1. Ai cũng biết trí thức không phải là ham hàm, học vị mà là một danh hiệu được xã hội tôn vinh bởi những đóng góp to lớn về mặt trí tuệ cho dân tộc và cho nhân loại. Nhân dân ta từ xưa tới nay biết đánh giá thế nào là người trí thức, nên không thể có chuyện: “Hiện nay người ta thường hiểu có tấm bằng đại học, đương nhiên là trí thức”. Chẳng nhẽ đội ngũ trí thức Việt Nam dễ dãi đến thế.
Dẫu ở đâu, bất cứ vào thời đại nào người trí thức có thể có những đặc điểm, những cá tính khác nhau, kể cả những khiếm khuyết, nhưng tất cả đều có cái chung là: Trí tuệ thông minh, kiến thức uyên thâm, luôn luôn say mê tư duy, tìm tòi sáng tạo, kiên trì và dũng cảm bảo vệ chân lý. Môi trường xung quanh có ảnh hưởng ở những mức độ nhất định, nhưng không bao giờ là yếu tố quyết định. Brunô bước lên giàn thiêu của giáo hội chỉ vì ông phát minh và bảo vệ chân lý quả đất tròn. Van-gốc (Vincent van Gogh) sống và chết trong nghèo khổ nhưng để lại một gia tài hội họa vô giá. Tư Mã Thiên âm thầm viết những trang Sử ký bất hủ trong cái chết cận kề. Giữa núi rừng Việt Bắc, khó khăn gian khổ đến chừng nào, Giáo sư Tôn Thất Tùng và Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã cho ra đời Pênixilin, Giáo sư Trần Đại Nghĩa chế tạo thành công súng S.K.Z…
Bản chất người trí thức là như vậy.
Ông Nguyễn Văn Thịnh có lý khi không đồng tình với nhận định: Trí thức Việt Nam “cấp lưu dũng thoái” (gặp dòng nước xiết phải biết dũng cảm rút lui) của Giáo sư Chu Hảo. Ông cho như thế là sống tùy thời, nói trắng ra là “láu cá”. Thế nhưng, ông lại nhận định vấn đề trí thức hôm nay còn tệ hại hơn gấp bội.
Ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng: Xưa vì chỉ có ít “trí thức bậc thầy” nên “đương nhiên được toàn xã hội trọng thị ưu ái cả về đời sống vật chất và tinh thần, nhưng nay do số người có học tăng nhanh và nhiều bởi chất lượng cuộc sống được nâng lên, yêu cầu của xã hội ngày một cao hơn, không bao giờ ngừng lại thì bản thân họ phải dùng vốn kiến thức của mình như một thứ tài sản riêng để đầu tư cho sự tồn tại và tiến bộ của bản thân. Chất lượng của người trí thức có mặt nâng lên có mặt giảm đi là vì ở đó không chỉ một người này, người nọ có vốn kiến thức chuyên ngành, trong khi họ phải cạnh tranh, thậm chí bon chen quyết liệt chẳng những với nhau lại còn phải thuyết phục được giới chức đương quyền để có chỗ đứng vững đặng phát triển”.
Nếu chỉ biết cạnh tranh, thậm chí bon chen quyết liệt với nhau và chỉ lo đi thuyết phục giới chức đương quyền với mục đích: “để có chỗ đứng vững vàng để đầu tư cho sự tồn tại và tiến bộ của bản thân” thì đây chưa phải là một con người đúng nghĩa, mà là một kẻ nhỏ nhen cơ hội điển hình, chứ đừng nói đến một trí thức đích thực với thiên chức: “là người đại diện cho dân chúng nói lên ước vọng của mình và đi đầu hướng dẫn họ hành hương tới chân trời chân lý” như ông Nguyễn Văn Thịnh khẳng định.
Phải chăng vì vậy mà ông viết: “Người tự trọng không ai nhận mình là trí thức”.
