Bài Vụ án Lệ Chi Viên, tru di ba họ Nguyễn Trãi-Đại công thần Bình Ngô khai quốc – Nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông (Hồn Việt, số 68) khá dài, nhiều tâm huyết, viết về Ức Trai Nguyễn Trãi, đại văn hào sáng giá của Việt Nam đầu thế kỷ XV, đồng thời là danh nhân văn hóa của nhân loại được UNESCO công nhận năm 1980: “Người có tầm tư tưởng vượt xa thời đại mà người đang sống”.
Ai cũng rõ biết đây là một oan án.
Để thể hiện đúng với nghề nghiệp mình, tác giả - bác sĩ Bùi Minh Đức viết: “Qua các lời ghi trên, các bộ chính sử đã nói ra rõ ràng sự việc xảy ra lúc đó: Nhà vua đã vì hăng say tình dục suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi Viên nên đã bị chết thình lình, chết một cách đột ngột đang khi hành sự”. Viết thế vô tình nỗi oan của Thị Kính được dịp đơm hoa kết trái mà sống lại.
Giở lại sử cũ, dõi tìm việc xưa, Đại Việt sử ký toàn thư tập II: “Nhâm Tuất (1442)… Tháng 8, ngày mùng 4, vua về đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lại bên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng… Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến cả ba đời. Trước là Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tôn trông thấy thích lắm, cùng với Thị Lộ cợt nhả, đến đây đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bệnh ác mà chết cho nên Trãi bị tội ấy” (tr.184).
Ngày xưa nhà vua đi đến đâu đều có “tiền hô hậu ủng”, Ngự y và Thái giám túc trực ngày đêm đôi ba người. Phần cước chú trong Đại Việt sử ký toàn thư tập II có ghi: “Có thể là khi Nguyễn Trãi về nghỉ ở Côn Sơn thì Nguyễn Thị Lộ cũng cùng về. So với tuổi của Lê Thái Tông thì Nguyễn Thị Lộ cũng hơn đến trên hai chục tuổi là ít” (tr.184).
Xem thế thì cái đêm Thái Tông chết, nào đâu có việc “liên hệ giường chiếu” – chẳng lẽ với câu: “Trước là Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy thích lắm, cùng với thị cợt nhả…” là có chuyện giường chiếu? Hoặc câu “Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”, ai cũng nghĩ “Lửa gần rơm không trèm cũng trụa”, nhưng nếu đó là tình yêu đơn phương “Hỡi ôi! Người đó ta đây/ Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân” thì sao? Xin đọc văn của Nguyễn Cẩm Thúy (sách Vườn kỳ trong phủ chúa – Nhiều tác giả) kể cái đêm Lê Thái Tông chết: “…Một lát nàng nghe tiếng vật vã phía sau và giọng nhà vua yếu ớt:
- Gọi cho ta quan Thái giám:
Nguyễn Thị Lộ vụt chạy đi như có người đuổi. Vừa về tới phòng, chưa hoàn hồn, quan Thái giám đã gọi giật giọng:
- Nữ học sĩ lại ngay đây. Hoàng thượng làm sao thế? - Vừa hỏi Thái giám vừa lôi nàng xềnh xệch trở lại ly cung.
Nguyễn Thị Lộ nhìn vào giường, nhà vua nằm sóng xoài, da xám ngắt. Nàng vừa nói vừa run bần bật:
- Hoàng thượng uống nhiều rượu quá, tôi ngăn không được.
Quan ngự y hối hả đánh gió, đổ thuốc, nhưng chân tay đức vua vẫn chưa ấm hơn chút nào. Một lát nhà vua mở mắt, nhìn thấy Nguyễn Thị Lộ đứng chầu dưới chân, ngài giơ tay yếu ớt chỉ về phía nàng thều thào nói:
- Nếu ta có mệnh hệ nào, nàng không có tội. Di chiếu truyền ngôi cho Thái tử để trong hộp vàng…
Chưa nói dứt câu, đầu nhà vua đã ngặt sang một bên, không động đậy nữa. Nguyễn Thị Lộ òa khóc…” (Câu chuyện ở vườn vải, Sđd, tr.144). Đây là một cách nhìn cũng khá hợp tình hợp lý mà chẳng gây oan khúc cho ai cả.
Sau khi diễn vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi (kịch bản của Giáo sư Hoàng Hữu Đản), đạo diễn Thành Lộc đã trả lời phóng viên: “Vở kịch không đơn thuần minh họa lịch sử mà thể hiện cách nhìn của người đương đại vào lịch sử. Trong vở kịch, cái chết của vua Lê Thái Tông thực chất là một cuộc âm mưu đảo chính của Nguyễn Thị Anh, người đàn bà đố kỵ và xảo quyệt. Tôi thú vị với câu nói của bà Nguyễn Thị Lộ: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú, con người mang lẽ phải có thể bị giết chết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi là thiên chức của con người” (Tạp chí Tài Hoa Trẻ số 125 ngày 15-9-2000).
