TRẢ LỜI BẠN ĐỌC: Về "Khuê phụ thán"

 Bạn đọc Phạm Thượng Hữu (Ninh Bình) hỏi:

“Tôi có thắc mắc về xuất xứ của bài thơ sau đây, liên quan đến một sự kiện thuộc về triều Nguyễn:

Vua Thành Thái lên ngôi từ năm 1889 đến 1907, vua Duy Tân (con vua Thành Thái) lên ngôi từ năm 1907 đến 1916. Hai vị vua đều bị thực dân Pháp lưu đày sang đảo Réunion. Vua Thành Thái được trở về Tổ quốc năm 1947 và mất tại Sài Gòn năm 1954. Tháng 10-1945, vua Duy Tân cũng được Pháp cho trở về nước nhưng sau đó bị tai nạn máy bay, mất ngày 25-12-1945. Hiện phần mộ của hai vị vua yêu nước đã được gia tộc chăm sóc tại cố đô Huế.

Theo sự lưu truyền miệng trong nhân dân xứ Trung Kỳ, trước cảnh triều đình tan tác, gia đình điêu linh, vợ vua Thành Thái đã viết bài thơ nói về sự đau xót tột cùng sau khi hai cha con bị đưa đi đày biệt xứ:

Chồng hỡi chồng ơi, con hỡi con

Bỗng đâu xa cách mấy năm tròn

Chân trời góc bể nơi chim cá

Giãi tuyết dầm sương với nước non

Khô héo buồng gan cây đỉnh Ngự

Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương

Quê người đành gửi thân trăm tuổi

Đau đớn chưa đền nợ nước non.

Đề nghị Hồn Việt cho biết xuất xứ bài thơ có đúng vậy không?”.

TRẢ LỜI:

Thực sự, mấy vần thơ đó được trích ra từ Mười bài Khuê phụ thán của nhà thơ Thượng Tân Thị.

Thượng Tân Thị tên thật là Phan Quốc Quang, bút danh: Hương Thanh, Hoài Nam Tử, sinh ngày 16-7-1889 tại làng Lại Nông, huyện Phú Vang, Thừa Thiên (gần kinh thành Huế). Năm 20 tuổi ông vào sống ở Tam Bình, Vĩnh Long, dạy học ở Chợ Lách. Ông tham gia viết cho các báo: Đồng Nai, Thần Chung, Đuốc Nhà Nam, Đại Việt Tạp Chí… Ông mất năm 1966, thọ 77 tuổi.

Mười bài Khuê phụ thán là tác phẩm nổi tiếng của Thượng Tân Thị được truyền tụng rất rộng rãi, vì tình cảm yêu nước của nó vang vọng vào lòng người mất nước Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng vì thời gian sáng tác đến nay đã lâu, có lẽ nhân dân ta nói chung và dân xứ Trung Kỳ nói riêng truyền miệng nhau đọc thành quen, nên sự hiểu biết về xuất xứ bài thơ có phần mờ nhạt.

Sau đây, Hồn Việt xin trích 3 bài trong Mười bài Khuê phụ thán của Thượng Tân Thị để ông tiện theo dõi.

* * *

Nam Phong Tạp Chí số 21 (tháng 3-1919) có đăng Mười bài Khuê phụ thán, thác lời bà Nguyễn Thị Phi vợ vua Thành Thái than về nỗi chồng (vua Thành Thái), con (vua Duy Tân) vì yêu nước mà bị đi đày muôn dặm không hẹn ngày về. Bài do nữ sinh Phan Sơn Đại sao lục. Bài thơ được truyền tụng rộng khắp. Mãi hơn 10 năm sau, trên Nam Phong Tạp Chí số 169 (tháng 2-1932), cô Phan Sơn Đại - con gái của nhà thơ Thượng Tân Thị Phan Quốc Quang - mới nhận tác quyền bài thơ ấy cho cha mình, đồng thời công bố luôn Mười bài tục Khuê phụ thán cũng rất có giá trị.

Bài 1:

Chồng hỡi chồng! Con hỡi con!

Cùng nhau chia cách mấy năm tròn.

Bên trời góc biển(1) lơi chim cá(2),

Dạn gió dày sương tủi nước non.

Mộng điệp(3) khéo vì ai lẽo đẽo,

Hồn quyên(4) luống để thiếp thon von.

Ngày qua tháng lại trông đăm đắm,

Muôn dặm xa xa mắt đã mòn.

Nguyên chú (chú thích của Thượng Tân Thị): (1) Bên trời góc biển do chữ “thiên nhai hải giác” dịch ra. (2) Lơi chim cá là thơ từ gởi không được thường, như sợi dây không săn, cứ lơi ra. Người xưa thường dùng chữ “Nhạn” là chim nhạn, chữ “Lý” là cá chép mà nói về việc thơ từ, tin tức. Nên trong Kiều có câu “Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm”. (3) Ông Trang Châu chiêm bao thấy mình hóa làm con bươm bướm (hồ điệp). (4) Vua Thục Đế chết hóa làm con quốc (đỗ quyên).

Bài 2:

Đã mòn con mắt một phương Âu(1),

Có thấy chồng con đâu ở đâu?

Dẫu được non xinh cùng biển tốt,

Khó ngăn gió thảm với mưa sầu.

Trách ai dắt nẻo không lừa lọc,

Khiến thiếp ra thân chịu dãi dầu.

Bớ bớ xanh kia(2) sao chẳng đoái,

Tấm lòng bứt rứt trót canh thâu.

Nguyên chú: (1) Theo ý tôi, thì chữ một phương Âu tôi muốn để là “phía Phi châu”. Vì tôi muốn tránh tiếng nên mới để như thế cho khỏi sự nghi kỵ của nhà đương cuộc. (2) Chữ xanh kia do chữ “Bỉ thương” dịch ra, tức chỉ vào “Trời”. Trong Kinh Thi có câu “Bỉ thương giả thiên”: Xanh kia ấy là trời.

Bài 3:

Canh thâu chưa ngủ hãy còn ngồi,

Gan ruột như dầu sục sục sôi(1).

Nghĩa gá ấp iu(2) đành lỡ dở,

Công cho bú mớm(3) chắc thôi rồi!

Quyết gìn giữ dạ tròn sau trước(4),

Biết cậy nhờ ai tỏ khúc nhôi.

Non biển xiên xiên trời một góc,

Hỡi chồng ơi với hỡi con ơi!

Nguyên chú: (1) Dầu sôi sùng sục. Nấu dầu, nhiệt độ lên tới cực điểm thì thành dầu, mà thật là nóng. Gan ruột của chinh phụ này cũng nóng như dầu sôi vậy. (2) Ấp iu là tình nghĩa vợ chồng. (3) Bú mớm là tình nghĩa mẹ con. (4) Là “Thủy chung như nhứt”: trước sau như một.

(Thượng Tân Thị viết ở Ba Kè, thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 5-1919)

HOÀI THƯƠNG