2. “Chữ Quốc ngữ không phải là điều kiện tiên quyết để hình thành giới trí thức Việt Nam”. Đó là điều đương nhiên. Nào có ai ngây thơ cho nó là tiên quyết đâu. Nhưng không thể không thừa nhận chữ Quốc ngữ có nhiều ưu việt hơn chữ Hán – Nôm. Bởi nó đủ khả năng diễn tả mọi mặt của cuộc sống khá hoàn hảo, mà lại dễ đọc, dễ viết. Vì thế, sự phổ biến của chữ Quốc ngữ và sự tiếp cận với văn minh phương Tây là một trong những yếu tố thuận lợi để xuất hiện một tầng lớp trí thức mới, khác về nhiều mặt so với các vị danh nho đi trước. Trong đó có không ít vị khoa bảng nho học như Ngô Tất Tố, Ngô Đức Kế, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…
Không biết đây có phải là “lớp trí thức thuộc địa đầu tiên của người Pháp” như tác giả nhận định hay không, nhưng có thể khẳng định đây là lớp trí thức mà tuyệt đại đa số đã thừa kế và phát huy truyền thống của các bậc tiền bối, trở thành mẫu mực không những về tài năng mà cả về phẩm cách. Hầu hết, những gương sáng trí thức trong bài ông viết đều từ lò đào tạo này mà ra.
Kẻ đô hộ bao giờ chả muốn “bức tử” chẳng những chữ viết, mà là tất cả tinh hoa của người bị đô hộ. Nhưng không phải muốn là được. Chữ Nôm nhường vị trí cho chữ Quốc ngữ không phải do người Pháp “bức tử” mà đó là quy luật muôn đời cả trong tự nhiên và xã hội: Cái nào giàu sức sống sẽ chiến thắng. Cũng cần nhắc lại: Hội truyền bá chữ Quốc ngữ đầu tiên lại chính là các vị Nho học yêu nước trong Đông Kinh Nghĩa Thục sáng lập và hoạt động chứ không phải là người Pháp. Tuy nhiên, vai trò chữ viết như thế nào trong quá trình hình thành các lớp trí thức như trên đã nói, nên không thể so sánh một cách máy móc “chưa có ai dùng chữ Quốc ngữ vượt qua các bậc tiền nhân với chữ Hán - Nôm mà đạt tới đỉnh cao tư duy và mỹ cảm như các danh sĩ tiền nhân”.
Phải chăng, tác giả muốn nói thế hệ ngày nay (dùng chữ Quốc ngữ) chưa ai vượt qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương (dùng chữ Hán - Nôm). Không! Các vị đó đạt tới đỉnh cao chói lọi trước hết nhờ vào thiên tài của cá nhân. Chữ Quốc ngữ không thể là điều kiện tiên quyết thì chữ Hán - Nôm cũng vậy thôi. Vả lại tầng lớp trí thức đâu phải bó hẹp trong lĩnh vực văn học. Xin hỏi: Bác Hồ một đại trí thức về nhiều mặt, sử dụng chữ gì là chủ yếu? Không lẽ là chữ Hán - Nôm, hay Bác chưa đạt tới đỉnh cao tư duy và mỹ cảm như các danh sĩ tiền nhân.
3. Giải thích truyền thống chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc ta một cách kiên cường, ông Nguyễn Văn Thịnh viết: “Do đâu? Không chỉ cần câu trả lời của những người trí thức. Cũng là học trò Khổng Mạnh kẻ trượng phu Hoa Hạ lấy điều Nhân – Trí – Dũng lập thân để đạt chí bình thiên hạ mà kẻ sĩ nước ta lấy điều liêm sỉ (sống trong sạch và biết hổ ngươi) làm trọng. Sống trong sạch để giữ mình, biết hổ ngươi tất không làm điều xấu và không chịu được nhục, nhờ thế mà giữ được mình, được nhà, được nước”.
Ô hay! Nói đến “nhân” là đã hàm tính liêm sỉ rồi. Chẳng nhẽ trí thức Trung Quốc có đủ cả Nhân – Trí – Dũng (cả đức và tài) còn trí thức của ta chỉ có tính liêm sỉ (nghĩa là chỉ có đức). Chỉ có “sống trong sạch và biết hổ ngươi” thiếu mất trí dũng thì đây là hình ảnh từ bi bác ái của đức Phật, những người đó chỉ giữ được mình ở phương diện nào đó chứ làm sao giữ được nhà, được nước trước vó ngựa của đế chế Nguyên Mông, trước mũi tên, lưỡi kiếm của quân Minh quân Thanh. Không! Trí thức Việt Nam không đồng nghĩa với những ai có tấm bằng đại học, với những ai chỉ biết sống trong sạch, càng không có chỗ đứng cho những kẻ nhỏ nhen bon chen ti tiện.
Chú thích: Các chữ in nghiêng là của ông Nguyễn Văn Thịnh.
Bài liên quan: