Tạo dựng thế tương hỗ và cộng sinh sức mạnh trong không gian chiến lược Á - Âu

Đại lục Á-Âu có tầm quan trọng đặc biệt về địa - chính trị, địa - kinh tế và địa - văn hóa trong đời sống bang giao quốc tế.


Con đường tơ lụa ngày xưa đã và đang được hiện đại hóa trong thế giới toàn cầu hóa với nhiều tuyến đường khác nhau làm cho khoảng cách xa xôi trở nên gần như “gang tấc”. Đó là chưa nói tới không gian “thế giới phẳng” do cuộc cách mạng tin học xây nền và dựng cột, đang thúc đẩy hợp tác Á-Âu và mở ra những vận hội phát triển mới cho các nước đang phát triển ở khu vực.

Trong bài thơ Đông-Tây (The ballad of East and West, 1889) của nhà thơ Anh Rudyard Kippling (giải Nobel Văn học 1907) có cùng một khổ thơ ở mở đầu và đoạn kết:

“Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ
Cho đến một khi Đất và Trời chưa về ngày phán xử
Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không quê hương, bộ tộc, giống nòi
Khi hai người đàn ông lực lưỡng từ đường biên mặt đối mặt không thôi”

Còn ở giữa bài thơ là câu chuyện kể về cuộc đụng độ giữa một thủ lĩnh người bản xứ với con trai của viên đại tá thực dân. Cuộc đụng độ đã kết thúc bằng sự hòa giải và kết nghĩa anh em giữa “hai người đàn ông lực lưỡng”:

“Họ cùng nhìn vào mắt nhau và cảm thấy run run
Rồi họ mang muối với bánh mì để cùng hẹn ước, thề nguyền
Họ thề với nhau kết nghĩa anh em rồi cùng khắc lên trên vạt đất
Họ khắc trên cán gươm tên Chúa Trời của những điều kỳ diệu nhất” 

Hòa giải, đối thoại và hợp tác là đỉnh cao của văn hóa chính trị trong bang giao quốc tế. Từ đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã từng khuyến cáo: “Sửa hòa hiếu hai nước, tắt muôn đời chiến tranh”. Sau Chiến tranh Lạnh, hòa giải và liên kết Á-Âu đã và đang được thể chế hóa bằng những cơ chế khác nhau trong đó có Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) ra đời từ năm 1996.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 7.

Trong bối cảnh đó, tạo dựng thế tương hỗ và cộng sinh sức mạnh trong không gian chiến lược Á-Âu đã trở thành ưu tiên đối ngoại của nhiều quốc gia trong khu vực. Về một phương diện, ưu tiên đó cũng đã được thể hiện trong ba sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam cùng được bắt đầu từ ngày 11/10/2011.

Đó là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Ấn Độ và chuyến thăm của Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel tới Hà Nội.

Trung Quốc và Ấn Độ đều là hai nước lớn, hai đầu tàu kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ ở châu Á, còn CHLB Đức có nền kinh tế phát triển hàng đầu và có vai trò rất quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU).

Năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Nền kinh tế Ấn Độ cũng đang phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp công nghệ thông tin - một mũi nhọn của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ đương đại. Còn nền kinh tế Đức có thể xem là “nền kinh tế Xanh”, cũng đã được khẳng định và thử thách thêm qua cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi.

Điều thú vị là cả ba nước này đều có nền văn hóa, nền triết học đặc sắc và có những đóng góp nổi bật trong kho tàng văn minh nhân loại cả về khoa học, thi ca và tư tưởng triết học. Trong hành trình tìm đường cứu nước hơn 30 năm ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc cũng đã có một thời gian ở Hamburg và Berlin.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng quan hệ với các nước lớn trước hết là vì họ có vai trò quyết định trong giải quyết vấn đề hòa bình và chiến tranh trên thế giới. Người đã dày công vun đắp tình hữu nghị và hợp tác bình đẳng với cả Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Á.

