71 năm trước, “Đề cương văn hóa 1943” đã cuốn hút hằng trăm văn nghệ sĩ tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Đó là những trí thức yêu nước, đau đớn vì nỗi nhục mất nước, họ tham gia cách mạng, không chỉ dùng ngòi bút, lời ca tiếng hát phục vụ chiến đấu mà còn trực tiếp chiến đấu. Nên trong suốt hai cuộc trường chinh chống Pháp và Mỹ, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã là những chiến sĩ với cả hai tầng ý nghĩa của nó. Tinh thần chiến sĩ trong mỗi văn nghệ sĩ lúc ấy là lẽ tự nhiên, bởi trước mặt họ là chiến trường khốc liệt phải đối mặt với quân thù, nên dù trực tiếp ra trận hay ở hậu phương, mỗi người đều làm việc với tư thế của một người lính...
 |
Nghệ sĩ điện ảnh thể hiện tinh thần yêu nước bằng tấm lòng gửi đến các chiến sĩ đang canh gác biển đảo (gần 100 triệu đồng huy động trong buổi sáng ngày 9-6-2014 do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức) |
Có cái nhìn đúng đắn trước sự nhiễu loạn trắng - đen
Khi đất nước đã hoàn toàn yên bình, khi máu không còn đổ, khi lý tưởng nồng nàn của những ngày khói lửa đã bắt đầu phai nhạt trong tâm trí nhiều người, và nhất là trước trận cuồng phong của phù hoa vật chất, nhìn lại cuộc trường chinh cứu nước cực kỳ gian khổ của dân tộc, đâu đó đã bắt đầu dấy lên cái nhìn “xét lại” rằng giá như ta không đánh mà hòa nghị thì chắc là sẽ đỡ gây tổn thất cho nhân dân. Tệ hại hơn, hiện nay có nhà viết sử bắt đầu xét lại nhân vật khét tiếng Việt gian Hoàng Cao Khải. Bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành Lịch sử của một phó giáo sư đặt nghi vấn rằng chưa thấy bằng cớ nào cho thấy Hoàng Cao Khải phạm tội ác tày trời với nhân dân. Phải chăng những lời biện minh ấy chính là hành động lật lại lịch sử, mà người ta vẫn gọi tên khá hoa mỹ là đổi mới trong tư duy, với cách nhìn rộng mở hơn, nhận định không đi theo lối mòn xưa, đánh giá lịch sử phải biết tiếp cận nhân tình hơn. Nhưng đổi mới và cấp tiến không có nghĩa là đổi đen thành trắng, biến kẻ Việt gian thành người chính trực, biến kẻ tàn bạo thành người lương thiện. Bởi vì sự kiện lịch sử như ánh sáng ban ngày, không thể che giấu, tội ác dã man của Hoàng Cao Khải được ghi chép lại trong bức thư đề ngày 6-10-1891 của chính tên trung úy Pháp Fernand Bernard khi nói về Hoàng Cao Khải: “Ông ta chặt 1.800 cái đầu trong 3 tháng, và ông ta đã thu được những tin tình báo quý giá… giúp ta thu được một lượng lớn súng ống…” hay sự nhận định của chính Toàn quyền De Lanessan: “Ông ta đã có những hành động tàn bạo đến mức không thể tin được, đã cho chặt đầu 75 kỳ hào vì họ không chỉ đường nào bọn cướp (nghĩa quân) đã đi qua…”(*).
Hiện nay trong văn học nghệ thuật, có khuynh hướng đáng ngại đang manh nha là sự phủ nhận những tác phẩm của các văn nghệ sĩ-chiến sĩ trong hai cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc. Những tấm gương hy sinh, anh hùng được viết từ máu của cả một thế hệ trong chiến tranh bị coi là giáo điều, là một chiều, và họ bắt đầu tôn vinh những tác phẩm của những tác giả chống cộng trong thời miền Nam dưới chính quyền Sài Gòn cũ. Vì vậy,“để khơi thông dòng văn học” đó, người ta bắt đầu cho in lại gần như toàn bộ sách của Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên. Nếu không có sự đấu tranh quyết liệt của một số nhà văn trên báo chí thì ắt là hiện nay công chúng cả nước đã được “thưởng thức” Tổng tập Dương Nghiễm Mậu và Lê Xuyên rồi. Rồi những hiện tượng như Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu được tung lên với vô vàn lời hoa mỹ như một phát hiện mới của một số “nhà phê bình cấp tiến”… Và gần đây nhất là hiện tượng luận văn Nhã Thuyên được chấm điểm 10 ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vì ca ngợi nhóm Mở miệng - nhóm “thơ đen” giễu nhại giá trị văn học nghệ thuật truyền thống, cách mạng, hạ bệ thần tượng, chống đối chế độ, nấp dưới cái nhãn “hậu hiện đại”. Dù vấn đề này đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo xử lý, nhưng “các nhà cấp tiến” vẫn không ngớt lu loa dưới chiêu bài “nhân quyền”, “học thuật”… Hiện nay, không hiếm người do không đủ tâm và tầm để lựa chọn từ “làn sóng văn hóa khổng lồ của phương Tây” tràn vào, không biết cái nào nên loại bỏ, cái nào nên tiếp thu mà cố nhai lại những lý thuyết đã lỗi thời, chắp vá những khái niệm thời thượng vừa nhập cảng, chưa kịp tiêu hóa làm thức ăn cho mình, nhưng khổ thay, lại tự hào là mình cấp tiến và theo kịp thời đại, rồi quay lại coi thường những gì thuộc về nguồn cội dân tộc…
Không làm ngơ trước những tiêu cực của xã hội
 |
Diễn viên Hạnh Thúy ký tên vào bảng khẳng định “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” |
ng vở diễn như Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta của thập niên 80 thế kỷ 20 chính là ý thức đấu tranh của các tác giả (Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang và Lưu Quang Vũ) trước những vấn nạn cần phê phán của xã hội. Sau 30 năm, những vấn nạn ấy đang có chiều hướng tăng lên, phức tạp hơn và tinh vi hơn, nhưng để viết được vấn đề này, người nghệ sĩ phải dấn thân như một người lính trên mặt trận mới có thể vén được bức màn đen u tối của bọn tham quan, sâu dân mọt nước. Sự lựa chọn sinh tử của điện ảnh Trung Quốc, Phía Đông vườn địa đàng của truyền hình Hàn Quốc đã gióng được tiếng chuông về sự tha hóa của các quan chức của đất nước họ.
