* Trả lời ông X. (Bình Dương):
Bài thơ nói là của Nguyễn Trãi: Tự thán
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao
Đã buồn về trận mưa rào
Lại đau về nỗi ào ào gió đông
Mây trôi nước chảy xuôi dòng
Chiếc thuyền hờ hững bên sông một mình
đúng là có in trong Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên (xem bản in NXB Văn Học, Hà Nội, 2004, tr.377).
Nhưng ngày nay thì không có ai nhận bài ấy là của Nguyễn Trãi nữa (cả với Gia huấn ca, với những tư tưởng danh lợi tầm thường, nhỏ nhen cũng có một thời gian nhầm là của Nguyễn Trãi).
Vì sau khi phát hiện bản thơ Nôm Quốc âm thi tập, Phúc Khê tàng bản, Tự Đức Mậu Thìn thu 1868 (phát hiện khoảng sau 1954 ở Hà Nội), thì toàn bộ thơ Nôm của Nguyễn Trãi đã được phiên âm, chú thích, nghiên cứu; nhưng trong đó không hề có bài này.
Bài này lời thơ rất mới, giọng điệu cốt cách hợp với thơ yêu nước đầu thế kỷ XX. Của ai thì hiện nay chưa ai có tài liệu xác minh. Nhưng dứt khoát nó không thể ăn vào hệ thống giọng điệu, từ ngữ thơ Nôm Nguyễn Trãi cổ kính mà toàn bộ là thơ luật Đường, chứ không hề có thơ lục bát. Vì vậy, có thể bình giảng nó, nhưng đừng gán nó cho Nguyễn Trãi.
* Trả lời ông Nguyễn Hữu Trọng (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM):
Bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy:
Dòng sông lặng ngắt như tờ,
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.
Bốn bề phong cảnh vắng teo
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.
Lòng riêng riêng những bàn hoàn
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng
Thuyền về, trời đã rạng đông
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.
Mùa thu 1949
không phải là thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó ông có thể tham khảo ý kiến của Trần Đức Thọ trong Hồ Chí Minh - Thơ - Toàn tập của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, NXB Văn Học, năm 2004 (lần in thứ 2). Trong đó ông Trần Đức Thọ có dẫn lời nhà thơ Tố Hữu, nói rằng đó không phải là thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì:
a) Ở Việt Bắc chỉ có sông Phó Đáy, không có sông Đáy (sông Đáy chảy qua Bắc Ninh, Hà Nam ở hạ du Bắc Bộ).
b) Tố Hữu cho rằng bài thơ ấy có thể là của Xuân Thủy. Nguyên văn: “Bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy không phải của Bác Hồ (có lẽ của đồng chí Xuân Thủy). Bác Hồ chưa một lần đi thuyền trên sông Đáy, làm sao lại có thơ được!” (sđd, tr.482, bài Những điều chưa biết về Ngục trung nhật ký…).
Trước đó, tôi có viết một bài nói về bài thơ này dựa theo tư liệu của nhà thơ Khương Hữu Dụng (đăng trên Nghiên Cứu Khoa Học, Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh - nay chưa tìm lại được). Nhà thơ Khương Hữu Dụng là người biên tập thơ Hồ Chí Minh, thơ Trường Chinh… ở NXB Văn Học, Hà Nội. Cụ kể lại với tôi ngày 27-12-1975 tại Sài Gòn rằng bài thơ đó được chép trong một cuốn sổ tay của một đồng chí cán bộ của đồng chí Trường Chinh và được đưa đến nói là của Bác (lúc này Bác đã mất) và được đưa vào Thơ Hồ Chí Minh in sau khi Bác mất. Phân tích sâu vào lời thơ, thì thấy nhiều câu “giống bên ngoài” giọng điệu, từ ngữ… của thơ Cụ Hồ, nhưng ngẫm kỹ thì không phải. Đi thuyền trong đêm tối im lặng, tác giả nghe “cót két tiếng chèo thuyền nan” và “Lòng riêng riêng những bàn hoàn - Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng”. “Bàn hoàn” là một từ rất cổ, đã có trong Truyện Kiều: “Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn” (c.2400), “Nỗi riêng riêng những bàn hoàn” (c.710); trong Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh chú: “vốn nghĩa là luẩn quẩn, quanh quẩn không đi được, nghĩa rộng: nghĩ quanh nghĩ quẩn” (tr.34). Năm làm bài thơ là năm 1949, mà năm 1947 thơ Bác Hồ đã có cái không khí “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió - Tiếng kèn kháng chiến vang dội non sông”…, chứ không có cái không khí im ắng thế. “Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng” là cách nói hợp với thơ yêu nước của các cụ trước 1945, thời các cụ Phan… Chứ bây giờ là chống giặc ngoại xâm, là kháng chiến, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành một thực thể, lẽ đâu Cụ Hồ là người đứng đầu lại có cái lời thơ như thế.
“Ông Hoàng Văn Hoan cho là không phải văn của Bác” - Nhà thơ Khương Hữu Dụng cũng cho là không phải, “văn phong thì yếu, sáo cũ, ý buồn hiu hắt” (chỗ này cụ Dụng lấy bút chép ra, tôi còn giữ…). Bác Khương Hữu Dụng có nói với đồng chí Trường Chinh như vậy, nhưng đồng chí Trường Chinh nói là “của một cán bộ chép ở sổ tay và tin vào ông cán bộ ấy nên giữ lại” (văn bản này tôi ghi dưới bài Đi thuyền trên sông Đáy, Thơ Hồ Chí Minh, Thanh Niên Giải Phóng, 2-9-1975; bác Khương Hữu Dụng có dùng bút chỉnh sửa một số chữ cho chính xác).
Còn có thể phân tích thêm nhiều nữa. Nhưng với cứ liệu của Tố Hữu, Khương Hữu Dụng…, và với sự phân tích văn bản, tư tưởng văn bản, ta có thể tạm gác việc sử dụng bài thơ vào thi cử, hội hè…