• Ông ANH QUÂN (TP. Sơn La) hỏi: Tại sao trong nguyên tác chữ Hán của Ngục trung nhật ký đề là làm vào 1932-1933, mà nay ta kỷ niệm 70 năm Nhật ký trong tù (1943-2013)?
TRẢ LỜI: Phần văn bản hơn 100 bài thơ trong Nhật ký trong tù (獄中日記) xác nhận là Bác làm ở các nhà tù Quốc dân Đảng với bối cảnh lịch sử 1942-1943. Các tư liệu lịch sử cũng xác minh rõ ràng Bác qua Trung Quốc năm 1942, rồi bị bắt. Đây là điều chắc chắn 100%. Nhưng sở dĩ có dòng đề làm năm 1932-1933 ở phía sau chắc là do Bác cảnh giác, ngụy trang. Tính Bác là như vậy, “lai vô ảnh, khứ vô hình”, không muốn để có sơ hở: nhỡ ai bắt được tập thơ, hoạnh họe nọ kia, mình đang ở trên đất địch mà!

Thủ bút chữ Hán Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh
• Bạn đọc VŨ HỮU KHA (cầu Bông – TP. Hồ Chí Minh) hỏi: Gần đây, tôi nghe thấy trên Đài trong một bộ phim có nói rất dài về bài thơ Tầm hữu vị ngộ (Tìm bạn không gặp) là của Bác Hồ tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xin Hồn Việt cho biết có đúng thế không?
TRẢ LỜI: Thuyết trên đây là của nhà văn Sơn Tùng đăng trên báo Văn Nghệ Tết Kỷ Mão 1999. Ông Sơn Tùng cho rằng, Bác làm tặng Đại tướng trong dịp Bác giao cho Đại tướng làm Tổng tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ.
Nhà văn Xuân Ba đã cải chính điều này trong bài Có phải Bác Hồ tìm Vi Quốc Thanh? (báo Công An Nhân Dân, ngày 23-12-2005).
Nhà văn Xuân Ba cho biết, NXB Đại học Quảng Tây có ấn hành cuốn Trước tác chữ Hán Hồ Chí Minh do Hoàng Tranh, một học giả nổi tiếng ở Quảng Tây, chuyên gia về Bác Hồ biên soạn. Tại trang 14 của cuốn sách, Hoàng Tranh khẳng định bài thơ tên là Thám Vi Quốc Thanh đồng chí vị ngộ (Thăm đồng chí Vi Quốc Thanh nhưng chưa gặp – nội dung trùng khớp với bài Tầm hữu vị ngộ trong Hồ Chí Minh, thơ – toàn tập của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (GS Phan Văn Các dịch thơ).
Trước đây, khi nghiên cứu ý kiến của nhà văn Sơn Tùng, chúng tôi cũng nghĩ rằng: bài thơ nói rằng để tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp e chưa phải. Vì làm gì có chuyện Đại tướng ra trận mà không báo cáo, không có lịch…, để thống soái là Hồ Chí Minh phải đi tìm (tầm), đi 100 dặm (cước chú của bài thơ là 60 dặm) chứ phải ít đâu?! Hơn nữa, Bác và Đại tướng là quan hệ bác – cháu (“Hôm nay chúng ta họp tại đây để phong chú Giáp làm Đại tướng” – thân mật đến như thế, sao thành bạn (hữu) được?).
Thăm Vi Quốc Thanh 韋國清 (1913-1989), khi ấy là Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc ở Việt Nam, thì phải hơn. Bài thơ cũng có ý vị “thơ bang giao” truyền thống của dân tộc ta:
尋友未遇
百里尋君未遇君
馬蹄踏碎嶺頭雲
歸來偶過山梅樹
每朵黃花一點春
Tầm hữu vị ngộ
Bách lý tầm quân vị ngộ quân,
Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân.
Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ,
Nhất đóa hoàng hoa nhất điểm xuân.
Bản dịch của Phan Văn Các:
Tìm bạn không gặp
Trăm dặm tìm không gặp cố nhân
Mây đèo dẫm vỡ ngựa dồn chân
Đường về chợt gặp cây mai núi
Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân
Trong Thượng tướng phong vân lục của Vu Hóa Thầm(*), NXB Đại Học Bách Khoa Toàn Thư (Trung Quốc) xuất bản năm 2000 cũng cho biết: “Đó là một ngày sau chiến dịch Biên giới (1950), Hồ Chí Minh bất ngờ đến thăm đoàn cố vấn, gặp lúc Vi Quốc Thanh không có nhà. Ngày hôm sau, Hồ Chí Minh cho người đưa đến cho Vi Quốc Thanh một bài thơ chữ Hán: Bách lý tầm quân vị ngộ quân… Bài thơ tỏ tình nghĩa sâu nặng của Người đối với Vi Quốc Thanh – cũng là đối với nhân dân Trung Quốc”.
Bài thơ quá hay. Hình tượng kỳ vĩ. Mà cũng rất thực (trên Việt Bắc, Bác Hồ thường cưỡi ngựa mà “vó ngựa dẫm nát cả mây đầu núi” thì thật là hùng tâm, tráng khí; nhưng trở về, lại gặp mai núi và thưởng lãm trên mình ngựa, thấy mùa xuân, nét xuân qua mỗi đóa hoa vàng thì thật thi sĩ!).
----------
(*) Vu Hóa Thầm là bút danh của Vương Chấn Hoa, thư ký của Vi Quốc Thanh.
• Bạn đọc DƯƠNG LỆ CHI (Tân Định, TP. Hồ Chí Minh) hỏi: Theo dõi báo, được biết trong dịp GS Mai Quốc Liên được tặng Giải thưởng Balaban của Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ), Hội có tặng kèm một cái bát nạm bạc có khắc 2 câu thơ chữ Nôm:
“…
Chuông ai đứt nối bên kia tá
Ương lở chung tình một túi thơ”
nói là của Hồ Xuân Hương. Xin cho biết hai câu thơ ấy có nghĩa gì?
TRẢ LỜI: Quỹ Nôm Hoa Kỳ thật cũng có ý tứ và tao nhã nữa, khi khắc hai câu thơ ấy vào bát để tặng.
Bài thơ có 2 câu thơ ấy có cuốn in nhan đề là Nhĩ Hà tức cảnh và cũng có nhiều dị bản khác nhau. Bản in dưới đây do học giả Nguyễn Quảng Tuân cung cấp:

