Tôi đã có lần viết về Bác sĩ Bùi Minh Đức như “con ong miệt mài hút mật cho đời”. Ông đã có nhiều chuyến đi điền dã sau mỗi lần về thăm Huế. Ông đã lặn lội một đời văn hoá để nhặt nhạnh, săn tìm, phát hiện, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh từng con chữ “với ý nghĩa cuộc đời và gốc gác văn hoá của nó”. Ông đã sống với xứ Huế, con người Huế và văn hoá Huế từ thời thơ ấu, hoa niên, trưởng thành cho đến ngày nay.
Ông đã trước tác và biên khảo Dấu ấn văn hóa Huế(2007) và Chữ nghĩa tiếng Huế (2008), nhưng đồ sộ hơn cả là bộ Từ điển tiếng Huế. Năm 2001, Từ diển tiếng Huế do NXB Tâm An, California, Hoa Kỳ ấn hành lần thứ nhất, dày 531 trang, khổ 16x24cm. Trong cuốn từ điển này hầu hết là phương ngữ và phần còn lại là tiếng Việt trên địa phương Thừa Thiên Huế.

Sông Hương. Ảnh: kyanhphoto.
GS. Nguyễn Khắc Hoạch đã có nhận xét: Nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng, có phương pháp và một trái tim rộng mở để yêu mến và cảm thông với tiếng nói quê hương. Và GS đã đánh giá: “Từ điển phương ngữ đầu tiên có quy mô trong loại từ điển Việt Nam”.
Năm 2004, Từ điển tiếng Huế do NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học ấn hành lần thứ hai, dày 1.038 trang. Và năm 2009, Từ điển tiếng Huế do NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học ấn hành lần thứ ba, dày 2016 trang, gồm có 2 cuốn Thượng và Hạ.
Nếu so sánh giữa ba lần in trong vòng 9 năm của thời gian 20 năm sưu tầm, phát hiện thêm tiếng Huế của ông thì lần sau in có số trang gấp đôi lần trước. Hơn 2.026 trang từ điển đã ẩn chứa trầm tích mà ông đã miệt mài tìm kiếm, phát hiện từ vỉa tầng văn hoá Huế. Và ông vẫn làm con ong miệt mài hút mật cho mình và cho đời!
Có lần, tôi theo ông đi điền dã. Đi thuyền ngược dòng sông Hương để sưu tầm từ “rái cá” trên tấm bia đá Thạc bái châu (Bãi rái cá lạy) được tạc dưới thời Minh Mạng. Tấm bia này đã được dựng bên bờ sông Hương gần cầu Tuần. Ông đã có thao tác rất nhà nghề: chụp hình, ghi chép, ghi âm từ văn bia của Thạc bái châu do nhà báo Hồ Vĩnh là người am tường chữ Hán, chữ Nôm dịch lại.
Phải gần 20 năm ông mới hoàn chỉnh và ấn hành 2.016 trang từ điển, thể hiện một quá trình lao động nhọc nhằn, nghiêm túc, cần cù, chân thực, tinh tế, tự tin và bản lĩnh. Ông đã vận dụng ngôn ngữ sắc sảo, khi thì nghiêm cẩn khi thì có giọng điệu tếu dí dỏm… Đọc và tra cứu từ điển mà không có cái cảm giác mệt nhọc, nặng nề. Nhiều từ, nhiều cụm từ qua cách giải thích dí dỏm của ông, làm cho người đọc thích thú, bất ngờ và cùng cười thầm với ông.
Trong lần in thứ ba năm 2009, những trang từ điển có chọn in nhiều hình ảnh minh hoạ. Trong một số từ, cụm từ rặt Huế thì có thêm phần văn hoá đối chiếu, như các cụm từ: ông Kẹ Huế, Bửa lợ, Muối chay, Ngứa nghề, Trà chiều… Có thể chia sẻ sự vất vả, bền bỉ, miệt mài và linh hoạt với tác giả khi tra cứu từ điển lần in thứ ba năm 2009. Có tra cứu mới biết có đến 19 loại muối Huế, có 80 chợ lớn, nhỏ, 82 loại áo mặc từ cung đình đến dân dã, có trên 20 tên sông nổi tiếng và sông đào, 12 loại trầu ăn… trên miền đất Thừa Thiên Huế.

Từ điển tiếng Huế ấn bản thứ 3.
Bộ gồm 2 quyển (quyển thượng và quyển hạ).
Trầm tích văn hoá trong thức ăn Huế, ao Huế và hò Huế có nhiều vỉa tầng đa dạng và phong phú. Chỉ mới tìm từ thức ăn Huế thì đã phát hiện thêm về nghệ thuật ăn uống (ẩm thực) xứ Huế thật công phu và điệu nghệ: từ cách nấu, lúc ăn, chén bát đến chỗ ngồi ăn…
Trong số 51 loại hò Huế mà ông đã sưu tầm được thì có hò thanh, hò tục, hò phàm, hò trong lúc làm việc, lúc nghỉ ngơi, trong các lễ hội… Hò Huế nổi tiếng với các điệu hò mái nhì, hò giã gạo, hò đưa linh, hò bài tới, hò bài thai, hò bài chòi, hò thả thơ, hò đâm bắt… Xin dẫn một câu hò đâm bắt có ý tục ngầm trong đối đáp.
Nữ: Lộ vàng, lộ bạc, lộ em / Hỏi anh ba lộ, anh thèm lộ mô? – Nam đối đáp: Anh xem ba lộ cũng vững vàng / Hai lộ làm giàu làm có, một lộ để nối đàng tử tông. Hò Huế là một di sản phi vật thể, một kho tàng văn hoá giàu có, đặc trưng của xứ Huế. Có tra cứu mới biết tác giả đã dẫn nguồn từ đâu? Từ tục ngữ, hò vè, ca dao, thơ ca, truyện cổ, lời kể, giai thoại… như thế nào? Nhưng không phải đấy là con đường khá bằng phẳng với ông.
Tôi đã vào trang 322-323 của lần in thứ nhất năm 2001 thì không tìm thấy từ ngáo, cụ Ngáo mà chỉ thấy từ ngao (cái ngao là vỏ hến), từ ngảo (cái rổ nhỏ). Tôi vào trang 335 tìm cụm từ “ngựa Thượng Tứ” thì được giải thích là gái thích trai. Và giải thích cụ thể hơn: Đi nhông nhông cả lũ con gái chạy theo trai như ngựa Thượng Tứ. Vào thời Minh Mạng có viện Thượng Tứ lo về ngựa (mã chính của Bộ Binh), ngựa thao diễn chạy từ cửa Thượng Tứ hay giao cấu lộ liễu.
Tôi tiếp tục vào trang 631 của lần in thứ hai, tìm thấy cụm từ “ngựa Thượng Tứ” cũng được giải thích như lần in năm 2001 mà vẫn chưa thấy từ cụ Ngáo.
Đến lần in thứ ba, lật trang 1.264 thấy có cụm từ ngựa Thượng Tứ cũng được giải thích như lần in thứ hai nhưng đã có thêm phần văn hoá đối chiếu với nước Anh
(Ở bên Anh, chuồng ngựa của Nữ Hoàng Anh là “Royals News” tương đương với chuồng ngựa Thượng Tứ bên ta), đối chiếu với nước Mỹ (tiếng Mỹ “Horse around” là ngựa dồn chung lại thường thích nhảy lên nhau). Và tôi đã tìm thấy từ “cụ Ngáo” từ lần in thứ ba. Cụ Ngáo là đao phủ lừng danh ở Huế một thời, đã chém Thái Phiên và Trần Cao Vân ở cống An Hòa ngày 15/7/1916 trong vụ khởi nghĩa hụt của vua Duy Tân. Về sau, cụ Ngáo bỏ nghề đao phủ xoay qua nghề bắt chó, bán thịt chó. Đằng sau cụm từ “Ngựa Thượng Tứ”, từ “cụ Ngáo” là một giai đoạn lịch sử đau buồn của đất Thần kinh Huế.
Cũng ở trang 1.264 có từ “ngao” (cái ngao) được giải thích là vỏ hến, vỏ sò, con nghiêu thường dùng đựng thuốc. Và cũng được giải thích (ngụ ý tục) là âm hộ đàn bà “Mặt răng ngao rứa”, từ đó mới có câu: O tê o tể o tề / Mặt trên thì rứa, mặt tề thì răng . Cũng được giải thích là gầy gò, xanh ốm (Cái mặt ngao như mặt mèo).
Tôi tình cờ vào trang 1.099, đọc thấy chữ “lưa” được giải thích như sau: còn lại, sót lại, trừa lại. Dẫn chứng Trận này ai chết, ai lưa (Vè Thất thủ Kinh đô). Và giải thích thêm: Từ chung là lưa thưa, có gốc là thưa, còn lại đôi chút thôi, còn lại thưa.
Có thể nghĩ thêm về từ “lưa” là một từ rất Huế, đứng độc lập, có nguyên nghĩa của nó, như trong câu vè Thất thủ Kinh đô Trận này ai chết ai lưa. Cũng có nghĩa như trên trong một câu thơ của một thi sĩ Huế sáng tác vào những năm 1959, 1960: Em về không có chi đưa / Có màu vàng dại còn lưa giữa chiều. Nó còn lại nhưng níu kéo, mất mát, hao hụt và thật mong manh. Từ “lưa” chỉ có ở Huế, nó đi vào ca dao, câu hò, thơ ca… Tôi làm thơ và cũng có lần dùng từ này như một biểu lộ về sự mất mát, níu kéo, mong manh: Tháng năm tìm về bến cũ / Chút nắng còn lưa giữa dòng / Nguyệt cầm giờ chìm đáy sông / Thanh âm vấn vương tiếng gọi (Nguyệt cầm).

Bên bờ sông Hương.
Dấu ấn văn hóa, lịch sử xứ Huế trong hành trình đến với quê hương của Bác sĩ Bùi Minh Đức không chỉ là sâu sắc, đậm đà mà chính ông đã hòa mình vào dòng chảy văn hoá Huế. Như con ong vẫn miệt mài hút mật cho đời.
Dù chỉ là một từ, một cụm từ… qua những phân tích, lý giải đầy đặn, chân thật, tinh tế, sâu sắc, phối hợp với minh họa hình ảnh và đối chiếu văn hóa, ông có thể xới lên nhiều vỉa tầng văn hoá, lịch sử, số phận con người và khơi gợi nhiều dấu ấn vốn trầm tích qua bao biến thiên của lịch sử 700 năm Thuận Hoá - Phú Xuân - Huế và hàng nghìn năm của đất nước. Ông sẽ còn tiếp tục với công trình văn hoá của thế kỷ - Từ điển Tiếng Huế trên dòng chảy văn hóa xứ Huế.
Tháng 11/2009