Tình yêu quê hương

GS.TS ĐẶNG ĐÌNH ÁNG

Có một loài cá, gọi là cá hồi, sinh trong lòng suối trên đỉnh núi, lớn lên theo dòng suối xuống sông ra biển. Rồi khi trưởng thành, trở về điểm xuất phát, bơi ngược dòng suối để lên núi đẻ trứng, và chết ở đó. Khi cá con nở ra thì xác cá mẹ là nguồn dinh dưỡng cho đàn cá con. Quy trình sinh tử cứ tiếp diễn như vậy…

Thế rồi, một ngày kia, người ta thấy trên bờ suối bên chân núi xác cá hồi nằm ngổn ngang. Thì ra cá hồi tìm đường bơi ngược dòng suối lên núi đẻ bị cản bởi một cái đập mới được xây.

Câu chuyện cá hồi không phải là hoang tưởng. Tác giả bài này liên tưởng tới loài người, cũng theo quy luật như cá hồi. Người thanh niên ra đi bốn bể năm châu, tìm của cải vật chất và tinh thần, và khi đã có sự nghiệp thường ước mong trở về thăm cố hương, thăm mồ mả ông cha, gặp lại những người quen thời thơ ấu mà nay đã bạc đầu, đây là tình yêu quê hương.


GS Đặng Dình Áng (người thổi sáo) với Trịnh Công Sơn và Văn Cao.

Tôi còn nhớ, hồi còn nhỏ, học cuốn Quốc văn giáo khoa thư có bài nói về một khách “du sơn du thủy”, khi tuổi xế chiều, trở về thăm làng cũ, có người hỏi ông là trong những nơi ông đã bước chân tới, kể cả những danh lam thắng cảnh, thì nơi nào là đẹp nhất, ông trả lời quê hương là đẹp nhất.

Quê hương là dải đất, có núi có sông, có cây cỏ, có những con người cùng chung quyền lợi vật chất và tinh thần, nhưng không phải chỉ là thế, sâu xa hơn thế là các nấm mồ người đã khuất. “Chính tro tàn của người quá cố đã tạo ra quê hương”, một văn hào Pháp, trong một bài thơ bất hủ về tình yêu quê hương, đã thốt ra như vậy.

Nhắc lại câu chuyện, từ cá hồi liên tưởng đến con người, trái tim không khỏi rung động trước cái đẹp của quy luật “trước-sau” trong thiên nhiên, trong xã hội loài người, mà đối với con dân của đất nước thì còn là tấm lòng, là lương tâm…

Lời hay ý đẹp

  • Sự nghiệp của đời tôi là đào tạo. Muốn dạy giỏi, người thầy phải nắm vững những kiến thức mới mẻ nhất. Muốn nắm vững, bản thân ông thầy phải có đóng góp chứ không thể nhắc lại kiến thức của người khác như con vẹt.

  • Đã là tư duy ở mức độ cao thì phải cô độc. Chỉ có mình với mình mới dẫn đến thành công. Toán học hay nghệ thuật đều phải thế […]. Trong cô đơn có niềm vui và hạnh phúc. Dẫu rằng có thể niềm vui ấy cũng như nỗi cô độc khó cộng thông hay họa hoằn mới có thể cộng thông với người khác.

  • Phải có tình thương mới làm được việc lớn. Mà tình thương trước hết phải là cho những người thân của mình.

  • Tôi mê sáo tre từ nhỏ, sang Mỹ thì mua được cây sáo bạc. Âm nhạc có tác dụng rất quan trọng với việc học tập và nghiên cứu toán của tôi. Cũng như âm nhạc, toán là một nghệ thuật.

  • Đừng háo thắng mà không đi xa được, việc học cũng giống như chạy marathon 42km, phải biết giữ sức, những cây số đầu không mấy quan trọng, không học nhồi học nhét, không ham ánh hào quang hão huyền, làm sao để càng về sau càng khổng lồ, đó mới là kết quả thực sự.

  • Tôi tin tưởng rất nhiều vào tiềm năng của người Việt Nam ta, đặc biệt là của lớp trẻ. Tuy nhiên, muốn biến tiềm năng thành hiện thực thì phải biết tổ chức, phải có thầy. Thầy là những người có khả năng chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và quan tâm đến học trò.

GS.TS Đặng Đình Áng