Trong bản khắc năm 1914 (bản GS Kiều Thu Hoạch sưu tầm, đã công bố trong Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, NXB Văn Học, 2008) thì “Đấm lở” lại được in là Lầm lỡ ( 𡋿):
Tức cảnh Nhị Hà
Thấp thoáng đầu ghềnh lún phún mưa
Đố ai vẽ được cảnh tiêu sơ
Xanh om cổ thụ tròn như tán
Trắng xóa tràng giang phẳng ngỡ tờ
Còi mục thét trăng miền khoáng dã
Lưới ngư chăng gió bãi bình sa
Chuông ai đứt nối bên kia tá
Lầm lỡ chung tình một túi thơ
Trong L’oeuvre de la poétesse vietnamienne Hồ Xuân Hương (Tác phẩm của nhà thơ nữ Việt Nam Hồ Xuân Hương) của Maurice Durand, Paris, 1968, tr.181, bài Tức cảnh: 2 câu cuối là: “Chuông ai đất (đứt) nối bên kia tá/ Ương lở chung tình một túi thơ” nhưng không có chữ Nôm kèm theo. Chú: Giống một bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan ở A.B.383.

Khó khăn của việc hiểu câu thơ có lẽ nằm ở chữ lở. Lở chứ không phải lỡ (lỡ làng). Lở đối với bồi chẳng hạn. Ương trong ương (trồng).
Thế thì “ương lở” nghĩa là gì? Tiếng chuông ương? Và lở? Hơi khó hiểu.
Còn nếu chọn “đấm lở”, thì người ta hay nói “đấm chuông”: đem chuông đi đấm nước người. Nhưng “Đấm lở chung tình một túi thơ”, nếu ta ngắt câu 2/5: “Đấm lở/…” nghĩa có thể khác, mà ngắt 4/3: “Đấm lở chung tình/…” có thể có nghĩa khác: (tiếng chuông) đấm lở cái chung tình. Có người đọc lở = dở (dở dang, lỡ dở). “Lầm lỡ” thì hay hơn, có nghĩa hơn: tiếng chuông đứt nối gợi nỗi buồn về mối tình lầm lỡ...
Tựu trung, câu thơ rất “hiện đại” nhưng có thể đa nghĩa. Bạn đọc có thể tùy nghi giải thích.