Trước nhất phải dạy cho học sinh học võ, học thở và học sống trong một đời sống tâm linh

LTS. Để giáo dục một con người toàn diện, đồng thời đào tạo lớp trí thức tương lai thì ngay từ bây giờ, chúng ta phải có chiến lược giáo dục học sinh, sinh viên với đầy đủ những phẩm chất và năng lực, có sức khỏe tốt, tâm hồn và trí tuệ lành mạnh góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hồn Việt trân trọng giới thiệu ý kiến của tác giả Song Nguyễn trong vấn đề giáo dục - đào tạo học sinh, sinh viên ngày nay…

Ý tưởng này tôi đã nung nấu trong nhiều năm và đã trao đổi với nhiều bậc cao niên thông tuệ ở trong và ngoài nước. Tôi rất bất ngờ là tất cả những người nghe tôi trình bày đều khen hay và giục tôi nên đưa lên báo để những người có trách nhiệm thiết lập chương trình giáo dục Việt Nam tham khảo.

1.

Trong cuộc sống hội nhập - hiện đại, con người không thể không tập thể dục nhưng các cách thức giáo dục thể dục theo phương Tây hiện nay ở trường học Việt Nam quá cũ, nhàm chán làm cho học sinh mệt mỏi thêm chứ không đạt được mục đích tăng cường sức khoẻ. Theo tôi nên thay môn thể dục hiện nay bằng môn võ Việt Nam.

Tập võ làm học sinh thích thú hơn tập thể dục. Tập võ cổ truyền Việt Nam giúp học sinh gắn bó với văn hóa dân tộc hơn, điều này không những bổ ích cho sức khoẻ mà còn có tinh thần thượng võ góp phần xây dựng bản lãnh dân tộc Việt.

Giáo trình bắt đầu dạy với những động tác đơn giản nhất (Tiểu học) rồi dần dần nâng cao (Trung học và Đại học). Khi bước vào Đại học, sinh viên có trình độ võ thuật để tự vệ, để cứu người bị nạn, những sinh viên giỏi võ có thể trở thành võ sư. Võ đường Karaté tại Đại học Huế trước đây đã làm được việc đó. Một dân tộc mà học sinh trung học đều có võ thuật thì quý biết chừng nào. Việc tuyển mộ bộ đội, công an, vệ sĩ sẽ rất dễ dàng. Cả dân tộc đều trở nên cường tráng.

2.

Bên cạnh thể động là võ Việt Nam, dân tộc ta còn có truyền thống lâu đời với thể tĩnh là thiền Việt Nam. Nếu tập võ để cho thân thể được cường tráng thì tập thở (thiền) giúp cho tinh thần, cho cái tâm được an lạc.

Biết cách thở đúng phương pháp (hít vào và thở ra) con người sẽ thu nạp được năng lượng khí thiêng của trời đất. Năng lượng của trời đất cần thiết cho sức khoẻ con người không khác gì thức ăn hằng ngày.

Người biết thở đúng phương pháp là người biết sống hài hoà với trời đất. Trên thị trường Việt Nam hiện có nhiều sách viết về phương pháp thở để các nhà biên soạn chương trình giáo dục tham khảo.

Người biết thở là người biết nghỉ ngơi thư giãn để tiếp tục làm việc, biết vận dụng thì giờ trống để tái tạo sản xuất. Thở như tập thể dục hằng ngày, thở lúc rảnh rỗi, thở trong lúc đi ô-tô, máy bay đường xa, thở trước khi ngủ và sau khi thức dậy,... một phút rảnh cũng có thể tranh thủ thở. Bất cứ ai biết thở đều có thể thấy ngay được tác dụng tốt của ý tưởng này.

3.

Khi con người biết thở đúng phương pháp, biết theo dõi hơi thở của mình, biết quý trọng giây phút hiện tại, biết mình là hiện thân một phần của cha mẹ, tổ tiên thì… sẽ biết mình đang đứng ở đâu trong không gian và thời gian. Biết được điều ấy là bắt đầu có đời sống tâm linh.

Con người có đời sống tâm linh sẽ tự chủ, hướng thiện, tránh được những điều ác, gian dối, trộm cắp; tránh được sự say mê quyền lực, vật chất tầm thường… Chương trình dạy về tâm linh ghép vào chương trình dạy giáo dục công dân, trong văn học, trong triết học sẽ rất tốt.

*

Nếu tuổi trẻ Việt Nam được giáo dục ba việc trên của truyền thống dân tộc thì bản sắc dân tộc Việt sẽ mạnh hơn, vững chãi, sâu sắc hơn. Khi ấy ta không còn lo sợ lớp trẻ sẽ mất gốc, sợ giới trẻ bị “hoà tan” khi đi vào hội nhập và toàn cầu hóa.

Trên đây chỉ là nêu một số vấn đề cho ý tưởng giáo dục – đào tạo con người Việt Nam. Nếu ý tưởng này được chấp nhận thì sẽ trình bày cụ thể để vận dụng vào chương trình giáo dục Việt Nam.

SONG NGUYỄN