Trả lời thư bạn đọc, Hồn Việt số 78

Một bạn đọc ký tên Xuân Lâm, sinh viên Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, gửi đến Hồn Việt hai câu hỏi sau:

1. Xin cho biết xuất xứ của câu tục ngữ “Kẻ nào muốn đi xa thì phải chuẩn bị sẵn yên cương” và nguyên văn bằng ngôn ngữ gốc của nó?

2. Nhiều bạn trong khoa tôi giỏi tiếng Pháp hơn tôi đã bảo rằng bản tiếng Việt cuốn sách Văn học là gì? của nhà văn Nguyên Ngọc dịch của Jean Paul Sartre, NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 1999 là một bản dịch đáng trách vì có nhiều chỗ dịch sai. Sự thật ra sao, mong Hồn Việt cho biết, tôi rất cảm ơn.

TRẢ LỜI:
1. Đó là câu tục ngữ của Pháp “Qui veut voyager loin ménage sa monture”, mà đúng ra phải dịch là “Ai muốn đi được xa thì phải chăm sóc gượng nhẹ con ngựa của mình” monture con vật mình cưỡi chứ không phải là yên cương.

2. Chúng tôi đã đến thư viện mượn cả hai quyển Văn học là gì? Qu’est-ce que la littérature? để xem thì thấy bản tiếng Việt có rất nhiều chỗ dịch sai và nhất là dịch theo lối phỏng đoán.

Trước tiên, Qu’est-ce que la littérature mà dịch là Văn học là gì? là đã sai rồi vì từ littérature ở đây không thể dịch là văn học được. Cuốn tiểu luận này của J. Sartre không bàn về văn học hiểu với nghĩa một bộ môn, mà là bàn về văn chương, về những cái mà các nhà văn, nhà thơ đã viết, đang viết và sẽ viết.

Từ littérature trong tiếng Pháp có nhiều nghĩa:
a) Có littérature để chỉ tất cả những sách, những bài viết, những tài liệu để tìm hiểu, tham khảo về một vấn đề gì đấy. Thí dụ: Il existe sur ce sujet une abondante littérature = Có rất nhiều sách và tài liệu để tham khảo về đề tài này.
b) Có littérature để chỉ những nhạc phẩm sáng tác riêng cho một loại nhạc cụ. Thí dụ: La littérature de la flûte est très variée = Những bài nhạc viết riêng cho ống sáo rất là đa dạng.
c) Có littérature để chỉ văn học/nền văn học. Thí dụ: Les grandes oeuvres, les plus belles pages de la littérature vietnamienne = Những tác phẩm lớn, những trang hay nhất của nền văn học Việt Nam; hoặc La littérature classique/ romantique/ réaliste/ symboliste/ orale = Văn học hoặc văn chương cổ điển/ lãng mạn/ hiện thực/ tượng trưng/ truyền khẩu; hoặc Manuel de littérature = Sách văn học; hoặc Composition de littérature = Bài luận văn học.
d) Có littérature chỉ với nghĩa là văn chương. Thí dụ: Qu’est-ce que la littérature? = Văn chương là gì?
e) Có littérature để chỉ công việc/nghệ thuật viết văn của nhà văn. Thí dụ: La littérature n’est qu’un développement de certaines des propriétés du langage = Công việc viết văn chỉ là sự khai triển một vài đặc tính nào đó của ngôn ngữ.
g) Có littérature để chỉ nghề viết văn. Thí dụ: Faire carrière dans la littérature = Thành công trong nghề viết văn.
h) Có littérature để chỉ những cái chỉ có trong tiểu thuyết, những cái hư tưởng, hư cấu chứ không có trong thực tại. Về nghĩa này có thể lấy thí dụ ngay trong quyển Qu’est-ce que la littérature? (trang 83 của tập Situations II bản in lần thứ 33 do Gallimard xuất bản năm 1958): “… et le lecteur, en reposant son livre, pourra s’écrier, l’âme tranquille: “Tout cela n’est que littérature” mà dịch giả Văn học là gì? dịch là: “… và người đọc, đặt cuốn sách xuống, tâm hồn thanh thản, có thể thốt lên: “Tất cả những cái đó chỉ là văn học thôi mà”. Lẽ ra ông phải dịch là: “Tất cả những cái ấy chỉ là tiểu thuyết/chỉ là hư cấu thôi mà”.
i) Có littérature để chỉ văn học sử/sách về lịch sử văn học. Thí dụ: La littérature viêtnamienne de Dương Quảng Hàm = Quyển văn học sử Việt Nam của Dương Quảng Hàm.

Cho đến đây, chúng ta thấy dịch giả Văn học là gì? đã có hai chỗ dịch sai. Suốt 394 trang dịch còn rải rác đây đó rất nhiều những chỗ dịch sai khác, dịch theo cách suy luận chủ quan mà nếu phải kể hết ra sẽ phải tốn rất nhiều bút mực. Nên chúng tôi chỉ xin nêu thêm vài chỗ nữa thôi cũng đã đủ để đánh giá bản dịch rồi.

Ở trang 114 của Qu’est-ce que la littérature?, Sartre viết: “S’agit-il de se faire le gardien des valeurs idéales, comme le clerc de Benda avant la trahison?” thì ở trang 88 của Văn học là gì? dịch giả đã dịch là: “Làm người canh giữ những giá trị lý tưởng chăng, như người tăng lữ Benda trước vụ phản bội?”. Phần lớn câu văn dịch này đều đúng, chỉ trừ le clerc de Benda mà dịch là “người tăng lữ Benda” là dịch sai, là chứng tỏ dịch giả chỉ dịch theo mặt chữ chứ chưa đọc tập La trahison des clercs của Julien Benda để biết trong đó Benda nói những gì. Từ clerc có hai ba nghĩa, trong đó có hai nghĩa liên quan đến bài này: nghĩa thứ nhất là nhà tu hành của đạo Thiên Chúa, nghĩa thứ hai là người trí thức. Từ clerc mà Julien Benda dùng là theo cái nghĩa thứ hai. Đoạn “… comme le clerc de Benda avant la trahison” phải dịch là: “như kẻ trí thức của Benda khi chưa phản bội” thì mới đúng với nội dung của cuốn La trahison des clercs vốn bàn rộng hơn về một suy nghĩ này của nhà văn Anatole France: “Il est trois sortes de gens, à qui le philosophe doit cacher ses secrets. Ce sont les princes, parce qu’il serait imprudent d’ajouter à leur puissance; les ambitieux, dont il ne faut pas armer le génie impitoyable, et les débauchés, qui trouveraient dans la science cachée le moyen d’assouvir leurs mauvaises passions” (Có ba hạng người mà kẻ đại thức giả phải tuyệt đối cảnh giác không được tiết lộ những điều hiểu biết bí mật của mình; thứ nhất đó là những bậc vua chúa, vì tăng thêm quyền lực cho họ là một điều dại dột, thứ hai là những tay có nhiều tham vọng, vì ta không nên chắp thêm cánh cho những con hùm không biết thương xót một ai, thứ ba là những tên có sở thích và ham muốn bệnh hoạn, vì chúng có thể tìm thấy trong những gì ta chuyển giao cho chúng một phương cách để chúng thỏa mãn những sự ham mê xấu xa của chúng). Làm trái với lời dạy này, theo Julien Benda là phản bội xã hội, phản bội quần chúng.

Ở trang 182 và 183 của cuốn sách của mình, Sartre viết: “Daudet, par exemple, est visiblement possédé par l’esprit d’un conteur de salon qui communique à son style les tics et l’aimable laisser - aller de la conversation mondaine, qui s’exclame, ironise, interroge, interpelle son auditoire: “Ah, qu’il était décu, Tartarin! Et savez-vous pourquoi? Je vous le donne en mille… ”. Dịch giả Văn học là gì? đã dịch mấy câu này như sau: “Daudet chẳng hạn rõ ràng đã bị ám bởi bóng ma của một người kể chuyện phòng khách truyền cho ông những thói tật và cái lối xuề xòa đáng yêu của kiểu trò chuyện trong giới thượng lưu, thốt lên, nói mỉa, hỏi, gọi cử tọa: “A! Anh ta thất vọng quá chừng, anh chàng Tartarin! Và các bạn có biết vì sao không? Tôi đoan với các bạn cả nghìn…”. Trong đoạn này dịch giả đã dịch sai hai chỗ: “…est visiblement possédé par l’esprit d’un conteur de salon” không phải là “bị ám bởi bóng ma của một người kể chuyện phòng khách”, mà là “bị thu hút bởi cái sâu sắc, cái mẫn tiệp, cái lanh lợi thông minh của một người kể chuyện ở các khách thính”; và “Je vous le donne en mille…” không phải là “tôi đoan với các bạn cả nghìn…”, mà là “tôi dám nói chắc là nghìn lần các bạn cũng không đoán ra…”.

Tôi không có đủ can đảm để tìm tất cả những chỗ dịch sai, dịch bừa khác, mà chỉ xin kết luận bằng một chỗ sai vô tiền khoáng hậu trong lịch sử dịch thuật của chúng ta. Trang 113 của Qu’est-ce que la littérature?, Sartre viết: “Finalement, il (ở đây là nhà văn Drieu la Rochelle) se tut, bâillonné par le silence des autres”. Dịch giả Văn học là gì? dịch là: “Cuối cùng ông câm lặng, bị sự im lặng của những người khác đâm xuyên”. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại “bị đâm xuyên”. Nhưng dần dà tôi chợt nghĩ ra. Thì ra thấy chữ bâillonné có âm đọc là bai-don-nê, nên dịch giả cho đó là baïonnette lưỡi lê. Mà lưỡi lê là để đâm nên mới có chuyện “bị sự im lặng của những người khác đâm xuyên”, trong khi đúng ra phải dịch là “bị sự im lặng của những người khác tọng giẻ vào mồm không còn nói năng viết lách gì được nữa”. Vả lại trong chữ Pháp chỉ có từ poignard là dao găm cho ta động từ poignarder là đâm bằng dao găm, chứ không có động từ baionnetter là đâm bằng lưỡi lê bao giờ cả!

Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam tài trợ, giúp đỡ để chúng ta dịch những tác phẩm hay và lớn của nền văn học Pháp, mà gặp những quyển sách dịch như thế này, nếu họ đọc được, có lẽ họ sẽ buồn và thất vọng nhiều lắm!
Mộc Ngôn