Trao trả tù binh theo Hiệp định Genève

Những vẻ mặt ấy, những lời nói ấy, những khẩu hiệu hô bằng tiếng Tây hướng về đồng bào ta khi chiếc xuồng của Hải quân Pháp phụt khói rời bờ, giá không được nhìn tận mắt, nghe tận tai, hẳn tôi đã ngỡ có những nghệ sĩ tài ba nào dàn dựng…

Anh ta ngồi đó, vẻ mặt thiểu não, mắt đăm đăm nhìn ra biển vừa nôn nóng vừa lo âu như thể một chàng trai si tình ngóng đợi người yêu mà không biết nàng có giữ lời hẹn. Anh là hàng binh Pháp tại Điện Biên Phủ. Anh bị thương không nặng lắm, nhưng sau khi vào trại tù binh, suy sụp hẳn, ăn nuốt không trôi, ngày chẳng buồn rời khỏi giường, người rộc đi trông thấy. Nhờ vậy được chiến sĩ ta quản trại tù binh xếp vào loại trầm trọng, cho phép trao trả đợt đầu. Anh cùng nhiều đồng đội được dồn đẩy lên một chiếc xe tải, những người bệnh tình hoặc thương tích nặng được phép nằm, còn lại ngồi sát tựa lưng vào nhau cho đỡ ê ẩm trong khi chiếc xe nhà binh lăn bánh mà cứ như nhảy chồm chồm suốt đêm trên con đường lạ. Sáng ra, tất cả được đưa vào những lán trại mới dựng còn thơm mùi tre nứa, mái phủ những tấm vải nâu mà về sau anh mới biết đó là những cánh buồm thuyền của ngư dân đi biển.

Lúc này tù binh, hàng binh Pháp mới biết họ sắp được trả về cho quân đội họ. Thoạt nghe chẳng tên nào tin, nhưng nhìn thấy cảnh những người “bên kia” tới tấp san đường, dựng thêm lán trại, các cô gái quê lui tới và nhất là nghe tiếng sóng biển rì rầm, tất cả mới ngỡ ngàng lạy Chúa đã cứu vớt chúng con!

Anh là người đảo Corse, hòn đảo hùng vĩ và xanh tươi giữa Địa Trung Hải: “Ngài có biết đảo Corse không, thưa ngài?” - anh lễ phép hỏi tôi. Đảo Corse quê hương của những chàng trai ngang tàng, đảo Corse nơi các bà mẹ ru con: “Con ơi hãy ngủ ngoan, con ơi hãy bú khỏe, để chóng lớn lên con đi làm tên tướng cướp, hỡi con trai của mẹ”(1). “Ngài có chắc sáng nay tàu Hải quân Pháp sẽ đến đón chúng tôi, thưa ngài?”. Anh chàng lại sốt ruột.

Tên anh là Paul Muglioni, tiếng đảo quê anh gọi Paoli để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc của mình(2). Anh tỉ tê tâm sự. Tôi không thể nào tin anh chàng có vẻ ít nhiều có học ngồi trước mặt mình kia cách đây hai tháng còn là một trung sĩ trong đội lính Lê dương khét tiếng tàn bạo, giết người như ngóe, đốt nhà dân chỉ để cười với nhau, gặp bà già cũng cưỡng hiếp.

Hôm ấy vào ngày 14 tháng 7 năm 1954, tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Hội nghị quân sự hai bên Việt Nam và Pháp vẫn đang họp tại Trung Giã thuộc tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) bàn những vấn đề cụ thể thi hành Hiệp định Genève. Và bản Hiệp định năm 1954 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam thật ra cũng còn phải chờ 6 ngày nữa mới chính thức ký kết, tuy nhiên theo truyền thống nhân đạo của dân tộc, ta đồng ý cho phép trao trả một số tù binh Pháp ra hàng tại Điện Biên Phủ, bắt đầu từ những người bị thương, bị bệnh, chuyến đầu tròn trịa một trăm tên. Đổi lại, phía Pháp trả cho ta ngần ấy chiến sĩ ta bị chúng giam cầm. Cuộc đổi trao diễn ra tại Hải Thôn bên cửa sông Mã phía bắc bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tôi làm phóng viên báo Cứu Quốc. Trong khi chờ tàu Hải quân Pháp cập bờ, tôi trò chuyện với một số tù binh, hàng binh tương đối khỏe mạnh.