Đi sâu vào lý lịch của vua Lê Thái Tông, ai cũng phải công nhận mới 19 tuổi ông đã rất nhiều vợ và con: bà Dương Thị Bí sinh Lê Nghi Dân, bà Nguyễn Thị Anh sinh Vệ Quốc Trưởng Công chúa và Băng Cơ, bà Ngô Thị Ngọc Thung Xuân sinh Lê Tấn Triều và Lê Tấn Trung, bà họ Bùi (không rõ tên) sinh Khắc Xương, bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh Lê Tự Thành…, bên cạnh đó còn biết bao cung phi nữa.
Một người như thế sức khỏe làm sao có, thêm 7 ngày đi tuần, duyệt quân, ghé thăm gia đình Nguyễn Trãi, viếng chùa Tứ Quốc ở Côn Sơn. Về ghé biệt điện Lệ Chi Viên “dụng tửu phá thành sầu”. Rượu vào sức khỏe chông chênh, gió sương đêm là hung thần ác quỷ làm sao mà nhà vua không đột tử. Đọc kỹ lại Đại Việt sử ký toàn thư tập II ta thấy sách này viết về nguyên nhân cái chết vua Lê Thái Tông quá đúng: “Cũng là bậc vua giỏi thủ thành. Song, ham mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở ngoài là tự mình làm vậy” (tr.114).
Nhận xét của Lê Nghi Dân về cái chết của cha mình: “Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn hoàng đế, ngày trước đã làm Hoàng thái tử. Không may tiên đế đi tuần ở miền Đông, bỗng băng ở ngoài. Nguyễn thái hậu muốn quyền vị, ngầm sai nội quan là Tạ Thanh dựng Băng Cơ làm vua, cho trẫm làm phiên vương. Đến sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, bèn đem giết cả đi để hết người nói ra” (Đại Việt sử ký toàn thư tập II, tr.236).
Về tư cách của bà Nguyễn Thị Lộ, theo nhà sưu khảo Bùi Văn Nguyên: “Còn về Thị Lộ, đúng là người đẹp, văn hay, nhưng tính nết đoan chính, cư xử đúng mực… Thường ngày bà rất dịu dàng, lễ độ giúp nhà vua học tập và xử sự, đúng cương vị Lễ nghi học sĩ, được nhà vua quý trọng, mà chưa hề có một cử chỉ nào đáng chê trách” (Nguyễn Trãi, tr.290).
Trong cuộc hội thảo về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ được tổ chức vào ngày 19-12-2002 tại Hà Nội có nhiều nhà sử học tâm huyết: GS Vũ Khiêu kêu gọi: “Trả lại cho Nguyễn Thị Lộ những giá trị đích thực của bà trong quốc sử và trong văn chương”; GS Phan Huy Lê: “Cho đến nay sử học còn mang một món nợ đối với lịch sử, đối với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ… Chúng ta không những minh oan mà còn tôn vinh Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”; GS Đinh Xuân Lâm: “Cần có sự chiêu tuyết công khai cho bà Nguyễn Thị Lộ, không thể để bà chỉ là một cái bóng mờ nhạt của Nguyễn Trãi. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó thì ngày nay chúng ta phải làm việc đó thông qua việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc một cách trung thực và khoa học”.
* * *
Nhiều trang sử cũ đã đi qua, nỗi oan ức nên giải tỏa, để đời là tấm gương trong, mình mang kính màu gì thấy màu ấy, suy bụng ta ra bụng người thì còn gì là chân thiện mỹ của kiếp nhân sinh. Bởi vậy một nhà hiền triết nọ đã nói: “Vạn hoa kính của ai nấy nhìn, nhưng phải nhìn như thế nào cho đời đừng thêm nhiều nỗi oán than khóc hận”.
Bác sĩ Bùi Minh Đức viết “Qua các lời ghi trên, các bộ chính sử đã nói ra rõ ràng sự việc xảy ra lúc đó: Nhà vua đã vì hăng say tình dục suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi Viên nên đã bị chết thình lình, chết một cách đột ngột đang khi hành sự”, còn là điều cần xem xét thêm.
______
Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư II, NXB Văn Hóa - Thông Tin, 2004
- Vườn kỳ trong phủ chúa - Nhiều tác giả, NXB Hà Nội, 1985
- Nguyễn Trãi - Bùi Văn Nguyên, xuất bản tại Hà Nội, 1980
- 54 vị Hoàng hậu Việt Nam - Đặng Việt Thủy - Đặng Thành Trung, NXB Quân Đội Nhân Dân, 2009
- Cùng một số tạp chí và báo khác.