NHỮNG CHÀNG TRAI CÔ ĐƠN
Mấy năm cuối thập kỷ 50, tôi và nhạc sĩ Doãn Nho cùng bước qua tuổi đời một phần tư thế kỷ. Đoàn văn công Tổng cục Chính trị ở khu nhà số 8 Lý Nam Đế. Tôi làm việc ở nhà số 4 - Phòng Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nho vừa sáng tác vừa tham gia biểu diễn vĩ cầm.
Cùng Doãn Nho, tôi còn có nhiều bạn trong đoàn văn công nên hay sang chơi. Một lý do rất quan trọng đã cuốn hút tôi, là đoàn có nhiều diễn viên trẻ, đẹp luôn sẵn sàng làm mẫu cho tôi vẽ. Bầu không khí đầy thanh sắc ấy, tôi không mê sao được! Luôn gặp những nụ cười tươi chào đón, tôi lại được coi như “người nhà” có thể tự do vào vẽ tận chốn “thâm cung” nơi phòng tập múa ballet… Phải công nhận rằng, có nhiều nét đẹp dễ khiến họa sĩ nào cũng phải miệt mài cây cọ: nhan sắc thiếu nữ, điệu nhạc bổng trầm nhiều âm sắc… Mọi sự đon đả nhí nhảnh, trong trẻo ngây thơ hay đỏng đảnh chanh chua… đều có thể níu kéo hồn tôi, khiến tôi mê mải nhìn và vẽ.
Đường Lý Nam Đế thời quân đội Pháp chiếm đóng vẫn còn nguyên ba-ri-e (rào chắn) có trạm gác không cho xe cộ và người dân qua lại. Tất cả chúng tôi chỉ được phép một phần ba quân số đơn vị đi chơi chiều thứ bảy, chủ nhật. Số đông còn lại nghỉ trong doanh trại. Đoàn văn công thường tổ chức nội bộ nhảy quốc tế vũ buổi tối ngay trên mặt đường nhựa. Tôi cũng được tham gia, các cô gái đội múa giúp tôi tập nhảy rumba, valse, tango… Lần đầu ôm eo, nắm bàn tay thiếu nữ lướt theo từng điệu nhạc, tôi thấy lâng lâng vui lạ.
Thế rồi, cũng có nhiều chiều thứ bảy, tôi trống trải chẳng biết đi chơi đâu thì chính anh bạn Doãn Nho lại sang rủ tôi, mỗi người đến lượt nhận vé đỏ được qua trạm gác đi ra phố, từ 5 giờ chiều tới 9 giờ 30 tối phải về. Mười giờ, khi tiếng kèn đồng trong hoàng thành phía cửa đông cất lên là lại tới giờ đi ngủ.
Tôi đồ chừng Doãn Nho đang nghĩ về ai đó? Hay nghĩ về một giai điệu? Cũng lơ mơ, bất chợt… thế thôi. Chơi với nhiều bạn nhạc sĩ, tôi tìm hiểu khi họ nhận xét nhau. Ở tác phẩm của Doãn Nho có tư chất thiên về tư duy nhạc tính (Người con gái sông La, Tiến bước dưới quân kỳ); ở Nguyên Nhung thiên về giọng điệu địa phương, dân tộc vùng núi cao (Tiếng đàn môi); ở Lê Lan thấy nhịp điệu rộn ràng (Múa nón Tây Bắc); Huy Thục thiên về ca ngợi chiến công (Đường 9, Con suối La La…). Tựu trung tác phẩm của họ đều chân chất, lành mạnh, cách mạng và mang đầy tính anh hùng ca thời đại.
AI HỢP VỚI AI?
Đã nhiều lần tôi dò hỏi xem Nho đã có “ai” chưa? Anh vẫn lắc đầu trầm ngâm.
Mãi rồi, tôi sốt ruột: Cậu đang ở giữa một rừng hoa, đầy ắp các cô gái xinh như mộng, chưa chọn được lấy một nàng sao? Có già kén kẹn hom không đấy? Nho cười, buột miệng: Càng đông càng khó chọn! - À, đúng vậy!
