Tình quê

1.

Ngay khi vừa chạm chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất – Sài Gòn ngày giải phóng, người cha bâng khuâng thầm nhớ con Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân). Con đã lưu lại trên đời bài thơ Dáng đứng Việt Nam, còn trong ba thì sống lên hình dáng con cao cao tao nhã, mái tóc xoăn, mặt xương, mắt hiền nhu. Nhớ con hằng mộng mơ: “Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về” thì hiện tại ba đã về đây, cùng vong hồn con, con Hiến ơi! Khi về phòng riêng, người cha – Ca Văn Thỉnh – thao thức trút nỗi lòng:

Con ơi!

Ba đã về rồi, ba chục năm xa cách

Tân Sơn Nhất hiện lên “Dáng đứng Việt Nam”

Hiện thân con

Máu xương xây đài chiến công lịch sử

Tiếc thân tằm vẫn còn nặng nợ

Không kịp nhả tơ mừng khúc khải hoàn ca!...

Thoạt nghe tin ba đã về mà chưa kịp về quê thì con gái Ca Lê Du từ Tân Thành Bình đã lên Sài Gòn mừng ba. Từ ngày chia tay ba má đi tập kết ở bến sông Ông Đốc, hơn hai mươi năm gặp lại, Ca Lê Du ôm ba mừng cơn hạnh ngộ khóc muồi! Năm này chị đã ngoài bốn mươi, công tác ở Hội Phụ nữ, Chi ủy viên Chi bộ xã, chị ngậm ngùi kể cho ba nghe những nỗi niềm trải bốn lần bị tù đày khổ ải…

Sau khi đoàn cán bộ Khoa học Xã hội miền Nam chia nhau đến khảo sát một số nơi có nhiệm vụ tiếp quản và hoạch định sơ bộ công việc tiến hành, Trưởng đoàn Ca Văn Thỉnh được ông Trần Bạch Đằng rất tâm lý cho xe đưa về Bến Tre thăm quê hương bấy lâu xa cách.

pic

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Văn Phiên tiếp đón Giáo sư Ca Văn Thỉnh về thăm quê rất ân cần và báo cáo tóm lược diễn biến Đồng khởi. Những từ ngữ giản dị mà nghe như có linh hồn, ông cảm nhận hằng bao sinh mạng trả giá cho Đồng khởi! Đó là những năm tháng dân chúng gọi là: Sáu năm hòa bình đen tối!

pic

Nhà thơ Lê Anh Xuân

Toàn tỉnh hy sinh hơn hai ngàn đảng viên, khi nổ ra Đồng khởi chỉ còn 160 người! Nhiều xã chi bộ mất trắng! Dân chúng bị bắt, bị giết, bị tù đày thì không kể xiết! Các nền đình Bình Hòa (Giồng Trôm), đình Hội Yên (Mỏ Cày)… ngập ngụa máu người bị tra tấn! Luật 10/59 nghiệt ngã của Ngô Đình Diệm bất kể ai chứa chấp Việt cộng cũng đều bị lên máy chém, hoặc bị neo đá thả sông. Rùng rợn đến mức ngư dân đóng đáy kéo lên thây người!

Chưa vội về quê, ông muốn đi viếng mộ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Đường bộ đi Ba Tri chiến tranh tàn phá chưa tu sửa, Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách Chủ tịch Ban quân quản Trịnh Văn Nở (tức Tư Nguyễn) thân hành dùng tàu thủy đưa ông đi.

Con tàu ra sông Hàm Luông. Bầu trời vụt mở rộng bao la, dòng sông dài thênh thang. Gió mát lừng. Sóng vỗ lách chách mạn tàu như chào đón vị lữ hành tha hương ba mươi năm trời trở về! Kia, ông ngoảnh nhìn bên bờ thượng nguồn. Bến cũ! Giữa dòng… Chiếc bắc xưa sang ngang; chiếc qua chiếc lại đưa rước khách bộ hành, xe cộ. Nhìn ngang mút mắt qua bên kia bờ là cù lao Minh được hai con sông Cổ Chiên và Hàm Luông (hai nhánh phụ lưu của sông Tiền) như hai cánh tay dài ôm trọn cù lao Mẹ mang trong lòng ba huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày, Thạnh Phú vươn ra tận biển.

Nhìn dọc từ cù lao con Thanh Tân - bến bắc, chạy dài xuống hạ lưu giáp cù lao con nữa, tên Giang Hà đất Tân Thành Bình thân yêu! Một đoạn bờ sông Hàm Luông ấy, rừng dừa giăng hàng xanh biếc vô số ngọn lá cong cong xòe cánh mảnh mai lượn gió uốn éo cắt nét đường chân trời. Trưa đi, trời xanh màu trứng sáo, điểm vài chòm mây trắng nhởn nhơ. Bác Tư Đốc Thỉnh còn đang bồi hồi tơ vương cảnh cũ quê xưa thì Tư Nguyễn chỉ tay ra giữa dòng thuyết minh:

- Chính đoạn ngang vàm Bến Tre nầy đây, bác Tư! Đặc công thủy do Hoàng Lam chỉ huy đánh chìm chiến hạm 838 của Mỹ, trên chở máy bay trực thăng và 14 tàu chiến bảo vệ neo xung quanh, tất cả bị kéo chìm theo; máy bay trực thăng - trực thủy chầu hà bá.

Nước ròng, chiến hạm Mỹ ngóc mũi lên kêu trời. Dân chúng các làng hỉ hả kéo nhau nườm nượp đi coi. Cộng nhiều trận khác trong đội hình đặc công thủy, Lê Văn Phích quê Tân Thành Bình nổi tiếng trận nầy, được phong Anh hùng…

pic

Chiến sĩ Giải phóng quân - Ảnh tư liệu

 

Cảm nhận đặc biệt thú vị, từ Hà Nội ông đã nghe danh hai anh hùng đồng hương Tân Thành Bình là Nguyễn Văn Tư “ông tổ binh ong vò vẽ” và Lê Văn Phích “con cá kình Hàm Luông”. Có ngờ đâu hôm nay ông được đi lại trên vùng sông nước từng ghi chiến công hiển hách. Thầm tự hào, ông dự định sẽ viết về Tân Thành Bình…

Con tàu xuôi sông Hàm Luông chạy ra hướng biển. Ông mải mê nhìn sang Vàm Nước Trong, con sông chạy vô thị trấn Mỏ Cày, ngang qua vàm Cái Sấu. Ôi! Cố hương! Nỗi nhớ cồn lên xao xuyến lòng! Nỗi niềm dậy lên từng đợt sóng dài theo dòng sông!...

Vô vàm Ba Tri, con tàu chạy vào xã An Đức, đưa ông lên viếng mộ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng vợ là bà Lê Thị Điền và con gái Sương Nguyệt Anh. Bấy giờ ngôi đền có tôn tạo chút ít, cửa tam quan lợp ngói âm dương; trên nóc hai con rồng chầu; hai bên có hai câu liễn đối nền đỏ chữ Nho thếp vàng. Ông ghé mắt đọc hai câu liễn quen thuộc rồi bước vào đền cấu trúc hai mái thượng hạ.

Hai bên cửa vào, treo đôi liễn chữ Việt viết kiểu trong ô tròn câu thơ tiêu biểu phẩm hạnh nhà thơ:

Sự đời thà khuất đôi tròng mắt

Lòng đạo giữ tròn một tấm gương

Trên bệ thờ, bức chân dung nhà thơ mù linh hiển được họa lại sáng sủa. Ông thắp nén nhang tưởng niệm. Từng diễn thuyết và hằng ấp ủ biên khảo về nhà thơ lớn của dân tộc, ông bỗng bồi hồi nhớ thơ Ca Lê Hiến viết năm 1963, hồi còn trên đất Bắc, như thấu cả nỗi niềm của cha hiện thời:

Xưa nhà thơ yêu nước

Không chung trời với giặc

Gọi nghĩa sĩ lên đường

Mắt mù lòng tựa đuốc…

Sau đó, Tư Nguyễn đưa ông đi Tiên Thủy thăm một số gia đình liệt sĩ, qua Bảo Thạnh thăm ông Tám có sáu con trai hy sinh rồi đến Tân Xuân thăm má Mười, mẹ của năm con liệt sĩ. Con tàu lại trở ra sông Hàm Luông, băng qua sông sang bờ cù lao Minh, ngược nước ròng lên vô vàm Cái Quao, đưa ông lên xã Bình Khánh.

Tư Nguyễn cho biết: đây là một trong ba xã điểm của cuộc Đồng khởi: Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy –được mệnh danh Nôi đồng khởi”. Lần lượt đi qua từng xã, ông được tiếp đón thân tình, trọng thị. Ông không cầm được nước mắt trước những thịnh tình và những nỗi đau, khi đến Phước Hiệp, thăm ông Ba 72 tuổi, cha của Bí thư tỉnh ủy đã hy sinh và nhiều bà má có con em bị tàn sát, hãm hiếp trong chiến dịch tố Cộng, chiến dịch “Bình trị Kiến Hòa” sau Đồng khởi.

Khi sang Định Thủy, nơi nổ phát súng lệnh đầu tiên cho cuộc Đồng khởi, một ấn tượng cảm kích bất ngờ là các cháu thiếu niên quàng khăn đỏ đứng xếp hàng hát ca tưng bừng chào mừng ông như lễ hội. Từ đây, Tư Nguyễn đưa tiếp ông về thị trấn Mỏ Cày, giao cho huyện nhà, để rồi trở về tỉnh.

pic
"Anh Giải phóng quân ơi. Tên anh đã thành tên đất nước... Dáng đứng tự hào dáng đứng Việt Nam"- Ảnh tư liệu

Con tàu chạy trên sông Vàm Nước Trong vô  thị trấn, ông nhìn về quê mình Tân Thành Bình, lại nhìn  qua Định Thủy, bần thần thương đau cho hai bên sông vườn cây mang đầy mình thương tích mới vừa thoát ra chiến tranh!

2.

Ca Lê Du bám trụ quê nhà, đấu tranh với giặc thù, bao phen bị tù đày cam go hy sinh gian khổ; một mình coi sóc mồ mả ông bà tổ tiên, ngày đêm nhớ mẹ mong cha! Ca Lê Du đón ba bằng bữa cơm gia đình thôn dã mà ấm cúng.

Người cha bồi hồi gặp lại bà con thân tộc tụ tập sẵn đón chờ. Đó là hai người em ruột: chú Sáu Tùng và cô Bảy Thục, thím Năm Thôn em dâu, và nhiều con cháu cùng bà con khác… Hôm sau, Ca Lê Du dọn cháo gà cho ba ăn sáng rồi dùng xuồng máy đưa ba về rạch Cái Sấu, con rạch định hình bút danh Ngạc Xuyên… Ôi cố hương!

Trước tiên ông viếng mộ ông bà nội, bác Ba Ca Vĩnh Lưu và mộ ông bà khác. Ông trầm mặc thắp nhang trước mộ cha mẹ, đứng lặng hồi lâu, chạnh nhớ cha mẹ già đau bệnh từ trần mà không về được để chăm sóc, thọ tang!

Kể từ năm 1946, giặc Pháp tái chiếm, được Tư Minh cho người về rước, hai vợ chồng thoát xuống Cái Quao rồi xuống Cái Cát, bỏ lại năm đứa con nhỏ dại lau nhau cho ông bà nội già dắt díu chạy giặc! Sau ba mươi năm về lại nơi sinh thành, lòng nhớ mẹ thương cha dâng lên ngậm ngùi cay cay khoé mắt! Nghe con gái báo tình hình bà con trong xã ấp ai còn, ai hy sinh ông lặng đi, xúc động, gạn hỏi:

- Riêng họ Ca mình có những ai đã hy sinh...?

Những ngày em Hiến về tại đây, năm 1965 - Ca Lê Du kể - em từng theo chị Ba cùng bà con lên lộ phá hoại giao thông. Sau em lên tham gia trận Mậu Thân hy sinh ở Sài Gòn, ba biết rồi. Còn hy sinh ở chiến trường khác thì có các em, cháu như: Ca Vĩnh Đức, Ca Vĩnh Đằng, Ca Văn Dứt, Ca Khải Hoàn và hai con trai của Ca Thị Nết (cháu ngoại của chú Năm Ca Văn Thân). Còn một người thân nữa nhưng… ngoài họ Ca! - Ca Lê Du chợt xúc động nghẹn ngào…    

- Thôi! Ba biết là ai rồi! - Người cha buồn lòng rước lời - Phạm Văn Nhỏ chồng con hy sinh trong trường hợp nào?

- Chồng con được ông Phạm Hùng phân công “mật” gì đó ở lại, cùng con về bám trụ xã nhà, tham gia công tác địa phương. Rồi được mật lịnh điều đi. Ít lâu con được báo tin: ảnh hy sinh trên đường công tác!...

Trong khu vườn xưa đầy kỷ niệm thời thơ ấu, ông phải chen chân lách từng khóm cây, bụi cỏ rậm rạp. Lần dò hồi lâu mới tìm ra nền nhà cũ! Quanh đây còn vết tích của bom đạn, chất độc hóa học tàn phá. Cây đào xưa Ca Lê Du đã đốn, trồng mía. Đến cây khế chua, ông hái một trái, đến cây khế ngọt, ông hái một trái nhấm nháp vị ngọt thanh tao, cây trái vườn nhà… Vừa lần bước đi, chợt nhiên ông dừng lại trầm ngâm, tâm sự cùng con gái:

- Chỗ nầy, xưa có gốc xoài to lớn, hồi trẻ thơ ba từng chơi đùa cùng anh em tại đây. Nay còn đâu! Cây hồng nhung, cây lê ki ma… Nay còn đâu! - Lần bước ra mé rạch Cái Sấu, giọng ông trầm hẳn - Cho đến cây quao, chòm bần bên bờ rạch… Nay còn đâu! Nhớ Ca Lê Hiến trong bài thơ Dòng sông tuổi nhỏ có những câu như nỗi lòng của cha:

Hai bờ dừa nước

Sém lửa na pan

Giờ đã lên tiếng hát

Xanh ngắt lá mái dầm…

Ông bỗng ngẫu hứng nhại thơ Bà Huyện Thanh Quan:

Vườn xưa cỏ phủ luồn chân bước

Chốn cũ bom cày trẹo cẳng đi!...

 

3.             

Buổi về thăm quê nhà của Giáo sư Ca Văn Thỉnh thành cuộc giao lưu giữa các thế hệ, chuyện trò thân tình rôm rả. Niềm tự hào kích thích nhiều người bàn tán về những năm tháng chiến đấu với giặc thù gay go ác liệt.

Chị Ba Ca Lê Du những năm tháng bám trụ quê nhà đã đóng góp tích cực vai trò chi ủy viên và Hội trưởng Hội Phụ nữ xã. Còn Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân), năm 1965 về tại vườn nhà, hòa nhập với bà con Thành Hóa lên phá đường tỉnh lộ 6… Anh còn đến thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Tư, tìm hiểu các anh em trong đội du kích.

Sau đó anh đã viết truyện về Anh hùng Nguyễn Văn Tư, được Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu xuất bản, nhan đề là Giữ đất. Cuốn truyện được truyền bá, bà con đọc rất cảm động; càng thương tiếc tác giả đã hy sinh trong trận Sài Gòn xuân Mậu Thân, để lại bài thơ Dáng đứng Việt Nam bất hủ.

Nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân đã nối tiếp truyền thống các bậc tiền bối thời chống Pháp và các anh hùng liệt sĩ thời chống Mỹ. Xứng đáng một người con trung hiếu của quê nội Tân Thành Bình; là niềm tự hào của "Pháo đài Tân Thành Bình"…

Thanh Giang