Những nhà nhân học dựa vào một số tiêu chuẩn để phân định các nền văn hóa của từng cộng đồng. Một trong những tiêu chuẩn chủ yếu là xác định xem nền văn hóa mang tính cộng đồng cao hay tính cá thể cao. Nói chung thì tính cá thể cao hay cộng đồng cao thái quá đều có mặt tích cực và tiêu cực.
Không ngờ vấn đề ấy của văn hóa lại liên quan đến vấn đề vệ sinh phòng bệnh ở Việt Nam hiện nay. Trước khi đi New York, chị Lady Borton đã gửi cho chúng tôi một thư điện tử cảnh báo là một số tục lệ của văn hóa truyền thống Việt Nam có nguy cơ khiến cho bệnh Ebola nếu vào Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng một cách phi thường. Vậy mà chị là một người Mỹ mê văn hóa truyền thống Việt Nam từ mấy chục năm nay.
Lady Borton, nhà văn, nhà báo và còn là nhà hoạt động xã hội đầy nhiệt tình. Lady Borton đã được tặng bốn bằng cấp danh dự cho các công việc chị đã thực hiện tại mọi phía trong và sau cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Chị là người đầu tiên đã mang và phân phối ở Việt Nam những tư liệu phương Tây về HIV/AIDS. Chị đã thiết kế mô hình can thiệp đối với chất độc da cam/dioxin sau khi Ủy ban 10-80/Hatfield Consultants lần đầu phát hiện các “điểm nóng” còn tồn đọng chất dioxin từ thời chiến tranh tại huyện A Lưới, phía tây thành phố Huế. Chị đã tổ chức cho người Tây phương cuộc viếng thăm lần đầu đến các địa điểm bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Đà Nẵng mà chị đã chứng kiến trong thời gian có cuộc chiến… Chị là người duy nhất tham gia vào mọi bước trong công cuộc tìm kiếm các điểm nóng của chương trình 10-80/ Hatfield, bắt đầu bằng cuộc viếng thăm mở màn tại Đà Nẵng, kể cả việc lập bản đồ, ở nhiều mức độ, các “điểm nóng” tồn đọng chất độc da cam/dioxin khắp miền Nam Việt Nam và đặt nền móng cho công cuộc xử lý chất độc da cam/dioxin do Mỹ hỗ trợ tại Đà Nẵng.
Không lạ gì với nhiệt huyết như vậy chị đã vội vàng nêu một số ứng xử văn hóa Việt Nam cần thay đổi trước nguy cơ Ebola có thể xâm nhập. Theo ý kiến Lady Borton, bệnh Ebola rất nguy hiểm, vì chỉ cần tiếp xúc rất nhẹ với vi khuẩn cũng có thể gây nên hậu quả cực kỳ tai hại.
Ebola quái ác ở chỗ khi mới bị virus thì triệu chứng bệnh rất nhẹ (viêm họng, nhức đầu…) khiến người ta tưởng là cúm qua loa, khi phát hiện ra thì quá muộn, bệnh tiến triển như vũ bão, vô phương cứu chữa. Vì vậy, các phương pháp phòng bệnh phải được áp dụng ngay ở Việt Nam trước khi bệnh Ebola có thể vào. Trước tiên, cần thay đổi ngay một số tập quán lâu đời trong sinh hoạt hằng ngày.
Trước hết về tục lệ đi thăm người ốm. Để thể hiện tình cảm, người ta thường ngồi trên mép giường bệnh nhân, cầm tay chuyện trò, có khi hôn má và dọn dẹp đồ đạc người ốm. Có thể hai bên đổ bệnh cho nhau mà không ngờ.
Đến việc cầm đũa khi ăn chung mâm, dịp tốt cho Ebola lan truyền. Người ta dùng đũa của mình gắp vào bát đĩa đựng thức ăn chung, nhất là chén nước mắm, rồi đưa vào miệng mình. Nếu trong số người ăn có người bị Ebola mà chưa biết thì virus được lãng du nhiều lần. Nhất là khi ở bữa tiệc, chủ nhân hay một vị khách lịch thiệp thỉnh thoảng lại dùng đũa của mình gắp thức ăn mời người khác. Có lẽ nên trở lại cách ăn trở đầu đũa thời Việt Minh, hồi chống Pháp.
Tập quán chào đón cũ cũng nên xem lại. Đặc biệt ở thành phố, người ta Âu hóa thường bắt tay, có khi hôn má và ôm nhau. Để phòng bệnh, nên trở lại kiểu chào cũ: chắp tay ngang ngực và cúi mình.
Thay đổi tập quán ngay để đề phòng Ebola, đừng coi là chuyện vặt. Có thể tác dụng rất lớn.
Lady Borton nhắc lại bệnh dịch SARS lần đầu tiên nhập vào Việt Nam năm 2003, do một khách Hồng Kông đến thăm Việt Nam mang vào. Bệnh bị phát hiện ngay và do nỗ lực hợp tác quốc tế và Việt Nam, Việt Nam đã ngăn chặn được SARS. Với Ebola cũng nên hành động như vậy.