• Bạn đọc Nguyễn Văn Bông (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) hỏi:
Bản tin tiếng Việt của đài BBC ngày 2-11- 2013 cho biết: Ngày 1-11, tại nghĩa trang Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), trước khoảng 50-60 người, linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh nói: ông Ngô Đình Diệm “bị sát hại vì chủ trương tuyệt đối không cho một quân ngoại bang nào [ám chỉ Mỹ] được quyền chi phối đất nước [Nam] Việt Nam”. Vị linh mục này giải thích: “Người Mỹ muốn đưa quân [tác chiến] vào, nhưng ông Diệm nói rõ là chúng tôi rất cần những người cố vấn, nhưng để lo liệu cho đất nước chúng tôi [?] thì phải là người Việt”.
Có phải ông Diệm không muốn có quân nước ngoài tác chiến ở Nam Việt Nam?
TRẢ LỜI:
Vào lúc ông Diệm được đưa từ Mỹ về làm thủ tướng và sau đó làm tổng thống ở miền Nam Việt Nam, chỉ có 342 quân nhân Mỹ trong Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự (Military Assistance Advisory Group – MAAG) trên toàn miền Nam (The Pentagon Papers as Published by The New York Times, NXB Bantam Books, New York, Mỹ, 1971, tr.15).
Tháng 5-1956, bất chấp Điều 16 của Hiệp định Geneva 1954 về Việt Nam cấm hai bên “tăng thêm vào nước Việt Nam mọi bộ đội và nhân viên quân sự”, Tổng thống Mỹ Eisenhower tăng gấp đôi quân số của MAAG bằng cách đưa thêm vào miền Nam Việt Nam 350 quân nhân (Sđd, tr.23).
Cho đến đầu năm 1961, ở miền Nam có 685 quân nhân Mỹ (Sđd, tr.23).
Ngày 9-6-1961, ông Diệm gửi thư cho tổng thống mới của Mỹ là Kennedy đề nghị “tăng cường dần một cách đáng kể lực lượng vũ trang bằng những phần tử chọn lọc của quân lực Mỹ” (Sđd, tr.94).
Ngày 30-9, trong cuộc hội kiến với đô đốc Harry Felt (Tư lệnh Quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương), tướng Lionel McGarr (chỉ huy MAAG) và Đại sứ Frederick Nolting, ông Diệm đề nghị Chính phủ Mỹ ký với Việt Nam Cộng hòa một “Hiệp ước phòng thủ song phương” (bilateral defense treaty). Đề nghị này vi phạm Điều 19 của Hiệp định Geneva 1954 về Việt Nam cấm hai bên “gia nhập một liên minh quân sự nào”. Trong báo cáo gửi về Mỹ, đô đốc Felt còn cho biết “Tổng thống Diệm không chỉ muốn có một hiệp ước, mà còn muốn Mỹ nhanh chóng tăng cường lực lượng quân sự. Đặc biệt, theo đô đốc Felt, tổng thống [Diệm] thúc giục [Mỹ] gia tăng nhiều cố vấn đủ loại và [cung cấp] các phi đội không quân chiến thuật” (Sđd, tr.96) để chống lại quân Giải phóng.
Ngày 13-10, ông Diệm cử Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng phụ tá quốc phòng kiêm Bộ trưởng đặc nhiệm phối hợp an ninh, đi gặp Đại sứ Nolting để đề nghị Mỹ gửi sang miền Nam Việt Nam “những đơn vị chiến đấu” (U.S. combat units) hay “những đơn vị được đưa vào miền Nam Việt Nam với tính cách là đơn vị huấn luyện chiến đấu” (combat-trainer units) (Sđd, tr.140).
Ông Diệm cũng có ý định mời Trung Hoa Dân quốc (tức Đài Loan) gửi sang “một sư đoàn quân chiến đấu (a division of combat troops) để tác chiến ở miền Nam Việt Nam” (Sđd, tr.140).
Trong hai năm sau đó, gần 16.000 quân nhân Mỹ được gửi sang miền Nam Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện cho quân đội của ông Diệm, số quân nhân Mỹ này còn được lệnh yểm trợ chiến đấu (combat support) (Sđd, tr.83). Ngày 14-2-1962, Tổng thống Kennedy tuyên bố: những quân nhân Mỹ ở miền Nam Việt Nam được quyền bắn trả nếu bị tấn công. Trong thực tế, họ ngày càng trực tiếp tham chiến, nên số quân nhân Mỹ bị thương vong ngày càng tăng: 14 (năm 1961) – 109 (năm 1962) – 489 (năm 1963) (Sđd, tr.110).
Tính từ đầu năm 1961 đến tháng 10-1963 (tức thời gian ngắn trước khi ông Diệm chết), số quân nhân Mỹ ở miền Nam tăng hơn 24 lần (từ 685 lên 16.732) (Sđd, tr.113), nhiệm vụ cũng đã thay đổi. Do đó, để chỉ huy đạo quân này, Mỹ phải thành lập Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ ở [miền Nam] Việt Nam (Military Assistance Command Vietnam – MACV) bao trùm lên MAAG đã có từ trước.
The Pentagon Papers (Tài liệu Lầu Năm Góc) được công bố cách nay hơn 40 năm. Do đó việc ông Diệm có mời quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam hay không chẳng còn là chuyện bí mật.