Trong mục Về ngày “đi không bao giờ trở lại” của Thượng Chi – Phạm Quỳnh, ở trang 56, tác giả Nguyễn Văn Khoan viết:
“Trong đêm 23 tháng 8, Chính phủ cách mạng lâm thời đã điện đòi Bảo Đại thoái vị. Chiều 30 tháng 8, Bảo Đại nộp ấn, kiếm cho Phái đoàn Chính phủ ta”.
Chúng tôi ngờ rằng tác giả có sự nhầm lẫn chăng? Còn trong khi tiếp cận tư liệu, chúng tôi chỉ được biết có hai sự kiện: Đó là tối hậu thư của Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế và bức điện của bốn trí thức Bắc Bộ đề nghị vua Bảo Đại thoái vị. Cụ thể như sau:
- Cụ Phạm Khắc Hòe (1901-1995), nguyên Đổng lý Văn phòng Ngự tiền triều vua Bảo Đại, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng, trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc – NXB Thuận Hóa, Huế, 1987, tr.71-72 có viết:
“Gần 12 giờ trưa [ngày 12/8/1945] tôi trở về Đại Nội, bước vào Phòng Phê thì thấy Bảo Đại đang ngồi nơi bàn giấy và trước bàn có hai người đứng là Nguyễn Duy Quang, Đại nội đại thần và Nguyễn Xuân Dương, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ. Thấy tôi vào, Bảo Đại nói ngay: “À, ông Tổng lý đã về, đưa thư cho ông ấy xem đi”. Nguyễn Duy Quang trao ngay cho tôi một tờ giấy đánh máy nói là do Nguyễn Xuân Dương mới đưa vào. Tôi xem thì thấy đó là tối hậu thư của Việt Minh đòi nhà vua phải trả chính quyền cho nhân dân và hứa sẽ bảo đảm tính mạng, tài sản cho hoàng gia với mấy điều kiện như sau (…).
Dưới bức thư đóng dấu “Thành bộ Việt Minh tỉnh Nguyễn Tri Phương” và không có ai ký tên cả”.
Sau này, trong hồi ký Nhớ lại một thời (NXB Hội Nhà Văn, 2000), nhà thơ Tố Hữu cho biết chính ông là người viết tối hậu thư đó:
“Khoảng 10 giờ sáng ngày 23/8, nhân danh Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, tôi viết một tối hậu thư cho Bảo Đại với ba nội dung (…). Bức tối hậu thư ấy được đưa cho anh Phiệt để trao cho ông Phạm Khắc Hòe giao ngay đến Bảo Đại” (tr.137-138).
- Cùng thời gian đó, bốn nhà trí thức tại Hà Nội là các giáo sư: Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum và Hồ Hữu Tường cùng nhau đánh một bức điện vào Huế, yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Sau này, GS Nguyễn Xiển (1907-1997), nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, trong chương 5 “Trong bước ngoặt tháng Tám 1945” hồi ký của mình đã viết:
“Ngày 22 tháng Tám, bốn trí thức có tên một cách áp đặt và bất đắc dĩ trong danh sách Hội đồng tư vấn của Chính phủ Trần Trọng Kim là Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum, Hồ Hữu Tường và tôi bàn với nhau nên đánh điện vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị, giao cho Việt Minh thành lập Chính phủ để tránh nội chiến. Bức điện ấy do Hồ Hữu Tường và tôi thảo ra và đích thân ra bưu điện Bờ Hồ gửi đi; có sự đồng ý và tán thưởng của hai anh Nguyễn Văn Huyên và Ngụy Như Kontum.
Xin nói thêm, chúng tôi tự động gửi bức điện trên coi như phản ánh nguyện vọng của đại bộ phận trí thức Trung, Nam, Bắc (Nguyễn Văn Huyên là người Bắc, Hồ Hữu Tường quê trong Nam, Ngụy Như Kontum và tôi ở Trung Kỳ). Chúng tôi được ghi nhận là Nhóm bốn người đánh điện (Les quatre télégraphistes)”. (Giáo sư Nguyễn Xiển - cuộc đời và sự nghiệp, NXB Hội Nhà Văn, 2007, tr.78-79).
- Xin viết thêm rằng, theo hồi ký Phạm Khắc Hòe, sáng ngày 17/8/1945, Nội các Trần Trọng Kim họp ngay chung quanh bàn giấy của Bảo Đại và do nhà vua đích thân chủ tọa. Hôm đó, Bộ trưởng Trần Đình Nam đã đề nghị Nội các rút lui ngay, nhường hẳn quyền cho Việt Minh. “Theo tôi nghĩ thì cả Hoàng đế cũng nên rút lui” (tr.62).