Hiện nay, khoảng trống này trong văn học nghệ thuật vẫn quá lớn cho thấy các tác giả dường như bỏ trống trận địa và nhường sân cho báo chí. Một số vùng nông thôn hiện nay đang nảy sinh những loại cường hào ác bá mới, cướp đất dân ngụy trang dưới những mỹ từ quy hoạch, khu công nghiệp, sân golf… đã gây xiết bao oan khốc, đau khổ cho nhân dân. Việc gióng lên tiếng chuông báo động cho toàn xã hội về vấn đề này chính là cuộc chiến đấu của những văn nghệ sĩ với những tiêu cực vẫn còn tồn đọng của xã hội. Nhưng hiện nay, nhìn trên mạng lưới phim truyền hình cả nước, trong mấy trăm đầu phim phát sóng dường như chỉ toàn đề tài tình yêu tay ba, tay tư theo mô típ Hàn Quốc. Đề tài trong nước ngồn ngộn bao nhiêu vấn đề, nhưng chỉ có vài phim đi vào vấn đề nóng bỏng của nông thôn: Ma làng, Gió làng Kình, Đất mặn, Chủ tịch tỉnh. Đó là những bộ phim được nhận Giải vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc cùng với sự ủng hộ nồng nhiệt của công chúng. Điều ấy cho thấy rõ những tác phẩm tâm huyết sẽ luôn được tôn vinh và sống trong lòng nhân dân.
Khi cái giàn khoan Hải Dương-981 còn ngang nhiên cắm trên vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta…
 |
MC Diễm Quỳnh, Hoa Thành Tùng và ca sĩ Khánh Linh cùng hát dưới bóng cờ Tổ quốc |
Trái tim của văn nghệ sĩ cả nước đang cồn cào sôi sục khi hằng ngày nhìn thấy sự lộng hành, ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Lại một lần nữa “Đề cương Văn hóa 1943” như thấm vào máu mỗi người. Ai cũng muốn được cống hiến cho đất nước, và hơn bao giờ hết, mỗi người đều cảm nhận được dòng máu chiến sĩ đang chảy tràn trong trái tim mình. Không cần có lời hiệu triệu, mỗi người đều cảm thấy mình cần phải làm gì bằng chính khả năng của mình. Hầu hết đều muốn được lên đường đến với Hoàng Sa, Trường Sa để được cảm nhận bằng trái tim mình. Và những bài hát, những bộ phim, những bài bút ký, những vở diễn, những bức ký họa chân dung, những bức ảnh về các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ đã được sáng tác ngay trên đảo Trường Sa với tình yêu Tổ quốc tràn trề. Hiện nay, các văn nghệ sĩ ai cũng có ước nguyện được đến với nơi đầu sóng ngọn gió ấy. Có ai bắt buộc họ phải đi, phải viết, phải vẽ, phải hát, phải làm phim không? Chính lúc này, hơn bao giờ hết, những vần thơ yêu nước, những bài hùng ca đang cất lên cao vút, bắt đầu che áp dần những thứ não tình bi lụy… Tất cả đều xuất phát từ tinh thần yêu nước ngàn đời của dân tộc, mà tự mỗi người đều cảm nhận từ trong máu của mình. Vì vậy, hơn lúc nào hết, người ta càng thấy rõ những luận điệu muốn phủ nhận dòng văn học cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ coi đó là văn học “phải đạo, một chiều, áp đặt văn nghệ sĩ” là một thứ rác rưởi cố tình hạ thấp văn nghệ sĩ… Dưới lá cờ Tổ quốc, mỗi người đều hiểu mình sẽ phải làm gì. Đó là trách nhiệm lớn lao của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Mỗi tác phẩm chính là một đóng góp cho đất nước. Những người văn nghệ sĩ chân chính tự biết sẽ làm gì khi đất nước lâm nguy, chứ không phải chỉ biết yêu nước bằng mồm, kêu gọi biểu tình để gây bạo loạn, tự chui vào cái tròng của kẻ thù đang giăng sẵn khắp nơi…
_______
(*) Trích bài Minh oan cho Hoàng Cao Khải của Nguyễn Thị Đông Thái, Hồn Việt số 33 (tháng 3-2010)
(Hồn Việt số 83, 7/2014, Tr. 52)