Trên đường đến ngày toàn thắng: Vượt thoát (tiếp theo và hết)

Cũng một hôm tôi bị lôi qua gian phòng bên cạnh, có khoảng 10 đứa, mỗi đứa cầm một cây củi và bắt tôi khai. Thấy tôi không khai, chúng đánh hội đồng. Một thằng, tên Tây, mà tôi biết rõ nhà nó vì hay đi ngang qua đó và nó cũng quen mặt tôi nhưng không biết tôi ở đâu. Tên này quất một cây đáng một cây, có cây làm tôi phun tóe máu đầu. Tôi tức quá, vừa chịu đánh vừa chạy quanh rồi rán hết sức tông vào bụng nó khiến nó không ngờ, ngã mạnh, đập đầu vào tường phải đi cấp cứu.

Nghĩ chuyện không thể trốn được theo cửa song sắt, thì tìm kiếm người giúp mình vượt thoát. Vợ tôi có quen người lái xe 4x4 trước đây, nay đã vào lính, nhưng dạm hỏi thử để nhờ giúp đỡ - chẳng hạn về nhà lấy hộ áo quần, mà anh ta cũng không dám đi. Trong đám lính trẻ, đôi lúc có em đi vào một mình tôi đã tranh thủ nói về tình trạng đất nước, về chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua và sự thống nhất sẽ được thực hiện, về Pháp đã bị đánh bại mà Mỹ cũng chẳng cách gì làm ta khuất phục. Em cũng có sự chuyển biến rõ rệt, đem thuốc bổ vào cho tôi, kể cho tôi nghe chuyện bọn Đại Việt đang chống đối Ngô Đình Diệm, nhưng việc ra tay giải thoát chúng tôi thì em không đủ can đảm thực hiện.

Tôi luôn tin tưởng Cách mạng sẽ thắng và luôn khuyên nhủ vợ tôi không được nao núng mà đầu hàng địch. Bao nhiêu thành tựu mà ta có được hôm nay là do công sức của bao thế hệ đi trước, và bao lớp người đã phải hy sinh cuộc sống, gạt bỏ mọi điều tư lợi để góp sức mình vào sự nghiệp chung. Vì vậy tôi luôn cố gắng luyện tập, luôn giữ được sự tỉnh táo về mặt tinh thần dầu bị tra tấn. Thường xuyên tôi đọc thơ của Tố Hữu để tự hào mình là kẻ chiến thắng. Vợ tôi cũng thấy phấn khởi nhưng mỗi lần thấy tôi bị địch tra tấn máu me đầm đìa lại khóc suốt. Chúng hối thúc vợ tôi bảo tôi khai ra để được trở về, và vợ tôi phải ấm ớ là đã nói thật hết rồi.

Tôi đợi cơ hội tìm cách vượt thoát, và dầu luôn bị tra khảo, hỏi cung tôi vẫn kiên trì chịu đựng song vẫn lo ngại bị chúng chuyển đi nơi khác sẽ mất cơ hội. Có lúc tôi có ý định bảo vợ tìm đá ném lên ngọn đèn, nhưng sợ bị lộ. Đêm nào cũng thức và tôi đã cột sẵn dây ở chỗ song sắt, chờ đợi có dịp là trong vài phút tôi sẽ xuống được sân và chạy đến rào. Và đến được rào là sống.

pic

Ông Nguyễn Xuân Mạnh (phải) và nhà văn Vũ Hạnh, năm 2012

Thường vợ chồng tôi cùng thức, nhưng đêm hôm ấy – khoảng giữa tháng 8 hay tháng 9 ta, tôi không còn nhớ rõ ngày – tôi đi ngủ sớm để vợ tôi thức đến 12 giờ thì sẽ đổi phiên để chờ cơ hội. Lúc 3 giờ sáng, có gió thổi mạnh, cửa sổ va đập, mây kéo đen nghịt và đèn vẫn sáng. Tôi đánh thức vợ tôi dậy, bảo có lẽ mưa và dịp may đã đến rồi. Chỉ trong thoáng chốc trận mưa đầu mùa tuôn xối xả, gió giật mạnh, tôi leo lên nắm song sắt thì vợ tôi níu tôi, bảo: “Em đi theo với”. Tôi phải tụt xuống, khuyên vợ tôi rán chịu đựng và làm đúng những gì đã trao đổi rồi. Vợ tôi gật đầu nhưng không cầm được nước mắt. Tôi hôn vợ tôi, bảo nàng: “Anh sẽ cứu thoát em khỏi chốn này”. Rồi tôi trèo lên, chờ đợi chừng 15 phút, rút cây song sắt và khi thấy gió đập mạnh và tên lính gác thì đang chạy qua chạy lại rất nhanh như đuổi theo con vật gì đó, tôi liền trườn người ra ngoài, gài song sắt lại như cũ rồi ôm dây vải tụt xuống, tụt nhanh, xuống tới đất tôi chạy vội ra hàng rào thép gai, chui qua cái lỗ dây thép và qua được bên vườn chuối của chùa cạnh đấy. Tôi mừng quá, nhìn lại sợi dây thì thấy đã được vợ tôi kéo lên đến tận gác hai. Tôi tin bọn địch không phát hiện được.

Bấy giờ tôi chỉ mặc một quần đùi, một áo may ô cũ rách, đem theo tấm ni lông nhỏ che mưa. Tôi đã suy tính lối đi nếu không bị địch phát hiện, và nếu bị chúng phát hiện thì chạy ngã nào. Ngồi đợi 5 phút, thấy không động tĩnh, mừng quá tôi đi băng đường tìm đến nhà của cơ sở gần nhất – anh Võ Sĩ Thảng. Đến một cống con, thấy còn khuya quá chưa ai đi lại, có thể gặp lính hay là cảnh sát ở các ngã ba, ngã tư nên tôi chui xuống núp ở dưới cống. Mưa lại trút xuống dữ dội nhưng nhờ có tấm ni lông che đậy, và khi nghe tiếng trẻ rao: “Bánh mì không?” tôi liền ra đi, giả dạng người bán bánh mì nhưng may qua một ngã tư có cảnh sát gác không bị chúng gọi vào để… mua bánh.

Anh Võ Sĩ Thảng là cơ sở tốt. Khi đến được nhà anh tôi phải gõ cửa hồi lâu mới thấy có người ra mở, nhưng nhìn mặt mày sưng húp và cách ăn mặc của tôi thì người nhà anh vội đóng cửa lại. Tôi phải gọi nữa, cửa lại được mở, rồi cũng đóng lại. Tôi bèn gọi tên anh Thảng và nói tên tôi, bấy giờ anh Thảng mới ra mở cửa và tôi tuồn ngay vào nhà. Trước sự hoảng sợ của cả nhà anh, tôi phải nói rõ để anh nghe hiểu, rồi xin nước uống, thức ăn. Chị Thảng giở áo của tôi thấy các vết thương chằng chịt còn tươi, hai cổ tay bị trói đã thối sâu khiến cho cả nhà không ai cầm được nước mắt. Nhưng chị Thảng quá lo sợ. Khi đem nước lên chị làm rơi bể ly nước và khi nấu cháo đem lên chị cũng làm rơi bể nồi. Tôi thương hại chị hết sức, vội trấn an chị, xin hãy cho tôi trú tạm ở trên trần nhà, đợi đến trời tối thì tôi rời khỏi nơi đây.

Sau đó tôi nhờ con trai của anh, đang học tú tài, đi xem các nơi để biết động tĩnh ra sao; cháu cho biết ở các cổng thành và các đường đi có khá nhiều lính soát xét, xem mặt từng người, bắt giữ một số. Gần nơi trụ sở an ninh quân đội, bọn lính tập trung khá đông, đang lùng xét từng khu vực. Chị Thảng nghe vậy, lạy tôi và nói: “Tôi rất thương mến và kính phục anh, nhưng con tôi thì đông quá, nhà lại gần đường, chúng vào soát đây thì chết hết”. Tôi thấy bí quá, trời lại mưa to, nghĩ nên đến nhà đồng chí Lê Hoàng mới mong giải quyết được việc tiếp theo, nên mượn quần áo, giày, mũ, áo mưa, nhờ cháu trai lớn lấy kéo cắt sơ mái tóc rồi nhờ đón chiếc xích lô có rèm phủ kín vì mưa, đi đến nhà của bà Dung – cơ sở ăn ở của anh Lê Hoàng – ở số 30 đường Lê Văn Hưu - phường Thuận Lộc - Huế. Bà Dung đã được đồng chí Lê Hoàng phân công theo dõi việc tôi bị bắt và hàng ngày bà đến nhà của cô em gái bán bánh trước mặt nhà tôi, để nắm tin tức. Tôi vào nhà, gặp được bà, bà rất vui mừng đưa tôi vào buồng săn sóc, vừa xoa bóp vừa khóc. Tôi lại mê man, đến khi anh Lê Hoàng về mới được tỉnh lại. Chúng tôi cùng nắm tình hình và dự đoán thêm để đối phó. Trước tiên tôi phê bình anh Lê Hoàng đã quá chủ quan không đổi chỗ ở sau khi tôi bị địch bắt; anh cho biết đã dời chỗ ngay sau đó nhưng nhờ có một cơ sở tin cậy từ hồi đánh Pháp làm cấp Phòng tại Công an Trung Việt đã cho biết các tin tức hàng ngày về tôi, thêm một người cháu của cơ sở này cũng làm việc ở an ninh quân đội, nên sự theo dõi về tôi cũng rất chính xác. Được biết tôi và vợ tôi không hề khai báo về các cơ sở, về các hoạt động của ngành, anh đã khóc lớn lên vì mừng và quay về lại chỗ cũ. Ở đây tôi được bà Dung chăm sóc như người chị ruột, nhưng khi nằm xuống vẫn cứ mê man. Thấy người suy yếu trầm trọng, thân hình ai nhìn cũng biết là đã vượt ngục, địch lại tăng cường truy tìm nên tôi đành phải nán lại đây. Nhưng được ba ngày trời mưa như trút khiến các đường phố tràn ngập, chúng tôi bàn phải nhân cơ hội này thoát ra khỏi thành để tránh truy lùng. Lúc 7 giờ tối, sau khi đi nắm tình hình trở về, đồng chí Lê Hoàng cho biết do nước lên cao bọn lính ở các cửa thành rút hết chỉ còn một số cảnh sát; tôi thấy trước khi mưa dứt phải gấp chạy đến một nơi bọn địch không thể soát xét để mà tạm lánh cho an toàn hơn, đó là nhà của anh Bùi Ngươn Khánh. Anh là trí thức ở Pháp đã từng cầm cờ rước Hồ Chủ tịch khi Người sang đây, và có người em là chỉ huy đội du kích Việt Minh nên anh bị Pháp theo dõi và muốn bắt giữ nhưng được Tổng trấn Trung phần là Phan Văn Giáo – từng là bạn học quen thân ngày nào –  đưa về giữ chức Cố vấn chính trị kiêm Chánh văn phòng. Anh là cơ sở tích cực ở trong mạng lưới tình báo của tôi, và chính anh đã lấy được toàn bộ tư liệu về chiến dịch Atlante của Pháp. Tôi lại lên chiếc xích lô kéo rèm ra cửa Đông Ba, đồng chí Lê Hoàng lẽo đẽo theo sau. Vào đến nhà anh, thấy trên người tôi còn in khá đậm hằng trăm vết bầm ngang dọc, vợ chồng anh ôm tôi khóc. Rồi cả hai người lục tìm dầu, thuốc xoa bóp săn sóc cho tôi. Tôi còn nhớ mãi câu chị Khánh nói: “Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một người đàn ông ngoài chồng tôi”.

Chúng tôi cùng bàn với nhau phải làm thế nào để khỏi bị địch tóm lại. Đi ra miền Bắc thì chưa có đủ điều kiện, mà đi vào miền Nam với cái hình dạng thế này sẽ khó mà qua mắt địch. Chỉ còn mỗi cách là vào Đà Nẵng, Ở đấy đã có đồng chí Trần Đà sẽ lo liệu cho. Ở được 2 ngày, tôi nhờ bác Trần Văn Hứa – là một cơ sở – cho đi theo xe chở hàng của bác và tôi được đưa tới nhà đồng chí Trần Đà, trước đây là tỉnh ủy viên Thừa Thiên nhưng được Tình báo rút về. (Năm 1958, đồng chí Trần Đà cùng với đồng chí Lê Hoàng bị Ngô Đình Cẩn bắt giữ, và cả hai đã hy sinh ở trại giam Chín Hầm).

Đồng chí Trần Đà và vợ – chị từng là phó bí thư phụ nữ huyện Phong Điền – đã chăm sóc tôi tận tình nhưng tình trạng sức khỏe tôi suy yếu nặng, không chỉ nằm xuống là mê, da bị nứt, tím đi, nhiều chỗ còn lở mủ, hai cườm tay còn thối với lằn dây cột in rõ, người gầy tóp lại.

Tôi ở nhà đồng chí Đà vài mươi hôm, những khi tỉnh lại thường rất xốn xang nghĩ đến người vợ thai nghén đang bị giam cầm và tôi mong sớm được khỏe để tìm mọi cách giúp nàng thoát ngục. Tôi vẫn tin tưởng ở sự thông minh, nghị lực của nàng, nghĩ rằng nàng sẽ biết cách đối phó khi địch buộc phải tập trung vào việc tôi đã vượt thoát. Tôi càng thấy thương đứa con ở trong bụng mẹ đã sớm nếm sự khổ nhọc của hoàn cảnh đất nước phân đôi, và từ những ngày chưa cất được tiếng khóc chào đời đã cùng mẹ cha chia sẻ các ngón đòn thù.

Dầu bệnh vẫn nặng nhưng tôi không dám đi khám bác sĩ vì sợ bị lộ, đành gọi một nữ y tá làm nghề tiêm dạo đến để chăm sóc, nhưng được rõ cô này từng tham gia kháng chiến, là cán bộ của Quảng Nam - Đà Nẵng nên biết tôi là tỉnh ủy viên, như thế có thể tôi sẽ bị lộ và làm hại đến đồng chí Trần Đà. Tôi nhờ đồng chí tìm giúp một ông thầy thuốc hiền hậu và không phản động để đến chữa trị. Đồng chí tìm được một ông thầy lang quê ở Đại Lộc, và đưa tôi đến để thăm mạch và hốt thuốc trong lúc tôi không có tiền và anh Đà cũng rỗng túi. Nhưng nghĩ mình là một cán bộ có nhiều kinh nghiệm công tác dân vận, tôi tin sẽ vượt qua được khó khăn. Tôi nói với ông thầy thuốc rằng tôi ở Sài Gòn ra, lái xe rơi đèo Hải Vân nên phải chịu nông nỗi này, đã không bà con lại hết tiền bạc nay xin được ở nhà ông chữa trị rồi đến khi gia đình ra sẽ thanh toán đủ. Nhà ông quá hẹp nên ông từ chối. Tôi vận động ông và bà tìm giúp một nơi gần đây để tạm ở và chiều hôm ấy tôi được đưa đến nhà một ông giáo tiểu học, ở một buồng nhỏ và dùng cơm nước tại đây. Tối đến vợ chồng lại đem thuốc vào cho tôi. Trong thời gian ngắn tôi đã tìm cách thuyết phục vợ chồng nhà giáo để họ thấy rõ thực trạng đất nước, con đường tất thắng của Cách mạng và họ tỏ ra hết sức nhiệt tình, coi tôi như con cháu trong nhà và chăm sóc tôi hết sức vô tư. Tôi nằm đây 2 tháng và vợ chồng đã bán đi 5 lạng vàng dành dụm được để chữa trị cho tôi. Sau ngày Giải phóng tôi có tìm thăm, nhưng ông qua đời đã lâu, và bà hết sức vui mừng khi gặp lại tôi.

Ở Đà Nẵng, đồng chí Trần Đà nhờ một cơ sở lấy cắp được giấy kiểm tra khống chỉ của địch, không có dấu chìm cũng như dấu nổi, và tôi cũng không có ảnh. Nhưng tôi nghiên cứu và làm rất tốt dấu nổi, dấu chìm rồi nhờ đồng chí mượn một máy ảnh về chụp và tôi sang hình theo lối thủ công. Như vậy, tôi có một giấy kiểm tra đàng hoàng, dĩ nhiên với một tên mới, là Võ Văn Đại, sinh ở Vũng Tàu, Nam phần.

Khi tôi đến ở chữa bệnh tại nhà ông giáo dạy cấp tiểu học được 15 ngày thì đồng chí Trần Hiệu ở Nha Tình báo Trung ương phái đồng chí Lê Cảnh Xuân vào, để cùng đồng chí Lê Hoàng kiểm tra toàn bộ vụ việc tôi bị giam giữ, nhưng vào lúc ấy, đồng chí Lê Hoàng đã làm báo cáo đầy đủ gởi về Trung ương, kể cả việc tôi vượt ngục, và nhờ đồng chí có cơ sở tại Công an địch nắm bắt sự việc từng ngày nên cũng cho tôi biết rõ tình hình vợ tôi, khi tôi vào được Đà Nẵng. Vì vậy, khi đồng chí Lê Cảnh Xuân vào đây làm việc với tôi thì đồng chí Lê Hoàng đã mang lại một chỉ thị của Nha Tình báo, do ông Trần Hiệu ký, nội dung đại khái như sau: Nha hoan nghênh và biểu dương tinh thần dũng cảm của tôi, một đảng viên kiên cường, bất khuất đã bảo vệ được toàn bộ cơ sở, do đó tôi được tiếp tục sinh hoạt Đảng và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Tôi được phép nghỉ 6 tháng để lấy lại sức, rồi bàn giao các cơ sở cho đồng chí Lê Hoàng để tìm mọi cách đi sang Viêng Chăn – thủ đô của Lào – tiến hành công tác tại đó, như đã từng được phân công khi tôi đi ra Hà Nội vào tháng 12 năm 1954.

Và nhờ đồng chí Lê Hoàng tôi được biết rằng buổi sáng khi tôi vượt thoát thì như thường lệ đến giờ làm việc địch mở cửa để nhìn xem, nhưng thấy mất tôi chúng la hoán lên, ùa vào thì vợ tôi lại ôm chúng, la làng, khóc lóc, kêu lên: “Các ông mang chồng tôi đi đâu?”. Chúng xem xét, thấy không có dấu vết nào gán tội cho tôi vượt ngục, rồi lập biên bản cho rằng trong nội bộ có người tiếp tay giải thoát cho tôi, khoảng 4 giờ sáng, khi trời đang mưa. Sau đó, chúng bắt khoảng 15 tên mà chúng nghi ngờ trong hàng ngũ chúng để mà tra khảo, và do không chịu nổi những đòn đánh ác liệt một số đã nhận đến dẫn tôi đi. Nhưng vì mỗi đứa “sáng tác” một kiểu, nên chúng không biết xử trị ra sao bèn chuyển một số lên Đà Lạt làm việc. Còn vợ tôi thì càng ngày cái thai càng lớn, lại cứ la hét suốt ngày nên bọn chúng bàn nhau cho về sinh đẻ để bố trí người theo dõi vì chúng nghĩ tôi chưa ra khỏi Huế và khi đứa bé chào đời thế nào tôi cũng tìm cách về thăm. Càng nghĩ tôi càng cảm phục vợ tôi về lòng quả cảm, về cái nghị lực của sự chịu đựng và tôi luôn biết ơn nàng vì nếu không có được người bạn đời như thế thì làm sao tôi vượt thoát được ngục tù này. Và tôi càng thương đứa con bé bỏng đã sớm chịu chung nỗi khổ của mẹ, cha mình, dầu chưa kịp mở mắt chào đời nó cũng góp phần Ở Đà Nẵng, đợi đến ngày mồng 4 Tết của năm 1956, theo một kế hoạch ở trên sắp xếp tôi được đi bằng xe Vespa vào Sài Gòn. Xe này do một cơ sở – đồng chí Nguyễn Xuân Hòe – tự bỏ tiền mua, rồi nhân người em của anh là Dũng học ở Sài Gòn về quê ăn tết giúp chở tôi vào. Sau khi vợ tôi đẻ xong, đồng chí Lê Hoàng được Nha chỉ thị và đã nắm chắc tình hình, bố trí để vợ con tôi rời nhà lúc 4 giờ sáng, theo xe một cơ sở vào Đà Nẵng, rồi mua ngay vé máy bay vào Sài Gòn, với thẻ kiểm tra được tôi làm sẵn, mang cái tên mới là Trần Thị Kha. Vào đến Sài Gòn, có đồng chí Nguyễn Xuân Đồng ra đón, đưa về một căn nhà ở Vườn Chuối, thuộc quận 3. Khi tôi có chỗ ăn ở ổn định tại Viêng Chăn, thì đồng chí Trần Hiệu đã chỉ thị đưa vợ tôi lên, và vợ tôi lại có dịp quay về vùng đất thân yêu của tuổi ấu thơ.

***

Như thế, ông Võ Văn Đại và bà Trần Thị Kha đã định cư ở thủ đô Lào. Khi ông một mình lên trước nơi đây, có lúc phải sống nhờ tạm trong chùa, và một thời gian làm y tá dạo để có tiền sinh hoạt. Nghề y tá này ông học một bác sĩ trong quân đội, thời chống Pháp, khi ông còn ở Tỉnh ủy Quảng Nam và hoạt động vùng Quế Sơn - Tiên Phước - Tam Kỳ. Sau đó nhờ cơ sở ở Sài Gòn là Lê Tấn Kỉnh giúp vay mượn một số tiền, ông đã kinh doanh và sớm trở thành giám đốc một công ty lớn, một nhân vật có thế lực trong giới kinh doanh ở Lào, có quan hệ mật thiết với thủ tướng, với các bộ trưởng và nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền. Nhờ vậy ông đã nắm bắt được nhiều tin tức quan trọng về thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và chính quyền Lào, giữa chính quyền Lào và ngụy quyền Sài Gòn để có phương án chống lại Cách mạng Việt Nam và đánh phá lực lượng Pathet Lào.

Năm 1958, ngụy quyền Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm phá vỡ nhiều mảng lớn của tình báo Cách mạng, bắt giữ cán bộ chỉ huy như ông Trần Quốc Hương, cơ sở chủ chốt như các ông Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hoàng, Nguyễn Xuân Hòe… Trung ương chỉ thị ông Võ Văn Đại gấp rời khỏi Lào, lẩn tránh sang Campuchia hoặc Thái Lan để tiếp tục hoạt động. Đang nắm giữ một vị trí quan trọng nay vứt bỏ ra đi không phải là chuyện dễ dàng nhưng ông đã khéo thu xếp để chạy sang Campuchia. Ở đây một thời gian ngắn, ông đã xây dựng được nhiều cơ sở Cách mạng trong học sinh, sinh viên và kiều bào, trước khi được điều về bổ sung cho hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ. Ông đã xây dựng lại mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả, sau sự khủng bố trắng của kẻ thù.

Nhiều năm từng sống ở trong vùng địch và các nước ngoài, hoạt động tình báo của ông Mười Nho trải qua lắm sự thăng trầm, đối phó với nhiều đe dọa cùng những bất trắc, và nếu ghi lại đầy đủ bao nhiêu diễn biến của quá trình ấy hẳn không thể đủ trong ngàn trang sách.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hòa bình đã được lập lại, đất nước đã được thống nhất, dân tộc đã giành lại được chủ quyền toàn vẹn của mình, ông đã không nhận một số chức vụ quan trọng được giao ở trong bộ máy chính quyền, và dành tâm lực cho những vấn đề tồn đọng của ngành nghiệp mình. Như ông từng nói: “Nghề đã tìm tôi chứ tôi không tìm nghề”, cái nghề thầm lặng nhưng đầy dông tố, rất giả nhưng mà rất thật, luôn đan xen giữa tối và sáng, giữa sống và chết. Nhưng ông đã vượt qua mọi chướng ngại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ông cũng không thích kể lể công lao, thành tích, ngoại trừ công lao, thành tích của những đồng đội, đồng chí một thời cùng ông vào sinh ra tử. Cuộc sống hiền hòa, thầm lặng nhưng đầy hy sinh của ông khiến gợi nhớ hai câu thơ tự nói về mình của vị tướng ngày nào, là Nguyễn Công Trứ:

Người có biết ta chăng thì chớ,

Chẳng biết ta, ta vẫn là ta.

Và cái ta ấy chính là nhân phẩm toàn vẹn, thủy chung của một con người đã đem tất cả trí lực phục vụ lý tưởng cao cả của Đảng lãnh đạo đồng thời bảo vệ quyền lợi trường tồn của dân tộc mình, một dân tộc mà Chủ tịch Fidel Castro đã từng tôn vinh “Việt Nam là ngàn lần anh hùng”

(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh)

Vũ Hạnh ghi