2.
Trang 57, phần I, tác giả Nguyễn Văn Khoan viết:
“Trở lại ngày 27 tháng 8 khi họp Ủy ban dân tộc giải phóng tại Hà Nội [“đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đảng phái, có danh vọng” – người viết dẫn lại của NVK], chưa (không) rõ là Chủ tịch Hồ Chí Minh có “đả động” gì đến Phạm Quỳnh không? Và Người có kịp căn dặn Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận vào Huế, tìm hiểu hoặc đến thăm Phạm Quỳnh?”.
Ở đây, tác giả Nguyễn Văn Khoan tiếp tục nhầm lẫn. Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề gặp Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận trước khi họ vào Huế.
Trong hồi ký Tước ấn kiếm của Hoàng đế Bảo Đại, nhà sử học Trần Huy Liệu (1901-1969), nguyên Phó chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời, người được cử thay mặt Chính phủ cùng với Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận chấp nhận sự thoái vị và nhận ấn tín của vua Bảo Đại, viết:
“Chúng tôi vừa từ Đại hội Tân Trào về, còn đương bề bộn trước những công việc ngày đầu của Chính phủ lâm thời thì nhận được điện tín của Ủy ban hành chính Trung Bộ báo cáo là Bảo Đại xin thoái vị, đề nghị Chính phủ lâm thời phái đại biểu vào để nhận lễ thoái vị của y.
(…) Lúc ấy Hồ Chủ tịch còn ở chiến khu chưa về Hà Nội [người viết nhấn mạnh]. Theo sự chỉ định của Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận và tôi được cử vào Phái đoàn vô Huế do tôi là Trưởng đoàn. Tôi thay mặt Chính phủ lâm thời còn anh Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Mặt trận Việt Minh” (tr.361).
“Hôm ấy, nhớ là ngày 25/8/1945, Phái đoàn Chính phủ lâm thời từ thủ đô Hà Nội ra đi bằng hai chiếc ô tô, có một tiểu đội Giải phóng quân đi theo bảo vệ” (tr.362).
(Hồi ký của Trần Huy Liệu - Phạm Như Thơm sưu tầm, tuyển chọn và chỉnh lý. NXB Khoa Học Xã Hội, 1991).

3.
Trang 58-59, phần I, tác giả Nguyễn Văn Khoan viết:
“Báo Quyết Thắng, cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung Bộ, số 11 ra ngày 9/12/1945, cho biết “cả 3 tên Việt gian đại bợm (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền 2 giờ (chiều) ngày 23/8 và đã bị Ủy ban khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”.
Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế bấy giờ là Tố Hữu. Vậy, ông Phan Tử Lăng nhận lệnh đi bắt Phạm Quỳnh hắn [hẳn? – người viết] không phải là do ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân hay ông Hoàng Anh – phụ trách chính trị đại diện đảng bố trí trong chính quyền ra lệnh – mà phải là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa”.
Không hiểu những người có trách nhiệm của NXB Công An Nhân Dân đã thẩm định kỹ càng tư liệu này hay chưa mà để một nhận định quy kết cá nhân như vậy?
Đúng là trên Đặc san Cứu Quốc, 8/1946, tr.31, đăng bài Chiếm thành Huế do Tố Hữu kể, Tô Hoài ghi, có đoạn:
“Mười hai giờ rưỡi, một chiếc ô tô lớn đi về phía Hương Cựu đỗ trước ấp Hoa Đường. Một người thanh niên mặc áo the, khăn đóng chỉnh tề bước vào trong dinh Phạm Quỳnh. Vào khỏi ngõ, người thanh niên cởi áo dài, lộ dưới ngực một dấu hiệu sao vàng nền đỏ và một khẩu súng sáu giắt bên dây lưng.
Hai cụ và con cái đương ăn cơm. Ngó thấy cái miệng súng sáu, lão biến sắc, run đứng lên không được. Lão bị điệu ra xe, chở đi. Ngay lập tức vợ con lão được mời xuống đường cái. Bao nhiêu đồ đạ trong gia đình niêm phong hết lại. Và cách mạng quân bắt đầu gác” [đã in lại trên Tạp chí Xưa & Nay do Nguyễn Quang Ân sưu tầm].
Đúng là trên Tuần báo Quyết Thắng – cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung Bộ, số 11, ra ngày 9/12/1945, tr.4, đăng toàn văn thông báo của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương kính gửi Toàn án Quân sự Thuận Hóa, trong đó có đoạn:
“Phạm Quỳnh, một tay cộng sự rất đắc lực của giặc Pháp trong việc củng cố địa vị của Pháp ở Đông Dương, đã bao phen làm cho quốc dân phải điêu đứng (…) đã bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền (2 giờ ngày 23/8/1945) ở Thuận Hóa và đã bị Ủy ban khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật…” [đã in lại trên Tạp chí Xưa & Nay do Nhật Hoa Khanh sưu tầm].
Khi đặt bút khẳng định: “Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế bấy giờ là Tố Hữu”, phải chăng tác giả Nguyễn Văn Khoan có ý muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân của Tố Hữu trong việc ra lệnh bắt và kết án tử hình Phạm Quỳnh? Nếu quả có suy nghĩ ấy, thì hẳn tác giả Nguyễn Văn Khoan lại tiếp tục nhầm lẫn. Bởi vì việc bắt Phạm Quỳnh không phải lệnh của cá nhân một ông Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, mà là quyết định của cả một tập thể đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng.
Chúng tôi xin dẫn lại hồi ký Quê hương và Cách mạng (NXB Thuận Hóa, 2001) của Hoàng Anh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên (8/1945), nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ:
“Cuộc họp của Thường vụ để quyết định chuẩn bị việc khởi nghĩa và thực hiện khởi nghĩa được tiến hành từ trưa đến nửa đêm 16 tháng 8 [1945] mới kết thúc (…). Kết quả: 3 đồng chí tán thành phải gấp rút chuẩn bị và phát động khởi nghĩa, 1 đồng chí phản đối, 1 đồng chí tán thành theo đa số. Với đại đa số Ủy viên Thường vụ tán thành, Thường vụ Việt Minh tỉnh quyết định một số vấn đề cấp bách (…).
Quyết định khởi nghĩa và tiến hành khởi nghĩa là một việc rất lớn, hơn nữa chúng ta lại khởi nghĩa ở Huế là thủ đô của Nam triều phong kiến, để tránh những sai sót và để vững tâm hơn, Thường vụ cử đồng chí Nguyễn Dĩnh và đồng chí Lâm Kèn liên lạc với Trung ương để xin chỉ thị, cử đồng chí Trần Thanh Từ đi Quảng Ngãi tìm gặp Tỉnh ủy Quảng Ngãi để xin ý kiến” (tr.139-141).
“Chiều 20 tháng 8, khi chúng tôi kết thúc cuộc họp của Thường vụ mở rộng để bàn tiếp kế hoạch thực hiện khởi nghĩa ngày 23 tháng 8 thì đoàn cán bộ của Trung ương gồm có anh Nguyễn Duy Trinh, anh Tố Hữu, đến cụ Hồ Tùng Mậu, được Trung ương cử vào Huế chỉ đạo khởi nghĩa (…). Suốt đêm 20 và ngày 21 Ủy ban khởi nghĩa Huế họp bàn kế hoạch cụ thể: Cuộc họp có anh Nguyễn Duy Trinh và cụ Hồ Tùng Mậu tham dự” (tr.153-154).
“Đoàn đi giành chính quyền trong Thành cổ Huế (riêng Đại Nội chưa động đến) lần lượt tiếp nhận hết cơ quan này đến cơ quan khác, phải làm việc liên tục từ 5 giờ sáng đến 7 giờ chiều mới tiếp nhận hết các nơi (…). Những tên Việt gian nguy hiểm đã được bắt gọn theo danh sách được duyệt trong đó có Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân…” (tr.159).
Như vậy đã rõ, việc bắt Phạm Quỳnh và các nhân vật khác là “theo danh sách được duyệt” của tập thể gồm đoàn cán bộ của Trung ương và Ủy ban khởi nghĩa Huế chứ không phải riêng cá nhân ông Tố Hữu.
*
Còn một số điều cần trao đổi khác, như những sai sót trong khâu biên tập, thể hiện sự yếu kém của biên tập viên về cả trình độ chuyên môn lẫn nhận thức chính trị nhưng chúng tôi không muốn trao đổi ở đây, xin chỉ đi vào những trao đổi về mặt học thuật đối với tác giả Nguyễn Văn Khoan. Có thể trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn có những thiếu sót, chúng tôi mong muốn nhận được sự góp ý của bạn đọc gần xa.