Cứ thế, có tới hơn năm trời đi suông cái cảnh “đực rựa” với nhau. Tuy nhiên, chúng tôi không hề thiếu chuyện để bàn. Chuyện gì thì rồi lại vẫn quay về với mối quan tâm thường trực của tuổi trẻ là “yêu”! Đoàn Văn công có tới hơn dăm chục cô đều được hội đồng hai đứa tôi đặt danh sách lên bàn bình xét thử cho vui.
Tôi nhắc tới tên cô L. múa thì Nho bảo: Cô bé này từ mắt mũi tới đôi môi… không chê vào đâu được – nhưng cười nói lại vô duyên… À thì ra anh chàng tinh tường đáo để… Cô B. thì cấm cẳn khó tính, cô V. thì đanh đá cá cày, cô H. thì chua ngoa… Nhưng rồi hội đồng tự nhiên bỏ cuộc – vì có nhiều cái tên rất đẹp mà Nho không để ý, không nhớ, không khen cũng không chê… mà tôi không cùng sinh hoạt hàng ngày nên không thể biết gì hơn. Đùa vui một chút thế, cũng ngộ ra quy luật đặc biệt của tình yêu; hoặc không có quy luật nào cả (?). Con người ta dẫu đẹp thì cũng không ai vẹn toàn – chỉ có điều ai hợp với ai thôi.

Chân dung nhạc sĩ Doãn Nho qua nét vẽ của họa sĩ Phạm Thanh Tâm.
Hết năm lại có một giao thừa, Nho rủ tôi đi dạo chợ hoa từ chiều cho tới tất niên xem người ta đi hái lộc quanh hồ Hoàn Kiếm. Tối nay, năm cùng tháng tận rồi mà vẫn chưa cô gái nào chia rẽ nổi hai đứa – Làm thế nào đi chứ! Chúc cho nhau giao thừa sang năm, đũa nào cũng phải có đôi. Đêm nay, chúng mình, hai đứa đấy, chẳng cô đơn cũng cảm giác bơ vơ… Đêm nay, hai đứa cùng trịnh trọng trong bộ com lê, cà vạt đỏ - oách đấy, mà chẳng có ma nào nhìn! Y như tâm sự của nhà văn Đan Mạch C. Andersen: “Tôi đi ngoài phố, các cô gái cứ tránh sang một bên… họ nhìn tôi như thấy cái cột đèn…”. Cô đơn quá phải không?
Đi bộ mỏi chân, ngồi xuống ghế đá ven hồ bỗng cảm thấy lành lạnh vì mấy hạt bụi mưa phùn. Tôi bảo: Đáng lẽ lúc này, ngồi bên cậu không phải là mình mới phải… Nho cười buồn: Thú thật với cậu, ít lâu nay mình có bị hút theo một người… Tôi hỏi vội: Ai đó? – Là M. cậu biết không? Lần này mình hơi bị ngẩn ngơ, hơi bế tắc chẳng biết nên thế nào – hình như cô ta biết mình đang tới gần, đã bị mình theo dõi từ xa. Rồi gần đây nhất, mình đánh bạo đi sát ngang cửa phòng đang hé mở. Mình nhìn vào toan gợi hỏi vài câu… thì chẳng nói chẳng rằng, mắt trân trân nhìn và cô ta kéo cửa khép kín lại… Lạnh lùng quá. Như một sự hắt hủi… mà từ trước tới nay vẫn cười nói hồn nhiên, chưa hề bóng gió gì… Nào biết đâu rằng ca khúc Núi bài thơ của mình đã bắt đầu mang bóng dáng cô ta…
Ô, lúc này sao mà tôi sáng suốt thế - đứng ngoài cuộc nên tôi cứ thao thao nhiều lý lẽ để phân tích theo kiểu vun vào; động viên Doãn Nho hãy dũng cảm, kiên trì tấn công, đừng vội nản – có thể chỉ là cô ta chưa sẵn sàng, bị bất ngờ nên hành động theo bản năng tự vệ; cô ta kín kẽ, làm duyên, thêm chút kiêu sa cần có ở một thiếu nữ thôi… Tôi đọc cho Nho nghe bài thơ của Phùng Quán tặng tôi khi Quán yêu một cô văn công quân khu 4: “Em biết không em ơi/ Một lời nói vô tình em lạnh nhạt/ Còn hơn thuốc nổ ngàn cân/ Châm lửa nghiền tim anh vỡ nát…”. Rồi Quán cất cao giọng đầy khí thế lạc quan: “Anh phất cao lá cờ yêu đương/ Trên nóc pháo đài tim em cố thủ…”.
Nho quan tâm: Thế rồi sao? Tôi đang sôi nổi bỗng hơi tiu nghỉu:… Rồi do hoàn cảnh… nên cũng “xịt” rồi. Quán thất tình nhưng thành thơ, thơ đẹp…Còn mình ư – tôi trả lời câu hỏi của Nho – mình cũng đang yêu đấy, yêu đơn phương, chỉ để làm thơ. Mình thích thơ thất tình hơn thơ được tình – vì nó sâu lắng – nó có cái buồn đẹp, nó lý tưởng hơn về một cô nàng… Bởi vậy nên từng có người đẹp cho phép mình được ngồi gần hơn để mân mê những ngón tay búp măng… mình lại không dám nhận. Sau phút đó nàng đã thở dài, bỏ đi xa, xa mãi.
SỢI DÂY TƠ HỒNG LẶNG LẼ
Vào một buổi trưa hè, tiếng ve ran ran dọc đường Lý Nam Đế. Nho không ngủ, chạy sang buồng tôi – ngôi nhà số 4 im ắng – Nho nói nhỏ, đầy sôi nổi: Này, tao yêu rồi đấy nhé, mày biết không? Thường là lúc vui, cởi mở chân thành, muốn truyền đạt nhanh nhất, chúng tôi mới xưng hô mày – tao.
- Mình “thông minh chậm hiểu”… thì ra cô nàng đã “yêu vụng giấu thầm” mình từ lâu. Cái nhìn đầu tiên của mình thấy có cảm tình tự lúc nào không rõ – rất giản dị, dễ chịu. Tự nhiên mình muốn gần bởi sự săn sóc một cách tế nhị và kín đáo của nàng. Mình cũng thấy cần săn sóc lại như một nhu cầu. Một tình cảm dịu nhẹ không khoa trương cứ như “mưa dầm thấm lâu” cho tới lúc vắng nhau mình cảm thấy như thiếu một cái gì mà xưa nay mình không hề có, chưa từng biết tới…
Vẫn tưởng là M. nên tôi hỏi gặng: Thế còn lạnh lùng không? – Không, không phải M. đâu. Không lạnh lùng mà ngược lại: đầm ấm vô cùng! Nụ cười tươi tắn, có duyên thầm… đó là Nguyệt Ánh ở đội hát. Doãn Nho say sưa: Nguyệt Ánh là ánh trăng, ánh trăng của riêng mình. Mình đã được tới ăn cơm ở nhà Ánh – đây là một gia đình nền nếp Hà Nội. Hợp tính hợp nết, Ánh lại rất hiểu công việc sáng tác có niềm đam mê… và quan trọng nhất là hiểu lòng nhau.
- Hoan hô, chúc mừng hai bạn! Thế bây giờ, thế nào?
Nho ra mặt phởn phơ:
- Thế nào là thế nào – là mình không còn cô đơn, bơ vơ nữa. À, là thế này, quen với sự chăm nom, chiều chuộng lẫn nhau, dần dà mình cảm thấy như có một sợi dây vô hình cột chặt hai đứa vào nhau… Có phải là sợi dây tơ hồng đó không hả mày?... Nói cho mà biết: từ nay mình không thèm chơi với cậu nữa – hiểu không? Mình đã chấp nhận một sự bận rộn mới, hơi mất tự do vì có người yêu… cũng chẳng phải là mất, mà là được chuyển đổi tự do này sang một tự do có ý nghĩa đầy đủ hơn mà thôi.
Đột nhiên như nhớ ra một ý định cần thực hiện, Nho hỏi cái khăn mặt của tôi đâu – Đây nhé, cái khăn mặt của tớ cũng khô cứng bánh đa cong queo như của cậu… Ánh đã luôn đưa ra ngâm nước nóng, vò xà phòng rồi nó đã trở lại mềm mại, khi rửa không còn thấy nó nhờn nhớt nữa – từ chuyện nhỏ như thế này, bọn con trai chúng mình đâu có chú ý nên rửa qua loa không bao giờ sạch. Kể cả cái tay áo, cổ áo sơ mi luôn cáu ghét. Ánh đã kiểm tra, thuyết phục mình – quả nhiên sự giặt rũ thơm tho cũng khiến mình dễ ở hơn. Phải công nhận có bàn tay khéo léo, căn cơ nữ giới – người yêu bên đời, người đàn ông sẽ sống chỉn chu hơn; nếu khéo thu xếp ta còn có thể rất tập trung vào sự nghiệp – Thế nào là đũa có đôi; hai phải là hơn một chứ!

Nhạc sĩ Doãn Nho và vợ.
TÌNH YÊU LÀ CÓ THẬT
Người ta hay nói chơi: Khi thành vợ chồng rồi, chủ nghĩa hiện thực mới bắt đầu. Như mọi đôi vợ chồng trẻ, gia đình nhạc sĩ Doãn Nho trong chiến tranh có nhiều chật vật bởi cuộc sống đã luôn cơ động, không ổn định, nó còn đẻ ra biết bao nhiêu nhu cầu. Không kể vấn đề ăn - mặc - ở - đi đứng… hẳn việc khai hoa kết trái là bổn phận lớn lao, mất nhiều công sức; nơi tổ ấm không phải lúc nào cũng tràn ngập niềm vui.
Một lần tôi thăm thấy cả hai hơi hốc hác, mắt quầng thâm thiếu ngủ. Ánh nói may quá cháu bé bệnh mấy hôm, mới khỏi rồi. Cháu bị đau bụng, đi lỏng xong liền bị táo bón, chúng tôi lo quá. Nho tiếp lời: Cậu biết không, mấy hôm nay dọn bữa ra mà bọn mình không nuốt nổi – con không ỉa thì bố mẹ không thể nào ăn! Tôi bật cười về câu nói rất thực mà vô ý. Chuyện nghiêm trọng thế lại hóa ra có nét bi – hài.
Rồi có thời gian Ánh bệnh nặng. Bệnh viện báo cho Nho biết “vợ anh có thể chỉ còn một vài năm thôi”. Bạn bè, đồng đội xôn xao lo lắng kéo nhau tới thăm nhưng rồi họ động viên nhau quyết tâm “khổ chiến” tìm mọi phương cách chữa. Lạ lùng thay: Không chỉ một vài năm mà vài chục năm qua Ánh vẫn sống! Chẳng những khỏi bệnh hiểm nghèo, ngày càng khỏe, còn có khả năng giúp người khác tập tành đẩy lui bệnh tật.
Tôi rất hiểu: Họ đã giữ lấy sự sống cho nhau không thể đánh đổi bằng tiền. Đôi vợ chồng này thuận hòa, giàu nghị lực. Chính là nhờ Tình yêu đã bồi bổ cho họ thêm nhiều năng lượng để sống, để làm việc. Nghiêm túc, đều đặn – Đó là hiện thực – lãng mạn trong Tình yêu!
*
Từ khi Doãn Nho bột phát “chuyển gam” trên bước sóng nhạc đời mình, chuyện tình của anh đã giúp tôi tin Tình yêu là có thật.
Sự lãng mạn bay bổng của người nghệ sĩ sáng tác không hề trái chiều với tình yêu một người nữ cụ thể, với hôn nhân, gia đình hạnh phúc.
Nhạc sĩ Doãn Nho lấy vợ khoảng 1960. Tới nay chúng tôi đều đã quá tuổi cổ lai hy rồi, đã con cháu đề huề cả - Vẫn đang sáng tác, vẫn lui tới được với đơn vị các chiến sĩ trẻ tại thao trường. Nhân các chuyến đi thực tế, Nho vẫn bay vào Sài Gòn cùng tôi đi ăn Phở Hà Nội. Và tôi, mỗi lần về thủ đô thường không quên tới khu nhà mới xây trùng điệp phủ lên xóm Liều xưa cũ, sát mé hồ Ba Mẫu để được đãi một bữa cơm canh riêu cua “xịn” mỡ màu vàng óng, đậm đà chất cua đồng nội… do tài nữ công ẩm thực của bà Nguyệt Ánh - người yêu, người vợ kiêm ca sĩ, người lĩnh xướng đầu tiên tại gia, người phê bình đầu tiên mỗi bản nhạc mới của nhạc sĩ tài năng Doãn Nho.
Bài liên quan: