Trần Quang Long và Tiếng hát những người đi tới

Tôi đang ở trong thành phố mà anh đã sống, đã yêu, đã chiến đấu. Thơ của anh nồng cháy biết bao nhiêu tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, bè bạn… Ngày nay đọc lại vẫn làm ta cảm hứng, xúc động lan truyền… Thơ lại hiện đại trong cách diễn đạt: “Và con đếm nhịp trái tim/ trong cơn hấp hối/ những nhịp im lìm như móng chân rắn mối…”. Cách diễn đạt tâm tình thơ ấy là thơ của cuối thế kỷ XX trên thế giới…

M.Q.L.

Gia đình Long theo đạo Tin Lành, nhưng Long không thuộc loại ngoan đạo. Đêm trăng rằm ngày Phật Đản (8-5-1963) người tín đồ Tin Lành này đi dạo bên bờ sông Hương cùng một người bạn gái, chờ xem thả đèn. Đến chỗ Đài Phát thanh Huế ở đầu cầu Trường Tiền, tình cờ được chứng kiến tận mắt cảnh chính quyền Ngô Đình Diệm ở địa phương dùng xe tăng và lựu đạn tàn sát tín đồ Phật giáo mà nạn nhân hầu hết là các em thiếu niên nhi đồng trong gia đình Phật tử. Những ngày sau đó, Long trở thành một sinh viên tích cực tham gia phong trào chống chính quyền Ngô Đình Diệm, sát cánh cùng bạn bè trong lực lượng sinh viên Phật tử, cùng ngồi chung nhà tù với họ ở Huế cho đến ngày chế độ Diệm bị lật đổ. Trong những ngày bị giam ở Huế có một mục sư và giáo sư thân chính quyền đến đề nghị anh ký tên vào một tờ “cam đoan” để được bảo lãnh về với gia đình, nhưng Long từ chối. Lý do chính là trong tờ cam đoan này có những câu khó nghe như “Chúng tôi vì trẻ người non dạ, bị cộng sản lợi dụng…” nhưng Long chỉ giải thích thái độ của mình bằng một lý do phụ, nửa đùa nửa thật: “Bạn bè đều ở tù hết, về trước một mình chơi với ai?”.

pic

Nhà thơ Trần Quang Long (giữa), những ngày hoạt động trong phong trào đấu tranh của sinh viên

Chế độ Diệm bị lật đổ, lớp trẻ chưa kịp vui mừng đã thất vọng tràn trề trước cảnh đại loạn do bọn kiêu binh, kiêu tướng cắn đá, tranh ăn trong tàu ngựa Mỹ, lại thêm những kiêu sư, kiêu sãi cũng bắt đầu quên dần mùi Thiền và bén mùi xe Hoa Kỳ và máy lạnh. Năm 1964, Long cùng sinh viên Huế đi cứu trợ nạn lụt ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đã được thấy một cảnh sống khác đầy gian khổ nhưng rất anh hùng của đồng bào chiến sĩ vùng giải phóng. Lễ Noel năm đó, biết được chủ trương của bọn tướng lãnh ở Huế tổ chức ăn chơi, khiêu vũ rầm rộ để đánh lạc hướng đấu tranh của lớp trẻ, Long cùng bạn bè nhanh chóng thành lập nhóm “Thanh niên chống xa hoa phóng đãng”, in tuyên bố phản đối dán đầy đường. Bọn tướng lãnh đành hủy bỏ âm mưu nói trên. Mùa xuân năm 1965, Long chính thức gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng miền Trung, được đưa vào vùng giải phóng ở Bích Trâm, Điện Bàn, Quảng Nam để tham quan, học tập. Tại đây, lần đầu tiên trong đời, Long đã ăn một cái Tết rất lạ, lạ nhất là trước khi Long về thành phố, một đồng chí cán bộ trông bề ngoài giống như một bác nông dân đã vỗ vai anh căn dặn:

- “Bác Hồ dạy:

“Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

Thơ Long bấy lâu nay là thơ “Nghiêng nón”, chưa phải là thơ có thép. Kỳ này về, phải thêm thép vào thì mới xung phong được chứ!”.

Nguyên từ lâu, Long đã sáng tác nhiều bài thơ tình cảm, đăng trên tạp chí Văn Học ở Sài Gòn. Những ngày ở tù, thiếu giấy, Long thường dùng bao thuốc lá vuốt thẳng thớm để dành chép những bài thơ “vụt hiện”. Nghiêng nón là tên của một bài thơ rất dễ thương dành cho lứa tuổi áo trắng, có câu mở đầu:

“Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón”…

Sau chuyến tham quan ở Bích Trâm, thơ Long xuất hiện trên báo chí phong trào đấu tranh mang nội dung phản chiến, phảng phất hơi hướm chiến trường ca của Đỗ Phủ:

“Những thây người ngổn ngang

Không còn nhìn ra mặt

Cũng không có áo quần

Nằm chung một dải đất

Nghèo đói và lầm than

Bà mẹ già chống gậy

Nước mắt chảy hai hàng…”

Vẫn chưa phải là “thơ có thép”. Nhưng nói được thế cũng là bạo lắm. Mấy câu thơ trên là đoạn mở đầu của bài thơ Hồi kết cuộc, đăng trên tờ báo Dân số 3 – tờ báo nửa công khai của lực lượng Giáo chức tranh đấu Huế năm 1965. Vào thời điểm này, thành phố xôn xao vì một cuộc tấn công táo bạo của quân Giải phóng ở chi khu Hương Thủy vào ban ngày, một nơi chỉ cách xa trung tâm thành phố 10km. Sau khi quân Giải phóng rút lui, tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Quân đoàn I thu dọn chiến trường, bày ra trò triển lãm xác Việt Cộng, bắt đồng bào đến coi. Báo Dân số 3 liền đăng bài xã luận gay gắt lên án hành động dã man đó. Bài Hồi kết cuộc đăng bên cạnh bài xã luận, cũng một ý nghĩ, mục đích phản đối hành động trên. Tướng Thi ra lệnh tịch thu báo Dân, bắt giam chủ nhiệm báo là nhà giáo Trần Ngọc Anh cùng với Trần Quang Long. Long bị tù 6 tháng vì bài thơ này. Bài thơ chỉ có 16 câu, tính ra mỗi câu thơ, tác giả phải trả giá hơn 10 ngày tù. Sau khi ra tù, Long tốt nghiệp Đại học Sư phạm, đổi đi dạy học ở Quy Nhơn. Mùa hè 1966, cả một dải các tỉnh miền Trung sôi sục ngọn lửa đấu tranh. Từ Quy Nhơn, Long gởi một loạt sáng tác mới về cộng tác với nhóm Việt Nam ở Huế, ký bút hiệu là Trần Hoàng Phong. Khi phong trào đấu tranh ở Quy Nhơn bùng nổ, Long tham gia lãnh đạo ở trường Cường Để, biến nơi này thành một ổ đề kháng quyết liệt. Anh bị bắn gãy chân, rồi bị bắt đi tù lần thứ hai. Ra tù lần này, anh bị đưa về dạy học ở Cần Thơ. Đưa đi xa như thế, dụng ý của chính quyền đương thời là muốn cách ly anh với phong trào miền Trung.

Nhưng con đường cách mạng đã rộng mở, ở đâu mà chẳng có phong trào, ở đâu chẳng có đồng bào, đồng chí. Vòng tay lớn của tổ chức đã nối lại, đưa Long vào hoạt động của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Là chủ tịch sáng lập Hội Sinh viên sáng tác thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Long đã phát động một phong trào sáng tác mạnh mẽ mà tác phẩm ra mắt là tuyển tập thơ Tiếng hát những người đi tới. Riêng Long đã có những tác phẩm dài hơi như: Tiếng gọi Lam Sơn, Bông cúc vàng… Từ đấy Long vẫn tiếp tục đi, sống và sáng tác. Có những ngày lặn lội ở mật khu Hố Bò, làm quen với địa đạo Củ Chi. Có lúc quay trở về với cầu Hiền Lương, cây cầu nối liền biên giới hai miền ở vĩ tuyến 17, đêm nằm ngửa mặt nhìn sao, thân ở bờ Nam mà lòng hướng về bờ Bắc.

Tôi và Long là đôi bạn thân cùng lớp, cùng trường, cùng đi những bước đầu tiên trên đường kháng chiến, nhưng không được may mắn cùng nhau đi hết quãng đường dài. Năm 1970, khi tôi có dịp đến công tác ở cơ quan Trung ương của Mặt trận trên mật khu R – nơi công tác sau cùng của Long – thì anh không còn nữa, chỉ còn một tập thơ bị mảnh bom đục nát, đó là tập Sao rừng, bút tích cuối cùng của Trần Quang Long.

Những tưởng cuộc đời anh, cả người và thơ đến đây là hết. Nhưng không…

Cứ mỗi mùa xuân, mỗi ngày 9-1 – ngày vùng lên của tuổi trẻ học đường – trong rừng sách báo của sinh viên học sinh tranh đấu ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế lại thấy những câu thơ quen thuộc của Trần Quang Long cháy bỏng trên những trang đầu tiên:

Con sẽ vót nhọn thơ thành chông

xuyên vào gan lũ giặc

con sẽ mài thơ như kiếm sắc

chặt đầu văn nghệ tay sai

trả thù cho cha, rửa hờn cho nước

cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai

Như thế, thơ Long vẫn còn, duy khác thơ Nghiêng nón ở chỗ các bạn trẻ bấy giờ không chép thơ anh bằng mực tím nữa mà chép bằng máu đỏ trong mỗi trái tim.

Hoàng Phủ Ngọc Phan