Ngay từ năm 1946, Người đã kêu gọi các nhà tư bản châu Âu đầu tư và buôn bán với Việt Nam và đề nghị Mỹ nhận thanh niên Việt Nam sang Mỹ học tập. Trong giai đoạn 1945-1946, Người đã “gạt tay lái mau lẹ” để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng cả, bão lớn do bốn đạo quân nước ngoài với 30 vạn kiêu binh hoành hành gây ra ở Việt Nam.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng ta đã khôn khéo tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của cả Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế nhằm kết hợp tối ưu sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại là một trong những di sản văn hóa chính trị quý báu cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Tiếp theo các chuyến thăm cấp cao của Đảng ta trước đây, chiều ngày 11/10/2011, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Cùng với việc khẳng định những thành tựu to lớn mà hai nước đã đạt được trong quan hệ song phương trong 20 năm qua, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cho rằng: trong quan hệ giữa hai nước còn tồn tại một số bất đồng xung quanh vấn đề biển Đông và nhất trí hai nước đều nỗ lực tránh làm phức tạp tình hình và bình tĩnh xử lý những bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, nhìn từ tầm cao chiến lược quan hệ hai nước và vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Hai bên khẳng định tiếp tục phát triển “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Đối với các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh trong quan hệ giữa hai nước, trong đó có các vấn đề trên biển, hai bên cần kiên trì và bình tĩnh xử lý, giải quyết thỏa đáng, công bằng, hợp lý, thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, phù hợp với nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, các thỏa thuận quốc tế và đặc điểm quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước, quyết không để bất cứ vấn đề gì, bất cứ thế lực nào chia rẽ quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: TTXVN

Cũng vào chiều ngày 11/10, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ nhằm làm sâu sắc và cụ thể hóa hơn mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có chặng dừng chân đầu tiên là thành phố Bangalore (thủ phủ bang Karnataka) với số dân trên 6,1 triệu người, thành phố lớn thứ ba của Ấn Độ.

Bangalore hiện là trung tâm công nghệ phần mềm, được mệnh danh là “thung lũng Silicon” đầu tiên của châu Á và của Ấn Độ. Bangalore hàng năm đóng góp trên 1,2 tỉ USD xuất khẩu về công nghệ phần mềm. Đây cũng được gọi là thành phố đại học của Ấn Độ với hơn 120 trường đại học tầm cỡ quốc tế.

Trong tài khóa vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của bang Karnataka là 7,2%. Hiện nay đã có trên 500 sinh viên Việt Nam đang theo học trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ phần mềm. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới việc tạo dựng mối quan hệ cân bằng năng động với các nước lớn trong khu vực. Người thường nhắc nhở “Ấn Độ là một nước lớn” và tranh thủ mọi điều kiện để xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu bền với Ấn Độ.

Còn vào sáng ngày 11/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đón Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel tới thăm chính thức Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo đã ký “Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Nam - Đức, Đối tác chiến lược vì tương lai”, khẳng định hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược.

Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ngày 11/10/2011, nhằm thúc đẩy các quan hệ thương mại với Việt Nam.

Năm lĩnh vực hợp tác then chốt được nêu rõ trong “Tuyên bố chung Hà Nội” gồm có: hợp tác chính trị chiến lược; thương mại và đầu tư; tư pháp và pháp luật; phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội. Đức hiện là đối tác thương mại trong EU lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, đạt trên 4,1 tỉ USD trong năm 2010.

Theo số liệu của Đức có tính cả sự trung chuyển qua nước thứ ba, kim ngạch thương mại song phương thậm chí lên tới 6 tỉ USD. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Đức vẫn cam kết 400 triệu USD tài trợ phát triển cho Việt Nam.

Thủ tướng Merkel cho biết, Đức sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình đàm phán của Việt Nam với EU về việc ký kết hiệp định thương mại tự do, ủng hộ Việt Nam đề nghị EU sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vì hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và các nước thành viên của EU, trong đó có Đức.

Ba sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam như “kiềng ba chân”, cùng bắt đầu diễn ra trong ngày 11/10 tự nó đã thể hiện nội hàm của chủ trương thực hiện nền ngoại giao toàn diện theo đường lối và chính sách đối ngoại của Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử tiếp tục được kế thừa, khẳng định và phát triển nhằm đắp thêm nền và nâng tầm cao cho “Dáng đứng Việt Nam” trong thế giới toàn cầu hóa.

Trong cuộc chiêu đãi chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp năm 1946, Thủ tướng Pháp Bidault phát biểu: “Chúng ta đều tin theo chủ nghĩa nhân đạo, mà nhân đạo đó là cái nền tảng mà những nhà triết học Đông phương và Tây phương xây đắp mối quan hệ giữa những người tự do, để tìm sự tiến bộ, đó là lý tưởng của tất cả xã hội dân chủ... Tôi chắc rằng: chúng ta sẽ tránh những cái không hợp với công lý và không hợp với lợi ích chung”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp từ: “Chúng ta đều có chung một lý tưởng triết học phương Đông và phương Tây, đều theo một giáo dục chung: “Mình chớ làm cho người những điều không muốn người làm cho mình”(*). Đó cũng chính là rường cột của xã hội hài hòa và thế giới hài hòa, là nền tảng cho hòa bình, hợp tác và cùng phát triển bền vững trong thế kỷ XXI.


(*)

Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, 2000, tập 4, trang 354.

TS Nguyễn Đình Luân