Tảo Trang, nhà Hà Nội học

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, không thể không nhắc đến Tảo Trang - Vũ Tuân Sán, nhà Hà Nội học tận tụy và uyên bác. Nhờ sự tin tưởng của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, tác phẩm của anh, Hà Nội xưa và nay, nghìn trang khổ to, nặng gần 2 ký, đã xuất hiện (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Hội Nhà Văn), khiến dư luận chú ý.

Chú ý không phải vì sách to, dày và nặng. Do có quan hệ với mấy nhà xuất bản lớn, tôi được biết là nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có đến hàng nghìn cuốn sách được in, không hiếm sách to, dày, nặng và đẹp nữa.

Nhưng điểm qua tên các tác giả và tên sách, thì thấy sách tái bản vô danh xào xáo quá nhiều. Trường hợp Hà Nội xưa và nay của Tảo Trang khác hẳn: đây là thành quả nghiên cứu về Hà Nội trong nửa thế kỷ, không thuộc loại xào xáo.

Hà Nội xưa và nay tập hợp gần một trăm bài đã đăng rải rác trên các báo và tạp chí nghiên cứu trong mấy chục năm. Những bài này xoay quanh mấy chủ đề về Hà Nội: sử địa, di tích, danh nhân, văn nghệ dân gian, nghề truyền thống.

Mỗi bài, là một công trình công phu. Tảo Trang có lợi thế hơn các nhà nghiên cứu xưa chỉ biết Hán - Nôm, hơn các nhà nghiên cứu Hà Nội thế hệ mới phần nhiều chỉ biết tiếng Pháp, tiếng Anh, có khi lại không thông; cho nên chỉ sử dụng tư liệu dịch nhiều khi sai.

Tảo Trang thông thạo cả Hán, Nôm, Pháp, đọc được tiếng Anh, nên sử dụng thư tịch các ngôn ngữ ấy rất chính xác. Anh lại hơn nhiều vị nghiên cứu “bàn giấy” vì với chiếc xe đạp cà tàng, anh đi khắp các làng xã, phát hiện và khai thác nguồn tư liệu địa phương và kiểm tra xem các điều đã công bố có đúng không.

Anh thu thập các văn bia, câu đối, gia phả, địa bạ của đình chùa và gia đình; phong tục, tập quán, tư liệu truyền khẩu. Tuổi già sức yếu, Tảo Trang vẫn đạp xe đi điền dã địa phương vì quá say mê Hà Nội.


Bìa cuốn Hà Nội xưa và nay, Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học in
năm 2007.

Anh Phan Huy Lê đánh giá Tảo Trang về mặt sử học:

“Mỗi bài viết của ông đều có những tìm tòi, khám phá về bóng dáng Hà Nội xưa. Ông đã dày công nghiên cứu về việc định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, về thành Thăng Long - Hà Nội cùng với một loạt địa danh lịch sử như núi Nùng (núi Sưa), núi Khán, bến Đông Bộ Đầu, Mười Ba Trại… và các di tích, như miếu Đồng Cổ, chùa Hàm Long, đền Ngọc Sơn, miếu Trung Hiền…

Ông còn nghiên cứu về các sự kiện và nhân vật lịch sử Hà Nội như cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc đại phá quân Thanh, Phạm Tu, Chu Văn An, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Quý Đức, Bùi Huy Bích, Phạm Đình Hổ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trọng Hợp… Ông thích thú thu thập văn học dân gian, dịch thơ và câu đối Hán, thơ văn Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Ngô gia văn phái”.

Xin đơn cử một thí dụ khám phá của Tảo Trang nhỏ mà ý nghĩa lớn: thư của Nguyễn Ái Quốc trước Cách mạng Tháng Tám gửi cho “phụ lão toàn quốc” (1941). Bản này gốc chữ Hán, kêu gọi các cụ tham gia Việt Minh đánh Pháp - Nhật, truyền miệng đến các tỉnh đồng bằng miền Bắc năm 1944.

Tảo Trang đi điền dã ở Gia Lâm năm 1963 đã được một cụ học thuộc lòng đọc cho. Anh đã ghi chữ Hán và dịch sang Quốc ngữ.

Tài liệu này chứng tỏ sự nhạy bén chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: động viên tầng lớp cao tuổi tham gia cách mạng vì các cụ (biết chữ nho) rất có uy tín: “Nước nhà chìm đắm, đồng bào lầm than, nhìn bốn phương mờ mịt, tay đặt lên tim tự hỏi: phụ lão có tâm hồn không, có nhiệt tình yêu nước không?”.

Nói đến Tảo Trang (Vũ Tuân Sán), giới thức giả văn hóa đánh giá cao, công chúng ít biết vì anh làm việc âm thầm.

Anh năm nay đã 96 tuổi, thuộc thế hệ trí thức ta thiên hẳn về Tây học, thờ ơ với Hán-Nôm. Anh là trường hợp khá đặt biệt - sinh ở làng Đại Từ (cách Hà Nội 7 km), trong một gia đình có truyền thống Nho giáo. Anh tốt nghiệp cử nhân Luật, vào đời đi dạy một số trường Tư Thục ở Vinh, Huế, Hà Nội.


Nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán.

Tôi quen anh lần đầu tiên ở Vinh, chúng tôi cùng dạy trường Lễ Văn do Tiêu Viên Nguyễn Đức Bính làm hiệu trưởng. Chắc chắn một lý do khiến anh vào Nghệ An là để tìm hiểu mảnh đất giàu Quốc học. Chúng tôi có dịp đi với nhau thăm những di tích cổ.

Ở trường nào, anh Sán cũng chọn dạy môn Việt văn. Đó là một điều hiếm có vì với tấm bằng cử nhân Tây, anh thừa sức dạy tiếng Tây.

Vào những năm 30 - 40, xã hội ta “sùng Tây” lắm, trong giới trí thức, nói chuyện với nhau hay pha tiếng Tây, có khi “xì xồ” tiếng Pháp cho oai.

Ở các lớp Cao đẳng tiểu học trở lên, thầy giáo chính là thầy dạy tiếng Pháp. Việt văn chỉ dạy ít giờ, coi là môn phụ; thi Tú tài Tây, tiếng Việt bị coi là ngoại ngữ như tiếng Anh. Trong không khí “sùng Tây” như vậy, anh Sán vẫn chấp nhận thiệt thòi về uy tín và tiền nong, dạy Việt văn để có thì giờ chuyên về Quốc học.

Sau Cách mạng Tháng Tám, vì hoàn cảnh, anh Sán phải rời kháng chiến về Hà Nội. Thủ đô giải phóng, anh làm cán sự “lèm nhèm” cho sở Văn hóa Hà Nội cho đến khi về hưu. Đó lại là dịp trong mấy chục năm để anh say mê với Hà Nội học.

Đến xế chiều, nhìn lại con đường đã đi, anh Sán hẳn có niềm vui đã trọn vẹn với mối tình Quốc học. Anh đã có những đóng góp quý mặc dù do những thành kiến ấu trĩ, anh không được đặt vào hoàn cảnh thuận lợi để phát huy hết khả năng của mình.

HỮU NGỌC