Một trong những câu được nhiều người nhắc đến vì độ bao quát lẫn sự súc tích, không bao giờ cũ của nó, đó là khi muốn hạnh phúc thì một đôi vợ chồng nhất thiết phải biết “Tương kính như tân” – là trọng nhau như khách quý đến nhà (phân biệt với khách không quý, không mong đợi). Ai cũng hình dung ra được cảnh một người đón khách quý đến nhà: nào trang phục lịch sự, tiếp đãi nồng hậu, nói năng vui vẻ, chăm sóc chu đáo, chia sẻ ân cần, tìm mọi cách để bày tỏ sự quý mến, lưu luyến đối với khách…
Thật ra có rất nhiều những cặp vợ chồng khi mới về sống với nhau họ còn “tương kính” hơn với cả khách quý, vì họ là… khách yêu của nhau! Nhất là trong tuần trăng mật, trong những tháng đầu hay vài năm đầu, thời gian đó không ít người thấy rằng đời sống lứa đôi quả là chốn bồng lai.
Thế rồi dần dần, cường độ tiếp xúc quá cao làm hao mòn cỗ máy tình yêu và sự nguy hiểm bắt đầu xuất hiện, người ta trở nên buông tuồng, không cần phải giữ ý tứ trong lời ăn tiếng nói, cách hành xử thiếu tôn trọng nhau, nhất là khi một trong hai người phát hiện người kia không đáng tôn trọng, không đáng tin cậy như họ tưởng.
Một đôi vợ chồng có học thức, anh có trình độ đại học còn chị H. là một thạc sĩ, thế nhưng sau đám cưới chỉ năm tháng, chị khám phá ra chồng mình chỉ là một đứa con nít lớn tuổi (32 tuổi), vợ chồng có giận hờn gì là anh chạy về với mẹ, ăn ở nhà mẹ cho đến khi vợ xuống nước năn nỉ thì mới chịu về, mọi việc liên quan đến bản thân anh cũng không tự quyết định mà phải nhờ đến mẹ và… dì hoặc chị gái.
Ngược lại, chị H. vốn là người sắc sảo, có lần giận quá chị dám bắn “súng lục” vào chồng bằng câu nhận xét: “Tướng anh bần, nghèo suốt đời”; thế là anh ta “bắn đại bác” vào vợ không thương tiếc: “Cô biết không? Cô là người xấu nhất trong mấy người bạn gái của tôi, nếu cô không hối thúc thì không có đám cưới đâu!”. Tất nhiên, cuộc sống của họ sau đó là một chiến trường, dù hai cậu con trai lần lượt ra đời.
Chị H. còn kể có lần họ tình cờ gặp nhau ngoài đường nhưng không thèm chào nhau! Thật ra họ cũng từng yêu nhau đến vài năm và vun đắp tương lai với bao mộng đẹp, theo nhau từ Huế, Đà Lạt đến Sài Gòn nhưng chỉ hơn một năm sau “lâu đài” ấy chỉ còn là một “phế tích” trong con mắt của họ. Giá mỗi người biết nhường nhịn, tôn trọng nhau thì đó vẫn có thể là một cặp đẹp đôi và hạnh phúc.
Sống cả đời bên nhau mà vẫn trọng nhau như khách quý là điều không dễ nhưng sẽ không khó với ai luôn giữ được lòng tự trọng. |
Với những ai thực sự trưởng thành, có chút hiểu biết, khi lập gia đình họ đều muốn được tôn trọng người bạn đời của mình, thế nhưng oái oăm thay, nhiều người lại tự làm tổn hại đến sự kính trọng của người kia bằng lối sống thiếu tự trọng. Chị T. được bạn bè ngưỡng mộ vì ngày xưa chị học giỏi, duyên dáng còn bây giờ là sự giàu có vì ở biệt thự to, đi xe hơi đời mới, con cái đều học ở nước ngoài và mua được nhà riêng bên Úc, bên Mỹ… Nhưng với người thân chị không giấu sự đau khổ của mình.
Chồng chị là một người mắc bệnh trăng hoa mãn tính và là một người không bao giờ nói thật, ngay cả với vợ. Chị kể có lần anh về trễ, chị hỏi lý do, chồng chị bảo “kẹt xe” nhưng sau đó chị biết chính xác là anh đi nhậu với bạn bè. Chị bảo đi nhậu với bạn bè thì có sao đâu, biết chị không cấm đoán điều đó nhưng anh ta vẫn cứ nói dối.
Họ vốn là bạn bè thời đại học, chị ngưỡng mộ chút tài năng lẫn vẻ đẹp trai của anh, giờ thì sụp đổ tất cả. Tuy không ly hôn nhưng họ sống mỗi người một ngôi nhà riêng, chị biết mình giàu nhưng không sướng vì không thể tôn trọng chồng, chị chưa bao giờ biết rõ nguồn gốc những cục tiền do chồng mang về, mà anh ta có nói sự thật thì chị cũng chẳng dám tin.
Khi yêu nhau người ta thường tin cậy nhau, tôn trọng nhau… có như thế tình yêu mới tồn tại và phát triển. Có người còn ngưỡng mộ nhau, xem người kia như thần tượng… Thế nhưng cuộc sống chung đôi lại phơi bày ra những sự thật quá phũ phàng khi một trong hai người hoặc cả hai đánh mất lòng tự trọng bằng sự dối trá, việc làm khuất tất, hành xử thô bạo, mất uy lẫn mất tín với con cái…
Đó chính là những rạn nứt làm sụp đổ bất cứ một cái đập to lớn, kiên cố nào và hậu quả của nó cũng không lường hết được. Lòng tự trọng ở mỗi người thường thể hiện trong từng việc nhỏ hằng ngày, như sự chia sẻ, trách nhiệm… chính là những viên gạch vun đắp nên thành trì vững chắc của sự tương kính, trong đó sự thành thật là “bê tông cốt sắt”.
Nói dối luôn là điều tệ hại và là lý do lớn nhất tạo ra khủng hoảng trong đời sống vợ chồng. Nhà văn Chekhov từng viết “Dối trá là xúc phạm người nghe và ti tiện hóa người nói”. Cho nên dù có lỗi nhưng biết thành thật thì vẫn được cảm thông, tôn trọng.
Sống cả đời bên nhau mà vẫn trọng nhau như khách quý là điều không dễ nhưng sẽ không khó với ai luôn giữ được lòng tự trọng. Ai cũng muốn được yêu quý, tôn trọng, vì như thế thì mới đạt được một cuộc sống có chất lượng tốt.
Nhưng tôn trọng là điều không thể áp đặt, theo kiểu “cô phải tôn trọng tôi” hoặc “anh phải tôn trọng tôi”. Càng không thể thuyết giảng hoặc dùng quyền lực hay bạo lực mà có được. Nhưng quý trọng là thứ có thể… trao đổi được, chồng biết quý trọng vợ, vợ sẽ quý trọng chồng và ngược lại. Đáng trọng rồi sẽ được tôn trọng, đáng yêu rồi sẽ được yêu.