Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh tên thật là Nguyễn Nho Quý, biệt danh Mười Nho, sinh năm 1925 ở xã Điện Minh - huyện Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam. Sau ngày Giải phóng (1975) ông định cư tại quận 3 - TP Hồ Chí Minh.
Tham gia cách mạng từ đầu năm 1943, hoạt động bí mật, ông tổ chức giành chính quyền huyện Tiên Phước - tỉnh Quảng Nam vào tháng 8 năm 1945, rồi được Tỉnh ủy rút về phụ trách Ban Nghiên cứu Điều tra địch tình của tỉnh, đầu năm 1951 được điều động làm Bí thư Thị ủy Hội An – vùng này bấy giờ đã bị giặc Pháp chiếm đóng – vì sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công (1945) thực dân Pháp được Mỹ hỗ trợ quay lại để mong tái chiếm Việt Nam. Hơn một năm sau, ông được Tỉnh ủy rút về làm Chánh văn phòng. Ở tuổi chưa đầy 25, ông là tỉnh ủy viên trẻ nhất. Năm 1952, ông được Khu ủy Khu V điều ra Việt Bắc nhận công tác mới. Từ đây, hoạt động cách mạng của ông chuyển sang một phương thức khác. Ở trên nhận thấy nhiệt tình cách mạng của ông cùng trí thông minh nhạy bén và óc sáng tạo linh hoạt cộng với khả năng giao tiếp rộng mở, thêm những kinh nghiệm đã sống ở trong vùng địch là những điều kiện để ông hoạt động hữu hiệu trong ngành tình báo.
Ông hăng hái lên đường để ra Việt Bắc, nhưng mới đến nơi dừng chân đầu tiên là chiến khu Dương Hòa – ở Thừa Thiên - Huế – của Nha Liên lạc (tên gọi của cơ quan Tình báo Chiến lược thuộc Phủ Thủ tướng) thì được ông Trần Quốc Hương giao các tài liệu tình báo để học tập và nhận nhiệm vụ vào Huế công tác. Ông đổi họ, tên, đóng vai thầu khoán để hoạt động trong vùng địch kiểm soát, gấp rút xây dựng mạng lưới tình báo nhờ tiếp cận được một số nhân vật nắm giữ những vị trí quan trọng trong hàng ngũ địch. Tháng 7 năm 1953, tướng chỉ huy mới của quân đội Pháp là Henri Navarre sang Đông Dương, được viện trợ Mỹ và sự chấp thuận của cố vấn Mỹ, mở một mặt trận tại Điện Biên Phủ cốt nhử lực lượng quân đội chính quy Việt Nam vào đó để mà tiêu diệt, đồng thời dồn một lực lượng hùng hậu mở chiến dịch gọi là Atlante đánh vào Tuy Hòa, là vùng tự do của ta, để mong chiếm lĩnh Trung Bộ. Nhưng lưới tình báo của ông Mười Nho phát hiện được âm mưu này, lấy được toàn bộ tài liệu chiến dịch để ông cấp tốc chuyển về Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu V là tướng Nguyễn Chánh, đồng thời chuyển gấp về trung ương.
Chiến dịch Atlante với 40 tiểu đoàn địch, kéo dài từ 20/1/1954 đến 4/4/1954 thì kết thúc, như tờ báo Pháp Le Monde thừa nhận là “phá sản hoàn toàn”. Chúng ta đã diệt gọn 15 tiểu đoàn và binh đoàn cơ động số 100 thiện chiến nhất của địch, tổng cộng đã loại khỏi chiến đấu 20.000 tên địch. Và mặt trận Điện Biên Phủ, với 21 tiểu đoàn địch, khởi đầu từ ngày 13/3/1954 đến 7/5/1954 thì giặc Pháp đầu hàng. Thắng lợi này có sự đóng góp quan trọng của chiến dịch Atlante. Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp ngồi vào bàn hội nghị Genève, chấm dứt chiến tranh, tạm thời chia đôi đất nước Việt Nam để sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử quyết định chế độ. Nhưng sau ký kết và khi hai miền được tạm phân chia, Pháp đã giao miền Nam cho Mỹ để trừ món nợ 80% chiến phí mà Mỹ cung cấp trong 9 năm qua. Mỹ đưa tay sai là Ngô Đình Diệm về để cai trị miền Nam, phớt lờ Hiệp định Genève, lùng sục bắt giết những người cộng sản. Bấy giờ ông Nguyễn Nho Quý được lệnh củng cố mạng lưới tình báo ở Huế để giao người khác tiếp quản, và ông chuẩn bị sang Lào tiếp tục nhiệm vụ, giúp đỡ Lực lượng Cách mạng Pathet Lào. Ông được tổ chức tiệc cưới; vợ ông – bà Cao Thị Thanh Phương, quê ở Quảng Bình, sinh sống tại Lào từ nhỏ – là một quân nhân làm việc tại Phòng Thông tin Quân đoàn I của chính quyền tay sai, nhưng thực chất là nữ giao liên cách mạng. Trong lúc chờ rời khỏi Huế, cả hai vợ chồng đều bị địch bắt và bị tịch thu toàn bộ gia sản.
***
Hồi ấy – ông Mười Nho kể – vợ chồng tôi thuê một nhà gần Bao Vinh của Quận trưởng quận Đông Ba để ở. Vào một tối nọ, khoảng đầu tháng 8 năm 1955, vừa đi làm về chuẩn bị ăn cơm thì một xe jeep chạy đến, đậu ngay trước nhà, bọn lính trên xe ập vào chặn ngay ngõ trước và cả cửa sau. Chúng thu căn cước của vợ chồng tôi, lục soát nơi chiếc bàn nhỏ vốn có hai đáy kê ở đầu giường, và lấy được mấy quyển sách giấu ở đáy dưới, đó là Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi của Trường Chinh, Sửa đổi lề lối làm việc của XYZ, Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử… Chúng lập biên bản, gọi phường đến chứng rồi bắt vợ chồng tôi lên chiếc xe 4x4 chở đi, nhưng tôi không chịu bảo có giấy mời mới rời khỏi nhà. Chúng phải cho người về làm giấy mời – chứ không phải là giấy bắt – nên vợ chồng tôi không bị bịt mắt, còng tay.
Lên xe, ngồi ở chỗ tối và gần bên vợ, tôi tranh thủ nói về nguyên nhân của vụ bắt, có thể là do cô Giỏi – liên lạc trước đây của chúng tôi, đã cho nghỉ việc – bị địch bắt nên khai báo. Tôi dặn vợ đừng tiết lộ điều gì, mọi việc nếu chúng muốn biết cứ bảo hỏi người chồng, và nhớ giữ vững khí tiết mới mong tìm được lối thoát. Và nếu không thoát, chúng ta sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự sống cho Cách mạng. Tôi nắm bàn tay vợ tôi, siết mạnh, như muốn truyền hết niềm tin vào nàng, vì vợ tôi đang mang thai 3 tháng và đang chờ đợi sau tết sẽ có đứa con chào đời. Phần nào tôi cũng an tâm là vợ tôi chỉ biết tôi là người của Cách mạng nhưng không biết được ngành nghiệp của tôi cùng những người trong mạng lưới của tôi.

|
Ông Nguyễn Xuân Mạnh lúc 32 tuổi (năm 1957) |
Khoảng 9 giờ tối, chúng đưa vợ chồng tôi đến văn phòng an ninh quân đội, đây vốn là một biệt thự ở trong thành nội của người thuộc giới quý tộc nhà Nguyễn, ông hoàng Tùng Đệ, bị Pháp chiếm lĩnh nhưng khi rút đi đã bàn giao cho Mỹ. Tuy được sử dụng là nơi làm việc nhưng biệt thự này vẫn giữ như cũ với các phòng ngủ trên lầu được dùng làm những buồng giam và phòng tra tấn. Chúng tách vợ chồng tôi ra để mỗi người ở một buồng. Một thằng làn da ngăm đen, tướng bộ lầm lì đến bảo tôi viết lý lịch, nhưng tôi không viết, nó đánh tôi ngã rồi kéo lết qua bên phòng tra tấn. Ở đây có sẵn 4 tên, bắt tôi nằm trên một ghế dài, hai chân bị cột vào ghế, hai tay thòng xuống bị cột vào chân ghế, mũi bị úp vào một chiếc khăn, rồi vừa đổ nước cho chảy liên tục xuống khăn, vừa đánh cổ chân, mắt cá và dưới bàn chân, vừa hỏi quanh quẩn mấy câu: “Mày là cán bộ loại gì? Ai chỉ huy mày? Trong tổ chức mày gồm có những ai?”. Tôi nghĩ mình phải cắn răng chịu đựng để chúng không thể moi được gì ở nơi mình. Chúng đánh liên tục, bàn chân thốn nhức, ống chân đau tê nhưng khốn khổ nhất là bị ngạt thở vì nước cứ chảy liên tục xuống mũi. Đến khi thấy tôi không còn chịu đựng được nữa, chúng mới ngừng tay để hỏi, tôi trả lời là chỉ làm mỗi nghề lái xe, không làm Việt Minh (bấy giờ bên hàng ngũ ngụy vẫn gọi Cách mạng là Việt Minh). Thế là chúng lại tiếp tục tra tấn cho đến khi tôi ngất đi, rồi chờ tôi tỉnh lại tiếp tục hỏi, tiếp tục tra tấn, kéo dài suốt 3 giờ liền mới chịu dừng lại trước con người tôi như một xác chết.
Khi tôi tỉnh dậy vào sáng hôm sau thấy mình nằm trong một buồng ở cạnh phòng tra tấn. Tôi có cảm giác sung sướng là đã thắng địch trong một trận đầu, và tự nhủ lòng cần phải cắn răng chịu đựng đón chờ trận khác, sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Điều tôi lo lắng là vợ tôi có đủ sức để chịu đựng không. Tôi phải suy nghĩ cách để đối phó. Trước hết, bọn an ninh quân đội này là dân địa phương, ít học, chỉ muốn lấy sự tra tấn để mong moi được chút gì quan trọng báo cáo lên trên đặng được thưởng công, chứ chẳng có mưu trí hay thủ đoạn gì như bọn công an, do đó chỉ cần có sức chịu đựng là sẽ thắng được chúng nó. Còn về gian phòng thì đây không phải là nơi nhốt tù mà chỉ là chỗ tạm giam, có cửa sổ lớn với những song sắt, nếu ở đây lâu sẽ tìm cách để vượt thoát. Về các quyển sách chính trị chúng đã tịch thu và cái đèn dầu ở nơi đáy bàn tôi dùng để giấu tài liệu trao cho giao liên ra tận Bến Hải, nếu chúng lấy được và khui ra thấy tài liệu thì tôi sẽ nói là của một ông giáo cũ gởi nhờ, có thể ông là Việt Minh và có thể ông đã ra miền Bắc nên không thấy trở lại nhận. Hẳn là địch sẽ không tin những lời nói ấy, nhưng tôi cứ nói để chứng tỏ mình không can dự gì vào chuyện chính trị.
Nhưng 8 giờ sáng ngày hôm sau ấy, chúng lại vào phòng tôi nằm tra tấn tại chỗ vì tôi không còn có thể đứng được. Chúng cột hai chân, hai tay tôi lại, đánh ngồi, đánh nằm, đánh ngửa, gặp đâu đánh đó vì tôi lăn lộn, rồi sau đưa ghế dài vào để nằm đổ nước như tối hôm qua, với những câu hỏi không thay đổi. Tôi cũng chết ngất sau khoảng chưa đầy 3 giờ. Lần này không chỉ đầu bị phun máu mà cả thân mình máu cũng thấm đỏ áo quần. Cũng như đêm đầu tôi không cho chúng biết được điều gì, và nằm chết ngất đến khoảng 2 giờ chiều mới tỉnh lại. Áo quần bị máu quánh cứng, cùng các phân bã, nước tiểu bị sự tra tấn làm vung vãi ra bốc mùi hôi thối. Bọn chúng đã mở cửa vào gọi mãi, tôi vẫn không nghe, sau mới biết được chúng bảo: “Ở đây chẳng có cơm đâu. Mày viết mấy chữ về nhà bảo đem cơm vào mà ăn. Tao đã đến bảo mà đứa ở mày vẫn không nghe lời”. Tôi cũng suy nghĩ và thấy như thế lại tốt cho mình nên cũng nguệch ngoạc mấy chữ gởi cho cô Chua là người giúp việc, bảo đem cơm vào.
Khoảng 3 giờ rưỡi buổi chiều hôm ấy, cửa lại được mở và sau khi gọi khá lâu tôi mới mở mắt để biết là vợ tôi vào. “Cho vợ mày ở với mày để liệu khai báo mà sống, không thì sẽ chết cả hai”. Tôi thấy mặt mũi vợ tôi sưng húp, hai tay sưng to, biết nàng đã bị chúng tra tấn. Sau đó vợ tôi cho biết đã bị bọn chúng hỏi cung, bị chúng tra tấn nhưng là siết đầu, bạt tai, quất roi nhưng vợ tôi cũng đã nói như tôi đã từng gợi ý. Như thế chúng chưa tìm thấy được gì, và cũng có thể chúng đặt ghi âm đâu đó để mà nắm bắt nguồn tin trao đổi giữa hai vợ chồng.
Tôi thấy có vợ gần bên, tôi sẽ hỗ trợ tinh thần cho nàng chịu đựng và cùng bàn đến kế hoạch trốn thoát. Hôm sau khi chúng gọi vợ tôi ra lấy cơm của người nhà mang vào, tôi dặn vợ tôi thực hiện các việc sau đây: tìm hiểu cụ thể nhà cửa, các lối ra vào, chỗ bọn lính gác, chỗ chúng ngủ, cả chỗ để xe, bót gác đầu nhà, tường rào chung quanh. Lưu ý chung quanh, và dưới gian buồng chúng tôi bị nhốt có gì, khoảng cách từ tường ra đến hàng rào đối diện với nơi buồng giam là bao nhiêu mét. Đồng thời tìm cách làm quen với bọn lính gác, với nhân viên trẻ là những học sinh mới được tuyển vào trong đội ngũ này, và dặn người nhà khi đem cơm vào nhớ đem theo quà để tặng bọn lính.
Nhưng tối hôm ấy, bọn chúng gồm 4, 5 thằng ầm ầm kéo vào, đánh tôi túi bụi, vừa chửi vừa đưa chiếc đèn tôi lên, rồi bảo:
- Mày không khai cũng không được. Chữ mày rõ ràng trong tờ báo cáo giấu trong ruột cái đèn này. Mày là cán bộ, vợ là liên lạc, mày có nhận không?
Rồi chúng dựng đứng tôi lên, đánh móc vào hai bên sườn, đánh thốc vào ruột, đau không chịu nổi. Vợ tôi cũng bị chúng đánh nhưng không nặng nề như tôi. Tôi vẫn giữ nguyên lời nói là các món đồ như sách, đèn là của ông thầy giáo cũ nhờ chuyển cho vợ ông ta ở ngoài Bến Hải. Vợ tôi cũng chỉ giúp tôi phục vụ ông thầy chứ không có liên quan gì đến những chuyện khác. Còn chữ thì nó giống… chữ, chứ tôi không viết thì làm sao mà nhận được! Thế là chúng đánh tới tấp và tôi chết ngất. May mà vợ tôi còn tỉnh, giúp xoa bóp tôi để được phục hồi. Nhưng rồi tôi lại bị đánh tiếp và bị mê đi. Một lúc tỉnh lại, tôi bảo vợ tôi:
- Nếu cứ hôn mê liên tiếp thế này thì trốn sao được. Em liệu mà nói với chúng rằng chồng tôi rất hiền lành nhưng các anh đánh đập quá làm sao nói gì với mấy anh được. Phải lừa cho chúng hy vọng và kéo dài cuộc điều tra.
Bấy giờ tôi không còn ngồi được nữa. Hàng mấy trăm gậy, hàng mấy chục thoi kể như trời giáng nên đã kiệt sức. Tôi cố xua đuổi cơn mê, nghĩ đến bao người đã hy sinh cho Đảng, cho dân mới có được cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, nghĩ đến những người đồng chí của tôi và những đồng bào đã thương yêu tôi, đã giúp đỡ tôi tận tình, để nuôi dưỡng sự căm thù đế quốc trong tâm hồn tôi. Dẫu phải chết đi, nhưng phải giữ cho mạng lưới tình báo của mình tồn tại. Rồi tôi đọc thơ Tố Hữu, nói chuyện chiến đấu, chuyện sớm vượt ngục để được tự do. Tôi nói liên miên khiến vợ tôi phải sửng sốt nhìn tôi, tưởng tôi hóa điên và nàng đã khóc nức nở. Tôi nhẹ nhàng nói:
- Em hãy bình tĩnh. Anh luôn làm chủ được mình và biết rõ phải làm gì.
Rồi tôi tập bò, hy vọng sẽ dần ngồi được, đứng được để đi được và chạy được. Vợ tôi liên tục xoa bóp cho tôi, giúp tôi trong những chuyển động của sự lê lết quá đỗi nhọc nhằn. Đến tuần thứ hai, chúng mang vào một danh sách gồm 20 tên để tra hỏi tôi từng người. Đó là những người mà tôi đã từng bàn với đồng chí Lê Hoàng – phái viên của Nha Liên lạc – nên mời đến dự ngày tôi cưới vợ, gồm toàn nhân vật ở trong ngụy quyền như các thiếu tá, đại úy An ninh quân đội, Giám đốc Sở Nội vụ, Cảnh sát trưởng Thừa Thiên, vài Phó Tỉnh trưởng, Trưởng phòng Công an. Tuyệt nhiên không có một cơ sở nào hoặc một người có cảm tình với Cách mạng được mời dự cưới. Khi bị tra hỏi, tôi đã trả lời rằng các nhân vật trên đây đều là những người mà tôi quen thân trong sự giao dịch, làm ăn. Bây giờ tôi mới thấy sự dự phòng ngày nào của mình cần thiết dường nào. Sau này, khi mấy học sinh bị động viên vào làm việc ở đây đến lấy khẩu cung, chúng tôi đã tìm mọi cách khai thác và được cho biết là qua sự kiện 20 nhân vật mời dự tiệc cưới đã khiến cho bọn an ninh có hai nhận định khác nhau: một: cho rằng với những bạn bè có địa vị cao như thế, tôi không phải là Việt Minh; hai: nghĩ tôi là thứ Việt Minh cỡ bự vì trong báo cáo tìm được toàn nói những chuyện tày trời.
Tôi cũng chuẩn bị gặp cô Giỏi – liên lạc đã bị bắt, nhưng tôi chưa hề giáp mặt, cô cũng chưa biết mặt tôi – khi chúng đưa vào để đối chứng. Đúng một tuần sau, vợ tôi bị chúng đưa ra Quảng Trị, nơi cô Giỏi bị giam giữ. Cô này khai rằng vợ tôi là liên lạc, đã tổ chức cô làm hộp thư, nhưng vợ tôi đã kiên quyết phản bác nói rằng chẳng có liên lạc hay hộp thư nào cả mà “chỉ có thầy giáo của chồng tôi nhờ chuyển giúp qua cô Giỏi về người vợ ở Hiền Lương”. Do địch đưa ra các lính trẻ là học sinh ở Huế mới tuyển vào nên vợ tôi tìm mọi cách để thuyết phục, bảo rằng: do những người muốn lập công đã tra tấn cô Giỏi quá ác liệt khiến cô ấy phải nhận bừa. Trở về, chúng lại tiếp tục tra tấn chúng tôi. Mỗi lần tra tấn tôi thì vợ tôi bị trói lại và đến lượt vợ tôi bị tra tấn thì tôi bị trói, nhưng vợ chồng tôi đều giữ nguyên lời khai cũ.
Đến tuần thứ ba, thứ tư, hễ chúng tra khảo thì tôi bị ngất và chúng tha hồ đánh đập. Tôi cũng thích vậy, vì khi bị ngất xỉu không còn biết đến đau đớn, tuy thân hình bị nứt nẻ, bầm tím và phù ra. Đến tuần thứ ba vợ tôi đã cho tôi biết khá cụ thể về vị trí của ngôi nhà, về tường, rào và chỗ ở của lính gác, lính làm việc, về vọng gác và các ngọn đèn thắp sáng từng khu làm việc. Như vậy hàng rào bằng dây thép gai có thể chui lọt nhưng không biết chúng có gài lựu đạn hay mìn, và đèn thì lại quá sáng, nhất là đèn pha từ vọng gác rọi vào sân. Thêm nữa cần biết cả giờ ngủ, giờ thức của lính gác và nguy hiểm nhất là tên lính gác cùng ngọn đèn pha ở cổng. Chỉ có loại được tên lính, tắt được ngọn đèn và gặp lúc trời mưa to mới mong vượt thoát.
Tôi nhờ vợ tôi hàng ngày ra ngoài xách cơm, đổ phân hãy tìm mọi cách làm quen với những tên lính tại chỗ và kiếm cho được sợi dây để tôi có thể buông từ lầu 1 xuống được dưới đất. Đồng thời mỗi đêm tôi phải tập bò, tập đứng để tay chân co giãn được, rồi mới tập chạy, dĩ nhiên là chạy tại chỗ. Tôi còn tập leo vì có leo qua được cái trần nhà mới mong tìm một lối thoát. Dần dần tôi leo lên được tới song sắt cửa, nghĩ đến tìm một lưỡi cưa. Một đêm, tôi lại leo lên sờ nắn từng song sắt và may mắn gặp được một song sắt không bị gắn kết, có thể chống lên tạo một kẽ hở cho người lách qua. Tôi để nguyên lại, nghĩ đấy là con đường sống. Vợ chồng tôi rất vui mừng, nước mắt chảy dài xuống má. Nhưng tôi rất lo là cửa song sắt quá cao, liệu với cái thai đã lớn vợ tôi làm sao mà trèo lên được.
Sau đó mọi thứ dây vợ tôi tìm được đều không thể dùng, phải vứt bỏ vì quá bở. Nghĩ mãi mới nảy ra một sáng kiến là lợi dụng việc ra ngoài lấy cơm của người nhà và cái thai của vợ đã khá lớn, tôi tìm được một cây kim gỉ sét viết vào dưới đít của chiếc cà men đựng cơm: “Lạnh quá. Mua cho 2m ka ki và một lưỡi lam cạo râu. Gấp!”. Tôi dặn vợ là khi giao lại cà men phải tìm cách nói thế nào cho người nhà tìm đọc và bọn lính không nghe thấy.
Chỉ một tuần sau, khi vợ tôi đem cơm vào đã lận trong bụng một tấm vải mới và một lưỡi lam. Tôi xé một đoạn để thử và thấy rất chắc. Nhưng dẫu không còn bị đánh thường xuyên, bọn địch mỗi tuần lại vào tra tấn một lần nên vừa mới đứng dậy được, mới tập leo trèo thì chúng lại đánh quỵ ngay, hai tay không những chẳng thể bu được vào dây còn hai chân cũng khó đi và chạy được. Nguy hơn nữa là mỗi lần bị chúng đánh đập tôi lại bị mê và chúng lợi dụng cái tình trạng ấy để bu vào hỏi, hy vọng người mê có thể thố lộ sự thật. Vì vậy tôi nhờ vợ tôi khi nào nghe chúng mở cửa thì phải tìm cách đánh thức tôi trước. Và chúng bước vào, tuy tôi đã thức nhưng chúng lại tưởng tôi mê cứ hỏi những câu như cũ, hoặc thêm vào đó những câu như là: “Anh bạn thân quen của anh tên là gì? Anh ấy làm ở đâu vậy?”, “Cha anh còn sống sao anh nói chết. Ông ấy ở đâu, bảo tôi đến thăm và dẫn ông đến thăm anh”… Chúng vào, cứ làm liên tục và lẽ dĩ nhiên là chẳng khai thác được gì. Tôi luôn khẳng định với mình là dầu chúng biết mình là cán bộ nhưng vẫn không khai thì cuối cùng mình vẫn thắng.
Sức hai vợ chồng đều kiệt, tôi bảo vợ tôi tìm cách nói khéo để bọn lính trẻ mua giúp loại thuốc B1 và dầu cù là để mà xoa bóp và hứa với chúng khi về sẽ trả tiền lại. Sự giam giữ kéo dài khiến tôi nhận định là bọn này muốn lập công với cấp trên nên vẫn giữ tôi ở đây để khai thác tìm ra manh mối, vì đã lâu rồi không thấy có một tên nào tỏ ra thuộc loại cấp trên của chúng. Về sự trốn thoát, chưa thể khắc phục được tình trạng đèn pha quá sáng và tên lính gác luôn đi qua lại ngoài cổng, nếu tôi bu dây mà leo xuống được thế nào cũng bị bắn ngay. Lúc ấy độ vào tháng 8, chúng tôi chờ một cơn mưa để bọn lính gác chui hết vào chòi nhưng chờ mỏi mắt mưa vẫn không đến. Thêm một vấn đề là vợ tôi muốn hai người cùng trốn nhưng tôi thấy rằng cô ấy không thể đi lọt vì thai quá lớn, không phải dễ dàng cho việc leo trèo khi tôi không có phương cách gì để hỗ trợ. Tôi phải tâm sự, giải thích, thuyết phục vợ tôi để nàng thông suốt được tình hình đặng có nghị lực đối phó với địch. Rõ ràng địch chưa khai thác được gì và còn giữ chúng tôi lại là chưa báo cáo lên trên. Nếu tôi trốn thoát thì chúng không thể nào đưa vợ tôi ra tòa, không thể kết án tù được. Thoát được ra ngoài tôi liên hệ với tổ chức, và anh em mình có nhiều cơ sở thế lực có thể cứu thoát vợ tôi một cách an toàn miễn không khai báo điều gì bất lợi. Còn nếu hai người cùng đi thì khó vượt thoát và sẽ bị bọn địch bắn chết. Tôi khuyên vợ tôi là nếu tôi thoát ra được thì phải đổ vấy là chúng bí mật đưa chồng tôi đi nơi đâu, hãy cứ la hét, hô hoán như thế để làm cho nội bộ chúng rối lên. Còn cái lỗ hổng trên song sắt thì phải giữ hết sức bí mật để chúng ngờ rằng tôi vượt thoát được là có tay trong hỗ trợ. Sau khi tôi đã cặn kẽ trình bày về sự lựa chọn giữa sống và chết, giữa sự bảo tồn cách mạng và bảo tồn cả con người, vợ tôi đã được thuyết phục để đồng ý tôi thoát ra trước nàng.
Như thế, suốt cái thời gian khoảng 3 tháng 10 ngày tôi liên tục chịu tra tấn và khai thác, vợ tôi thì bụng đã to chỉ bị hành hạ bằng cách kẹp tay, kẹp chân… Một hôm, tên Đồng – một tên hết sức dã man – tưởng rằng có thể ăn đứt bọn nhóc nên một mình vào buồng tôi, nhảy lên ngực tôi dùng giày đinh đạp bảo khai. Tôi dùng tất cả sức lực còn lại lật người, đúng lúc nó không đề phòng làm nó ngã mạnh, đập đầu vào tường, máu phun lai láng. Nghe nó la làng bọn chúng ùa vào, khiêng đi cấp cứu. Chúng đánh thêm tôi một trận, nhưng khi nghe biết tên này đã lẻn vào để một mình lập công bọn chúng chửi rủa tên Đồng rồi đi ra ngoài và cả tuần lễ sau đó không thấy chúng xuất hiện nữa.
(Còn tiếp)