Lần nào cũng vậy, hễ về huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) là tôi đều tìm đến nhà ông Bùi Thượng ở thôn Tây, xã An Hải để thăm hỏi. Sở dĩ tôi “nghiện” đến nhà ông là vì thích nghe câu chuyện về nghề đi lặn biển của ông, nhất là chuyện về cuộc thi mà ông trở thành “Vua lặn” từ đó. Tất nhiên, với một người nổi tiếng trên quê hương Hải đội Hoàng Sa như ông thì báo chí đã “cày xới” hết rồi, nhưng lần này, tôi nhận ra, trong lời ông kể có nhiều chi tiết hay mà những bài báo trước đã… bỏ sót!
Khi tàu cao tốc chở khách vừa cập đảo là tôi chạy thẳng đến nhà ông, và may mắn thay, đó cũng là lúc ông vừa đi trồng chuối trên núi hòn Vung về. Sau vài lời thăm hỏi như những lần trước, ông tiếp tục đưa tôi “phiêu” vào câu chuyện gắn liền với nghề lặn biển của mình. Nhưng lần này, khi biết tôi có ý định viết bài thì ông hơi đăm chiêu: “Về tui thì người ra viết nhiều rồi, khổ nỗi là họ viết chưa được đúng lắm, có người viết sai cả tên tôi, rồi năm cuộc thi mà tôi được giải nhất nữa. Cho nên tui mong cậu hãy viết cho ‘chính xác’ tí, sẵn chỗ quen biết tui kể cho cậu những chuyện lâu nay chưa nói với ai”.
Sống trên đảo, nên khi vừa lọt lòng cậu bé Bùi Thượng đã cất tiếng khóc hòa lẫn trong tiếng sóng biển. Để rồi mỗi ngày cậu đều đắm mình trong biển để thỏa thích vui nghịch cùng chúng bạn, và cậu đã biết bơi, biết lội như thế cùng với bao đứa trẻ khác trên biển. Tuy nhiên, điều khác biệt lúc này mà cậu làm được là lặn bộ (không có dụng cụ hỗ trợ lặn) sâu được khoảng 15-20 mét nước khi vừa mới 12, 13 tuổi.
Nhớ lại tuổi thơ, ông kể: “Hồi đó đi lặn chủ yếu là gần bờ để bắt ốc, cá về ăn cho vui thôi. Còn tui bắt đầu đi lặn khoảng năm 15 tuổi, nhưng để gọi là thợ lặn thì phải là năm 17 tuổi. Lúc này tui đã theo cha đi làm biển ở ngoài khơi rồi, đến tận Hoàng Sa - Trường Sa luôn đấy”.
Nguồn gốc biệt danh “Vua lặn”
Hầu như, với mọi người trên đảo Lý Sơn, khi nhắc đến “Vua lặn” là người ta nhớ ngay đến Bùi Thượng. Vậy cái biệt danh ấy bắt đầu từ đâu? Và nó phải trải qua quá trình tập luyện như thế nào?
Hớp thêm ngụp trà, vuốt lại mái tóc đã bạc, lão ngư 71 tuổi chậm rãi đưa tôi vào câu chuyện mà có lẽ, chính những sự kiện ấy đã giúp ông được “phong” danh hiệu “Vua lặn”.
Đấy là vào năm 1963, thời còn thuộc chế độ Ngô Đình Diệm, toàn miền Nam tổ chức cuộc thi lặn tại đảo Lý Sơn. Cuộc thi quy tụ gần 70 người tham gia, trong đó ở Lý Sơn có 33 người. Xã Bình Yến (tức An Hải bây giờ) có 3 người tham gia, trong đó có ông, và điều làm người ta thán phục là 2 trong 3 chàng trai ở Bình Yến đã giành giải nhất ở 2 trong 3 phần thi. Được biết, mỗi thí sinh phải trải qua 3 phần thi đấu, mỗi phần đều có cơ cấu giải như nhau. Ba phần thi đó là: lặn do (người lặn được đeo một cục sắt nặng 15kg); lặn bộ (không đeo gì cả) và thi nín hơi dưới nước. Ở phần thi lặn do, ông Bùi Thượng chỉ đạt giải nhì; đến phần lặn bộ thì ông được giải nhất với độ sâu gần 40 mét; còn phần thi nín hơi, giải nhất thuộc về ông Lê Luân (cũng ở xã An Hải) với thời gian nín lâu gần 20 phút.
Tuy nhiên, ông nhắc lại, khá nhiều người ngày nay cứ lầm rằng biệt danh “Vua lặn” của ông có từ cuộc thi ấy. Thực ra, chính những năm tháng sau cuộc thi ấy mới giúp ông được người đương thời phong là Vua lặn. Ông nhớ lại: “Hồi tui được giải nhất lặn tự do thì lúc ấy khoảng 25 hay 27 tuổi gì đấy. Bắt đầu từ khoảng tuổi 40 thì độ sâu 40 mét đưa tui lên ngôi vô địch năm 1963 không còn xi nhê gì nữa. Đỉnh cao trong ‘nghiệp’ lặn của tui là khoảng 45-55 tuổi, lúc này tui có thể lặn bộ xuống tới độ sâu 65-70 mét mà vẫn như thường”. Và theo ông, đấy chính là vì sao người ta phong cho ông là “Vua lặn”.
Tài sản của “Vua lặn”