• Bạn đọc Đỗ Thùy Trang (Bảo Lộc, Lâm Đồng) hỏi: Trong trường hợp nào thì dùng từ “hãn hữu” và “hy hữu”? “Vô hình chung” hay “vô hình trung”? “Tựu chung” hay “tựu trung”? “Phong phanh” hay “phong thanh”? Ý nghĩa của từ “cứu cánh”?
TRẢ LỜI:
- “Hãn hữu 罕有” là ít có, đồng nghĩa với “hy hữu 希有” là hiếm có, ít thấy và “hy hãn 希罕” là hiếm có. Theo Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), NXB Đà Nẵng, 2009, tr.543, chép: “Hãn hữu: rất hiếm có, ít thấy. Vd: Một trường hợp hãn hữu; hãn hữu lắm hai người mới nói chuyện với nhau. Đồng nghĩa hi (hy) hữu”. Sách đã dẫn (Sđd), tr.562: “Hi hữu: hiếm có, hiếm thấy. Vd: Một trường hợp hi hữu; hi hữu lắm mới có chuyện đó xảy ra. Đồng nghĩa hãn hữu”.
- “Vô hình trung 無形中” là đúng. Chữ “trung中” là trong, bên trong; nghĩa của cụm từ là “trong cái vô hình”. Sđd, tr.1432, chép: “Vô hình trung: tuy không chủ ý, chủ tâm nhưng tự nhiên lại là như thế [tạo ra, gây ra việc nói đến]. Vd: Không nói gì, vô hình trung là tỏ ý tán thành”.
- Tương tự như cụm từ “vô hình trung”, “tựu trung 就中” cũng thường bị viết nhầm thành “tựu chung”. Sđd, tr.1385, chép: “Từ biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến. Vd: Mỗi người một ý, nhưng tựu trung đều tán thành cả”.
- “Phong phanh” là từ thường dùng trong khẩu ngữ, chỉ quần áo mặc mỏng manh không đủ ấm, như chúng ta vẫn thường nói “ăn mặc phong phanh”. Còn “phong thanh風聲” là từ gốc Hán, có nghĩa tiếng gió thổi, nghĩa rộng chỉ tin tức, tin đồn. Ví dụ: “chỉ nghe phong thanh chứ chưa chắc chắn”; “nghe phong thanh là cô ấy đã đi lấy chồng”. Tuy vậy, trong khẩu ngữ, thậm chí ngay cả khi viết, chúng ta vẫn hay nhầm “nghe phong phanh”…
- “Cứu cánh 究竟” nghĩa gốc Hán là kết quả, cuối cùng, tuy nhiên hiện nay rất nhiều người dùng từ này với nghĩa “cứu giúp”. “Cứu cánh 究竟” là từ thường dùng của Phật giáo. Theo Phật học từ điển (Quyển 1), Đoàn Trung Còn, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2005, tr.355-356, chép: “Cứu cánh 究竟: Rốt cuộc. Nghĩa là cái nơi rốt cuộc, tới cùng của mọi sự, lý vậy. Như chỗ cứu cánh của nhà tu Phật là thành Phật. Khởi tín luận có chép: Lìa tất cả các khổ não, được an lạc cứu cánh. Trong Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh có chép: Bực Bồ Tát nhờ nương theo cái đại hạnh Trí – huệ (Bát-nhã Ba-la-mật-đa) nên tâm không quái ngại: nhờ không quái ngại nên không sợ sệt, bèn lìa xa những điều điên đảo mộng tưởng, cứu cánh được Niết Bàn”.
Hiện nay, trong khẩu ngữ, đài phát thanh, truyền hình, thậm chí ngay cả trên các ấn phẩm sách báo có rất nhiều từ bị dùng không đúng hoặc biến nghĩa. Việc thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngôn từ như thế này sẽ tạo cho quần chúng một thói quen chấp nhận ý nghĩa của từ một cách mù mờ, gây hiểu sai và làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt.
Có người cho rằng, ngôn ngữ quyết định bởi số đông, từ dùng sai nhưng khi đã phổ biến thì được chấp nhận!? Chúng ta cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chứ nghĩ như vậy thì tiếng Việt sẽ bị méo mó mất thôi!