LTS: Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920- 4/10/2010) và 1 năm ngày khánh thành nhà tưởng niệm Tố Hữu (4/10/2009- 4/10/2010), gia đình nhà thơ Tố Hữu đã gửi cho Hồn Việt bút tích lưu niệm của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng đông đảo nhân dân đã đến tham quan nhà lưu niệm. Qua những dòng lưu bút này, chúng ta càng thấy giá trị và sức lan tỏa của thơ Tố Hữu cùng đất nước - dân tộc. Hồn Việt cũng trích đăng cảm nhận của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng ta viết về Tố Hữu - một người đã dành trọn cuộc đời cho nhân dân, cho Đảng và cho thơ.
Hà Nội tháng 12/2002
“… Gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, ở mọi cương vị và mọi lĩnh vực công tác, dù được giao nhiệm vụ gì, đồng chí Tố Hữu cũng hoàn thành xuất sắc, một lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường của người đảng viên cộng sản trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.
Do công lao và thành tích với cách mạng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật và nhiều huân chương, huy chương khác.
… Trong giờ phút đau thương này, chúng tôi xin chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc với gia quyến đồng chí. Chúng tôi nguyện tiếp bước sự nghiệp cách mạng của đồng chí, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, đưa đất nước tiếp tục đi lên, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa, giữ vững độc lập dân tộc, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Xin vĩnh biệt đồng chí Tố Hữu kính mến”.
(Điếu văn do Thủ tướng PHAN VĂN KHẢI,
Trưởng ban lễ tang đọc)
*
“Đồng chí Tố Hữu, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, nhà chính trị ưu tú, nhà thơ cách mạng lớn, luôn luôn ở trong trái tim những người cộng sản Việt Nam cũng như trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Hình ảnh người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Kim Thành không chịu khuất phục trước đòn tra tấn dã man và sự đày ải trong ngục tù của bọn thực dân đế quốc, luôn luôn giữ vững niềm tin lí tưởng là tấm gương sáng đối với những người cộng sản Việt Nam.
… Cuộc sống, sự nghiệp của nhà chính trị, nhà thơ Tố Hữu có vị trí xứng đáng trong lịch sử cách mạng và lịch sử phát triển văn hóa nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Đồng chí NÔNG ĐỨC MẠNH
(Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng)
*
“Tôi nhớ mãi anh Tố Hữu với tên gọi thân thiết, hiền hậu - anh Lành.
Anh là một thanh niên giác ngộ cách mạng, năm 16 tuổi đã hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cộng sản, năm 17 tuổi đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1939, anh đã bị bắt và bị chuyển từ nhà lao này sang nhà lao khác. Trong tù, anh luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản và tiếp tục làm thơ.
… Trong suốt cuộc đời gần 70 năm hoạt động cách mạng và làm thơ, anh đã có công lao lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Anh là người có công lớn cùng một số đồng chí đặt nền móng cho nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ của Tố Hữu có sức lay động lòng người, từ những “em bé cù bất cù bơ” cho đến toàn thể đồng bào và chiến sĩ đứng lên chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hồn thơ Tố Hữu sẽ sống mãi với non sông, đất nước, với tâm hồn người Việt Nam.
Anh sống giản dị, tính hay nói thẳng, không tiếc lời khen ngợi những đức tính tốt đẹp, đồng thời cũng nghiêm khắc phê phán những hiện tượng phô trương, hình thức.
Tố Hữu là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo có đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất của đất nước, nhà thơ lớn của thời đại.
Mãi mãi nhớ anh Tố Hữu”.
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
(nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ)

Đồng chí Tố Hữu cùng với Bác Hồ về thăm Pác Bó (1961). Ảnh: TL.
*
Ngày 4/10/2009
Đồng chí Tố Hữu - người chiến sĩ cộng sản đã suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp độc lập dân tộc và lí tưởng cộng sản; một nhà thơ cách mạng đầy tâm huyết với những tác phẩm làm lay động lòng người. Đồng chí đã để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng đầy cam go của thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thời kỳ khó khăn về giá - lương - tiền cũng như thời kỳ đổi mới sau này.
Quên sao được những ngày cùng hội họp tại Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Chính trị; quên sao được những ngày cùng lăn lộn chống bão lụt lớn tại thị xã Hải Dương năm 1971 và vượt sóng to, gió lớn ra thăm dàn khoan ở mỏ Bạch Hổ ngoài khơi biển Vũng Tàu cũng như nhiều nơi khác nữa…
Hôm nay đến thăm nhà lưu niệm của đồng chí, những hình ảnh, những kỷ niệm lại thức dậy trong tôi - một người bạn, người đồng chí suốt cả cuộc đời (như đồng chí đã nói): Trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ.
Những hình ảnh và kỷ vật tại nhà lưu niệm này đã nói lên cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tố Hữu - một tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu của chúng ta noi theo.
ĐỖ MƯỜI
(nguyên Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam)
*
Ngày 4/10/2009
Cảm ơn chị Thanh và những ai góp công cho nhà lưu niệm này.
Tôi chỉ muốn ghi lại hai điều, ít người biết.
Một là, chỉ có Tố Hữu viết cho Bác Hồ là được Người dùng và sửa ít nhất.
Hai là, hỡi những ai oán trách Tố Hữu, xin nhớ cho rằng Tố Hữu là anh Lành, anh đã bảo vệ hết khả năng của mình (vị trí của anh lúc đó) và còn giao cho chúng tôi lo cho gia đình và công việc cho con em họ.
Mãi mãi nhớ anh Lành
ĐỖ PHƯỢNG
(nguyên GĐ Thông tấn xã VN)
*
Hà Nội, ngày 6/2/2010
Những ngày cuối năm, được trở lại gian nhà lưu niệm xinh xắn, phong phú tư liệu về nhà thơ lớn, người cộng sản kiên trung, xuất sắc - Tố Hữu, cảm thấy lòng dào dạt niềm xúc động, tự hào.
Đất nước vừa kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng. Tố Hữu là thế hệ cộng sản từ ngày đầu. Ông đến với chúng tôi như ngọn cờ lí tưởng, tấm gương nghệ thuật và sự hấp dẫn của một nhà thơ luôn tươi mới, trẻ trung.
Thật vui sướng được sống có ông, đọc thơ ông và khi ông đã yên nghỉ, còn gặp ông trong nhà lưu niệm này.
Cảm ơn chị Thanh đã xây dựng ngôi nhà này và mở cửa đón chúng tôi.
Năm Canh Dần sắp tới, không còn được đọc bài thơ xuân mới của Tố Hữu, nhưng đất nước thay anh làm nên mùa xuân tốt lành.
Kính anh!
Nhà thơ NGUYỄN KHOA ĐIỀM
*
Nhà Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu ngày khai mạc, 4/10/2009
Tố Hữu sống mãi cùng nhân dân, đất nước!
Đồng chí PHẠM QUANG NGHỊ
(Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội)
*
Một đời dạy học, tôi hân hạnh được giảng dạy thơ Tố Hữu, nhất là gần 50 năm ở trường Đại học Sư phạm.
Tôi cũng có hân hạnh được gặp gỡ, nghe nhà thơ trao đổi và trò chuyện văn thơ ở trường cũng như ở nhà riêng.
Tôi luôn giữ mãi ấn tượng hết sức tốt đẹp về nhà cách mạng và nhà thơ lớn Tố Hữu.
Tôi đã từng viết và sẽ viết về Tố Hữu với tất cả lòng kính yêu và ngưỡng mộ.
Hôm nay ghi lại vài dòng tưởng niệm như một nén hương kính dâng anh linh nhà thơ và hứa sẽ làm những gì có thể được để tôn vinh một nhà thơ lớn của dân tộc trong thời đại.
ĐOÀN TRỌNG HUY
(PGS.TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
*
Hà Nội ngày 1/5/2010
Tố Hữu là nhà thơ cháu ngưỡng mộ nhất, cũng như Nguyễn Tuân là nhà văn cháu yêu thích nhất. Nếu như Nguyễn Tuân suốt đời theo đuổi cái đẹp thì Tố Hữu dành cả cuộc đời cho thơ ca cách mạng, cho chủ nghĩa anh hùng dân tộc. Thơ Tố Hữu giúp thế hệ trẻ hôm nay được sống lại cảm xúc bi hùng hào sảng, thấm đẫm máu và nước mắt mà thế hệ cha ông đã trải qua trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc…
NGÔ ANH THÁI
(Lớp 12B - Trường Phổ thông chuyên Ngoại ngữ - Đại học Ngoại Ngữ - ĐHQGHN)
NGUYỆT ANH (lược ghi)
Bài liên quan: