Trần Tung, anh ruột Trần Quốc Tuấn, được phong tước Hưng Ninh vương năm 1251, tu tại gia từ năm 13 tuổi, pháp danh là Tuệ Trung Thượng sĩ, được vua Trần Nhân Tông tôn làm thầy. Vì có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đặc biệt là việc chỉ huy trận phục kích tại chợ Đông Hồ (Đông Triều) ngày 3-3 năm Mậu Tý (1288) đã góp công quan trọng vào chiến thắng Bạch Đằng, ông được vua Trần phong chức Tiết độ sứ Thái Bình năm 1289 và sau đó lấy đất Tĩnh Bang phong cho ông…
Vậy Tĩnh Bang là ở đâu?
Có một thời gian dài người ta cho rằng Tĩnh Bang là Yên Bang; rồi lại do nhầm lẫn Trần Tung với Trần Quốc Tảng (cháu gọi Trần Tung là bác ruột – bắt đầu từ Bùi Huy Bích ở thời Lê) là một người; rồi lại căn cứ vào chuyện dân gian rằng Trần Quốc Tảng bị đày xuống Yên Bang (mà Yên Bang cũng bị nhầm lẫn nốt là Cửa Ông bây giờ), nên có tài liệu ghi Tĩnh Bang là… Cửa Ông.
Nói đây là sự nhầm lẫn là bởi không có chuyện Trần Quốc Tảng bị đày xuống Yên Bang và Yên Bang cũng chưa bao giờ là Cửa Ông cả. Ngay Đại Việt sử ký toàn thư tập II, NXB Khoa Học Xã Hội, 1967, chương Anh Tông Hoàng đế (nên nhớ Anh Tông Hoàng đế là con rể Trần Quốc Tảng và Trần Quốc Tảng là anh vợ vua Trần Nhân Tông, bố Trần Anh Tông), trang 96, ghi nguyên văn như sau: “người bị lưu ra đây không thể sống được” đó thôi. Chả nhẽ riêng anh vợ vua cha, bố vợ vua con lại bị đày ra đây thì sống được? Được làm nhà sử học sướng thật, muốn nói thế nào cũng được? Theo bản đồ châu Tiên Yên, do Pháp lập năm 1888, có đủ tên các làng xã, thì đến năm 1888 mới có tên xã Cẩm Phả, chứ chưa có tên Cửa Ông. Và ai cũng biết, nếu đọc Gia Định thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức (1765-1825), Thượng thư bộ Hộ thời Gia Long, Thượng thư bộ Lại thời Minh Mạng, thì ở triều Nguyễn, “Ông” trong “Cửa Ông” là chỉ trạm Cửa khẩu có cá Ông Voi chết, chứ không phải là Đức Ông Trần Quốc Tảng, như có nhà sử học đã viết và do đó nhiều người vẫn nghĩ vậy.
Bác lại quan điểm Yên Bang là Cửa Ông, một số nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử đã đưa ra hai địa chỉ: một là Yên Bang ở huyện Vĩnh Bảo, nhưng không nói căn cứ vào đâu; hai là ở chùa Linh Sơn, làng Minh Đức, huyện Thủy Nguyên. Địa chỉ thứ hai này do Nhóm biên soạn Nguyễn Huệ Chi - Bằng Việt đưa ra, trong phần về nhà thơ Trần Tung trong Tuyển tập thơ Thăng Long – Hà Nội một ngàn năm, tập I, NXB Hà Nội, 2011, trang 169. Tôi rất tin cậy vào tính khoa học của công trình biên khảo này, nhưng có lẽ đây là sách Tuyển thơ, nên cả hai ông cũng không nêu căn cứ vào đâu. Như vậy cả hai đại chỉ trên đều thuộc Hải Phòng.