Tre xanh Tây Bắc

CHU MẠNH CƯỜNG

Nếu ai hỏi cái gì làm nên biểu tượng của núi rừng Tây Bắc và chi phối sâu sắc tới đời sống của đồng bào các dân tộc ở đây, xin thưa đó chính là cây tre. Không ở đâu, tre lại nhiều và mạnh mẽ như Tây Bắc…

Ở Tây Bắc, tre mọc khắp nơi tạo nên những cánh rừng xôn xao, vi vu với hàng trăm chủng loại: mai, vầu, giang, nứa, lồ ô, bương, luồng, bông, sặt, lay, loai, song, hốc… Nhờ tre đùm bọc, ban phát các sản vật, người dân Tây Bắc đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Những điều ấy đã được nhắc đến trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, và đặc biệt là bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu, đã ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ như một minh chứng cho vẻ đẹp huyền bí của xứ sở: Nhớ từng rừng nứa bờ tre/ Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy/… Ngày xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang/ Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình/ Rừng thu trăng dọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung…


Đường làng (Cao Bằng). Ảnh: Trần Công Nhung.

Trong cả trăm kilômét, từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nơi đỉnh Phan Xi Păng - nóc nhà Đông Dương cao tới 3.142 mét, cho đến hai bên bờ sông Mã, sông Đà và sông Hồng - ba con sông lớn nhất nước hội tụ nơi này, không có cây gì xanh tươi, sắc bén, chen chúc bằng tre. Vì thế, tre đã là nơi trú ẩn của nhiều sinh vật rừng, như mang, hoẵng, lợn… ếch, bướm, châu chấu… Riêng nấm tre quý giá, không kém nấm linh chi có thể chữa bách bệnh, mọc đan dày gốc cây.

Tre có vai trò cực lớn trong đời sống văn hóa dân gian Tây Bắc. Là biểu tượng của xứ sở, cùng với cây lúa làm nên sự thịnh vượng trong thôn bản. Ẩn dưới bóng tre luôn là những nếp nhà sàn, với những đàn trâu gặm cỏ ngân nga tiếng mõ, là cảnh bếp núc nồng đượm, ca múa rộn ràng. Sau khi leo đường đất, du khách sẽ bắt gặp những cây cầu tre mỏng mảnh, lắc lẻo dẫn vào từng bản. Tre cũng là hồn thiêng của núi rừng, là vị thần che chở cho các tộc người nơi đây. Trong những năm tháng chiến tranh, Tố Hữu đã có vần thơ: Rừng che bộ đội rừng vây quân thù, đó chính là rừng tre, một mê cung, một trận chiến của tre chỉ có những người quen đường, thạo lối mới vượt qua nổi.

Các dân tộc Tây Bắc ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình gồm người Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Lự, Bố Y, Khơ mú, Bru-Vân Kiều, Sán Dìu, Hà Nhì, Xinh Mul… từ xa xưa đều gắn bó mật thiết với tre. Bà con thường ví mỗi lóng tre là một lóng của đời người. Trăm đốt tre là trăm tuổi đời.

Tre luôn là vật chứng giám việc sinh tử của đồng bào. Người Thái khi sinh con đều chẻ tre nấu cơm, uống nước suối dẫn từ ống tre… như một nghi thức thông báo về sự chào đời của đứa trẻ, để em bé được ghi vào sổ sinh tử sau này về mường trời. Khi con người chết, thể xác trở lại đất còn linh hồn sẽ đi qua ngọn tre tới thế giới cực lạc. Người dân thường ví ngón tay của thiếu nữ với các búp măng non; dáng đứng của nam nhi với thế đứng hiên ngang, thanh tao của tre. Mọi người cũng dùng từ luồng là loại tre dài, thẳng, chỉ sự lưu thông ngang dọc.

TỪ MÓN ĂN…

Là xứ sở của tre, Tây Bắc sản sinh rất nhiều sản vật tre. Đầu tiên là măng, mầm non của tre làm món ăn. Sau khi hái măng, bà con sẽ ăn sống hoặc phơi khô dùng dần. Măng tươi có màu trắng, vị thanh có thể xé nhỏ nấu canh, thái cục om với thịt cá, nướng chấm muối ớt. Măng khô có màu nâu, vị đậm thường được nấu, xào với các loại thịt. Măng có hai vị nổi bật là ngọt và đắng. Măng ngọt gồm măng sặt chỉ bé bằng ngón tay thường được nướng; măng lay được luộc; măng trúc đá trên núi cao là đặc sản của người Mông, được ăn tươi và nướng. Măng đắng ngon nhất là của người Thái gồm mẩy khômmẩy chá.

Nếu luộc thì sau khi đun chín người dân sẽ đổ măng đắng ra rổ cho nguội, rồi bổ đôi miếng măng xếp vào đĩa chấm với nậm chẳm là bát muối ớt, riềng, hạt tiêu rừng, lá tỏi, lá chua chát, lá rau ngót. Vị mặn, cay, đắng, chua, chát, ngọt rất thi vị. Nếu nướng thì sau khi mang về để nguyên vỏ hơ trên lửa, khi măng chín cũng chấm muối ớt. Đến Tây Bắc, rẽ vào các chợ luôn thấy các hàng rong bán măng, và các loại gia vị ăn kèm.


Nhà ở của các dân tộc Tây Bắc được làm từ tre. Ảnh:C.M.C

Người dân còn dùng mấu tre làm que xiên thịt hoặc ống tre nấu cơm lam: đổ gạo vào ống tre, dùng nhựa ngọt trong ống để nấu cơm, nút lá chuối thật kín, đốt lửa và dựng ống quanh bếp, khi mùi thơm bốc lên cũng là lúc cơm chín. Mọi người còn hái lá tre để bọc thịt cá hấp, luộc, nướng. Dùng than tre làm chất đốt; than tre để hút ẩm trong nhà, thanh lọc nước suối uống ngay không cần đun sôi.

… VẬT DỤNG TRONG NHÀ

Đặc biệt đồng bào luôn dùng tre làm dụng cụ và nhà cửa. Người Thái thường lấy tre mẩy song ngắn dầy dựng nhà; mẩy hốc ngắn mỏng đan rổ rá; mẩy lay nhỏ dầy lợp mái; mẩy bông nhỏ mỏng làm món ăn và mẩy loại nhỏ mảnh dệt mành chiếu. Nhiều dân tộc dùng ống tre để dẫn nước suối, đựng nước, làm gầu… Mỗi khi lấy nước, các thiếu nữ đều quẩy trên vai hai ống bương to sóng sánh về nhà. Rồi dùng tre làm nón, tủ chạn, bung, sàng, chõng, đũa, cung nỏ, tên bắn; đầu mũi tên thường tẩm độc chất từ một loại ếch tre. Ngoài ra, còn chặt tre thả bè về dưới xuôi bán, thu một nguồn lợi không nhỏ cho địa phương. Trên ba dòng sông, nhìn dáng người đẩy bè tre trên sóng vượt ghềnh thác thật oai hùng.

… ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN…

Tre hiện diện trong khá nhiều sinh hoạt văn hóa Tây Bắc. Từ chiếc nón trắng mỏng tanh bằng tre, các cô gái Thái có điệu múa xòe nón duyên dáng, mỗi người cầm một chiếc nón lúc đưa ngang lúc đưa dọc xoay xoay quanh mình thật dịu dàng.

Với những thân tre, người Mường cũng tạo nên điệu múa sạp sôi động. Trong điệu múa, mọi người đặt chúng nằm song song trên mặt đất, nam nữ nhảy qua nhảy lại nhanh nhẹn giữa các khoảng trống để khi chập các thanh tre không bị vấp.


Điệu múa của người Thái ở Tây Bắc.

Người Mông có cây khèn quý bằng nhiều ống tre, những lúc vui buồn đều rút khèn ra thổi, thậm chí lăn lộn mà không làm điệu khèn bị ngắt quãng. Nam giới Mông đi đâu cũng mang theo khèn, thổi từ lúc đi tới lúc về. Tiếng khèn lúc nào cũng tha thiết như nỗi lòng người con trai muốn tỏ cùng người con gái, như trong câu thơ: Rì rào lời suối hát, thác trắng ngần/ Khèn vang vang trên đỉnh núi chỉ có anh… cùng em…

Khi hát giao duyên, nam nữ Hà Nhì cầm một ống tre bịt đầu nối với nhau bằng một sợi thừng dài. Họ áp tai vào ống tre nói chuyện từ xa như nói chuyện qua điện thoại. Để mời cô gái đi chơi, chàng trai sẽ gõ vào ống nghe ba lần. Nếu ưng bụng, cô gái sẽ gõ đáp lại ba lần, rồi hai người dắt nhau tới chỗ khuất tâm sự.

Cuối năm đón Tết, các dân tộc Tây Bắc đều dựng một cây nêu bằng tre, treo những vật lành thể hiện sự yên vui và hạnh phúc. Vào ngày 28 tháng chạp Âm lịch, người Mường sẽ làm nhiều cây nêu, cây lớn nhất dựng giữa sân, các cây nhỏ đặt cạnh bếp, ngoài vườn, nơi chuồng gia súc và treo cày bừa, cuốc thuổng nhằm cầu mong nhà cửa đuề huề, gia súc đầy đàn, việc sản xuất nông nghiệp thắng lợi.

Từ mồng ba đến mồng năm tháng Giêng, trong lễ hội cầu phúc Gầu Tào, người Mông cũng làm một cây nêu bằng hai thân tre, một to một nhỏ gọi là cây chồng cây vợ hướng về phía tây, treo dăm súc vải lanh buộc hai bắp ngô, hai bông lúa, một quả bầu và một cây khèn là những thứ đem tới sự sinh sôi, niềm vui cho đồng bào. Mùa thu trong lễ cầu mùa Đàn phàn, tương tự người Sán Dìu cũng dựng một cây nêu cắm vài bông lúa, mong sao mùa vụ bội thu, mọi nhà cơm no áo ấm. Như bao câu chuyện thần thoại, nơi nào có bóng tre nơi ấy lạc thổ, bình an.