Giáo sư Đinh Gia Khánh trong tâm trí của nhiều người từng gần anh, biết anh, đọc và học anh, là một Người Hiền.
Tôi học được nhiều ở anh tấm lòng nhân hậu song không theo kịp được anh về sức làm việc. Nhờ sức làm việc với năng suất cao như vậy nên đóng góp của GS Đinh Gia Khánh cho nghiên cứu văn học, văn hóa Việt Nam, cho lĩnh vực khoa học nhân văn về số lượng và chất lượng phải nói là hiếm có. Các công trình của anh vừa có cơ sở tư liệu, sự kiện vững chắc, mới mẻ, vừa có tầm khái quát lý luận cao, lại thắm đượm một tinh thần yêu nước nồng thắm. Vâng, tôi không những khâm phục giá trị khoa học của các công trình của anh mà thường đặc biệt cảm động trước các trang viết của anh về văn học, văn hóa truyền thống của nước nhà mà anh vừa hiểu vừa yêu một cách sâu sắc. Anh không hề phô trương về mặt này, song tôi biết anh chăm lo cho tính tư tưởng của mỗi công trình ngang với tính khoa học, tính văn hóa của nó. Như mọi nhà khoa học nhân văn có trình độ cao, anh viết văn rất hay, là nhà học giả có văn phong bởi có tâm hồn.
Sức làm việc lớn với tấm lòng nhân hậu lớn của anh còn thể hiện ở cách làm việc tập thể của anh. Ngoài các công trình riêng, anh rất quan tâm đến các công trình chung, tập hợp sức lực, công phu, cống hiến của nhiều người. Anh chủ trì nghiên cứu, biên soạn các công trình lớn có giá trị lớn. Tôi biết đó là mộng ước của đời anh, làm sao cùng với anh em, đồng chí làm các bộ sách lớn lưu lại cho đời sau. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Lịch sử văn học Việt Nam. Gần đây nhất là bộ sách đồ sộ Tổng tập văn học Việt Nam (42 quyển), có thể nói hiện nay chưa có bộ sách nào đồng loại mà tương đương với nó. Tôi nhận thấy có một sự đồng thuận và tán thành rất cao trong giới khoa học xã hội và nhân văn khi anh nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1), ai cũng thấy anh rất xứng đáng với phần thưởng cao quý đó của Đảng và Nhà nước.
Về quan hệ cá nhân, tôi ghi lại sau đây vài kỷ niệm sâu sắc về người thầy, người anh đáng kính.
Các giáo trình và các công trình nghiên cứu của anh về văn học dân gian, văn học cổ điển, về văn hóa dân tộc tôi đều xem là sách gối đầu giường của mình để nâng cao trình độ của mình trong công tác giáo dục. Tôi vẫn thường lui tới thăm anh để được thỉnh giáo cùng anh. Đó là những lần gặp gỡ rất phong phú và sâu sắc đối với công tác sư phạm và văn học của tôi. Trước sau tôi xem anh như người thầy, người anh và anh cũng đáp lại bằng tình cảm ấy, xem tôi như người em, sẵn sàng giúp đỡ, khuyến khích tôi với sự ân cần, nhân hậu vốn có của anh như ngày xưa. Tiếp xúc với anh, điều tôi nhận thấy và cảm hiểu sâu sắc là anh không chỉ là nhà học giả uyên bác mà còn là một nhà văn hóa và nhà giáo dục thâm thúy. Đặc biệt anh là con người rất yêu và rất hiểu các con người xung quanh anh, có quan hệ với anh, chỉ qua đôi lần tiếp xúc trò chuyện, anh đã hiểu rất nhanh người đối thoại, đối tượng của mình và có cách tiếp cận, rất thông minh, rất nhân văn, đầy sức cảm hóa. Đối với tôi, anh rất hiểu ưu điểm và nhược điểm cố hữu của tôi để tìm cách giúp đỡ, khuyến khích nhẹ nhàng song rất hiệu quả.
Từ ngày biết anh cho mãi về sau, tôi vẫn thấy anh là nhà nghiên cứu rất siêng năng, cần cù và làm việc có hiệu quả. Từ căn phòng độc thân của anh ngày xưa cho đến nơi làm việc của anh khi đã có gia đình, mới trông qua tôi thấy rất bừa bộn, mất trật tự, nhưng tôi biết đó là sự bừa bộn, mất trật tự của một người làm việc trí tuệ có năng suất cao, từ đó đã sinh ra các tác phẩm rất nghiêm túc, phong phú, như từ những vật liệu dựng nên những công trình. Ở nơi làm việc của anh, anh thường nói với tôi: “Je suis un ouvrier, tôi chỉ là một người thợ như con ong thợ cần cù làm mật”. Tôi thấy quả đúng như vậy. Tôi thường so sánh với căn phòng của một số bạn trí thức của tôi, rất ngăn nắp, chỉn chu, sang trọng, đầy sách vở song chỉ để trang trí mà thôi, chủ nhân của nó không tiếp nhận tri thức bao nhiêu và sản xuất ra tri thức lại càng ít hơn. Học trò cũng như đồng nghiệp của GS Đinh Gia Khánh có lẽ đã học tập được ở anh tác phong làm việc khoa học trong các hoàn cảnh eo hẹp, khó khăn song có năng suất cao.
Ngày tôi được phân công về Nam ngay khi Sài Gòn vừa mới giải phóng để cùng nhiều đồng chí khác làm công tác tiếp quản các trường đại học, tôi đến chào từ biệt anh. Anh vui mừng bảo tôi: “Cậu được trên giao cho công việc này rất tốt, rất thích hợp. Cậu là con người của hòa bình. Các bạn trí thức miền Nam hiện rất cần được đối xử tốt sau một sự kiện lớn như vậy. C’est une mission de réconciliation, de pacification. Đó là một sứ mệnh hòa giải, hòa bình”. Về Nam công tác từ ngày đầu giải phóng, tôi luôn luôn tâm niệm và thực hiện lời khuyên của anh. Ý kiến của anh phù hợp với chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày ấy trước khi chúng tôi lên đường về Nam. Trong các kỷ niệm sâu sắc của tôi về anh, tôi nhớ nhất lần gặp gỡ với câu dặn dò đó của anh trong những giờ phút có ý nghĩa nhất của đời tôi, đồng thời cũng của dân tộc...