TRẢ LỜI BẠN ĐỌC: Một giai thoại về Truyện Kiều

Ông Trần Văn Tam (ngõ 36, phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) đã viết cho Hồn Việt:

“Bây giờ thì hình như hầu hết chúng ta đều đã công nhận Truyện Kiều “thiên thu tuyệt diệu từ” nhưng tôi nghe nói ngày trước, khi mới ra mắt hành thế lần đầu, những độc giả hâm mộ tác phẩm này của đại thi hào Nguyễn Du đua nhau đọc và ca tụng cũng nhiều, mà những người chống đối, dè bỉu, chê bai là một truyện dâm ô, đồi phong bại tục kể ra cũng không ít. Trong nhóm người thứ hai này tôi biết có cụ Nguyễn Công Trứ với bài ca trù lời lẽ gay gắt:

Đã biết má hồng thời phận bạc

Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng

Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa Kim lang

Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thời cũng phải

Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải

Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu

Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu

Mà bướm chán ong chường cho đến thế?

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!

Bán mình trong bấy nhiêu năm

Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!

Nghĩ đời mà ngán cho đời!

Vừa rồi một ông bạn già của tôi lại bảo cho tôi biết là trước đấy nữa, hồi cụ Hoa Đường Phạm Quý Thích có bài Đề từ khen ngợi Đoạn trường tân thanh:

Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường

Bán thế yên hoa trái vị thường…

Thì có một anh chàng môn sinh của cụ lếu láo, cả gan mua một bản Kiều, đề một bài Đường luật ngoài bìa rồi mang treo luôn trước cổng tràng để phản đối. Bài thơ này nhiều cụ đồ nho cũ ở hạt Bắc Ninh còn nhớ. Tôi đã cất công đi đến tận Bắc Ninh định hỏi thăm nhưng hiện nay các cụ đồ Nho ấy đa số đã cưỡi hạc quy tiên, những cụ còn lại thì quá già yếu, bệnh tật, trí óc lú lẫn nên tôi không hỏi được. Bài thơ ấy, ở tòa soạn báo Hồn Việt có vị nào biết và còn nhớ hay không? Và cũng xin hỏi thêm là anh học trò, tác giả bài thơ, tên là gì?”.

TRẢ LỜI:

Chúng tôi từng được một ông bạn cho xem một bản Kiều có nhan đề là Kim Vân Kiều giảo đính và tường giải do một nhà Kiều học định cư ở Canada là cụ Đàm Duy Tạo soạn; trong bản Kiều này, ở phần Phụ lục chúng tôi tìm thấy bài thơ và giai thoại lý thú về bài thơ đúng như ông đã kể. Cụ Đàm Duy Tạo cho biết thêm là khi đọc xong bài thơ, thấy anh học trò ngu gàn, ngông hỗn quá, cụ Hoa Đường mới cho nọc anh ta ra, đánh cho mấy chục roi đòn và xóa tên trong sổ cập môn, không nhận là môn sinh của cụ nữa.

Về anh học trò thì ông Lê Xuân Lít trong Lời tựa tập 200 năm nghiên cứu, bàn luận Truyện Kiều đã cho biết tên là Chu Doãn Trí.

Xin chép bài thơ ấy ra đây:

何曾造物妬紅顏

只自紅顏起業端

媒信未通春思乱

情郎纔去誓杯寒

青楼到客皆金重

紅粉殘時又土官

怪得新声留樂府

到今歌詠滿長安

Phiên âm:

Hà tằng tạo vật đố hồng nhan

Chỉ tự hồng nhan khởi nghiệp đoan

Môi tín vị thông xuân tứ loạn

Tình lang tài khứ thệ bôi hàn

Thanh lâu đáo khách giai Kim Trọng

Hồng phấn tàn thì hựu Thổ quan

Quái đắc Tân thanh lưu nhạc phủ

Đáo kim ca vịnh mãn Trường An.

Dịch nghĩa:

Có bao giờ ông Trời ghét khách má hồng đâu!

Mà chỉ tại khách má hồng tự rước oan nghiệp cho mình thôi.

Mối lái chưa có gì mà lòng xuân đã bừng bừng lên rồi,

Người tình vừa đi khỏi thì chén thề đã để cho nguội lạnh.

Bất cứ khách nào đến lầu xanh cũng đều xem là Kim Trọng cả.

Lúc phấn phai hồng nhạt vẫn còn lấy tên Thổ quan

Thật quái lạ! Sao cuốn Tân thanh lại được để ở nhạc phủ!

Mà cho đến bây giờ người ta còn ngâm vịnh khắp Tràng An.

Cụ Đàm Duy Tạo công bố bài thơ chữ Hán, dịch âm, dịch nghĩa mà không diễn ra thơ Nôm. Chúng tôi xin phép được “nối điêu”, tạm dịch như sau:

Phải đâu con Tạo ghét hồng nhan

Mà bởi hồng nhan chuốc nghiệp oan.

Mai mối chưa thông, lòng dục bốc,

Tình quân vừa vắng, chén thề tan.

Làng chơi ai cũng là Kim Trọng,

Nhị rữa cô còn vớ Thổ quan.

Lạ thật! Tân thanh lưu nhạc phủ!

Đến nay ngâm vịnh khắp Tràng An.

Bài thơ thể hiện một thái độ cứng rắn đến tàn nhẫn. Tác giả đã không “bắt” được dải tần sóng nhân văn chủ nghĩa của Truyện Kiều. Nhưng đứng về mặt làm thơ vịnh Kiều theo Đường luật cổ điển thì đây là một bài không tầm thường.

NAM MINH