cương văn hóa và cha tôi đã viết bản đề cương này tại nhà bà Hai Vẽ, làng Phú Gia, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nhà bà Hai Vẽ là cơ sở của cha tôi bên bờ đê sông Hồng. Nay tại đây còn di tích lịch sử đã xếp hạng của nhà nước.
Đề cương văn hóa khẳng định:
Văn hóa là lĩnh vực Đảng phải lãnh đạo cũng như chính trị, kinh tế, quân sự.
Đề cương văn hóa đã thu hút được tâm hồn và trí óc các nhà văn hóa, trí thức văn nghệ sĩ theo Đảng trong Hội Văn hóa cứu quốc: Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Tô Hoài, Vũ Quốc Uy, Trần Lâm, Như Phong, Nguyên Hồng, Học Phi và nhiều người nữa. Nhà thơ Huy Cận cũng tham gia Việt Minh nhưng trong thành phần của Đảng Dân chủ (1944), không tham gia Hội Văn hóa cứu quốc.
Nhà xuất bản Hàn Thuyên của Trương Tửu cho ấn hành hàng loạt sách của các phần tử troskit (Nguyễn Đức Quỳnh, Hồ Hữu Tường...) viết về Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, về nước Israel thời các vua vĩ đại Salomon, David, về xứ Ai Cập cổ đại... để lôi kéo thanh niên, trí thức và quần chúng vào những vấn đề ở đâu đâu, xao lãng việc tham gia đấu tranh chống thực dân, phát xít.
Nhà sách Hàn Thuyên cũng cho xuất bản một quyển sách giả danh mácxít, giả danh duy vật sử quan của tên troskit Nguyễn Tề Mỹ về Hai Bà Trưng khởi nghĩa, trong đó lớn tiếng chê bai Hai Bà Trưng, cho là nhà Hán phát triển cao hơn về xã hội, kinh tế, tiên tiến hơn xứ Giao Chỉ đang ở trong thời kỳ mẫu hệ nên khởi nghĩa Hai Bà Trưng là đi ngược với sự tiến hóa của xã hội. Cha tôi đã viết một bài phê bình kịch liệt tên troskit Nguyễn Tế Mỹ và sách Hai Bà Trưng khởi nghĩa cùng xu hướng troskit rõ nét của Nhà xuất bản Hàn Thuyên (bài Một con quỷ đội lốt mácxít, báo Cờ Giải Phóng số 10, 28-1-1945).
Năm 1942 cha tôi có viết một bài thơ có tiêu đề Là thi sĩ. Đây cũng có thể xem như là một áng hùng văn, trong đó cha tôi khẳng định thi ca và thi sĩ dấn thân vào cuộc chiến đấu anh hùng và cao cả của dân tộc.
- Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,
Chí kiên cường và sứ mệnh, cao siêu.
Ca tự do, tiến bộ với tình yêu,
Yêu nhân loại, hòa bình và công lý.
Cao giọng hát những bài ca chính khí,
Của anh hùng đã vì nước quên mình,
Sống quang vinh mà chết cũng quang vinh.
Của Bãi Sậy, Thái Nguyên và Yên Bái...
Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới,
Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng.
Để tâm hồn dào dạt với Chi Lăng,
Làm bất tử trận Đống Đa oanh liệt.
...
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ.
Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền.
Và lúc cần, quẳng bút lấy long tuyên.
(6-1942)
Bài thơ này đã được in trên báo Cờ Giải Phóng (6-1942). Cha tôi viết bài thơ này với mục đích tuyên truyền cách mạng cho một viên đội người Việt trong hàng ngũ quân Pháp vốn yêu thơ. Sau khi đọc bài thơ Là thi sĩ của cha tôi, ký tên Sóng Hồng thì viên đội đó đã tham gia cách mạng. Đó là đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, sau là Trung tướng, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất chính phủ (Bộ trưởng), ủy viên Trung ương Đảng khóa III.
Dù là viết dành cho một người nhưng bài thơ có tác dụng lớn, động viên tinh thần cách mạng của các nhà thơ và văn nghệ sĩ nói chung, dắt dẫn họ vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và con đường văn nghệ cách mạng và tranh đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hà Nội, ngày 14-7-2014
(Còn tiếp)
_____
* Con trai Tổng Bí thư Trường Chinh, nguyên: Hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du, Phó hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa Hà Nội, Phó viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật (Bộ Văn hóa).
(1) Hoàng Văn Hoan sau này phản Đảng, chạy trốn sang Bắc Kinh (1979) trên cương vị Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(2) Văn kiện Đảng, tập 7, NXB Chính Trị Quốc Gia, tr.113.