TOÀN VIỆT THI LỤC TẬP 3

Tác Giả: Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học
Nhà xuất bản: Văn học
Số trang: 436
Kích thước: 16 x 24 cm
Hình thức bìa: Bìa cứng
Ngày sản xuất: in xong và nộp lưu chiểu quý 4/2022
Trọng lượng:
Giá bìa: 250.000 VNĐ

LỜI NÓI ĐẦU

Toàn Việt thi lục, là bộ sưu tập quan trọng của học giả Lê Quý Đôn 黎貴惇 (1726 - 1784) về thơ ca Việt Nam từ Lý - Trần đến thời Lê. Sau khi sưu tầm công phu, sắp xếp lại, Lê Quý Đôn viết lời Tựa, có câu: “Nước Việt ta từ khởi đầu (lập quốc tới nay), (nền) văn minh không thua kém Trung Quốc”. Ta nên nhớ là ở thời đó, ta chỉ mới biết có văn hóa, thơ ca Trung Hoa. Họ là một nền văn hóa “già”, có những thành tựu rạng rỡ, từ Kinh Thi qua Hán, Ngụy, Đường Tống, Minh, Thanh… kế tiếp nhau không ngừng tỏa sáng với những đỉnh cao thiên tài.

Đánh giá của Lê Quý Đôn đầy lòng tự hào, xuất phát từ thực tế văn hóa Việt Nam, từ trình độ của tổ tiên ta tiếp biến, sáng tạo.

Dịch, (bao gồm dịch nghĩa, chú thích, dịch thơ) Toàn Việt thi lục ra tiếng Việt hiện đại để nghiên cứu, thưởng thức, làm giàu thêm văn hóa dân tộc mà cha ông chúng ta đã tốn bao nhiêu công phu xây dựng, là một việc cần kíp. Đảm nhận công việc đó, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học đã làm xong và xuất bản 2 tập (1-2) và nay là tập 3.

Tập 3 bao gôm tác phẩm của các danh gia như: Chu An, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Trần Nguyên Đán… và các tác gia đời Trần còn chưa được biết đến nhiều. Đó đều là những tác gia đáng ngưỡng mộ về thi tài, và khí phách, về sự độc đáo của văn phong… Các vị là những người đã sống và chứng kiến một thời đại vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thế kỷ 13, rạng rỡ của nền văn minh Thăng Long, thế kỷ dân tộc ta 3 lần chiến đấu và chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược:

Đến nay bốn biển toàn dân,

Nhớ hoài năm bắt giặc trên sông này.

(Phạm Sư Mạnh)

Truyền thống chiến đấu, “cầm Hồ” đó vang vọng tới ngàn sau, tới thời đại Hồ Chí Minh chúng ta thắng các đế quốc to và nay đang xây dựng Việt Nam thống nhất, hùng cường.

Việc dịch Toàn Việt thi lục cũng giống như việc dịch thơ chữ Hán của ông cha ta nói chung, vấp phải rất nhiều khó khăn. Từng từ ngữ, từng câu, từng bài thơ đều phải nghiên cứu, tra cứu… rất nhiều, trăn trở rất nhiều… mới mong đạt đến ý nghĩa đích thực của nguyên tác đa nghĩa, đa trị… Chỉ một câu thơ trong bài Họa thơ sứ nước Đại Minh tên Dư Quý,  mà đã có nhiều cách dịch khác nhau:

Mã hàm Dữu Lĩnh mai hoa tuyết

Dịch 1: Ngựa nối đuôi nhau trên núi Dữu Lĩnh

Dịch 2: Ngựa hí trên núi Dữu Lĩnh

Chúng tôi nhận thấy rằng, dịch như thế là xa nghĩa gốc. Làm gì có nghĩa ngựa nối đuôi nhau, hay nghĩa (vốn là : hí gió bấc: tê bắc phong). Hàm nghĩa là ngậm, ngựa đi qua sườn núi giữa mùa băng tuyết, nó như ngậm lấy tuyết mà đi (còn tuyết thì trắng như hoa mai). Đó là một hình tượng rất thơ và rất thực, câu thơ vừa thực, vừa tượng trưng… ta cứ dịch thẳng vào chữ, có gì mà phải lòng vòng.

Tuy vậy, đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của chúng tôi, đưa ra cốt để nói cái khó của việc dịch chữ Hán. Một câu đơn giản thế còn khó, huống hồ những câu mắc míu hơn, như: Lãn tiếu đương niên Tạ Liễu Thanh (Dụng Đỗ Tồn Trai vận trình thí viện chư công – Trần Nguyên Đán). Tạ Liễu Thanh là ai? Hay là sự kiện gì? Tra khắp các sách còn chưa rõ nghĩa… Vì vậy, khi đọc sách này, các vị bác nhã quân tử biết cho là chúng tôi đã cẩn trọng và ráng hết sức, vẫn có thể có có những chỗ khiếm khuyết, mong được các vị nguyên lượng.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị bạn đọc.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học