Trò Trám là lễ hội đặc sắc của dân xóm Trám (xóm Cổ Lãm) ở làng Tứ Xã, cách Đền Hùng hơn mười cây số đường chim bay.
Từ một làng cổ…
Theo giáo sư Phạm Duy Thông thì làng Tứ Xã thời cổ đại có tên là Ko Lang. Khi tiếng Việt chưa có thanh điệu thì Lang, Láng, Làng đều chỉ nơi ở gần nước. Ko Lang là bộ tộc hùng mạnh nhất thời Hùng Vương. Địa bàn Ko Lang trải rộng sang một phần huyện Tam Nông. Khi người Pháp cho xây nhà thờ Hưng Hóa (huyện lỵ Tam Nông ngày nay) còn ghi nhà thờ này xây trên đất Ko Lang thời cổ đại. Khi sông Hồng có đê thì Hưng Hóa mới ở bên kia sông, tách ra khỏi đất Ko Lang.
Làng Tứ Xã còn có tên tục là Kẻ Giáp, tên chữ là Thạch Cáp, tên Nôm là Lỗ Cáp, Gáp, Thạch Cáp. Lỗ Cáp đều có nghĩa là gặp – là nơi gặp gỡ giữa phương Nam và phương Bắc, giữa văn hóa Lạc Việt và văn hóa điền Hoa Hạ.

Cư dân Việt Cổ đã cư trú liên tục ở làng này từ hơn 4.000 năm trước. Dấu tích hiện vật khảo cổ của các nền văn hóa Phùng Nguyên (hơn 4.000 năm), Đồng Đậu Con (hơn 3.000 năm), Gò Mun (trên dưới 3.000 năm) và Đông Sơn (trên 2.000 năm) đã chứng minh điều đó.
Tứ Xã (làng có 4 xã) xưa nay luôn là làng giàu mạnh nhất vùng đất Tổ. Vì giàu mạnh nên mới có bản lĩnh đến mức bảo thủ để gìn giữ phong tục, nhất là tiếng nói của cổ nhân. Các nhà ngôn ngữ ví làng này là một đảo ngôn ngữ với hàng trăm từ địa phương khắc hẳn quanh vùng. Người Tứ Xã ngày nay phát âm còn ngập ngọng nhòe âm tiết. Âm o của người Việt cổ nhờ biến đổi ngữ âm thành âm ua, để ngày nay ló thành lúa.
Ở Tứ Xã có câu: “Chửi cha không bằng pha tiếng” nên quá trình biến đổi ngữ âm để hiện đại hóa tiếng Việt đã diễn ra rất chậm nên các âm o được phát âm rất nặng để nghe từ có thành coó hoặc cuá
…đến lễ hội trò trám
Làng này còn giữ lại nhiều phong tục cổ, lễ hội cổ đặc biệt là lễ hội Trò Trám.
Lễ hội này được dân gian gọi là trò vì từ lễ (cầu cúng tín ngưỡng) đến hội (các trò vui chơi múa hát) đều có các trò vui, khôi hài nhây nhả (tục tĩu). Trò Trám do toàn dân xóm Trám tham gia nên xóm Trám xưa gọi là phường Trám với ý nghĩa là một phường trò giống như các phường chèo, phường tuồng. Các phường hát xưa là các đội văn nghệ nghiệp dư, chỉ đi diễn lúc nông nhàn và phải có trình độ nghệ thuật bán chuyên nghiệp thì diễn mới có người xem, thưởng tiền nên mới trở thành một phường trò.
Người phường Trám biểu diễn Trò Trám đã đạt tới mức điêu luyện, trở thành một trò nổi tiếng quanh vùng. Trò Trám diễn ra từ đêm 11 đến hết ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Trung tâm không gian Trò Trám là miếu trò, nơi bàn thờ bà Ngô Thị Thanh, con ông Ngô Quang Điện, người khai dân lập ấp.
Tương truyền bà Ngô Thị Thanh là người dạy dân làng làm lễ hội Trò Trám. Lễ hội này được thực hiện với tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ, cầu mong sự phồn vinh phát triển mùa màng, muôn loài và con người. Tín ngưỡng phồn thực thường được thể hiện ở tục thờ lễ sinh thực khí. Các vật giống nam và nữ, dân gian gọi là cua mo cò cỗ hoặc nõ nường tên khoa học là linga và yoni trở thành vật linh được thờ ở miếu Trò. Vì thế, miếu này còn gọi là miếu bà Đụ Đị. Hai tiếng Đụ Đị gợi ra sự phồn thực, sự tác hợp của đực – cái, âm – dương là duyên cớ của sự sinh sôi.
Tối ấy, dân phường Trám tề tựu ở điếm Trám ngồi chờ lễ mật gọi là giữ lệ chầu trực. Nửa đêm, ông từ mở khám thờ ở miếu Trám bưng ra một cái tráp sơn son thếp vàng lấy hai linh vật là cái dùi gỗ và cái mo cau khoét lỗ tượng hình vật giống nam và nữ.

Miếu thờ linh vật.
Sau đó, ông từ cúng vật linh trước hương án rồi đưa cho cặp nam thanh nữ tú, nam cầm dùi, nữ cầm mảnh mo cau. Nam cởi trần đóng khố, nữ mặc yếm, váy cộc. Khi ông từ hỏi: cái sự làm sao? Nam nữ cùng đáp: cái sự làm vầy. Rồi chọc dùi vào lỗ mo cau. Sau ba lần hỏi đáp và nõ nường chạm nhau thì tắt hết đèn nến. Chiêng trống nổi lên. Đôi nam nữ theo ông từ chạy ra ngoài. Dân làng chầu trực ở điếm Trám cũng ùa sang chạy sau họ. Họ chạy quanh miếu trò ba vòng theo chiều ngược kim đồng hồ, vừa chạy vừa hú. Tiếng hú biểu hiện cho tiếng gọi thấu đến trời đất thần linh. Tiếng hú là tiếng thiêng nên có làng gần đền Hùng còn cúng, rước tiếng hú. Sau đó, người ta chạy tản vào rừng trám, liền sau miếu thờ bà Đụ Đị để thực hiện nam nữ tính giao đích thực.
Cặp nam thanh nữ tú nào có mang trong dịp này còn được dân làng thưởng hậu hĩnh vì việc thờ lễ đã ứng nghiệm. Lễ này vì thế gọi là lễ mật. Dân làng gọi lễ mật là trò linh tinh tình phộc hoặc trò tháo khoán. Tháo khoán cho trai gái ôm nhau. Trước đây, trai gái phải lòng nhau thường lợi dụng trò tháo khoán để ôm nhau.
Sáng hôm sau, dân phường Trám rước bông lúa thần từ điếm Trám đi quanh đường làng. Sau kiệu rước là các vai trò tứ dân chi nghiệp: thợ cày, thợ cấy, câu cá, đánh lờ, thợ mộc, thầy đồ và học trò. Các vai trò múa hát vừa mô phỏng làm nghề, vừa ưỡn ẹo tượng trưng cho nam nữ tính giao vừa làm trò cười cho công chúng hội Trám và để thể hiện tín ngưỡng phồn thực thờ sinh thực khí. Đám rước diễn ra quanh đường làng rồi về miếu Trò tế lễ. Sau đó là các trò chơi đu, chọi gà, cờ người…
Tìm hiểu Trò Trám chính là một hướng tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc ta.