Tính đất, nết người qua một câu ca dao

Tính đất

Nam Bộ có câu ca dao:

“Nước ròng bỏ bãi, xa cừ
Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông”

Tất cả sông rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long nơi nào cũng có bãi bùn bồi tụ. Sông, rạch là đường nước tự nhiên có dòng chảy từ thượng nguồn đổ xuống. Uốn lượn quanh co theo những nơi nào có đường trũng mặt đất, do đó các chỗ đất thòi ra người ta gọi là “doi”, chỗ đất khuyết vô gọi là “vịnh”.

Bất cứ dòng chảy dài hay ngắn đều có mang phù sa đến bồi tụ theo các con doi, từ đó xóm dân cư ở phía doi phải chịu sự án ngữ của một bãi đất bùn ngăn cách xóm nhà ra mé nước dòng sông, do đó người ta phải làm một “cái bến”.

Bến sông bắt đầu từ con lộ chính, có đường bộ và đường nước chạy song hành ra tới mé nước sông. Bến sông phải xuyên qua một đoạn dải lá dừa nước, rồi một đoạn thảo mộc lấn đất mới bồi tụ, cuối cùng gối đầu ra tận mé nước sâu, để mương bến đưa xuồng ghe nhỏ ra vô và đưa nước, tháo nước cho vườn ruộng.

Còn bờ bến? Bởi đắp một con bờ trên mặt bùn, muốn giữ chân bờ được chắt, người ta xốc hai hàng cừ dọc và một hàng cừ ngang đầu bờ chỗ mé nước sông. Hai hàng cừ dọc cách nhau khoảng 4,5 mét. Trước khi lấy đất đắp bờ (nơi lấy đất để sau này làm mương bến), bởi đất bùn nhão, người ta phải dùng cây ráng, hoặc sóng lá dừa nước, loại lâu mục xếp “trỉ” hai bên theo hàng cừ giữ cho đất khỏi bị lở, chài.

Bờ bến dài hay ngắn là tùy thuộc con bãi từ lộ chính ra tới mé sông rộng hay hẹp. Có những bờ bến dài đến hàng trăm mét. Dù bến dài hay ngắn người ta làm cũng phải mất đúng một năm. Thời gian ở đây không phải là do công việc nhiều hay ít, mà do thời tiết và điều kiện địa lý.

Đất mũi Cà Mau

Đặc thù này nổi bật nhất là ở vùng đất Tây Nam Bộ, bởi ở đây có những con sông lớn ảnh hưởng triều nước Biển Tây (vịnh Thái Lan), biên độ triều rất thấp và bán nhật triều tương đối, như sông Giang Thành, Cái Bé, Cái Lớn, Sông Đốc, Bảy Háp…

Triều cường yếu, nước đưa vào, tháo ra không mạnh, sông nào cũng có “giáp nước” cho nên phù sa lắng đọng rất nhiều. Muốn làm cái bờ bến cho chắc ngoài cắm cừ, trỉ ráng còn phải từ từ, nước “kém” thì làm, nước “rong” thì nghỉ để cho đất bùn nhão ở chân bờ bến dẻ dần, khô dần. Cứ mỗi nhà người ta làm một cái bến riêng như vậy, cho nên khi người đi xuồng, ghe trên sông gặp lúc nước “kém” thì sẽ thấy: “Nước ròng bỏ bãi, xa cừ”.

Nết người

Người Nam Bộ, nhất là người vùng Sông Hậu, có lẽ vì bảo vệ gương mặt vợ, con gái mình khỏi bị trầy xước thành thẹo, cho nên đàn ông ít cho đàn bà, con gái đi làm đồng, làm rừng. Từ những chục năm đầu mở rừng khai ruộng, chính là đi làm rừng. Giai đoạn này gần như tuyệt đối là đàn bà, con gái chỉ ở nhà lo cơm nước, con cái, bởi ra rừng không tránh khỏi cây cối, gai chà quào móc, trầy xước da mặt thành thẹo.

Quan niệm đàn ông, con trai ở đây là nếu đàn bà, con gái trên mặt có thẹo thì mất đi cái “duyên”. Bởi vậy cho nên: “Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông”. Đàn ông, con trai mặt có thẹo coi như đó là một nét oai hùng, ít nhất cũng xem là có tính khí ngang tàng, hào phóng, dễ chịu. Ngược lại, đàn bà, con gái có cái thẹo là vô duyên, khó chịu!

Nét mộc mạc và phóng khoáng của những người con miền sông nước

Đời con gái chỉ có một lần được cưới xin, nhưng thiệt thòi làm sao cho cô nào đó có thẹo mặt. Bị “trừ đôi bông”! Đôi bông của ngày cưới là sự trân trọng, quý giá của nhà chồng đối với một nàng dâu tương lai. Nhưng cắc cớ làm sao, chỉ vì gương mặt mình xui rủi bị hằn một vết thẹo mà phải bị… “trừ” đi hết cái duyên, cái trân trọng quý giá của người con gái.

Bởi tính người ở vùng đất Nam Bộ này quá khắt khe với gương nặt đàn bà, con gái đến tạo nên ấn tượng sâu sắc như vậy!

Từ tính khắt khe có ấn tượng sâu sắc ấy, mãi về sau và cho đến bây giờ, hễ khi thù hằn, giận dỗi nhau, người ta rạch mặt nhau (ở phái nữ) để xóa bỏ cái duyên một đời của đàn bà, con gái. Hiện tượng này vẫn còn thịnh hành, nhất là ở giới giang hồ…

Anh Động